ỦỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 61/KH-UBND | Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ TIÊU, NHIỆM VỤ THI HÀNH ÁN DÂN SỰ THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 37/NQ-QH13 NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2012 CỦA QUỐC HỘI KHÓA XIII VÀ QUYẾT ĐỊNH SỐ 16/QĐ-TTG, NGÀY 07 THÁNG 02 NĂM 2013 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI
Căn cứ Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII; Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 603/QĐ-BTP ngày 18/3/2013 của Bộ Tư pháp ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự theo Nghị quyết số 37/NQ-QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội khóa XIII, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. Mục đích, yêu cầu:
1.Triển khai, tổ chức thực hiện tốt các Nghị quyết, Quyết định, Kế hoạch của Trung ương, phấn đấu hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2013; phát huy có hiệu quả công tác phối hợp trong lĩnh vực thi hành án dân sự; khắc phục những hạn chế, vi phạm, thiếu sót trong công tác thi hành án dân sự, tăng cường hỗ trợ kinh phí và các điều kiện đối với công tác thi hành án dân sự.
2. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; đề cao tính chủ động của các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan Thi hành án dân sự; bảo đảm tập trung, thống nhất, phối hợp chặt chẽ trong triển khai thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và sơ kết, tổng kết.
II. Nội dung:
1. Các chỉ tiêu thực hiện Nghị quyết của Quốc hội do Thủ tướng Chính phủ ban hành:
1.1. Ra quyết định thi hành án đúng thời hạn đối với 100% các bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của pháp luật.
1.2. Xác minh, phân loại án dân sự có điều kiện và chưa có điều kiện thi hành bảo đảm chính xác, đúng pháp luật.
1.3. Năm 2013, thi hành án dân sự xong đạt trên 88% về việc, trên 77% về tiền so với số có điều kiện thi hành.
1.4. Cơ bản khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thi hành án dân sự.
1.5. Bên cạnh các chỉ tiêu, nhiệm vụ nêu trên, Nghị quyết đã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp khác liên quan đến công tác tổ chức cán bộ, bảo đảm nguồn lực về tài chính và các điều kiện bảo đảm khác đối với công tác thi hành án dân sự.
2. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:
2.1. Giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự: Cục Thi hành án dân sự căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, giao chỉ tiêu thi hành án phù hợp cho từng đơn vị và Chấp hành viên nhưng không được thấp hơn chỉ tiêu Bộ Tư pháp giao; đồng thời, có các giải pháp, biện pháp cụ thể thực hiện chỉ tiêu được giao; kịp thời trả lời các kháng nghị, kiến nghị của các cơ quan có thẩm quyền. Thời gian thực hiện trong Quý II/2013.
2.2. Chỉ đạo rà soát, phân loại hồ sơ thi hành án: Cục Thi hành án dân sự Thành phố và các Chi cục thực hiện việc rà soát, kiểm tra việc thụ lý, phân loại án, kết quả công tác thi hành án, số liệu thống kê về thi hành án dân sự đối với 100% số án phải thi hành, kiểm soát chặt chẽ số vụ việc thụ lý thi hành, kết quả thi hành án dân sự, đảm bảo chính xác, thực chất về số việc có điều kiện thi hành và số việc chưa có điều kiện thi hành; không để xảy ra tình trạng phân loại không chính xác, án có điều kiện chuyển sang án chưa có điều kiện thi hành, tránh chạy theo thành tích trong công tác thi hành án dân sự. Đối với các hồ sơ thi hành án tồn động lâu, không có điều kiện thi hành theo phân loại của Tổng Cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), cơ quan Thi hành án dân sự Thành phố phải thống kê, báo cáo Tổng cục Thi hành án dân sự để tổng hợp báo cáo cơ quan Trung ương có thẩm quyền quyết định. Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2013.
2.3. Chỉ đạo tổ chức thi hành án: Tập trung chỉ đạo thi hành án đối với các đơn vị có số lượng án nhiều, án phức tạp, hạn chế, yếu kém. Chỉ đạo tốt việc tổ chức cưỡng chế thi hành các vụ án lớn, phức tạp, ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2013.
Cục Thi hành án dân sự Thành phố khẩn trương giải quyết, dứt điểm các hồ sơ đủ điều kiện thi hành; chủ động phối hợp với các cơ quan nội chính các cấp trên địa bàn Thành phố, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với Công an Thành phố thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 03/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Công an và Bộ Tư pháp về phối hợp bảo vệ cưỡng chế thi hành án dân sự; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương nơi có bản án dân sự phải thi hành, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố, đảm bảo hoàn thành kế hoạch công tác thi hành án năm 2013 và chỉ tiêu, nhiệm vụ do Tổng cục Thi hành án dân sự giao.
2.4. Miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án: Cục Thi hành án dân sự và các Chi cục Thi hành án phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp, các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện miễn, giảm thi hành án, đảm bảo chính xác, công bằng, đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật. Thời gian thực hiện: định kỳ theo quy định.
2.5. Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo: Cục Thi hành án dân sự và Chi cục chỉ đạo tốt công tác tiếp dân, phân loại, xử lý và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Thời gian thực hiện: Thường xuyên trong năm 2013.
2.6. Công tác tổ chức, cán bộ: Cục Thi hành án dân sự Thành phố tăng cường phối hợp với các cơ qian của Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trong công tác đánh giá, quy hoạch, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, kỷ luật cán bộ, công chức thi hành án dân sự.
2.7. Tăng cường trách nhiệm và phối hợp trong thi hành án dân sự:
a) Cục Thi hành án dân sự Thành phố:
- Tham mưu cho các cấp ủy Đảng chỉ đạo, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 37/2012/QH13; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trong công tác thi hành án.
- Cục Thi hành án dân sự Thành phố phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện Chỉ thị số 09/CT-TU ngày 14/5/2012 của Thành ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác thi hành án dân sự trong tình hình mới; chỉ đạo việc tổ chức, phối hợp với các đơn vị có liên quan trong thi hành án dân sự, thực hiện chỉ tiêu thi hành án dân sự năm 2013 và chỉ đạo tổ chức thi hành những vụ án lớn, phức tạp; phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác thi hành án dân sự; tổ chức kiểm tra, phối hợp với cơ quan chức năng việc thực hiện kết luật của Ban Chỉ đạo thi hành án dân sự về chỉ đạo công tác thi hành án và cưỡng chế thi hành án; phối hợp xử lý vi phạm pháp luật về thi hành án dân sự.
- Cục thi hành án dân sự Thành phố chủ động triển khai Kế hoạch công tác thi hành án dân sự năm 2013 trên địa bàn Thành phố; bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Tổng Cục thi hành án dân sự, thường xuyên đánh giá kết quả, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong công tác thi hành án.
- Cục Thi hành án dân sự Thành phố tăng cường kiểm tra kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm các sai phạm. Kiểm tra việc thụ lý, phân loại án, tổ chức thi hành án, thống kê kết quả thi hành án và báo cáo kết quả thi hành án.
- Cục Thi hành án dân sự Thành phố triển khai công tác thi hành án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính: Chỉ đạo các Chi cục Thi hành án dân sự phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân cùng cấp, chính quyền địa phương trong việc đôn đốc thi hành các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật. Định kỳ 6 tháng, một năm tổng hợp, đánh giá kết quả, sơ kết, tổng kết công tác thi hành án hành chính.
b) Sở Tư pháp Thành phố:
- Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Thành phố trong công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến công tác thi hành án dân sự.
- Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Thành phố triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại tại thành phố Hà Nội: Đăng ký với Bộ Tư pháp thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn Thành phố và triển khai thực hiện Đề án sau khi được phê duyệt; Đề nghị Bộ Tư pháp thành lập, cấp phép hoạt động đối với các Văn phòng Thừa phát lại, bổ nhiệm Thừa phát lại và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về Thừa phát lại.
c) Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân Thành phố tăng cường phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Thành phố trong việc tổng hợp khó khăn, vướng mắc, bất cập thực hiện Luật Thi hành án dân sự, những vấn đề pháp lý, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, như: Sở hữu tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán đấu giá tài sản, công chứng, giám định….Viện kiểm sát nhân dân Thành phố tăng cường công tác kiểm sát thi hành án dân sự theo quy định pháp luật.
d) Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân Thành phố, Mặt trận Tổ quốc Thành phố: Tăng cường giám sát hoạt động thi hành án dân sự; phản ánh kịp thời những thiếu sót, hạn chế trong công tác thi hành án dân sự ở địa phương.
III. Tổ chức thực hiện:
1. Cục Thi hành án dân sự Thành phố: Cơ quan chủ trì, là đầu mối chủ động phối hợp với các Sở, ngành Thành phố trong việc xây dựng Chương trình công tác cụ thể và triển khai thực hiện Kế hoạch này; Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Chi cục Thi hành án dân sự trong việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2013; định kỳ báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp, HĐND và UBND Thành phố.
2. Các Sở, Ngành Thành phố: Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác pháp chế của cơ quan, đơn vị; chủ động phối hợp với Cục Thi hành án dân sự Thành phố triển khai việc cung cấp thông tin, tài liệu, xác nhận tài sản và nguồn thu nhập của người phải thi hành án cho các cơ quan Thi hành án khi có yêu cầu; tạo điều kiện thuận lợi cho người được thi hành án biết thông tin về tài sản, nguồn thu nhập của người phải thi hành án để cơ quan thi hành án tổ chức thi hành; Thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự về phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản; khấu trừ tiền trong tài khoản; giải tỏa việc phong tỏa tài khoản, phong tỏa tài sản của người thi hành án; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Thi hành án dân sự cho các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân, nhằm nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật về thi hành án dân sự.
3. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã: Chủ động xây dựng Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội do Thủ tướng ban hành và chỉ đạo Chi cục Thi hành án dân sự, các phòng, ban, UBND các phường, xã, thị trấn thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ thi hành án dân sự theo nội dung Kế hoạch của UBND Thành phố. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả việc thực hiện về Cục Thi hành án dân sự để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố.
4. Sở Tài chính: Bố trí kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch này.
Cục Thi hành án dân sự có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí gửi Sở Tài chính thẩm định; bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước phục vụ việc triển khai Kế hoạch.
UBND Thành phố yêu cầu Giám đốc các Sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã nghiêm túc tổ chức, triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.