ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/KH-UBND | Hòa Bình, ngày 06 tháng 6 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
HỖ TRỢ KHỞI NGHIỆP ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TỈNH HÒA BÌNH GIAI ĐOẠN 2017-2020
Căn cứ Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/05/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020;
Thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”;
Căn cứ Quyết định số 396/QĐ-UBND ngày 24/3/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phê duyệt nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 của các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố;
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2020, như sau:
I. MỤC TIÊU
- Triển khai, cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025” phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh Hòa Bình.
- Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Hòa Bình. Tạo lập môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hỗ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, tập trung vào các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Phân công nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành trong tỉnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm để thúc đẩy, hỗ trợ hình thành và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Giai đoạn 2017 - 2020 hỗ trợ phát triển ít nhất 10 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ phát triển ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
II. ĐỐI TƯỢNG HỖ TRỢ
1. Đối tượng hỗ trợ
- Cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới. Doanh nghiệp khởi nghiệp có thời gian đăng ký hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu. Ưu tiên các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh.
2. Tổ chức cung cấp dịch vụ, cơ sở vật chất-kỹ thuật, đầu tư, truyền thông cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hoạt động hiệu quả, đáp ứng các tiêu chí sau:
- Người đứng đầu có ít nhất 01 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp;
- Có quy trình hỗ trợ khởi nghiệp phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thỏa thuận hợp tác với tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về đầu tư, đào tạo, huấn luyện, tư vấn cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Khoa học và Công nghệ
a) Tuyên truyền, phổ biến Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”, Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh giai đoạn 2017 - 2020 và các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến các tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
b) Xây dựng chuyên mục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên Website của Sở Khoa học và Công nghệ; cung cấp các thông tin về công nghệ, sáng chế, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, sở hữu trí tuệ; chính sách pháp luật; nguồn nhân lực; nguồn đầu tư và giao dịch đầu tư; đối tác khách hàng; sản phẩm dịch vụ, mô hình kinh doanh mới; tổ chức cá nhân hỗ trợ; tin tức sự kiện trong nước, quốc tế và các hoạt động khác hỗ trợ khởi nghiệm đổi mới sáng tạo.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2017.
c) Thực hiện các chuyên đề, phóng sự về hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phổ biến, tuyên truyền các điển hình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công của tỉnh Hòa Bình, của Việt Nam và trên thế giới.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
d) Hỗ trợ các đối tượng người khởi nghiệp, khởi sự doanh nghiệp về khoa học công nghệ theo hướng chuyển giao ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao; hỗ trợ doanh nghiệp liên kết, hợp tác với viện nghiên cứu, trường đại học trong việc đổi mới công nghệ, phát triển sản phẩm, đào tạo nhân lực,...thông qua các lớp tập huấn, chương trình chuyển giao mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đề tài nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
đ) Xây dựng trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển khoa học và công nghệ.
- Thời gian thực hiện: Trong năm 2017.
e) Hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo: Kinh phí tổ chức và giải thưởng cho các ý tưởng đạt giải trong các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp được tổ chức tại địa phương; kinh phí thuê địa điểm, gian hàng trưng bày, vận chuyển trang thiết bị, truyền thông cho các sự kiện, cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh; Hỗ trợ sử dụng miễn phí các dịch vụ khoa học và công nghệ như: kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng hàng hóa sản phẩm mới, sử dụng các phòng thí nghiệm để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới có hàm lượng khoa học công nghệ cao cho các cá nhân, tổ chức khởi nghiệp.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
f) Hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp là doanh nghiệp khoa học và công nghệ nghiên cứu mới hoặc tiếp tục hoàn thiện công nghệ, quy trình công nghệ, sản phẩm thương mại hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ mà doanh nghiệp đang sở hữu.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
g) Chỉ đạo Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh, của doanh nghiệp để tài trợ, hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ, thử nghiệm thị trường, cho vay với lãi suất thấp hoặc không lấy lãi, góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017 -2020.
h) Là cơ quan đầu mối chủ trì, tổng hợp các hoạt động về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn toàn tỉnh, định kỳ hàng năm và đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về kết quả thực hiện Kế hoạch.
2. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh Hòa Bình
a) Tổ chức các hoạt động truyền thông về khởi nghiệp
- Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên Trang Website của Đoàn, Hội, các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội để giới thiệu về các gương thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu, các mô hình làm ăn hiệu quả của thanh niên, qua đó góp phần động viên, cổ vũ thanh niên thi đua khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao nhận thức của xã hội về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
- Tổ chức các buổi tọa đàm, đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp, thanh niên; tổ chức các cuộc giao lưu giữa thanh niên với các doanh nhân thành đạt; nói chuyện chuyên đề về khởi nghiệp trong thanh niên.
- Định kỳ tổ chức các Cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên; Tuyên dương doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc, thanh niên làm kinh tế giỏi.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017-2020.
b) Tìm kiếm và phát triển ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp trong thanh niên
- Thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp. Khuyến khích thành lập các Câu lạc bộ khởi nghiệp trong các trường Cao đẳng, trung cấp, các cơ sở Đoàn, Hội.
- Thiết lập mạng lưới liên kết giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, viện nghiên cứu, chuyên gia... thông qua việc thành lập Hội đồng chuyên gia tư vấn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp nhằm hỗ trợ thanh niên trong hợp tác, trao đổi thông tin, kiến thức và kỹ năng; hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp khả thi của thanh niên; kêu gọi các nguồn vốn, tổ chức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp.
- Xét chọn các mô hình tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả để tiến hành xây dựng điểm và từng bước nhân rộng ở địa phương.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017-2020.
c) Tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
- Đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Tỉnh đoàn Hòa Bình. Thành lập Hội đồng cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp. (Thời gian thực hiện trong năm 2017).
- Định kỳ 1 năm/lần tổ chức các buổi đối thoại, diễn đàn gặp gỡ giữa doanh nhân trẻ và thanh niên khởi nghiệp với Lãnh đạo các Cơ quan quản lý Nhà nước để hỗ trợ chính sách cho thanh niên khởi nghiệp theo từng chuyên đề riêng, như: đầu tư, thuế, pháp luật, đào tạo, công nghệ, hợp tác quốc tế,...
- Tìm kiếm mối quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp để tạo nguồn lực quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và xây dựng các doanh nghiệp.
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi sự lập nghiệp cho thanh niên.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
d) Xây dựng chương trình hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp
- Phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho thanh niên khởi nghiệp.
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh Hòa Bình.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
a) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về khởi sự doanh nghiệp cho các đối tượng khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
b) Nghiên cứu, đề xuất ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật cần thiết; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo sớm tham gia thị trường với thời gian ngắn nhất và chi phí thấp nhất.
- Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2017-2020
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Tổ chức tuyên truyền giáo dục ý thức, kiến thức cơ bản về khởi sự và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; các chương trình đổi mới sáng tạo quốc gia cho các Trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
b) Tổ chức đào tạo về khởi nghiệp cho sinh viên các trường cao đẳng, trung cấp, trung cấp nghề trên địa bàn tỉnh
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
5. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hòa Bình và Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh Hòa Bình
Xây dựng chuyên mục khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình; bổ sung các bài viết, chuyên mục... về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên báo viết và báo điện tử Hòa Bình, phát sóng chuyên mục về khởi nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và phát triển phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Thời gian thực hiện: Hàng năm trong giai đoạn 2017 - 2020.
6. Các sở, ngành, Hiệp hội, UBND các huyện, thành phố
Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp tổ chức triển khai các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
IV. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN
- Nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ và các nguồn khác từ ngân sách tỉnh; đồng thời tiếp cận nguồn kinh phí Trung ương thông qua việc tham gia Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia đến năm 2025”.
- Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Quyết định số 592/QĐ-TTg ngày 22/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân các huyện, thành phố triển khai thực hiện. Trong quá trình chỉ đạo thực hiện nếu có vướng mắc, kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) để phối hợp xử lý kịp thời./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.