ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/KH-UBND | Thanh Hóa, ngày 16 tháng 3 năm 2020 |
VỀ QUẢN LÝ RÁC THẢI NHỰA ĐẠI DƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2030.
Thực hiện Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 với các nội dung cụ thể như sau:
1. Mục tiêu chung
- Thực hiện có hiệu quả công tác quản lý rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa ra biển từ các nguồn thải trên đất liền và từ các nguồn thải trên biển, phấn đấu giảm thiểu rác thải nhựa trên vùng biển thuộc quản lý của UBND tỉnh Thanh Hóa.
- Góp phần thúc đẩy hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành; ứng xử và thói quen các tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường do sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy trong sinh hoạt, làm thay đổi từ nhận thức thành hành động cụ thể để hạn chế dần việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy, thay thế bằng sản phẩm thân thiện với môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Mục tiêu đến năm 2025
- Giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển; thu gom 50% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 50% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; khu bảo tồn biển Hòn Mê không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy.
- Quan trắc định kỳ 2 năm/lần hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.
b) Mục tiêu đến năm 2030
- Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển; thu gom 75% ngư cụ khai thác bị mất hoặc vứt bỏ; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở sản xuất kinh doanh lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân huy; bảo đảm tối thiểu một năm hai lần phát động tổ chức chiến dịch thu gom, làm sạch các bãi biển; duy trì không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy tại khu bảo tồn biển Hòn Mê.
- Quan trắc hằng năm hiện trạng rác thải nhựa trên biển tại 6 cửa sông gồm: Lạch Bạng, Lạch Trường, Lạch Hới, Lạch Sung, Lạch Ghép và Lạch Càn.
II. NỘI DUNG VÀ TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN
1.1. Nội dung thực hiện:
- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của rác thải nhựa, túi nilon khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người;
- Tuyên truyền, vận động người dân xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy. Nâng cao nhận thức cộng đồng về cách thức, ý nghĩa của việc phân loại chất thải tại nguồn.
- Tuyên truyền, huy động sự tham gia của cộng đồng trong các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương.
- Biểu dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích tốt, các sáng kiến có giá trị, triển khai nhân rộng mô hình tốt trong phong trào thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển, trên biển.
- Tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân tăng cường tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa, thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
- Đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy và hành vi xả rác thải, rác thải nhựa ra môi trường đối với cộng đồng cư dân ven biển, ngư dân, thủy thủ, khách du lịch và các tổ chức, doanh nghiệp; nâng cao năng lực, kinh nghiệm quản lý chất thải, rác thải nhựa cho đội ngũ cán bộ quản lý các cấp, đặc biệt các xã thuộc 6 huyện ven biển.
1.2. Hình thức thực hiện:
- Đăng tải các hình ảnh, các nội dung liên quan về kế hoạch hành động về quản lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 trên các website của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị.
- Tuyên truyền rộng rãi trên các chương trình phát thanh trên phương tiện truyền thông.
- Xây dựng các phóng sự tuyên truyền.
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền vào các buổi tập huấn về phân loại rác tại nguồn, với các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6, Ngày Đại dương Thế giới 08/6, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Chiến dịch làm cho Thế giới sạch hơn để các tổ chức, doanh nghiệp và tầng lớp nhân dân biết và tham gia các hoạt động.
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về tác hại của rác thải nhựa đại dương và đề xuất giải pháp về ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh.
- Xây dựng tiểu phẩm, hài kịch, tổ chức các buổi tuyên truyền lưu động, xây dựng các cụm pano tuyên truyền về phân loại rác, tác hại của rác thải nhựa và cách phân loại xử lý.
1.3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2030.
2.1. Nội dung thực hiện
- Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển tại các xã ven biển tối thiểu một năm hai lần. Bố trí các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, an toàn, thuận lợi, bảo đảm mỹ quan và vệ sinh môi trường tại các khu vực ven biển.
- Huy động sự tham gia của người dân trong thu gom, thống kê, phân loại rác thải nhựa đại dương và phối hợp xây dựng cơ sở thông tin, dữ liệu về rác thải nhựa đại dương thống nhất, phù hợp với cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải.
- Tạo điều kiện, khuyến khích và hỗ trợ các tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa ở các lưu vực sông, khu vực các hộ sinh thái ven biển, rừng ngập mặn, các bãi tắm, vùng nước ven biển.
2.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2030.
3. Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn
3.1. Nội dung nhiệm vụ
- Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và từ các hoạt động trên biển, hải đảo; thực hiện tốt mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, hoàn thiện hệ thống thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa tại các khu công nghiệp, đô thị, khu du lịch, khu dân cư tập trung ven biển, ven sông, cảng biển theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Lồng ghép thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước và có biện pháp xử lý vi nhựa từ nước thải khu đô thị và khu công nghiệp, nhất là tại vùng ven biển, cửa sông, vùng biển ven bờ.
- Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về thu gom và xử lý chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động kinh tế thuần biển, bao gồm: du lịch và dịch vụ biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng và khai thác thủy sản, đặc biệt tại các đảo có tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ biển và đa dạng sinh học cao.
- Ngăn ngừa, giảm thiểu việc thải bỏ, làm thất lạc ngư cụ khai thác thủy sản đi đôi với thực hiện nghiêm các chế tài, công cụ xử phạt vi phạm; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý thường xuyên và đột xuất các trường hợp vi phạm về xả thải trên biển.
3.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2030.
4.1. Nội dung nhiệm vụ
- Đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các tỉnh và vùng lãnh thổ có biển về rác thải nhựa đại dương.
- Huy động các nguồn lực quốc gia và quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật, đầu tư kiểm soát rác thải nhựa đại dương; tiếp nhận các mô hình quản lý, công nghệ sản xuất các sản phẩm thay thế, tái chế chất thải nhựa và chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
- Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trong xử lý và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; khuyến khích nghiên cứu, phát triển hệ thống thu gom và xử lý rác thải nhựa đại dương trên cơ sở có điều chỉnh, thích ứng với điều kiện thực tiễn của địa phương.
- Xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu xây dựng luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn về rác thải nhựa đại dương; đánh giá nguy cơ, rủi ro ô nhiễm và các tác động của rác thải nhựa, đặc biệt là vi nhựa đối với biển, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người.
- Xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát rác thải nhựa đại dương dựa trên công nghệ tiên tiến, hiện đại.
4.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020 đến năm 2025.
5.1. Nội dung thực hiện:
Thông tin cụ thể, chính xác về những trường hợp vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, nhất là các trường hợp vứt, đổ chất thải, rác thải nhựa không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường.
5.2. Thời gian thực hiện: Từ năm 2020.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch hành động được sử dụng trong dự toán kinh phí chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị và các nguồn hợp pháp khác.
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc triển khai tổ chức thực hiện Kế hoạch; chịu trách nhiệm đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ. Định kỳ hằng năm và 5 năm tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
- Chủ trì biên soạn các chương trình truyền thông về tác hại của rác thải nhựa đối với biển và đại dương, các hệ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; phát động các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; xây dựng và thực hiện các chương trình truyền thông về rác thải nhựa đại dương gắn với việc tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam; lồng ghép nội dung tuyên truyền về kế hoạch vào chương trình tập huấn về phân loại rác thải tại nguồn triển khai tại các địa phương.
- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện ven biển, các cơ quan liên quan xây dựng và vận hành mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường, định kỳ đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông chính, khu vực ven biển có tiềm năng phát triển du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra giám sát việc thực hiện kế hoạch hành động.
2. Sở Tài chính
Chủ trì cùng với các Sở, ban, ngành liên quan bố trí kinh phí đảm bảo thực hiện kế hoạch theo quy định.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa; các cuộc thi tìm hiểu trong học sinh, sinh viên về tác hại của việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa đại dương.
- Chủ trì xây dựng và lồng ghép nội dung về bảo vệ môi trường biển, ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa đổ ra biển và đại dương trong các chương trình giáo dục, đào tạo ở các cấp học với các hình thức và nội dung phù hợp.
4. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Chỉ đạo Ban quản lý các khu du dịch, khu di tích, các đền, chùa, miếu ven biển thực hiện việc "Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần", "Hạn chế sử dụng túi ni lon khó phân hủy" ở những khu vực thích hợp nhằm tuyên truyền về việc hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa sử dụng một lần cũng như xả thải các loại rác thải này ra biển.
5. Sở khoa học và Công nghệ
- Ưu tiên đưa các đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói, túi xách thân thiện môi trường thay thế túi ni lông, đổ nhựa khó phân hủy vào đề tài cấp tỉnh có hỗ trợ về kinh phí.
- Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách thân thiện với môi trường; chuyển giao công nghệ tái chế chất thải đồ nhựa và túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
6. Sở Ngoại vụ
Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường vận động, huy động, lựa chọn nguồn tài trợ phù hợp với các quốc gia, các tổ chức quốc tế để thực hiện Kế hoạch.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp với các Sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về quản lý rác thải nhựa đại dương đến cán bộ, tổ chức, cá nhân và cộng đồng.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, kiểm soát rác thải nhựa từ các hoạt động kinh tế thuần biển trong phạm vi trách nhiệm quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, có liên quan kiểm soát chặt chẽ rác thải nhựa phát sinh tại các khu bảo tồn biển và cộng đồng ngư dân ven biển.
9. Sở Công Thương và Giao thông Vận tải
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, ban, ngành, có liên quan xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch quản lý, kiểm soát rác thải nhựa từ các hoạt động kinh tế thuần biển trong phạm vi trách nhiệm quản lý.
10. Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp.
Tổ chức tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp hoạt động khu vực cảng biển hoặc ven biển trong Khu kinh tế và các khu công nghiệp tích cực thực hiện việc sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa đại dương.
11. Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh
Phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến quản lý rác thải nhựa đại dương.
12. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa và các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình, chuyên trang, chuyên mục để thông tin, tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa, túi ni lông khó phân hủy đối với biển và đại dương, các hộ sinh thái biển, môi trường và sức khỏe con người; các chương trình thu gom, xử lý rác thải nhựa đại dương; trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng dân cư và người dân trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và xử lý rác thải nhựa đại dương
- Kịp thời phản ánh tình hình triển khai thực hiện phong trào "Chống rác thải nhựa đại dương" trên địa bàn tỉnh; đề xuất các tổ chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền nhân rộng.
13. Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc sử dụng túi ni lon và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong trào vì môi trường và các đợt tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa và túi ni lon tại các khu vực ven biển.
14. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố ven biển
- Căn cứ nội dung Kế hoạch để xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp cho địa phương, đơn vị mình nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch.
- Lựa chọn hình thức tuyên truyền, hình thức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, phân loại rác thải nhựa và túi nilon tại các khu vực ven biển phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
- Phân rõ trách nhiệm cho các tổ chức đoàn thể, cá nhân chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch hành động của địa phương.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã ven biển triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung trên. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.