ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 63/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 08 tháng 05 năm 2019 |
Thực hiện Quyết định số 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018 của Bộ Y tế phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030; để tiến tới loại trừ 3 bệnh lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động về tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2030, cụ thể như sau:
- Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII Ban chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
- Quyết định số 2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược dân số và sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020.
- Quyết định số 608/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.
- Quyết định số 122/QĐ-TTg ngày 10/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
- Hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới về loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030.
- Quyết định số 7130/QĐ-BYT ngày 29/11/2018 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030.
II. THỰC TRẠNG DỰ PHÒNG HIV, VIÊM GAN B VÀ GIANG MAI LÂY TRUYỀN TỪ MẸ SANG CON
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm riêng tại khu vực Tây Thái Bình Dương có khoảng 180.000 trẻ bị nhiễm viêm gan vi rút B, 13.000 trẻ bị nhiễm giang mai và 1.400 trẻ bị nhiễm HIV.
Tại Việt Nam: mỗi năm có khoảng gần 2 triệu phụ nữ mang thai, ước tính tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm phụ nữ mang thai là 0,19% thì nước ta có hơn 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, nếu không có can thiệp thì tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con khoảng 30-40%, ước tính mỗi năm sẽ có khoảng 1.140 - 1.520 trẻ em sinh ra nhiễm HIV từ các bà mẹ nhiễm HIV; tỷ lệ nhiễm vi rút viêm gan B ở nhóm phụ nữ mang thai khoảng 10-20% và 90% số trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HBV có HbeAg dương tính có thể bị nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ. Trong khi đó tỷ lệ tiêm chủng vắc xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh không đồng đều ở các địa phương, một số tỉnh có tỷ lệ dưới 50%; theo một số nghiên cứu, tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm khoảng 40- 70% và đang có xu hướng gia tăng trong khi tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc giang mai chỉ khoảng 15,9%.
Ba bệnh lây truyền từ mẹ sang con (nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai) hoàn toàn có thể phòng tránh được thông qua các can thiệp sẵn có và đơn giản như xét nghiệm sàng lọc, quản lý điều trị phụ nữ có thai và tiêm chủng cho trẻ ngay sau sinh.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực, dịch vụ dự phòng và kiểm soát HIV/AIDS, giang mai và viêm gan B vẫn được thực hiện chủ yếu thông qua hệ thống, chương trình ngành dọc, thiếu sự phối hợp, liên kết cần phải có giữa các hệ thống. Mặt khác, nước ta chưa triển khai tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai tại tuyến xã trong khi việc quản lý thai nghén vẫn chủ yếu tại trạm y tế xã/phường/thị trấn, do đó phụ nữ mang thai khó tiếp cận với các dịch vụ này làm hạn chế hiệu quả của các can thiệp.
Tại tỉnh Ninh Bình năm 2018, có 95,3% phụ nữ mang thai được khám thai ít nhất một lần trong thai kỳ. Tỷ lệ phụ nữ có thai được xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai trong thời kỳ mang thai lần lượt là: 60%; 82,7% và 5,8%. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV là 93%. Tại các bệnh viện trong tỉnh, năm 2018 có 1.100 bà mẹ mang thai được chẩn đoán mắc viêm gan B, các bà mẹ đều được tư vấn để phòng lây nhiễm cho con, tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu là 72%, tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B là 97,7%; không phát hiện được bà mẹ mang thai bị mắc giang mai do tỷ lệ được sàng lọc rất thấp.
Như vậy, việc lập kế hoạch tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2030 là cần thiết, nhằm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền 3 bệnh trên, giúp trẻ em phòng tránh được các bệnh lây truyền từ mẹ sang con để phát triển khỏe mạnh.
Tiến tới loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con vào năm 2030.
2.1. Mục tiêu 1: Rà soát, tham mưu bổ sung, xây dựng mới và triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật, hướng dẫn, quy trình chuyên môn, cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tiến tới loại trừ HIV, giang mai và viêm gan B
Các chỉ tiêu:
- Đề xuất với Bộ Y tế sửa đổi nội dung liên quan đến dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đưa vào sửa đổi Luật phòng chống HIV/AIDS để đảm bảo tính khả thi trong tiếp cận test sàng lọc, chẩn đoán và thuốc dự phòng, điều trị HIV/AIDS;
- Đề nghị với Bộ Y tế xây dựng, bổ sung các chính sách, quy định hỗ trợ triển khai loại trừ HIV, giang mai và viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con;
- Các mục tiêu về loại trừ lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con được đưa vào các hoạt động, dự án liên quan đến sức khỏe bà mẹ, trẻ em;
- Các hướng dẫn, quy trình chuyên môn về dự phòng lây truyền HIV, giang mai, viêm gan B từ mẹ sang con được triển khai thực hiện tại địa phương.
2.2. Mục tiêu 2: Đảm bảo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ, can thiệp loại trừ lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con một cách liên tục và có chất lượng
Các chỉ tiêu cụ thể:
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Giai đoạn 2018 - 2020 | Giai đoạn 2021 - 2025 | Giai đoạn 2026 - 2030 |
1 | - Tỷ lệ phụ nữ có thai được khám thai (ít nhất 1 lần) | % | ≥ 95,5 | ≥ 98 | > 98 |
2 | - Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trong thời kỳ mang thai | % | ≥ 65 | ≥ 80 | ≥ 95 |
3 | - Tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV | % | ≥ 93 | ≥ 94 | ≥ 95 |
4 | - Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trong thời kỳ mang thai | % | ≥ 85 | ≥ 90 | ≥ 95 |
5 | - Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc viêm gan B được điều trị | % | ≥ 50 | ≥ 70 | > 95 |
6 | - Tỷ lệ trẻ sơ sinh được tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu | % | ≥ 80 | ≥ 85 | ≥ 90 |
7 | - Tỷ lệ trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đủ 3 mũi vắc xin viêm gan B | % | > 97 | ≥ 98 | > 98 |
8 | - Tỷ lệ phụ nữ đẻ được xét nghiệm sàng lọc giang mai trong thời kỳ mang thai | % | ≥ 50 | ≥ 70 | ≥ 95 |
9 | - Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc giang mai được điều trị | % | ≥ 50 | ≥ 70 | ≥ 95 |
Các chỉ tiêu tác động:
- Khống chế tỷ lệ ca nhiễm mới HIV ở trẻ sơ sinh ≤ 50 ca trên 100.000 trẻ sinh sống.
- Khống chế tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con < 5% ở trẻ bú mẹ hoặc < 2% ở trẻ không bú mẹ.
- Khống chế tỷ lệ mắc < 50 ca giang mai bẩm sinh trên 100.000 trẻ sinh sống.
- Khống chế tỷ lệ nhiễm HBsAg ở trẻ em dưới 5 tuổi ở mức ≤ 0.1%.
2.3. Mục tiêu 3: Tăng cường nhận thức của các đối tượng can thiệp về dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con
Các chỉ tiêu:
- Tài liệu truyền thông cho các đối tượng về nguy cơ, các nguyên tắc dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được xây dựng và sử dụng;
- Các hoạt động truyền thông về nguyên tắc dự phòng lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con, lợi ích của dự phòng và tuân thủ điều trị được triển khai, có sự tham gia của các đối tượng can thiệp bao gồm cả các nhóm bị ảnh hưởng.
2.4. Mục tiêu 4: Xây dựng mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá hiệu quả can thiệp
Các chỉ tiêu:
- Mạng lưới triển khai và cơ chế theo dõi, đánh giá các can thiệp loại trừ HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con được xây dựng và thực hiện;
- Thông tin về lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con trở thành nội dung báo cáo thường quy và được lồng ghép vào trong hệ thống thông tin y tế sẵn có.
1. Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, bà mẹ trong thời gian mang thai, chuyển dạ, sau đẻ, bà mẹ cho con bú, trẻ sơ sinh, trẻ em;
2. Cán bộ y tế đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, da liễu, truyền nhiễm, phòng, chống HIV/AIDS, y tế dự phòng ở tất cả các tuyến, ưu tiên cán bộ tuyến cơ sở;
3. Cán bộ quản lý liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, da liễu, truyền nhiễm, phòng, chống HIV/AIDS, y tế dự phòng ở tất cả các tuyến;
4. Trẻ em sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai;
5. Chồng, bạn tình, các thành viên gia đình của phụ nữ và các nhóm bị ảnh hưởng trong cộng đồng
1. Giải pháp về quản lý chỉ đạo, thực thi chính sách và phối hợp liên ngành
- Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp để tổ chức thực hiện hiệu quả công tác dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh. Các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, đưa vào chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ưu tiên phân bổ kinh phí hằng năm để đạt được các mục tiêu sức khỏe ở từng địa phương trên cơ sở các mục tiêu sức khỏe của toàn tỉnh;
- Tăng cường trách nhiệm của các sở, ngành và các địa phương để phối hợp triển khai thực hiện các chính sách, hoạt động liên quan đến công tác dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi do ngành, lĩnh vực phụ trách;
- Thực hiện các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm đảm bảo việc tiếp cận các can thiệp dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con tại tỉnh;
- Có chính sách hỗ trợ sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số ở các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn khi bảo hiểm y tế chưa chi trả;
- Triển khai các hướng dẫn, quy trình chuyên môn kỹ thuật, các quy định về chuyển tuyến, kỹ thuật đảm bảo nguyên tắc phù hợp với năng lực chuyên môn của cơ sở y tế, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc liên tục;
- Tạo môi trường thuận lợi, phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong dự phòng, kiểm soát lây truyền HIV, giang mai và viêm gan B từ mẹ sang con. Giáo dục, bảo đảm quyền bình đẳng của người nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B cũng như từng cá nhân sống trong cộng đồng. Khuyến khích các thành viên trong gia đình áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV, giang mai, viêm gan B và trở thành những tuyên truyền viên trong việc dự phòng và loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai.
2. Giải pháp về thông tin, giáo dục và truyền thông
- Đẩy mạnh công tác truyền thông, huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị đối với công tác vận động chính sách, tạo nguồn lực và môi trường xã hội thuận lợi về phòng, chống HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con;
- Truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ của việc mắc HIV, viêm gan B, giang mai, các biện pháp dự phòng, lợi ích của việc sàng lọc trước, trong và sau sinh để phát hiện sớm/điều trị kịp thời và tuân thủ điều trị. Lồng ghép việc tuyên truyền và tư vấn dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai với tư vấn và tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và tư vấn trước sinh;
- Phát triển các hình thức truyền thông, tài liệu truyền thông thích hợp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng để cải tiến nội dung, đa dạng hóa các hình thức và hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo viết, báo hình, báo nói, báo điện tử. Ứng dụng các loại hình truyền thông mới như internet, SMS, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác, sân khấu tương tác;
- Nâng cao năng lực về kỹ năng truyền thông thay đổi hành vi cho đội ngũ làm công tác truyền thông và quản lý truyền thông tại cộng đồng.
- Huy động nguồn lực nhằm tăng cường đầu tư cho công tác dự phòng lây truyền 3 bệnh từ ngân sách trung ương thông qua các chương trình mục tiêu y tế - dân số. Đồng thời huy động từ ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác để bảo đảm nguồn lực cho việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ. Hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí một khoản kinh phí để hỗ trợ cho một số hoạt động ưu tiên;
- Chủ động điều phối, quản lý, giám sát đảm bảo sử dụng có hiệu quả các nguồn kinh phí đầu tư cho công tác dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai theo đúng các quy định hiện hành;
- Nghiên cứu triển khai xã hội hóa trong việc cung cấp dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai nhằm tăng khả năng tiếp cận dịch vụ dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai cho các đối tượng;
- Xây dựng và từng bước đưa việc tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai vào Gói dịch vụ chăm sóc trước sinh được bảo hiểm y tế chi trả hoặc nhà nước đảm bảo chi trả cho các đối tượng thuộc hộ nghèo, là người dân tộc thiểu số ở các vùng miền có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn.
4. Giải pháp về chuyên môn, kỹ thuật
4.1. Đảm bảo sự sẵn có và tăng cường chất lượng các dịch vụ sàng lọc, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị, quản lý, theo dõi
- Tăng cường sàng lọc trước khi mang thai đối với các cặp vợ chồng đặc biệt đối với những cặp vợ chồng có nguy cơ cao nhiễm HIV, viêm gan B, giang mai. Tư vấn, khuyến khích điều trị đúng phác đồ trước khi mang thai;
- Đảm bảo các cơ sở sản khoa hoặc trạm y tế xã có đỡ đẻ có sẵn vắc xin viêm gan B để thực hiện tốt việc tư vấn và tiêm phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh. Đảm bảo tính sẵn có của ARV điều trị cho bà mẹ, trẻ nhiễm HIV ngay khi sinh;
- Mở rộng triển khai dịch vụ tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai tại trạm y tế xã nơi có cung cấp dịch vụ quản lý thai nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của phụ nữ mang thai;
- Duy trì tỷ lệ 100% phụ nữ đẻ được quản lý thai. Thực hiện đúng quy trình khám thai bao gồm tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, viêm gan B và giang mai cho phụ nữ mang thai để phát hiện và dự phòng kịp thời;
- Đẩy mạnh thực hiện liên kết các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với phòng chống, điều trị và chuyển tuyến đối với HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm từ cha mẹ sang con, các bệnh lây truyền qua đường tình dục;
- Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ mới và hợp tác quốc tế trong dự phòng và kiểm soát HIV, viêm gan B và giang mai;
- Tăng cường trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ cho dự phòng và kiểm soát HIV, viêm gan B và giang mai tại tất cả các tuyến, mở rộng việc xét nghiệm sàng lọc tại tuyến xã, phường;
- Bổ sung đồng bộ trang thiết bị, thuốc, test sàng lọc, nâng cấp cơ sở vật chất, kết hợp với đào tạo cán bộ cho các bệnh viện, trung tâm y tế huyện có khó khăn về địa lý để có đủ khả năng cung cấp dịch vụ;
- Chuẩn hóa và bổ sung trang thiết bị cho các phòng xét nghiệm khẳng định HIV, giang mai lây truyền từ mẹ sang con.
4.2. Nâng cao năng lực cho y tế các tuyến về tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, chuyển gửi, điều trị và quản lý các can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai
- Cập nhật kiến thức cho cán bộ cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em các tuyến về tư vấn, xét nghiệm sàng lọc, chuyển gửi, điều trị dự phòng, tiêm chủng;
- Tăng cường năng lực thông qua hoạt động đào tạo liên tục cho mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản về lập kế hoạch, triển khai thực hiện, theo dõi, giám sát và đánh giá can thiệp dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lồng ghép trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại các tuyến;
- Tăng cường giám sát hỗ trợ, kiểm tra việc tuân thủ các quy trình, hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật về dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai tại các cơ sở y tế, bao gồm cả các cơ sở y tế tư nhân, y tế ngành.
5. Giải pháp về nâng cao năng lực báo cáo thống kê, giám sát, theo dõi và đánh giá
- Bổ sung và hoàn thiện hệ thống ghi chép, thống kê và báo cáo về dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai tại các tuyến;
- Tổ chức đào tạo liên tục cho đội ngũ làm công tác thống kê, báo cáo nhằm nâng cao chất lượng báo cáo;
- Cải thiện và phối hợp hệ thống giám sát, theo dõi, đánh giá tiến độ triển khai các can thiệp về dự phòng lây truyền HIV, viêm gan B và giang mai lồng ghép trong hệ thống hiện hành;
- Từng bước ứng dụng công nghệ thông tin thông qua việc thực hiện tin học hóa hệ thống gửi, nhận văn bản điện tử, hệ thống thống kê báo cáo và xây dựng cơ sở dữ liệu về sức khỏe sinh sản;
- Thực hiện các điều tra, đánh giá đầu kỳ, giữa kỳ, cuối kỳ để đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh lồng ghép trong các đợt điều tra, đánh giá của các dự án, hoạt động đang triển khai;
- Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đề xuất thêm các lĩnh vực, các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo.
VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn:
- Ngân sách nhà nước: Trung ương và địa phương;
- Nguồn huy động cộng đồng và các tổ chức, cá nhân;
- Nguồn ngân sách hợp pháp khác.
Hằng năm, Sở Y tế lập kế hoạch, dự toán kinh phí cho các hoạt động ưu tiên, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
1. Sở Y tế
- Sở Y tế là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm tổ chức triển khai các hoạt động của Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và các địa phương thực hiện tốt công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai trong vấn đề dự phòng HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền bệnh từ mẹ sang con;
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Kế hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Y tế kết quả thực hiện Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Ninh Bình, Báo Ninh Bình
Phối hợp với Sở Y tế tăng cường triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vai trò, tầm quan trọng của việc dự phòng và kiểm soát lây truyền HIV, viêm gan B, giang mai từ mẹ sang con.
3. Sở Tài chính
Hằng năm, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện các hoạt động Kế hoạch trên địa bàn tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch. Vận động các nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ triển khai các hoạt động của Kế hoạch.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Tăng cường phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân về công tác phòng chống lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo
Phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền tới học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên về công tác phòng, chống lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con, lồng ghép nội dung tuyên truyền vào nội dung bài giảng, học ngoại khóa để tăng cường hiệu quả truyền thông.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên (Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...)
Phối hợp với ngành y tế trong công tác tuyên truyền vận động nâng cao nhận thức của hội viên, Đoàn viên, thanh niên, sinh viên và người dân về công tác dự phòng và kiểm soát 3 bệnh, tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ theo các chỉ tiêu, mục tiêu của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu của địa phương, đưa các chỉ tiêu của Kế hoạch hành động tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;
- Triển khai thực hiện lồng ghép các nội dung hoạt động của Kế hoạch trên địa bàn, bố trí ngân sách, nhân lực, cơ sở vật chất để triển khai thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch.
- Chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn và các tổ chức đoàn, hội (Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh...) tăng cường truyền thông đến người dân về các hoạt động dự phòng và kiểm soát 3 bệnh, tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Y tế) để kịp thời giải quyết./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.