ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 7589/KH-UBND | Hải Phòng, ngày 08 tháng 10 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 06/2014/NĐ-CP NGÀY 21/01/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BIỆN PHÁP VẬN ĐỘNG QUẦN CHÚNG BẢO VỆ AN NINH QUỐC GIA, GIỮ GÌN TRẬT TỰ, AN TOÀN XÃ HỘI
Thực hiện Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và Kế hoạch số 228/KH- BCA-V28 ngày 24/7/2014 của Bộ Công an thực hiện Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ; Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Nghị định số 06/2014/NĐ-CP ngày 21/01/2014 của Chính phủ và kế hoạch số 228/KH- BCA-V28 ngày 24/7/2014 của Bộ Công an về biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội (gọi tắt là bảo vệ an ninh, trật tự), tạo sự chuyển biến về nhận thức, ý thức trách nhiệm của tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).
2. Tăng cường, đổi mới trong tổ chức thực hiện biện pháp vận động quần chúng; nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự; huy động và phát huy sức mạnh của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới.
II. NỘI DUNG TRỌNG TÂM
1. Tổ chức tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị định số 06/2014/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an và thành phố về quyền và nghĩa vụ của công dân trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Tuyên truyền, giáo dục mọi công dân nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, về vai trò của nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm của mọi công dân, đặc biệt mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải nêu cao tính gương mẫu, tự giác tham gia với tinh thần trách nhiệm cao, đồng thời tích cực tuyên truyền, vận động người cùng cơ quan, tổ chức, gia đình và nhân dân tham gia nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Quán triệt, thực hiện tốt trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và trách nhiệm của cơ quan, cán bộ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự để tổ chức triển khai hiệu quả các nội dung biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
2. Đẩy mạnh các nội dung, hình thức tổ chức vận động quần chúng thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới” gắn với thực hiện Kết luận số 86- KL/TW ngày 05/11/2010 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 14/10/2006 của Bộ Chính trị về “Tăng cường lãnh đạo công tác đảm bảo an ninh quốc gia trong tình hình mới”, Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới”, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, thực hiện mục tiêu “3 giảm, 2 không” về an ninh, trật tự (giảm tội phạm; giảm tệ nạn xã hội; giảm tai nạn giao thông; không sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, đốt pháo và thả đèn trời, không vi phạm môi trường); xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.
3. Triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự. Triển khai thực hiện các thông tư của Bộ Công an hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật An ninh quốc gia năm 2004 quy định về xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân; hướng dẫn tổ chức thực hiện Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hướng dẫn công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự; hướng dẫn việc xây dựng, thành lập và hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ hướng dẫn chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Thông tư liên tịch giữa Bộ Công an và Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm thực hiện biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự.
4. Hướng về cơ sở, lấy địa bàn khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường làm cốt lõi để triển khai lực lượng, phương tiện và biện pháp vận động quần chúng, thực hiện các nội dung về củng cố, xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân. Tập trung vận động quần chúng, củng cố phong trào ở các địa bàn có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng, khu vực biển đảo, vùng có đông đồng bào tôn giáo, các nhà trường, khu kinh tế tập trung, địa bàn giáp ranh, các khu đô thị và vùng nông thôn đang có tốc độ đô thị hóa cao.
Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tích cực phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm, tham gia cảm hóa, giáo dục những người vi phạm pháp luật tại gia đình và cộng đồng dân cư. Tổ chức các đợt tập trung vận động quần chúng tham gia tấn công trấn áp tội phạm, tệ nạn xã hội, truy bắt các đối tượng có lệnh truy nã, trốn thi hành án, vận động tội phạm ra đầu thú, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép, phòng chống cháy nổ, giữ gìn trật tự an toàn giao thông.
5. Phát huy tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo “Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ” ở các cấp. Đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, quy chế, chương trình phối hợp giữa Công an với Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các ngành, đoàn thể về công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; thực hiện Nghị định số 77/2010/NĐ-CP của Chính phủ về phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng. Hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Gắn kết phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ với các cuộc vận động, các phong trào cách mạng, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhiệm vụ chính trị của mỗi cơ quan, đơn vị, đoàn thể.
6. Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp vận động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ phù hợp với từng vùng, từng đối tượng, điều kiện về kinh tế - xã hội. Xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả thiết thực về phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; phát triển các mô hình quần chúng tự quản, liên kết bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa, với các hình thức tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải về an ninh, trật tự ở cơ sở. Vận dụng xây dựng mô hình có hiệu quả thiết thực ở từng đơn vị cơ sở, với nội dung, cách làm phù hợp, đáp ứng thực tiễn yêu cầu nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự, gắn kết chặt chẽ với thực hiện các quy ước, hương ước xây dựng làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng cơ quan, đơn vị an toàn - đoàn kết - văn hóa; khắc phục tình trạng chồng chéo, hình thức, kém hiệu quả trong việc xây dựng mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
7. Kịp thời khen thưởng, động viên những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, nhất là những gương quần chúng dũng cảm, mưu trí đấu tranh phòng chống tội phạm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự. Cơ quan, tổ chức, cá nhân do tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự mà bị tổn hại về danh dự thì được khôi phục, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù; cá nhân bị chết do trực tiếp tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự thì được xem xét công nhận là liệt sỹ, nếu bị thương làm suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên thì được xem xét để hưởng chính sách như thương binh theo, quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
8. Quan tâm xây dựng lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân trong sạch, vững mạnh. Chú trọng việc bồi dưỡng, học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ chính trị, pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là các đơn vị nghiệp vụ và cán bộ, chiến sỹ làm công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự. Trên cơ sở quán triệt chức năng, nhiệm vụ được giao, các đơn vị nghiệp vụ và cán bộ, chiến sỹ chuyên trách bảo vệ an ninh, trật tự cần phải làm tốt công tác tham mưu, đề xuất ban hành chủ trương, quy định, kế hoạch huy động và sử dụng sức mạnh của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng, thành lập và hoạt động của các mô hình tổ chức quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đồng thời tuyên truyền, động viên, hướng dẫn cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị định số 06/2014/NĐ-CP của Chính phủ về “Biện pháp vận động quần chúng bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội” và Kế hoạch này, đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch cụ thể về công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.
2. Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng, chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về công tác vận động quần chúng bảo vệ an ninh, trật tự, đồng thời hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện ở các đơn vị, địa phương.
3. Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc thường xuyên; định kỳ đánh giá, rút kinh nghiệm để phát huy những kết quả và khắc phục những hạn chế, tồn tại; hàng năm sơ kết, báo cáo về Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thành phố để theo dõi, chỉ đạo./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.