ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/KH-UBND | Hòa Bình, ngày 30 tháng 05 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “TRUYỀN THÔNG VỀ ĐỔI MỚI CĂN BẢN, TOÀN DIỆN GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO VÀ DẠY NGHỀ”
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/W ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
Căn cứ Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 21/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề”;
Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề” tỉnh Hòa Bình, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Bám sát nội dung của Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCH và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các cấp chính quyền, tầng lớp nhân dân về Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nhằm nâng cao nhận thức về sự cần thiết phải đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 23/12/2011 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nhân lực giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;
- Phổ biến, tuyên truyền, giải thích mục đích, ý nghĩa, vai trò, nội dung đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề, đặc biệt là mô hình, cách thức triển khai ở các cơ sở giáo dục cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo;
- Thường xuyên thông tin, tuyên truyền nội dung có liên quan đến đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, dạy nghề cho học sinh, sinh viên, học viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo, dạy nghề, gia đình của các đối tượng này và người dân, tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện.
II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN
1. Tuyên truyền quan điểm chỉ đạo, yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, kết quả, kinh nghiệm của đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
2. Tăng cường mô hình, cách thức thực hiện các nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các gia đình trong việc tích cực thực hiện xã hội hóa giáo dục; huy động các nguồn lực xã hội để phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, xã hội học tập và học tập suốt đời.
3. Tuyên truyền các nội dung đổi mới căn bản toàn diện về đào tạo, như: Chương trình và phương pháp dạy và học; hình thức và phương pháp tuyển sinh, thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; phân luồng và định hướng giáo dục nghề nghiệp ở giáo dục phổ thông; công tác quản lý, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục và đào tạo, giáo dục nghề nghiệp..., chương trình, giáo trình; nghiên cứu và ứng dụng khoa học; xã hội hóa giáo dục đào tạo; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và hoạt động giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
4. Biểu dương các cá nhân, tổ chức điển hình có nhiều thành tích trong hoạt động đổi mới giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong việc tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở
Các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong các tầng lớp nhân dân; nhận thức sâu sắc và đầy đủ các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh trong việc thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhằm tạo chuyển biến rõ nét về nhận thức, tư duy mới về giáo dục của cả hệ thống chính trị, các cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục và toàn xã hội. Xác định, xây dựng và phát triển sự nghiệp giáo dục là trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền và người đứng đầu; xây dựng kế hoạch, chương trình để triển khai thực hiện theo đúng quan điểm, chủ trương, chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh.
Các cơ quan quản lý giáo dục, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tăng cường quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo, có biện pháp giải quyết dứt điểm các hiện tượng tiêu cực kéo dài, gây bức xúc trong xã hội như: Việc dạy thêm, học thêm, việc thu, chi không đúng quy định, bạo lực học đường...; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.
Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh; vận động các lực lượng xã hội tham gia đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.
Các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện nhiệm vụ đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh; phát hiện và kịp thời tuyên truyền về những tập thể, đơn vị nhà trường, cá nhân các nhà giáo có sáng kiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ.
2. Đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền qua kênh truyền hình. Xây dựng chuyên mục, chuyên đề, chương trình về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên các kênh chương trình quảng bá. Mở chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên các báo in, báo điện tử và các trang/cổng thông tin điện tử.
3. Tuyên truyền thông qua đội ngũ cán bộ thông tin cơ sở, đưa nội dung tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề lên hệ thống các đài truyền thanh, truyền hình cấp huyện, các đài truyền thanh cấp xã; tổ chức tuyên truyền lưu động đến tận người dân.
4. Tuyên truyền qua các phương thức khác như: Đưa nội dung tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề vào chương trình giảng dạy, các buổi sinh hoạt trong nhà trường, cơ sở đào tạo, dạy nghề. Tổ chức các lớp tập huấn cho các phóng viên phụ trách chuyên trang, chuyên mục giáo dục đào tạo và dạy nghề của các cơ quan báo chí tỉnh; tổ chức các hội nghị, lấy ý kiến phản hồi, phản biện của các chuyên gia...; thông qua việc tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phát triển giáo dục; thông qua buổi sinh hoạt câu lạc bộ của các đoàn thể chính trị - xã hội...
IV. KINH PHÍ
1. Kinh phí thực hiện kế hoạch Đề án của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh được cấp trong dự toán kinh phí chi thường xuyên hàng năm tại các cơ quan, đơn vị.
2. Huy động các nguồn lực của các cá nhân và tổ chức, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Thông tin và Truyền thông
Là cơ quan thường trực chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện kế hoạch; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị liên quan trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề” đối với nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mình;
- Tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm; báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đúng quy định.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ 1, 4 tại mục III của Kế hoạch đối với nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mình;
- Chủ trì xây dựng nội dung, biên soạn tài liệu tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề vào chương trình giảng dạy và tổ chức các hoạt động của kế hoạch thực hiện đề án trong ngành giáo dục; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên đội ngũ nhà giáo, báo cáo viên phụ trách công tác tuyên truyền;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo định kỳ; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, kết quả, nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề để thực hiện các hoạt động tuyên truyền.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố và các tổ chức có liên quan triển khai thực hiện nhiệm vụ 1, 4 tại mục III của Kế hoạch đối với nội dung có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của mình;
- Chủ trì, phối hợp với các các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố kiểm tra, đánh giá, tổng kết và báo cáo việc thực hiện các hoạt động của Kế hoạch theo định kỳ; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời cho các cơ quan báo chí về tình hình, kết quả, nội dung về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề để thực hiện các hoạt động tuyên truyền.
4. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng ngân sách và chế độ tài chính hiện hành, trên cơ sở dự toán của đơn vị thực hiện, Sở Tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.
5. Các Sở, Ban, ngành khác
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ liên quan và chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo phân cấp quản lý.
6. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình
Phối hợp với cơ quan chủ trì để xây dựng các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng, tích cực đăng tải các nội dung tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Tổ chức, chỉ đạo việc tuyên truyền các đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trên địa bàn; bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch này;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch tại địa phương và báo cáo định kỳ hàng quý việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối với cơ quan chủ trì tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
8. Đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
Phối hợp, tham gia định hướng chỉ đạo các cơ quan báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề; phối hợp kiểm tra việc xây dựng các chương trình hoạt động, hệ thống tài liệu phục vụ cho việc tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề do các cơ quan triển khai thực hiện.
9. Hội Khuyến học tỉnh
Chủ trì, phối hợp với sở, ngành liên quan tham gia công tác khuyến học - khuyến tài, tuyên dương, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác phát triển giáo dục tuyên truyền về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề.
10. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp
Thông qua hệ thống tuyên truyền của tổ chức mình, lồng ghép các nội dung truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong quá trình hoạt động.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Đề án “Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và dạy nghề” tỉnh Hòa Bình. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.