ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 71/KH-UBND | Quảng Ngãi, ngày 07 tháng 5 năm 2019 |
PHÒNG, CHỐNG BỆNH KHÔNG LÂY NHIỄM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI GIAI ĐOẠN 2019 - 2025
Bệnh không lây nhiễm (BKLN) là bệnh không lây truyền từ người này sang người khác hoặc từ động vật sang người. Có nhiều loại BKLN khác nhau, tuy nhiên tập trung vào 4 nhóm bệnh chính, gồm bệnh tim mạch (tăng huyết áp, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, đột quỵ), ung thư, bệnh đường hô hấp mạn tính (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường (chủ yếu là tuýp 2). BKLN ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội do số người mắc bệnh ngày càng tăng, bệnh gây tàn tật và tử vong cao.
Nhằm khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các BKLN, góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019 -2025, cụ thể như sau:
I. Tình hình BKLN trên thế giới
Theo thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2017, BKLN đang trở thành nhóm bệnh có số lượng tử vong cao nhất trên thế giới với khoảng 40 triệu người tử vong hằng năm (chiếm 70-75% số lượng tử vong trên toàn cầu) và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nguyên nhân hàng đầu của tử vong do BKLN trên toàn cầu năm 2017 là bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và đái tháo đường...
II. Tình hình BKLN tại Việt Nam
Theo báo cáo của Bộ Y tế, năm 2017, tại Việt Nam, các BKLN đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Cứ 10 người tử vong có 7 người mắc các BKLN như: tim mạch, đái tháo đường, ung thư, phổi mãn tính, chiếm 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật. Đặc biệt, các BKLN gây ra 73% các trường hợp tử vong hàng năm và trong số đó có đến 40% tử vong trước 70 tuổi. Thực trạng một số yếu tố nguy cơ gây bệnh:
- Hút thuốc lá: Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%. Hàng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá.
- Lạm dụng rượu bia: Việt Nam là một trong các quốc gia có mức tiêu thụ đồ uống có cồn tăng nhanh qua các năm. Theo Bộ Y tế, năm 2017 Việt Nam đứng thứ hai các nước Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và đứng thứ 29 trên toàn thế giới về tình hình tiêu thụ rượu, bia, trung bình nam giới trên 15 tuổi tiêu thụ 27,4 lít đồ uống có cồn/năm.
- Dinh dưỡng không hợp lý: Theo kết quả điều tra STEPS năm 2015, có khoảng 57,2% dân số trưởng thành ăn thiếu rau quả so với khuyến cáo của WHO (400g/ngày), mức tiêu thụ muối/người/ngày cao gấp 2-3 lần so với khuyến cáo, khoảng từ 10-15g/ngày.
- Ít hoạt động thể lực: Kết quả điều tra STEPS năm 2015, gần 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút/tuần hoặc tương đương). Bên cạnh đó, 15,6% số người dân Việt Nam hiện đang bị thừa cân béo phì và tỷ lệ này lại đang có xu hướng tăng nhanh theo thời gian.
- Tăng huyết áp: Theo kết quả điều tra năm 2008, tỷ lệ tăng huyết áp ở người độ tuổi 25-64 là 25,1%.
- Thừa cân, béo phì: Năm 2015, điều tra STEPS 15,6% số người dân Việt Nam bị thừa cân béo phì (BMI≥25) và không có sự khác biệt giữa nam và nữ, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở thành thị (21,3%) so với nông thôn (12,6%)
- Tăng đường máu: Năm 2015, điều tra STEPS, Tỷ lệ có rối loạn đường huyết lúc đói là 3,6% và tỷ lệ tăng đường huyết (chỉ số đường huyết cao hoặc đang dùng thuốc điều trị đái tháo đường) là 4,1%
Tại tỉnh Quảng Ngãi
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa có điều tra xã hội học về các yếu tố nguy cơ, nguyên nhân gây ra các BKLN (hút thuốc lá; lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý; ít hoạt động thể lực; thừa cân, béo phì...)
Các bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng do số người mắc bệnh nhiều, bệnh gây tàn tật và tử vong cao. Đến cuối năm 2017, theo tổng hợp và báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi số người tăng huyết áp được phát hiện 13.824 người, số bệnh nhân đái tháo đường là 3.850 người, số bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là 892 người, hen phế quản là 1.545 người, ung thư được quản lý hiện tại là 622 người, tâm thần phân liệt 2476, động kinh 2178 người.
BKLN nguy hiểm, tỷ lệ mắc và tử vong cao gây ra nhiều hậu quả về cả sức khỏe, kinh tế và xã hội trên địa bàn tỉnh. BKLN là những bệnh có thời gian bị bệnh dài, tiến triển chậm. BKLN vừa phòng ngừa được vừa điều trị được. Nguy cơ phát triển BKLN có thể giảm được nhờ lối sống lành mạnh hơn và môi trường thuận lợi, bằng các can thiệp hiệu quả nhằm vào các yếu tố nguy cơ chung gồm có: sử dụng thuốc lá, ăn uống không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực và lạm dụng rượu bia.
Tuy nhiên, hoạt động phòng, chống BKLN ở Việt Nam nói chung và tại tỉnh Quảng Ngãi vẫn chưa được chú trọng đúng mức. Vẫn còn thiếu một chiến lược đối phó với các loại bệnh mạn tính không lây nhiễm. Công tác phòng chống, điều trị các bệnh này còn chưa mạnh về chuyên môn, thiếu trang thiết bị, chưa xây dựng được hệ thống giám sát BKLN mà chủ yếu dựa vào báo cáo của hệ thống các bệnh viện. Trong khi đó, nguồn nhân lực, tài chính quá thiếu, khiến các mô hình can thiệp dự phòng tại cộng đồng chỉ được thực hiện ở quy mô nhỏ, không có mô hình lồng ghép, riêng từng nhóm bệnh.
Nguy cơ BKLN tăng dần theo tuổi thọ do sự phơi nhiễm trong thời gian dài của các cơ quan bộ phận chức năng của cơ thể và giảm khả năng hệ thống miễn dịch. Điều này sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người dân.
- Quyết định số 376/QĐ-TTg , ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2025;
- Quyết định số 346/QĐ-BYT ngày 30/01/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2015-2020;
- Quyết định số 4298/QĐ-BYT ngày 09/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt Dự án truyền thông, vận động xã hội phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2015-2020;
- Quyết định số 4299/QĐ-BYT ngày 09/8/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Dự án chủ động dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và các bệnh không lây nhiễm khác, giai đoạn 2016 - 2020;
- Quyết định 2559/QĐ-BYT ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Kế hoạch tăng cường thực hiện điều trị, quản lý tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 -2020;
- Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 706/QĐ-BTC ngày 23/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 26/2018/TT-BTC ngày 21/3/2018 của Bộ Tài chính về việc Quy định quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số giai đoạn 2016-2020.
C. Kế hoạch phòng, chống bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2019-2025
Khống chế tốc độ gia tăng, tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm, trong đó ưu tiên phòng, chống: cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản và bệnh ung thư, nhằm góp phần bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.
II. Mục tiêu cụ thể và chỉ tiêu đến năm 2025
1. Mục tiêu 1: Nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm
Chỉ tiêu:
- 100% UBND các huyện, thành phố có kế hoạch và đầu tư kinh phí triển khai thực hiện phòng, chống các BKLN tại địa phương;
- 70% người trưởng thành hiểu biết về bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; ảnh hưởng của các bệnh này đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế, xã hội và các nguyên tắc phòng, chống.
2. Mục tiêu 2: Giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản.
Chỉ tiêu:
- Giảm 30% tỷ lệ hút thuốc ở người trưởng thành so với tỷ lệ trung bình chung của Việt Nam năm 2015; giảm tỷ lệ bút thuốc ở nhóm vị thành niên xuống còn 3,6%;
- Giảm 10% tỷ lệ uống rượu, bia ở mức có hại ở người trưởng thành so với năm 2015; giảm tỷ lệ có uống rượu, bia ở nhóm vị thành niên xuống còn 20%;
- Giảm 30% mức tiêu thụ muối trung bình/người/ngày ở người trưởng thành so với năm 2015;
- Giảm 10% tỷ lệ thiếu hoạt động thể lực ở người trưởng thành so với năm 2015.
3. Mục tiêu 3: Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các các BKLN.
Chỉ tiêu:
- Khống chế tỷ lệ bị thừa cân béo phì (BMI≥25) dưới 15% ở người trưởng thành; khống chế tỷ lệ thừa cân béo phì dưới 10% ở trẻ em;
- Khống chế tỷ lệ có cholesterol máu cao (>5,0 mmol/L) dưới 35% ở người trưởng thành;
- Khống chế tỷ lệ bị tăng huyết áp dưới 30% ở người trưởng thành;
- 50% số người bị tăng huyết áp được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;
- Khống chế tỷ lệ bị tiền đái tháo đường dưới 16% ở người 30-69 tuổi;
- Khống chế tỷ lệ đái tháo đường dưới 8% ở người 30-69 tuổi;
- 50% số người bị bệnh đái tháo đường được phát hiện; 50% số người phát hiện bệnh được quản lý, điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;
- 50% số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phát hiện ở giai đoạn sớm; 50% số người phát hiện bệnh được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn;
- 50% số người bệnh hen phế quản được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, 50% số người bệnh hen phế quản được điều trị đạt kiểm soát hen trong đó 20% đạt kiểm soát hoàn toàn;
- 40% số người mắc một số bệnh ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm (đối với những bệnh ung thư nếu được phát hiện sớm có giá trị nâng cao hiệu quả điều trị);
- Giảm 20% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính so với năm 2015.
4. Mục tiêu 4; Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý BKLN.
Chỉ tiêu:
- 90% cơ sở y tế dự phòng bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu phòng chống bệnh không lây nhiễm theo quy định;
- 90% cán bộ y tế thực hiện công tác phòng, chống bệnh không lây nhiễm được đào tạo, tập huấn về dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý theo quy định;
- 90% cơ sở y tế xã, phường, thị trấn và tương đương (sau đây gọi chung là y tế xã) có đủ trang thiết bị y tế cơ bản và thuốc thiết yếu theo quy định về chức năng, nhiệm vụ, phục vụ dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý theo hệ thống đối với bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản phù hợp.
1. Giải pháp về chính sách, pháp luật và phối hợp liên ngành
- Phối hợp với các Sở, ngành để tăng cường thực thi các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống các yếu tố nguy cơ BKLN. Xây dựng và triển khai cơ chế phối hợp liên ngành trong xây dựng, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, thực hiện các chính sách phòng chống yếu tố nguy cơ tại địa phương.
- Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, chỉ đạo liên quan đến củng cố, nâng cao năng lực của hệ thống y tế để thực hiện phòng, chống các BKLN.
- Có chính sách đảm bảo tài chính cho dự phòng, phát hiện sớm và quản lý, điều trị người BKLN, chú trọng cho tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.
2. Giải pháp về truyền thông và vận động xã hội
- Củng cố mạng lưới truyền thông giáo dục sức khỏe từ tỉnh tới cơ sở bảo đảm công tác truyền thông, vận động xã hội tham gia phòng chống BKLN và các yếu tố nguy cơ.
- Phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật và các khuyến cáo về phòng, chống BKLN cho các cấp, các ngành, đoàn thể và người dân;
- Sử dụng đa dạng và hiệu quả các kênh và hình thức truyền thông nhằm tăng cường sự tiếp cận hiệu quả tới các đối tượng về phòng, chống BKLN.
- Vận động xây dựng mô hình cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng miền và từng nhóm đối tượng gồm mô hình trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe, gia đình sức khỏe, cộng đồng vì sức khỏe và thành phố lành mạnh.
3. Giải pháp về chuyên môn kỹ thuật
- Hướng dẫn, tập huấn triển khai kịp thời các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về dự phòng, phát hiện, quản lý, điều trị BKLN của Bộ Y tế
- Tăng cường phát hiện, quản lý, điều trị tại trạm y tế xã và cộng đồng cho người mắc BKLN theo quy định, bảo đảm cung cấp dịch vụ quản lý và chăm sóc liên tục cho người bệnh.
- Tăng cường hiệu quả các hoạt động của hệ y tế dự phòng trong kiểm soát yếu tố nguy cơ, phòng, chống các BKLN.
- Củng cố hệ thống bệnh viện để cung cấp các dịch vụ toàn diện và chuyên sâu cho chẩn đoán, điều trị bệnh nhân mắc BKLN.
4. Giải pháp về nguồn lực
- Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực phòng chống BKLN cho đội ngũ cán bộ y tế phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng tuyến, ưu tiên đào tạo cán bộ y tế tại tuyến xã, cán bộ y tế trường học và y tế thôn bản. Có chế độ phù hợp để khuyến khích cán bộ y tế xã, phường tham gia các hoạt động phát hiện sớm, giám sát và quản lý điều trị BKLN tại cộng đồng.
- Ưu tiên đầu tư cho công tác phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản
- Tăng cường đầu tư, nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất cho hoạt động giám sát, dự phòng, phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị BKLN. Bảo đảm cung ứng thuốc và vật tư thiết yếu cho chẩn đoán, điều trị tại Trạm Y tế xã được bảo hiểm y tế chi trả; Bảo đảm cung ứng vắc xin, sinh phẩm cho dự phòng một số bệnh ung thư.
5. Giải pháp về nghiên cứu, theo dõi và giám sát
- Thiết lập hệ thống giám sát tuyến tỉnh về BKLN và yếu tố nguy cơ.
- Nâng cao năng lực, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực phòng, chống BKLN. Tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu chuyên sâu về BKLN. Tăng cường sử dụng thông tin và bằng chứng khoa học trong xây dựng chính sách, lập kế hoạch, chương trình, dự án về phòng chống BKLN, đặc biệt là các can thiệp tại cộng đồng.
- Giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện kế hoạch và các chính sách liên quan của các ban, ngành.
- Xây dựng hệ thống quản lý thông tin kết nối chặt chẽ giữa các tuyến để bảo đảm bệnh nhân được theo dõi, chăm sóc liên tục suốt quá trình bệnh.
6. Giải pháp tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế
Chủ động tích cực hợp tác với các các viện, trường; giao lưu học hỏi các tỉnh, thành phố và các hiệp hội trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực phòng, chống BKLN.
1. Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền và hiểu biết của người dân trong phòng, chống các bệnh không lây nhiễm:
a) Tài liệu truyền thông:
Chỉnh sửa tài liệu truyền thông phù hợp với địa phương và in, cấp phát tài liệu cho các đơn vị.
b) Truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng:
- Xây dựng các chuyên mục truyền hình, phát thanh phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh;
- Xây dựng các chuyên mục trên Báo Quảng Ngãi;
- Xây dựng các thông điệp truyền hình và phát thanh;
- Tuyên truyền trên Đài Truyền thanh huyện và hệ thống loa truyền thanh xã/phường/thị trấn.
c) Truyền thông tại cộng đồng:
- Tuyên truyền tư vấn tại cộng đồng: tổ chức các câu lạc bộ sức khỏe cho người mắc bệnh không lây nhiễm, lồng ghép vào sinh hoạt các đoàn thể địa phương;
- Tổ chức các chiến dịch truyền thông nhân các ngày: Ngày Ung thư thế giới (04/2); Ngày sức khỏe thế giới (07/4); Ngày Hen toàn cầu (ngày thứ Ba đầu tiên của tháng 5); Ngày thế giới không hút thuốc lá (31/5); Ngày COPD toàn cầu (thứ Tư của tuần thứ 3 tháng 11); Ngày tim mạch thế giới (30/9); Ngày sức khỏe tâm thần thế giới (10/10); Ngày đột quỵ thế giới (29/10); Ngày phòng chống đái tháo đường thế giới (14/11)...
- Triển khai các mô hình nâng cao sức khỏe tại cộng đồng;
- Triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bệnh tăng huyết áp;
- Tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về rượu bia và tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn;
- Tuyên truyền, hướng dẫn cho cộng đồng giảm muối trong khẩu phần ăn;
- Xây dựng mô hình cộng đồng không khói thuốc
2. Tăng cường công tác chỉ đạo và phối hợp liên ngành nhằm góp phần giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các bệnh không lây nhiễm:
a) Phòng chống tác hại do lạm dụng rượu, bia
- Triển khai các văn bản, chính sách về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn;
- Thiết lập mạng lưới và triển khai các hoạt động thu thập, phân tích thông tin, đánh giá tình hình tiêu thụ và tác hại của lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn.
b) Tăng cường dinh dưỡng hợp lý
- Thực hiện Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến 2030;
- Xây dựng và triển khai chế độ dinh dưỡng hợp lý cho học sinh, người lao động, người mắc BKLN.
c) Can thiệp giảm tiêu thụ muối ở cộng đồng
Xây dựng và triển khai chương trình giảm tiêu thụ muối trong cộng đồng bao gồm:
- Tư vấn cho đối tượng có nguy cơ cao (bệnh nhân tăng huyết áp tim mạch);
- Tổ chức các hoạt động giám sát, đánh giá can thiệp.
d) Phòng chống tác hại thuốc lá
- Phối hợp tổ chức điều tra, nghiên cứu về tình hình tiêu thụ thuốc lá, tác động của thuốc lá đến sức khỏe, kinh tế, xã hội; đánh giá hiệu quả các giải pháp can thiệp.
- Xây dựng cộng đồng không khói thuốc, chú trọng triển khai tại các cơ sở y tế, trường học, cơ quan nhà nước, phương tiện giao thông công cộng.
đ) Kiểm soát ô nhiễm môi trường an toàn thực phẩm
- Kiểm tra, đánh giá tác động cửa các yếu tố gây ô nhiễm môi trường (chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, hóa chất bảo vệ thực vật,..) làm tăng nguy cơ mắc BKLN.
- Phối hợp các ngành liên quan để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
3. Hạn chế sự gia tăng tỷ lệ người tiền bệnh, mắc bệnh, tàn tật và tử vong sớm tại cộng đồng do các các bệnh không lây nhiễm:
- Triển khai các hoạt động phát hiện sớm, quản lý, tư vấn, dự phòng đối với người thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tăng đường máu, rối loạn mỡ máu, người có nguy cơ tim mạch tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và trạm y tế xã.
- Lồng ghép khám sàng lọc phát hiện, quản lý dự phòng cho người có nguy cơ cao và người mắc BKLN vào hoạt động khám sức khỏe định kỳ và quản lý sức khỏe tại các trường học, cơ quan, xí nghiệp, nhà máy.
- Tổ chức khám phát hiện, quản lý điều trị các BKLN tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện theo quy định.
- Hướng dẫn chỉ đạo triển khai các hình thức lồng ghép quản lý điều trị các BKLN phù hợp tại tuyến xã; lập sổ sách hồ sơ quản lý sức khỏe, theo dõi và tư vấn chăm sóc bệnh nhân KLN tại tuyến xã.
- Củng cố hệ thống bệnh viện để cung cấp các dịch vụ toàn diện và chuyên sâu cho chẩn đoán, điều trị BKLN và hỗ trợ kỹ thuật cho tuyến dưới.
- Triển khai hiệu quả công tác tiêm vắc xin viêm gan B dự phòng ung thư gan, mở rộng triển khai dịch vụ tiêm phòng HPV để dự phòng ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trong độ tuổi tiêm phòng.
4. Nâng cao năng lực và hiệu quả trong dự phòng, giám sát, phát hiện, điều trị, quản lý bệnh không lây nhiễm:
a) Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống phát hiện, dự phòng, quản lý điều trị các BKLN
- Triển khai hoạt động phòng chống BKLN cho hệ thống y tế tuyến huyện, tăng cường năng lực của cơ sở y tế tuyến huyện để đảm bảo năng lực giám sát, phát hiện, quản lý điều trị dự phòng cho người nguy cơ cao, người tiền bệnh và người mắc các BKLN trên địa bàn và tại cộng đồng.
- Xây dựng và triển khai các tài liệu hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về phát hiện, dự phòng, quản lý, điều trị các BKLN áp dụng cho các tuyến.
- Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện công tác phòng chống BKLN ở tuyến tỉnh huyện và tuyến xã.
+ Tập huấn cho cán bộ Y tế dự phòng: về truyền thông, nâng cao sức khỏe dự phòng BKLN; phát hiện sớm, tư vấn, điều trị kịp thời cho người tăng huyết áp giai đoạn sớm, thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường, rối loạn lipid máu; sàng lọc, phát hiện và quản lý người mắc BKLN tại cộng đồng.
+ Tập huấn cho cán bộ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh: chẩn đoán, theo dõi, quản lý điều trị các BKLN.
+ Tập huấn cho Trạm Y tế xã về truyền thông, nâng cao sức khỏe dự phòng BKLN; phát hiện sớm, tư vấn, điều trị kịp thời cho người tăng huyết áp giai đoạn sớm, thừa cân, béo phì, tiền đái tháo đường, rối loạn lipid máu; phát hiện, lập hồ sơ sổ sách theo dõi người mắc BKLN tại cộng đồng.
- Rà soát, cung cấp trang thiết bị thiết yếu phục vụ cho hoạt động phát hiện, dự phòng và quản lý điều trị các BKLN;
- Tuyến tỉnh, huyện hỗ trợ, kiểm tra, giám sát hoạt động dự phòng, phát hiện sớm, quản lý điều trị và hỗ trợ tự quản lý điều trị BKLN tại Trạm Y tế xã và cộng đồng.
b) Phát triển hệ thống giám sát để theo dõi quy mô, xu hướng, sự phân bố của bệnh không lây nhiễm, yếu tố nguy cơ và đánh giá hiệu quả các can thiệp.
- Củng cố mạng lưới giám sát BKLN vài các yếu tố nguy cơ:
+ Lồng ghép hoạt động giám sát BKLN trong hệ thống thông tin hiện có, bổ sung thêm các chức năng nhiệm vụ và công việc đặc thù của giám sát BKLN và yếu tố nguy cơ cho các đơn vị y tế.
+ Thực hiện khám sàng lọc phát hiện sớm BKLN lồng ghép vào các hoạt động khám, điều trị, dự phòng, khám sức; khỏe định kỳ thường xuyên của các đơn vị, khám sức khỏe người cao tuổi, cán bộ công chức, học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động...
+ Tùy theo điều kiện của đơn vị thực hiện khám sàng lọc tại cộng đồng và từng bước thiết lập đầu mối giám sát BKLN tại các địa phương.
- Triển khai bộ công cụ, chỉ số và quy trình giám sát sau khi được Bộ Y tế hoàn thiện
- Triển khai lập hồ sơ sức khỏe cá nhân trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nhằm thực hiện công tác quản lý sức khỏe một cách toàn diện, khoa học, trong đó bao gồm cả quản lý BKLN.
- Phối hợp Bộ Y tế triển khai các cuộc điều tra giám sát các yếu tố nguy cơ BKLN.
- Giám sát mắc bệnh và tử vong;
+ Triển khai giám sát tử vong do các BKLN tại cộng đồng trên cơ sở thu thập thông tin từ hệ thống thống kê tử vong tại Trạm Y tế xã.
+ Định kỳ thu thập các thông tin về mắc và tử vong do BKLN từ hệ thống báo cáo thống kê bệnh viện, cộng đồng.
- Tổ chức theo dõi, đánh giá tiến độ, kết quả và hiệu quả các chương trình, hoạt động phòng chống BKLN tại tất cả các tuyến.
+ Định kỳ thu thập, thống kê báo cáo số liệu về phòng chống yếu tố nguy cơ, phát hiện, dự phòng và quản lý điều trị người nguy cơ cao và bệnh nhân.
+ Định kỳ khảo sát đánh giá năng lực đáp ứng của hệ thống y tế đối với BKLN.
5. Xây dựng kế hoạch quản lý bệnh không lây nhiễm theo nguyên lý y học gia đình:
- Bước đầu thực hiện quản lý BKLN theo nguyên lý y học gia đình đối với bệnh tăng huyết áp (THA) và đái tháo đường (ĐTĐ) cho các trạm y tế xã, phường.
- Chuẩn bị tài liệu chuyên môn, thành lập nhóm giảng viên tuyến tỉnh và giám sát viên tuyến tỉnh, huyện về điều trị quản lý THA và ĐTĐ theo, nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã.
- Xây dựng Kế hoạch tổ chức đào tạo về quản lý THA và ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình áp dụng tại các trạm y tế xã 2019-2020.
- Triển khai dịch vụ dự phòng, phát hiện sớm, chẩn đoán, điều trị, quản lý THA, ĐTĐ theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế xã.
- Từng bước tiến tới mở rộng quản lý các BKLN theo nguyên lý y học gia đình tại các trạm y tế.
- Phổ biến và bảo đảm thực thi các văn bản quy phạm pháp luật, như Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở; Thông tư số 52/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú và các văn bản liên quan khác, đặc biệt bảo đảm tính sẵn có của các thuốc thiết yếu trong Điều trị THA, ĐTĐ tại các trạm y tế.
Nguồn kinh phí thực hiện các hoạt động phòng, chống BKLN bao gồm: Nguồn ngân sách nhà nước (Nguồn ngân sách địa phương (sự nghiệp y tế) và kinh phí của Chương trình dự án phòng chống BKLN từ Trung ương phân bổ cho tỉnh); nguồn bảo hiểm y tế; nguồn từ quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tác hại do lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; nguồn xã hội hóa và Nguồn vốn hợp pháp khác.
Hàng năm, Sở y tế dự trù kinh phí hoạt động phòng, chống BKLN gửi Sở Tài Chính thẩm định trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
1. Sở Y tế:
- Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn tỉnh. Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, các Sở, ngành tổ chức triển khai và thực hiện Kế hoạch đạt mục tiêu đề ra.
- Kiện toàn mạng lưới hoạt động y tế các tuyến, chỉ đạo hệ thống y tế toàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống BKLN; phát hiện và điều trị các trường hợp mắc bệnh.
- Lập dự toán kinh phí cụ thể phục vụ công tác phòng, chống BKLN hàng năm gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống bệnh, như: công tác chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, truyền thông... tại các địa phương và các cơ sở khám, chữa bệnh, dự phòng. Định kỳ hàng tháng, báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh và Bộ Y tế theo quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên toàn tỉnh phối hợp với ngành Y tế các cấp tuyên truyền, hướng dẫn cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ, học sinh giảm thiểu các hành vi nguy cơ chính gây mắc các BKLN, đưa các hoạt động truyền thông phòng ngừa BKLN vào các hoạt động chính khóa và ngoại khóa tại trường học.
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tham gia tích cực phòng, chống BKLN như: vệ sinh môi trường, khử trùng tẩy uế môi trường, dụng cụ đồ chơi, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh cá nhân. Phát động phong trào phòng chống tác hại thuốc lá, lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác trong toàn ngành giáo dục.
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc bảo đảm dinh dưỡng hợp lý và tăng cường hoạt động thể lực cho trẻ em, học sinh, sinh viên để nâng cao sức khỏe, dự phòng bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2019-2025.
3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế và các sở, ngành liên quan tham mưu về cân đối, bố trí kinh phí để đảm bảo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh đạt hiệu quả (mua thuốc, hóa chất, vật tư phòng, chống bệnh, trang thiết bị y tế, tập huấn, hoạt động tuyên truyền, giám sát, phát hiện bệnh…), trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
Chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh tham gia truyền thông phòng, chống BKLN như: vệ sinh môi trường; đảm bảo an toàn, kiểm soát sử dụng các phụ gia và chất cấm trong sản xuất, nuôi trồng, chế biến và sử dụng thực phẩm...
5. Sở Công Thương
- Tăng cường quản lý về kinh doanh thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác theo quy định nhằm ngăn chặn tối đa yếu tố nguy cơ gây mắc BKLN từ các sản phẩm này;
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định về dán nhãn minh bạch sản phẩm, in thông tin cảnh báo sức khỏe trên các sản phẩm thuốc lá, đồ uống có cồn và các sản phẩm khác có yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm;
- Phối hợp với Sở Y tế và các ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các dự án quản lý, giám sát hàm lượng muối, đường, chất béo, phụ gia trong các thực phẩm chế biến sẵn và can thiệp giảm sử dụng muối tại cộng đồng để phòng chống bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường
Căn cứ hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, phối hợp với Sở Y tế tổng hợp, theo dõi và đánh giá các yếu tố môi trường có tác động đến sức khỏe và bệnh tật của con người, trong đó có bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản; đề xuất và tổ chức thực hiện các giải pháp giám sát, giảm thiểu các yếu tố này.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao quần chúng. Chỉ đạo các địa phương tích cực đầu tư, tăng cường cơ sở vật chất cho thể dục, thể thao quần chúng, tạo các khu vui chơi công cộng lành mạnh để nhân dân đến sinh hoạt;
- Thường xuyên phát động các chương trình, phong trào rèn luyện thể dục thể thao trong cộng đồng;
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố thực hiện dự án hoạt động thể lực phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản giai đoạn 2019-2025.
8. Sở Giao thông vận tải
Tăng cường quản lý công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới, đảm bảo phương tiện giao thông cơ giới đã qua đăng kiểm phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải, tiếng ồn...
9. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc quản lý sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc nhằm phát hiện sớm, quản lý điều trị và phục hồi chức năng cho người lao động mắc bệnh không lây nhiễm;
- Phối hợp với các Cơ quan, ban, ngành liên quan tăng cường quản lý, thanh tra, giám sát bảo đảm môi trường làm việc nâng cao sức khỏe cho người lao động, giảm thiểu các yếu tố nguy cơ gây bệnh không lây nhiễm.
10. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Ngãi:
- Phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục các biện pháp phòng, chống BKLN cho nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nhận thức đúng, đầy đủ về bệnh, nguyên nhân, cách phát hiện, triệu chứng và các biện pháp phòng, chống để chủ động thường xuyên thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay tại gia đình, cộng đồng.
- Đài phát thanh truyền hình tỉnh tăng thời lượng thông tin, tuyên truyền phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản... Lồng ghép chương trình truyền thông phòng, chống BKLN vào chuyên mục “Sức khỏe cộng đồng”. Tăng cường công tác truyền thông phát động phong trào Phòng chống tác hại thuốc lá, lạm dụng rượu bia và đồ uống có cồn khác.
11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh cùng các hội, đoàn thể: Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...tích cực và chủ động tham gia cùng chính quyền các cấp và ngành Y tế thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản... bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
12. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố:
- Huy động hệ thống chính trị các cấp và các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản... ngay tại hộ gia đình, tại cộng đồng, trường học.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn phối hợp tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản...
- Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động phòng, chống BKLN từ nguồn ngân sách của huyện, thành phố.
- Phát động phong trào thay đổi hành vi lối sống nâng cao sức khỏe: giảm muối trong thực phẩm, tăng cường vận động thể lực, không lạm dụng rượu bia...
- Vận động xây dựng, tham gia mô hình cộng đồng nâng cao sức khỏe phù hợp với từng vùng miền, từng nhóm đối tượng gồm mô hình trường học nâng cao sức khỏe, nơi làm việc vì sức khỏe, gia đình sức khỏe, cộng đồng vì sức khỏe và lành mạnh.
- Tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên cho Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Y tế về diễn biến tình hình bệnh và công tác phòng, chống các bệnh này tại địa phương.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống BKLN trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2019-2025. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc thì báo cáo Sở Y tế để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.