ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 812/KH-UBND | Kon Tum, ngày 11 tháng 04 năm 2019 |
PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
Căn cứ Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Công văn số 7779/BNN-KTHT ngày 05 tháng 10 năm 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai thực hiện Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum, với các nội dung chính, như sau:
1. Mục đích
- Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn gắn với tổ chức sắp xếp lại hoạt động sản xuất nhằm tạo sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong khu vực nông thôn, giảm dần tình trạng thuần nông, tạo thêm nhiều việc làm tăng thu nhập cho hộ gia đình, đồng thời khai thác tốt hơn tài nguyên, nguồn lao động tại chỗ, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, nâng cao giá trị các sản phẩm nông lâm nghiệp, thủy sản thông qua chế biến. Phấn đấu tăng tỷ trọng ngành nghề phi nông nghiệp khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh;
- Xây dựng và phát triển được các nghề phi nông nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống, các hợp tác xã và dịch vụ ngành nghề nông thôn; tập trung phát triển các nghề trọng điểm, hình thành sản phẩm có thương hiệu mạnh, gắn phát triển làng nghề với khai thác tốt tiềm năng du lịch và từng bước mở rộng xuất khẩu; phát triển làng nghề đi đối với bảo vệ môi trường bền vững;
- Tăng cường sự phối hợp giữa ngành và cấp, giữa các ngành, tổ chức đoàn thể quần chúng nhân dân, đặc biệt là ở cấp cơ sở trong công tác chỉ đạo điều hành, tổ chức triển khai thực hiện.
2. Yêu cầu
Tăng cường công tác chỉ đạo để triển khai thực hiện công việc phải gắn với trách nhiệm và phát huy vai trò chủ động, tích cực của các cơ quan và địa phương trong triển khai thi hành Nghị định; bảo đảm chất lượng theo đúng mục tiêu kế hoạch đã đề ra.
1. Phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
- Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống để phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng gắn với thị trường tiêu thụ và thương hiệu sản phẩm, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc;
- Củng cố, hỗ trợ làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống(1) có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống.
2. Công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống
Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xem xét về tiêu chí, lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo tiêu chí quy định tại Điều 5, 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
3. Phát triển các nhóm ngành nghề ưu tiên
a) Đối với nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản
- Tổ chức kiểm tra các nghề, làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng các cơ sở chế biến phải gắn với vùng nguyên liệu, có công nghệ phù hợp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGap.
- Triển khai lập hồ sơ đề nghị công nhận các nghề, làng nghề chế biến nông, lâm, thủy sản và nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu đề nghị công nhận làng nghề theo quy định, đối với các làng nghề sau:
+ Chế biến cà phê, mì, bún, bánh, miến: Kiểm tra cơ sở chế biến hoạt động có hiệu quả gắn với các vùng nguyên liệu và đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định.
+ Chế biến rau quả: Khuyến khích đầu tư kỹ thuật bảo quản và chế biến nhằm tăng giá trị sản phẩm, phát triển các nhà sơ chế bảo quản ngay tại vùng nguyên liệu (Phường Thắng Lợi, Phường Nguyễn Trãi, thành phố Kon Tum; xã Măng Cành, xã Đăk Long, huyện Kon Plông...).
+ Chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm: xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.
b) Ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
- Phát triển các sản phẩm hiện có của tỉnh như sơn mài, mộc mỹ nghệ, phát triển và du nhập nghề mới.
- Nghề dệt thổ cẩm: Phát triển duy trì và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của người Xê Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng.. .ở các huyện, thành phố.
c) Nhóm ngành nghề xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn
- Ngành nghề sản xuất gạch ngói: Thực hiện lộ trình chấm dứt hoạt động của các lò gạch đất sét nung sử dụng công nghệ lạc hậu và thực hiện các dự án sản xuất gạch đất sét nung theo Kế hoạch số 548/KH-UBND ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và lộ trình giảm dần, chấm dứt sản xuất gạch xây đất sét nung bằng lò thủ công trên địa bàn tỉnh Kon Tum theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Công văn số 8616/VPCP-CN ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Văn phòng Chính phủ.
d) Nhóm ngành nghề khai thác cát, sỏi, đất sét: Tổ chức lại sản xuất, khai thác cát, sỏi, đất sét theo quy hoạch đã được phê duyệt.
đ) Sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ.
- Nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ: Phát triển theo hướng nâng cấp, mở rộng các cơ sở chế biến gỗ nguyên liệu từ rừng trồng hiện nay lên thành gia công và sản xuất các chi tiết, sản phẩm phục vụ ngành đồ gỗ gia dụng và xuất khẩu.
- Nhóm ngành nghề chế biến nguyên liệu mây tre: Đầu tư có chiều sâu nghề chế biến mây tre trên địa bàn tỉnh, quy hoạch quỹ đất để phát triển diện tích trồng mây, tre, đầu tư cho khoa học đưa giống tre, mây mới có hiệu quả cao vào trồng; xây dựng các cơ sở chế biến tăm hương và nan mành; tiếp tục đầu tư, phát triển các cơ sở sản xuất chiếu trúc phục vụ trong nước và xuất khẩu. Xây dựng nghề chế biến mây, tre đan ở các huyện Kon Plông, Sa Thầy, Đăk Tô, Đăk Hà...
- Nhóm ngành nghề nghề cơ khí nhỏ: Xây dựng ở mỗi huyện, thành phố 1-2 cơ sở làm nòng cốt cho sản xuất cơ khí và sửa chữa cơ khí tại địa phương; hỗ trợ cơ giới hóa khâu làm đất, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch.
e) Ngành nghề sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh: Tập trung hỗ trợ phát triển các câu lạc bộ nghệ nhân ở các huyện, thành phố để tăng cường giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; mở các lớp đào tạo nghề về hoa kiểng, tạo ra các điểm kinh doanh sinh vật cảnh tại các huyện Kon Plông, Đăk Hà, thành phố Kon Tum... gắn với du lịch. Đẩy mạnh phát triển mô hình hợp tác xã sinh vật cảnh nhằm tập hợp vốn và số nghệ nhân đủ để thực hiện các hợp đồng cung ứng các sản phẩm có giá trị lớn cho các đô thị trong khu vực.
g) Các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn: Tập trung phát triển các Tổ hợp tác ngành nghề xây dựng đường giao thông, nhà ở, cấp thoát nước sinh hoạt và vận chuyển hàng hóa ở nông thôn. Phát triển mạnh dịch vụ cung ứng vật tư nông nghiệp và dịch vụ các khâu làm đất, gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sấy lúa.
III. CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
1. Hỗ trợ mặt bằng sản xuất
Các cơ sở ngành nghề nông thôn đề xuất dự án đầu tư có hiệu quả được tạo điều kiện thuận lợi về giao đất có thu tiền sử dụng đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và yêu cầu đòi hỏi nghiêm ngặt về xử lý ô nhiễm môi trường.
2. Về đầu tư, tín dụng
Được hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật đầu tư công; hưởng các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Được ưu tiên vay vốn từ các tổ chức tín dụng, Quỹ quốc gia về việc làm, Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia theo quy định của pháp luật.
3. Xúc tiến thương mại
- Các cơ sở ngành nghề nông thôn tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại được hỗ trợ 100% chi phí các hoạt động xúc tiến thương mại liên quan ngành nghề nông thôn: Thuê mặt bằng trình diễn sản phẩm; tổ chức hội thi; ăn nghỉ, đi lại theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 9 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
- Xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói; xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ sở hữu thương hiệu được hỗ trợ tối đa 50% chi phí, nhưng không quá 50 triệu đồng/cơ sở theo quy định điểm a khoản 3 Điều 9 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
- Nguồn kinh phí và cơ chế hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành của Chương trình xúc tiến thương mại, kế hoạch khuyến công, khuyến nông hàng năm của địa phương và Trung ương.
4. Khoa học công nghệ
Khuyến khích cơ sở ngành nghề nông thôn khi thực hiện các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới ở làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống. Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ theo quy định hiện hành.
5. Đào tạo nhân lực
- Đào tạo nhân lực làm nghề truyền thống; người làm nghề tại làng nghề, làng nghề truyền thống và người làm việc tại các cơ sở ngành nghề nông thôn, được tham gia các lớp đào tạo nghề nghiệp, người học được hưởng chính sách hỗ trợ khi đủ điều kiện theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Các nghệ nhân trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn được Nhà nước hỗ trợ kinh phí tổ chức đào tạo nghiệp vụ sư phạm nghề nghiệp, kỹ năng dạy học; được thù lao theo quy định khi tham gia đào tạo nghề nghiệp cho lao động nông thôn. Khi nghệ nhân trực tiếp truyền nghề được thu tiền học phí của người học trên nguyên tắc thỏa thuận.
- Nguồn kinh phí thực hiện do ngân sách đảm bảo từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo, dạy nghề; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các chương trình, dự án có liên quan và các nguồn hợp pháp khác. Nội dung chi và mức chi theo quy định về chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
6. Hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn
- Đối tượng hỗ trợ xây dựng dự án: Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Nội dung chi hỗ trợ dự án: Mua nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất; thuê cán bộ kỹ thuật chỉ đạo dự án; tập huấn cho người tham gia dự án, tổng kết dự án; quản lý dự án thực hiện theo quy định hiện hành;
- Nguyên tắc ưu tiên: Dự án chế biến nông, lâm, thủy sản gắn với công nghệ tiên tiến và thiết bị đồng bộ trong thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; dự án thuộc chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề; dự án phát triển hàng thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu trong nước hoặc xuất khẩu; dự án sản xuất, cung cấp nguyên vật liệu phục vụ phát triển ngành nghề nông thôn; dự án sản xuất, chế tạo thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, nông thôn; dự án phát triển sinh vật cảnh; Dự án làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; Dự án sản xuất các sản phẩm từ phế phẩm, phụ phẩm nông nghiệp;
- Nguồn kinh phí hỗ trợ Dự án phát triển ngành nghề nông thôn từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình khuyến nông, khuyến công và ngân sách của địa phương. Mức hỗ trợ tối đa 50% nhưng không quá 500 triệu đồng/dự án theo quy định điểm d, khoản 1 tại Điều 12 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
7. Hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các làng nghề
- Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề: Đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề;
- Nguyên tắc ưu tiên: Hỗ trợ đầu tư làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống;
- Nguồn kinh phí hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu và các nguồn hợp pháp khác.
1. Giải pháp về nguồn nguyên liệu
- Hỗ trợ phát triển các nguồn nguyên liệu có thế mạnh của tỉnh. Các loại nông, lâm sản phổ biến như cà phê, gạo, ngô, sắn, tre, keo, sản phẩm thực phẩm từ chăn nuôi có lợi thế; cần chỉ đạo phân loại rõ ràng, quy hoạch để phát triển các vùng nguyên liệu tập trung tạo tính ổn định cung ứng phục vụ sản xuất và đảm bảo về chất lượng của các sản phẩm chế biến;
- Hỗ trợ cho các cơ sở ngành nghề nông thôn xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, bán hàng trực tuyến; thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hóa, bảo hộ thương hiệu; hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam.
2. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Triển khai có hiệu quả đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó ưu tiên, chú trọng các nghề phục vụ trực tiếp các doanh nghiệp nông nghiệp, các làng nghề, cơ sở chế biến và chương trình xây dựng nông thôn mới. Đào tạo nghề phải gắn với giải quyết việc làm cho người lao động chưa có việc làm. Phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp có sử dụng lao động nông nghiệp, các cơ sở sản xuất, làng nghề trong đào tạo để gắn lý thuyết và thực hành nhằm tạo được đội ngũ lao động ngành nghề nông thôn có tay nghề, chất lượng. Tiếp tục thực hiện chính sách của tỉnh hỗ trợ các nghệ nhân có tay nghề, kỹ thuật để khuyến khích các nghệ nhân truyền nghề, đào tạo nghề cũng như phát triển thêm nghề mới tại các địa phương có điều kiện phát triển;
- Cần phối hợp với các chương trình, dự án quốc tế để thu hút các chuyên gia và các tình nguyện viên về phát triển ngành nghề nông thôn, các chuyên gia về phát triển sản phẩm, chuyên gia kỹ thuật sản xuất và thị trường nhằm hỗ trợ cho đội ngũ giảng dạy các cơ sở ngành nghề.
3. Giải pháp về vốn
Căn cứ kết quả phát triển ngành nghề của các địa phương, hàng năm báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối bố trí kinh phí triển khai thực hiện phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn và Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; bố trí nguồn kinh phí để triển khai chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề;
- Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến công, tăng cường huy động các nguồn lực cho phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn. Hàng năm bố trí cho lĩnh vực phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn;
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; các chương trình hỗ trợ vay vốn trên địa bàn tỉnh;
- Kinh phí triển khai thực hiện nhiệm vụ tại Kế hoạch này được bố trí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
4. Giải pháp về xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm
- Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục nghiên cứu, lựa chọn các làng nghề và sản phẩm làng nghề tiêu biểu để xây dựng thương hiệu;
- Đẩy mạnh truyền truyền và tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu, tham gia các hội chợ về ngành nghề, làng nghề nông thôn cho các cơ sở sản xuất, làng nghề, sản phẩm ngành nghề nông thôn của tỉnh.
5. Các giải pháp khác
- Tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế hợp tác, liên doanh, liên kết; giúp đỡ, hỗ trợ đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát;
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước, phát hiện và xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc của các làng nghề để thúc đẩy phát triển sản xuất; đồng thời ngăn chặn, phát hiện, đình chỉ hoạt động, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm quy định trong sản xuất, kinh doanh, thông báo rộng rãi những sản phẩm không bảo đảm chất lượng cho nhân dân phòng tránh.
1. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (sau đây gọi là cấp huyện)
a) Tổ chức, triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung theo Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và theo quy định tại Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; Quản lý bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và tình hình thực hiện các quy định về tiêu chí công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn theo quy định hiện hành.
b) Kiểm tra, rà soát nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn quản lý; lập hồ sơ đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống (đảm bảo các tiêu chí theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ) gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xét công nhận.
c) Định kỳ (6 tháng, năm) kiểm tra, rà soát nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận nhưng không còn đạt các tiêu chí theo quy định, lập hồ sơ đề nghị thu hồi bằng công nhận, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan; tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh để xem xét, thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống.
d) Xây dựng, tổng hợp dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn vào dự toán ngân sách hàng năm của địa phương, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư (trước 20/8 hàng năm) xem xét, tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Ngoài nguồn kinh phí bố trí trực tiếp thực hiện chính sách, các địa phương có trách nhiệm bố trí, cân đối thêm từ các nguồn kinh phí các chương trình, dự án khác và nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
đ) Định kỳ 6 tháng (trước ngày 30 tháng 6), hằng năm (trước ngày 20 tháng 12) hoặc đột xuất theo yêu cầu báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Phối hợp với các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện đảm bảo các nội dung Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn này; đồng thời, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn ở các đơn vị, địa phương; định kỳ 5 năm một lần, rà soát, thống kê, phân loại, lập quy hoạch (hoặc kế hoạch quản lý) phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
b) Tiếp nhận hồ sơ (theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP của Chính phủ) của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố về đề nghị công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống và thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống không còn đạt các tiêu chí theo quy định. Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu, trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Hội đồng xét duyệt, quyết định về việc cấp bằng, công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống hoặc thu hồi bằng công nhận nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống theo đúng quy định.
c) Trên cơ sở đề xuất của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổng hợp kế hoạch, dự toán kinh phí phát triển ngành nghề nông thôn gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
d) Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện Kế hoạch gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan:
a) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân cấp huyện công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống; hướng dẫn cụ thể về tiêu chí bản sắc văn hóa dân tộc đối với các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống để xem xét, công nhận; rà soát, lập danh sách làng nghề được công nhận; thực hiện công tác bảo vệ môi trường làng nghề; đầu tư, nâng cấp các hạng mục công trình xử lý chất thải cho làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.
b) Phổ biến, tuyên truyền chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn để các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thực hiện các chương trình, đề án, dự án hoặc các hoạt động có liên quan đến phát triển ngành nghề nông thôn tiếp cận các nguồn lực, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn.
Trên đây là Kế hoạch phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc đề nghị đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo và đề xuất hướng giải quyết gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 Giải thích từ ngữ theo Điều 3 Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.