ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 42/KH-UBND | Thái Nguyên, ngày 12 tháng 5 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 13/CT-TTG NGÀY 09/5/2016 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
Thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Tăng cường vai trò quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP). Xác định trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác ATTP là của các cấp, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở, công tác bảo đảm ATTP được đặt trọng tâm trong công tác chỉ đạo điều hành chung, làm chuyển biến rõ nét nhận thức trong toàn thể nhân dân để từ đó tất cả mọi người dân tự giác thực hiện các quy định pháp luật về ATTP.
2. Yêu cầu
- Công tác quản lý ATTP phải được thực hiện thường xuyên, liên tục; quản lý ATTP phải thực hiện theo nguyên tắc, bảo đảm an toàn ở tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kinh doanh, chế biến và tiêu dùng thực phẩm.
- Ngăn chặn hiệu quả việc lạm dụng thuốc kháng sinh; các hành vi buôn bán, sử dụng chất cấm (sabutamol, chất vàng O...) trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; giảm tỷ lệ mẫu có tồn dư hóa chất cấm; tồn dư kháng sinh, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và ô nhiễm vi sinh vật quá giới hạn cho phép.
- Nâng cao kiến thức, thực hành của người sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, người tiêu dùng và người quản lý lãnh đạo về ATTP. Tăng cường phối hợp, phân công trách nhiệm, phân cấp quản lý giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý ATTP để tạo ra hiệu quả rõ rệt, tránh chồng chéo.
- Kết quả tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành về công tác bảo đảm ATTP là một trong các tiêu chí để UBND tỉnh xét thi đua, khen thưởng đối với người đứng đầu và đơn vị.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Triển khai trên phạm vi toàn tỉnh.
2. Đối tượng:
- Các cơ quan quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
- Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
III. NỘI DUNG
1. UBND các cấp, các sở, ban, ngành, đoàn thể, kịp thời triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Trung Tâm thông tin tỉnh đăng và phát toàn văn Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để người dân biết và theo dõi.
2. Kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm các cấp do đồng chí Chủ tịch UBND trực tiếp làm nhiệm vụ Trưởng ban và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng thành viên.
3. UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ (thành phần: Lãnh đạo các sở ban ngành, đoàn thể ở tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã), thời gian dự kiến trước 20/05/2016.
4. Sở: Y tế, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo chức năng, nhiệm vụ lựa chọn ngay một số cơ sở nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh thực phẩm để ký cam kết bảo đảm ATTP.
5. Sở: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương lập đường dây nóng hoạt động thông suốt 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần, số đường dây nóng được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, đường dây nóng phải đảm bảo tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời, chính xác.
6. Ngành Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương đề xuất đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành mình phục vụ kịp thời cho công tác đảm bảo ATTP.
7. Sở Công Thương phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, thị xã xây dựng thí điểm cửa hàng, điểm bán thực phẩm sạch tại chợ, siêu thị, tuyến phố trên địa bàn tỉnh.
8. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các đề án chương trình có liên quan để thu hút các nhà đầu tư phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn.
9. Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Trung tâm Thông tin tỉnh tăng cường thời lượng tuyên truyền, xây dựng chuyên mục, chuyên trang về ATTP, ngoài việc nêu các hành vi vi phạm cần chú ý nêu gương người tốt, việc tốt, hướng dẫn kiến thức về ATTP.
10. Các đơn vị, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, kiểm soát theo kế hoạch và đột xuất về công tác ATTP.
11. Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ký kết quy chế phối hợp hoạt động trên tinh thần nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị.
12. Ban Thi đua Khen thưởng - Sở Nội vụ tham mưu cho UBND tỉnh đột xuất và định kỳ có hình thức tôn vinh, khen thưởng đối với cá nhân, đơn vị làm tốt công tác đảm bảo ATTP.
13. Hằng tháng các huyện, thành phố, thị xã, các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có báo cáo gửi về Sở Y tế - Cơ quan Thường trực để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
IV. NGUỒN LỰC
1. Nhân lực
- Các cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ được phân công có trách nhiệm huy động nguồn lực trong hệ thống để triển khai các nội dung của kế hoạch.
- Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát để triển khai đúng tiến độ đạt hiệu quả công việc được giao.
2. Nguồn kinh phí
Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh quyết định tăng kinh phí cho công tác bảo đảm ATTP theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực tế tại địa phương.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, các tổ chức chính trị-xã hội, các tổ chức hội nghề nghiệp và đoàn thể:
Triển khai công tác vận động, giáo dục, đẩy mạnh phát động các phong trào bảo đảm ATTP gắn với cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, khu phố văn hóa, gia đình văn hóa, nhằm khuyến khích hình thành hành vi sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trong cộng đồng. Phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, tuyên truyền phổ biến kiến thức ATTP cho các hội viên, đoàn viên và nhân dân để phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm...
2. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai và phối hợp với các đơn vị, đoàn thể, địa phương liên quan triển khai các biện pháp phù hợp để thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch này và các văn bản chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 09/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.