ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 74/KH-UBND | Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG SẢN XUẤT, KINH DOANH NÔNG SẢN THỰC PHẨM AN TOÀN VÌ SỨC KHỎE CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2018 - 2020
Thực hiện Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 3/11/2017 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2018 - 2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nâng cao ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm không an toàn, xóa bỏ hiện tượng sản xuất để ăn, phân biệt với để bán như “rau hai luống, lợn hai chuồng”.
- Vận động toàn xã hội nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân, từng hộ gia đình, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến căn bản trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở hình thành nếp sống văn hóa nhằm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
- Tiếp tục vận động, hướng dẫn, tập huấn áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như: hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn giữa cơ sở sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng, khai thác thủy sản) với các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố trong tuyên truyền, vận động, sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm an toàn; giám sát, phát hiện, lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh, nông sản thực phẩm không an toàn. Làm thay đổi tư duy cũ trong sản xuất, tiêu dùng nông sản thực phẩm.
- Đảm bảo việc phối hợp đồng bộ, kịp thời, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phát huy sức mạnh tổng hợp để đạt được mục tiêu, nội dung của Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 3/11/2017 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020. Định kỳ hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân tiêu biểu trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
II. NỘI DUNG
1. Tuyên truyền quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; thông tin, phổ biến kiến thức về sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản thực phẩm an toàn:
- Tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, quy định về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn như: Luật An toàn thực phẩm và Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật An toàn thực phẩm; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 9/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Chỉ thị số 10/CT-TU ngày 27/10/2016 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn Hà Nội; Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 22/01/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản; an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn thành phố Hà Nội; Kế hoạch hành động số 58/KH-UBND ngày 09/3/2018 của Ủy ban nhân dân Thành phố về bảo đảm an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp và các văn bản liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm.
- Thông tin, phổ biến, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm, lợi ích của việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với sức khỏe cộng đồng, trách nhiệm của người sản xuất, chế biến, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm an toàn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chế biến nông sản thực phẩm.
- Tập huấn kiến thức, kỹ năng nhận diện sản phẩm nông sản thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng; thường xuyên cung cấp thông tin về các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, vận động phê phán, đấu tranh với các cơ sở không đảm bảo vệ sinh, an toàn nông sản thực phẩm, coi nhẹ sức khỏe cộng đồng.
2. Hướng dẫn, tập huấn, vận động áp dụng và nhân rộng mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng nông sản an toàn:
- Truyền thông, hướng dẫn, tập huấn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển và tiêu dùng thực phẩm an toàn; cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia thực phẩm...; vận động áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, yêu cầu đối với các tổ chức trong chuỗi thực phẩm (ISO 22000)... trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm.
- Hướng dẫn, vận động các cơ sở sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng phù hợp như:
+ Hợp tác xã, tổ hợp tác liên kết với các hộ nông dân từ khâu cung cấp vật tư, dịch vụ đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm.
+ Liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn theo chuỗi từ trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng đến giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh đảm bảo an toàn thực phẩm.
- Xây dựng và nhân rộng các mô hình nông dân, phụ nữ sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn.
3. Hỗ trợ kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn:
- Tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
- Tăng cường phát triển chuỗi, xác nhận chuỗi đảm bảo an toàn thực phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, giới thiệu quảng bá đến người tiêu dùng thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội.
- Tổ chức các hội nghị xúc tiến giới thiệu sản phẩm an toàn của các chuỗi tới người tiêu dùng, tổ chức các hoạt động tham quan nơi sản xuất chế biến, thử nếm sản phẩm, hướng dẫn để người tiêu dùng dần thay đổi thói quen tiêu dùng hướng tới sản phẩm an toàn; vận động các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cùng tham gia vào việc thực hiện Kế hoạch.
4. Hỗ trợ các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố trong tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; giám sát, lên án các trường hợp sản xuất, kinh doanh không an toàn.
- Biên soạn và phổ biến các tài liệu truyền thông, tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố.
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, huy động người có uy tín trong cộng đồng tham gia các hoạt động truyền thông định kỳ cũng như chiến dịch truyền thông trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm; lồng ghép truyền thông về an toàn thực phẩm với các cuộc họp tại cộng đồng dân cư. Xử lý kịp thời các thông tin sai, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng.
- Tăng cường công tác giám sát phát hiện kịp thời những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản thực phẩm không đảm bảo an toàn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời biểu dương các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan đầu mối triển khai Kế hoạch và chịu trách nhiệm thực hiện:
- Chủ trì biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; tài liệu hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm về mô hình, quy trình sản xuất, kinh doanh và tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố: Tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn về an toàn thực phẩm cho các cấp Hội; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nhận diện các sản phẩm nông sản an toàn; trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ trên địa bàn tại các Hội nghị, buổi sinh hoạt thường kỳ của các cấp Hội.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương phổ biến kinh nghiệm tổ chức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn.
- Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm, ứng dụng hệ thống phần mềm thông tin điện tử trong quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm tươi sống bằng tem điện tử mã QR.
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành thuộc Sở phối hợp với các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ ở các địa phương tổ chức triển khai các nội dung trong Kế hoạch.
2. Sở Công Thương:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ và cử cán bộ làm giảng viên trong tập huấn cho cán bộ, hội viên các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ của Thành phố theo tài liệu biên soạn.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố để tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn về an toàn thực phẩm lĩnh vực được phân công cho các cấp Hội ở địa phương.
- Hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực phẩm an toàn; tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả và thực phẩm không an toàn lưu thông trên thị trường.
3. Sở Y tế:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc biên soạn tài liệu tuyên truyền, phổ biến kiến thức, quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ và cử cán bộ làm giảng viên trong tập huấn cho cán bộ, hội viên các cấp Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ của Thành phố theo tài liệu biên soạn.
- Phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố để tổ chức tập huấn, giám sát, hỗ trợ chuyên môn về an toàn thực phẩm lĩnh vực được phân công cho các cấp Hội ở địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm.
4. Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân Thành phố cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách Thành phố để thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.
5. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp thông tin, hướng dẫn các cơ quan báo chí Thành phố và cơ quan báo chí Trung ương trong công tác tuyên truyền; đồng thời chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở tăng cường tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng và công tác triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố.
6. Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã:
- Chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn triển khai nội dung Kế hoạch trên địa bàn.
- Phối hợp với Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp tổ chức thực hiện Kế hoạch.
- Bố trí kinh phí và tạo điều kiện để thực hiện nội dung Kế hoạch này đến cấp xã và khu dân cư.
7. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội Mới, Báo Kinh tế và Đô thị... phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các Sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường thông tin, tuyên truyền về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; biểu dương các điển hình tiên tiến; đưa tin kịp thời về các tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm.
8. Đề nghị Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố chỉ đạo các các cơ quan, cấp hội trực thuộc phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình phối hợp số 526/CTPH-CP-HNDVN-HLHPNVN ngày 3/11/2017 giữa Chính phủ - Hội Nông dân Việt Nam - Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về tuyên truyền vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017 - 2020 và Kế hoạch này.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được lấy từ nguồn ngân sách Thành phố giao các cấp, các ngành thực hiện quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm; từ các đề án, chương trình và nguồn kinh phí hợp pháp khác.
V. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
1. Các cơ quan phối hợp thường xuyên cập nhập thông tin, kết quả thực hiện Kế hoạch, kịp thời trao đổi, giải quyết các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Kế hoạch.
Định kỳ hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tổng hợp kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm thành phố Hà Nội.
2. Kết thúc giai đoạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố và các cơ quan liên quan tham mưu, đánh giá, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.