ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 86/KH-UBND | Hòa Bình, ngày 19 tháng 6 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 38-CT/TU CỦA BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ “TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH”
Thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU, ngày 14/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”.
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 14/3/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Quán triệt nội dung của Chỉ thị số 38-CT/TU đến cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh; tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự tích cực tham gia thực hiện của các tầng lớp nhân dân đối với công tác giáo dục nghề nghiệp, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở vào học nghề; tạo chuyển biến căn bản trong việc nhận thức về học nghề; xác định học nghề là cơ sở để có việc làm và thu nhập cho bản thân, gia đình và xã hội, góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh.
2. Tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020.
3. Yêu cầu xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trong triển khai thực hiện Chỉ thị đảm bảo đồng bộ, chủ động trong công tác phối hợp, cụ thể, thiết thực, tránh hình thức.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và quần chúng nhân dân trong tỉnh. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, xây dựng xã hội học tập, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân. Từ đó góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ hiệu quả cho công cuộc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1 Mục tiêu đến năm 2020
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55% , trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 22%.
- Tuyển sinh và đào tạo khoảng 15.000 người - 16.000 người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tối thiểu đạt 20%.
- Có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp, cao đẳng
- Chuẩn hóa, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 100 lượt người.
- Phát triển chương trình, giáo trình phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng khoảng 6 chương trình các ngành nghề trọng điểm.
2.2 Mục tiêu đến năm 2025
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%, trong đó có bằng cấp chứng chỉ đạt khoảng 30%.
- Tuyển sinh và đào tạo khoảng 16.000 người - 17.000 người/năm, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp đạt tối thiểu đạt 30%.
- Có 40% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học các trường trung cấp và cao đẳng.
- Chuẩn hóa, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp cho khoảng 150 lượt người.
- Phát triển chương trình, giáo trình phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra; phù hợp với đặc điểm, điều kiện cụ thể theo yêu cầu của doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động và nhu cầu của người học trên địa bàn tỉnh. Chú trọng xây dựng khoảng 10 chương trình các ngành nghề trọng điểm.
III. NỘI DUNG NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác giáo dục nghề nghiệp
- Tiếp tục hướng dẫn Luật Giáo dục nghề nghiệp, tập trung chỉ đạo nâng cao chất lượng đào tạo nghề và giải quyết việc làm;
- Tổ chức thực hiện tốt công tác xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình đào tạo; chỉ đạo việc đánh giá chất lượng đội ngũ giáo viên;
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về công tác giáo dục nghề nghiệp, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, tạo tiền đề vững chắc từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh và đất nước.
2. Tích cực tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức về công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở
- Tiếp tục tổ chức triển khai học tập, quán triệt sâu sắc, hiệu quả Chỉ thị số 10-CT/TW để cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân nhận thức rõ công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” tại Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS. Kịp thời nêu gương các điển hình tiên tiến, các tổ chức, cá nhân, địa phương có thành tích trong công tác giáo dục nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS.
- Thực hiện chương trình đào tạo 3 năm 2 bằng, cụ thể: Các trường cao đẳng, trung cấp được thực hiện tuyển sinh cho đối tượng học sinh sau THCS, tổ chức đào tạo theo chương trình trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo, đồng thời tổ chức đào tạo trình độ trung cấp cho số lượng học sinh này với một ngành nghề cụ thể.
3. Đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới, thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với giáo viên
- Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp và cán bộ quản lý. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả của đội nhà giáo trực tiếp tham gia công tác giảng dạy.
- Thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với nhà giáo như việc xếp mã ngạch, bậc; Chính sách thu hút, chính sách đối với nhà giáo tham gia giảng dạy các ngành nghề, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,..
- Bố trí đủ kinh phí hằng năm để có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
4. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa, tăng cường đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp
- Đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các hình thức đào tạo nghề nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, các tổ chức, công dân Việt Nam, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tham gia đào tạo nghề nghiệp.
- Tổ chức cá nhân đóng góp, đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa theo quy định của Chính phủ. Ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, đào tạo nhà giáo và cán bộ quản lý, cho thuê cơ sở vật chất, thiết bị để khuyến khích các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục và cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận.
- Khuyến khích nghệ nhân, người có tay nghề cao tham gia tạo nghề nghiệp; khuyến khích, hỗ trợ đào tạo các nghề truyền thống và ngành nghề ở nông thôn.
- Đẩy mạnh gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cụ thể doanh nghiệp tham gia xác định nhu cầu ngành nghề đào tạo; doanh nghiệp tham gia trong việc xây dựng nội dung, chương trình đào tạo; doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị, vào quản lý quá trình đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên khi tốt nghiệp.
5. Đổi mới chính sách tài chính, từng bước thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đối với những ngành nghề trọng điểm, các ngành nghề phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương
- Tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị đối với những ngành nghề trọng điểm, các ngành nghề phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
- Đổi mới chính sách tài chính, từng bước thực hiện tự chủ của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
- Khuyến khích Hiệu trưởng/giám đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, mạnh dạn cam kết với người học về việc làm và thu nhập sau đào tạo.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Kế hoạch; phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể và các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện tốt các chính sách về giáo dục nghề nghiệp như: chính sách miễn giảm và cấp bù học phí quy định tại Nghị định số 86/NĐ-CP; chính sách dạy nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg ; chính sách nội trú theo Quyết định 53/QĐ-TTg ; chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định 46/QĐ-TTg. Định kỳ, hàng năm tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với Nội vụ, các Sở ngành liên quan, xem xét đề án rà soát, sắp xếp hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đôn đốc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định.
- Lập kế hoạch, kinh phí, tổ chức triển khai theo quy định các Hội thi cấp tỉnh, cụ thể: “Hội thi tay nghề cấp tỉnh”; “Hội thi thiết bị tự làm cấp tỉnh”; “Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp cấp tỉnh” theo quy định 02 năm/lần nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, khuyến khích động viên nhà giáo giáo dục nghề nghiệp học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để nâng cao hiệu quả và chất lượng giảng dạy.
2. Sở Nội vụ
- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc thi nâng ngạch, đối với đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp; Chính sách thu hút, chính sách đối với nhà giáo tham gia giảng dạy các ngành nghề, nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm,..
- Lập kế hoạch, bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hằng năm để bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp.
- Theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các sở, ban, ngành thực hiện việc sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ nội dung thực hiện các chương trình, đề án, dự án về giáo dục nghề nghiệp, các Hội thi, Hội giảng (Hội thi tay nghề, Hội thi thiết bị tự làm cấp, Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp) cấp tỉnh và quốc gia; dự toán thực hiện của các Sở, ban, ngành có liên quan do Sở Lao động tổng hợp, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh giao dự toán kinh phí để thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cân đối, bố trí nguồn đầu tư phát triển theo kế hoạch trung hạn và hàng năm; thẩm định nguồn vốn đầu tư và khả năng cân đối vốn đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các cơ quan có liên quan theo dõi, giám sát, đánh giá việc thực hiện về hiệu quả sử dụng nguồn kinh phí được cấp hàng năm.
5. Sở Giáo dục và Đào tạo
Tuyên truyền sâu rộng chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về thực hiện chủ trương phân luồng sau khi tốt nghiệp THCS. Chỉ đạo các Trường duy trì hoạt động bộ phận tư vấn tuyển sinh và giới thiệu việc làm đến các trường THCS trong tỉnh để tư vấn nghề nghiệp, giúp các em học sinh hiểu được các chính sách ưu tiên của nhà nước đối với người học nghề và những thuận lợi khi tham gia học nghề để lập nghiệp.
Tổng hợp báo cáo kết quả phân luồng học sinh tốt nghiệp THCS (qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước 31/8 hàng năm.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh tích cực tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp.
7. Báo Hòa Bình, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh Hòa Bình
Thực hiện tốt việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách về công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh; chủ động phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Chỉ thị số 38-CT/TU ngày 14/3/2018 của Ban thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”; tuyên truyền, phản ánh các hoạt động của công tác giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Hàng năm, căn cứ kế hoạch thực hiện công tác giáo dục nghề nghiệp của tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện tại địa phương; giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các xã, phường, thị trấn, định hướng đào tạo gắn với nhu cầu của thị trường; chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện tốt công tác tuyển sinh và đào tạo trên địa bàn.
- Chỉ đạo các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện xem xét quy mô sử dụng đất đai, sau khi sáp nhập, một số đơn vị tích sử dụng đất rất hẹp, chưa đảm bảo theo quy định.
- Có phương án rà soát, sắp xếp bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đạt chuẩn theo quy định.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý các hành vi vi phạm về công tác giáo dục nghề nghiệp và thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp tại địa phương.
Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì giám sát quá trình triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện định kỳ hàng năm để theo dõi, chỉ đạo./.
| KT.CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.