ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 377/KH-UBND | An Giang, ngày 27 tháng 6 năm 2018 |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH THANH TOÁN QUA NGÂN HÀNG ĐỐI VỚI DỊCH VỤ CÔNG: THUẾ, ĐIỆN, NƯỚC, HỌC PHÍ, VIỆN PHÍ VÀ CHI TRẢ CÁC CHƯƠNG TRÌNH AN SINH XÃ HỘI
Thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội, Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích:
Để thực hiện có hiệu quả Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội (sau đây gọi tắt là Đề án).
Xác định nhiệm vụ cụ thể, thời gian hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị có quan liên quan trong việc tổ chức triển khai các giải pháp thực hiện Đề án.
2. Yêu cầu:
Thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời có những nội dung, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định tại Đề án.
Các nhiệm vụ triển khai Đề án phải phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với thời gian và lộ trình cụ thể; đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của các đơn vị có liên quan. Các nội dung của kế hoạch phải đảm bảo tính khoa học, khả thi, phù hợp với Đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
II. NHIỆM VỤ VÀ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN
1. Về khuôn khổ pháp lý và cơ chế chính sách về thanh toán qua ngân hàng
Rà soát và nghiên cứu góp ý với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản nhằm tạo hành lang pháp lý cho các ngân hàng cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại;
Nghiên cứu, góp ý ban hành văn bản hướng dẫn Thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH); để tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch thanh toán qua ngân hàng (bao gồm các khoản thuế, các loại hóa đơn định kỳ như điện, nước, học phí);
Nghiên cứu, góp ý hoàn thiện quy định về cơ chế thu, trả phí đối với dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt nhằm khuyến khích thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua Ngân hàng; quy định về thẻ gắn vi mạch điện tử (thẻ chip) nhằm tăng tính an toàn, bảo mật và tăng khả năng mở rộng tiện ích cho khách hàng; hướng dẫn triển khai áp dụng QR code trong lĩnh vực thanh toán.
Đơn vị thực hiện: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang
Thời gian thực hiện: Từ năm 2018 - 2019.
2. Triển khai ứng dụng các hình thức, phương thức mới, hiện đại phục vụ thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội
Căn cứ vào điều kiện và khả năng đáp ứng của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TCCUDVTGTT); chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện các công việc như sau:
- Tiếp tục mở rộng thêm mạng lưới thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các đơn vị Kho bạc Nhà nước, các bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa tại các cơ quan Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, chi trả an sinh xã hội… để phục vụ thanh toán qua ngân hàng.
Phấn đấu đến năm 2020; có 100% Kho bạc Nhà nước tỉnh, Kho bạc Nhà nước huyện, thành phố, thị xã thuộc tỉnh có thiết bị chấp nhận thẻ phục vụ việc thu ngân sách Nhà nước.
- Tăng cường tuyên truyền và triển khai các sản phẩm dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt phù hợp, thuận lợi cho khách hàng trong thu, nộp thuế, thanh toán hóa đơn định kỳ (tiền điện, tiền nước, học phí), viện phí, chi trả lương, trợ cấp bảo hiểm xã hội; chú trọng phát triển sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng và phù hợp với điều kiện ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa…
- Đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử cho phép ngân hàng có thể nhận diện chính xác được khách hàng dễ dàng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai phát triển thêm các sản phẩm thẻ đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán: thanh toán trực tuyến, thanh toán qua thẻ POS, thanh toán trên ứng dụng điện thoại thông minh và các dịch vụ thanh toán hiện đại khác.
- Tăng cường triển khai các mô hình hợp tác với các đơn vị cung ứng các dịch vụ điện, nước, bệnh viện, trường học, Kho bạc Nhà nước, thuế, Hải quan, Bảo hiểm xã hội, các điểm giao dịch một cửa tại các cơ quan Nhà nước … để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.
- Tiếp nhận và triển khai vận hành hệ thống thanh toán bù trừ tự động cho các giao dịch bán lẻ (ACH) nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán mọi thời điểm của các tổ chức và cá nhân.
- Mở rộng và phát triển kết nối liên thông giữa các ngân hàng với các đơn vị điện, nước, bệnh viện, trường học, các điểm giao dịch một cửa tại các cơ quan Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, các điểm thu nộp thuế của cơ quan thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội … để thực hiện việc xử lý và đối chiếu thông tin dưới dạng dữ liệu điện tử tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác.
Đơn vị thực hiện: Kho bạc Nhà nước, các ngân hàng, TCCUDVTGTT;
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ nay đến năm 2020.
3. Tiếp tục đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, tạo niềm tin cho khách hàng
Các Ngân hàng và TCCUDVTGTT cập nhật và áp dụng các biện pháp tiên tiến bảo đảm an ninh, an toàn cho các hệ thống thanh toán, các sản phẩm dịch vụ thanh toán. Chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán; tăng cường hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng trong hệ thống của mình để phòng, chống các hành vi gian lận.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, bổ sung và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ, quy định nội bộ về an ninh, an toàn, bảo mật hệ thống công nghệ thông tin nhằm hạn chế rủi ro; đồng thời phát hiện sớm các vi phạm để chấn chỉnh đảm bảo tuân thủ các quy định về an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Đơn vị thực hiện: Các Ngân hàng và TCCUDVTGTT
Thời gian thực hiện: Thường xuyên, từ nay đến năm 2020.
4. Tăng cường phối hợp giữa các Sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc triển khai thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng trên địa bàn tỉnh
Các Sở, ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ để triển khai một cách đồng bộ các giải pháp trong Đề án; lồng ghép các nội dung, nhiệm vụ của đề án vào các chương trình, kế hoạch phát triển của địa phương hàng năm như: phát triển kinh tế - xã hội; phát triển dịch vụ trên địa bàn; cung ứng dịch vụ cơ sở hạ tầng viễn thông, điện, nước, y tế, giáo dục; đề xuất các giải pháp khuyến khích, ưu đãi phù hợp với các cá nhân sử dụng thẻ, phương tiện thanh toán hiện đại trong thanh toán dịch vụ công và đơn vị trường học, bệnh viện, công ty điện lực, công ty cấp nước thực hiện thu phí qua ngân hàng. Cụ thể như sau:
4.1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang
Tiếp tục rà soát và nghiên cứu góp ý với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản pháp lý nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho các ngân hàng cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng kiến nghị Hội sở đầu tư cơ sở hạ tầng và công nghệ kết nối với các đơn vị cung ứng dịch vụ công; đa dạng các dịch vụ, phương thức thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán của các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên địa bàn.
Kiểm tra, rà soát hệ thống máy giao dịch tự động (ATM) và thiết bị chấp nhận thẻ tại các điểm bán; tình hình hệ thống đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch qua ATM, POS và các giải pháp xác thực khách hàng để phòng, chống các hành vi gian lận.
Tiếp nhận các chương trình truyền thông từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và tổ chức tuyên truyền về thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng.
4.2. Sở Tài chính
Chỉ đạo các đơn vị sử dụng kinh phí từ NSNN trên địa bàn thực hiện việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng.
4.3. Kho bạc Nhà nước tỉnh
Chỉ đạo các đơn vị Kho bạc Nhà nước trên địa bàn tổ chức phối hợp với các Ngân hàng thực hiện việc thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng.
Phối hợp liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với đặc thù dịch vụ công; tạo thuận lợi cho việc theo dõi và quản lý thu, chi với khách hàng được nhanh chóng, chính xác.
4.4. Cục Hải quan
Chỉ đạo các đơn vị Hải quan trên địa bàn phối hợp với các Ngân hàng thực hiện việc thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng.
Các đơn vị Hải quan phối hợp liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với việc thu thuế, thu phí qua ngân hàng.
4.5. Cục Thuế
Chỉ đạo các đơn vị thuế trên địa bàn tiếp tục phối hợp liên kết với các ngân hàng đẩy mạnh việc thu thuế điện tử qua ngân hàng.
Phối hợp với Ngân hàng tiếp tục triển khai kết nối hạ tầng dịch vụ thuế điện tử với hạ tầng thanh toán điện tử để phục vụ việc nộp thuế điện tử; thống nhất các giải pháp trao đổi thông tin, dữ liệu thuế điện tử giữa hệ thống ngân hàng, các cơ quan Thuế và Kho bạc Nhà nước để hỗ trợ công tác quản lý, thu thuế.
Đối với dịch vụ thu ngân sách, phấn đấu đến năm 2020 có 80% giao dịch nộp thuế tại thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc thực hiện qua ngân hàng.
4.6. Sở Y tế
Chỉ đạo các bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn tích cực hợp tác với các ngân hàng triển khai thanh toán viện phí qua ngân hàng; tăng cường lắp đặt các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ tại các cơ sở y tế phục vụ việc thanh toán viện phí được nhanh chóng, tiết kiệm thời gian khám chữa bệnh.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền viện phí, phấn đấu đến năm 2020 có 50% bệnh viện tại thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc chấp nhận thanh toán viện phí qua ngân hàng.
4.7. Sở Giáo dục và Đào tạo
Chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực hợp tác với các ngân hàng triển khai thanh toán học phí qua ngân hàng; tăng cường tuyên truyền, vận động khuyến khích sinh viên thực hiện thanh toán học phí qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền học phí, phấn đấu đến năm 2020 các trường đại học, cao đẳng trong tỉnh chấp nhận thanh toán học phí qua ngân hàng và có 80% số sinh viên tại các trường này nộp học phí qua ngân hàng.
4.8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị Bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh tăng cường phối hợp với các Ngân hàng thực hiện việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội cho các đối tượng thụ hưởng, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng.
Đối với dịch vụ chi trả an sinh xã hội, các địa bàn thành phố, huyện, thị xã thuộc tỉnh phấn đấu đến năm 2020 có 50% số tiền an sinh xã hội được thực hiện qua ngân hàng.
4.9. Công ty Điện lực An Giang
Chỉ đạo các đơn vị điện lực trên địa bàn phối hợp với các Ngân hàng thực hiện việc thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng. Thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất thông tin để thực hiện thanh toán.
Các đơn vị điện lực phối hợp liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với việc thu tiền điện qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, phấn đấu đến năm 2020 tại địa bàn thành phố, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh có 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng.
4.10. Công ty cổ phần điện nước An Giang
Các đơn vị cung cấp nước trên địa bàn phối hợp với các Ngân hàng thực hiện việc thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng. Thực hiện chuẩn hóa thông tin dữ liệu khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc truy xuất thông tin để thực hiện thanh toán.
Các đơn vị cấp nước phối hợp liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp với việc thu tiền nước qua ngân hàng.
Đối với dịch vụ thanh toán tiền điện, phấn đấu đến năm 2020 tại địa bàn thành phố, huyện, thị xã trực thuộc tỉnh có 70% số tiền điện được thanh toán qua ngân hàng;
Đối với dịch vụ thanh toán tiền nước, phấn đấu đến năm 2020 có 50% cá nhân, hộ gia đình tại thành phố Long Xuyên và thành phố Châu Đốc thực hiện thanh toán tiền nước qua ngân hàng.
4.11. Các Trường đại học, cao đẳng, trung cấp trên địa bàn phối hợp, liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp; thực hiện việc thanh toán dịch vụ thu học phí qua hệ thống ngân hàng.
4.12. Đối với các điểm giao dịch một cửa tại các cơ quan Nhà nước
Các đơn vị phối hợp, liên kết với các ngân hàng triển khai các mô hình hợp tác để cung cấp các sản phẩm dịch vụ thanh toán phù hợp ; thực hiện việc thanh toán dịch vụ công qua hệ thống ngân hàng.
Các công việc nêu trên được các đơn vị thực hiện thường xuyên từ nay đến năm 2020.
5. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền
Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Báo An Giang chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về thanh toán dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội qua ngân hàng: Thông tin, tuyên truyền về các sản phẩm, dịch vụ và quy trình, thủ tục thanh toán không dùng tiền mặt; những lợi ích và hiệu quả của việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt khi thực hiện nộp thuế, trả tiền điện, nước, học phí và chi trả an sinh xã hội.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ công phối hợp với các ngân hàng, đơn vị truyền thông để xây dựng và lồng ghép các nội dung về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trong các chương trình phổ biến kiến thức, giáo dục tài chính cho người dân (đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, khu vực nông thôn).
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Nguồn kinh phí thực hiện Đề án được bố trí từ các nguồn: Ngân sách Nhà nước; vay ưu đãi, tài trợ của các tổ chức quốc tế và trong nước; kinh phí của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, trung gian thanh toán và các nguồn vốn hợp pháp khác. Các đơn vị sử dụng dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm để thực hiện các nội dung của Đề án.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức triển khai, theo dõi đôn đốc thực hiện Đề án; tổng hợp đề xuất các biện pháp tháo gỡ, xử lý những khó khăn, vướng mắc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; tổng hợp báo cáo đánh giá tổng kết tình hình thực hiện triển khai thực hiện Đề án của Chính phủ.
2. Các đơn vị có liên quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao:
- Xây dựng Kế hoạch hành động cụ thể của đơn vị để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án và báo cáo kết quả thực hiện gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh An Giang định kỳ trước ngày 05 tháng 12 hàng năm để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Chịu trách nhiệm triển khai kịp thời và hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Đề án; lồng ghép các nội dung về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công và chi trả an sinh xã hội vào các đề án, dự án, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;
3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn tỉnh An Giang tuyên truyền vận động, khuyến khích Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện việc thanh toán các dịch vụ công qua ngân hàng.
Trên đây là kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang triển khai thực hiện Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.