ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 333/KH-UBND | Lào Cai, ngày 18 tháng 12 năm 2018 |
Căn cứ Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai, cụ thể như sau:
1. Mục tiêu:
- Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ luật pháp cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao hiệu quả, chất lượng của hệ thống thể chế, pháp luật kinh doanh.
- Giám sát trách nhiệm thi hành pháp luật kinh doanh của các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố.
- Tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định; khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh; tạo hiệu ứng tác động tích cực đến công tác thu hút đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp; kiến tạo môi trường khởi nghiệp lành mạnh cho doanh nghiệp.
2. Yêu cầu:
- Rà soát, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính (hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền cắt giảm, đơn giản hóa TTHC), các thủ tục kiểm tra chuyên ngành, điều kiện kinh doanh, giảm mức thu phí, bãi bỏ một số phí không cần thiết.
- Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc triển khai đồng bộ, kịp thời các giải pháp, chính sách, cơ chế nhằm thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đề ra trong kế hoạch.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Các nhiệm vụ, giải pháp chung:
- Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các thành phố tiếp tục tích cực thực hiện rà soát để kiến nghị phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); nâng cao hiệu quả của hệ thống kiểm soát TTHC.
- Rà soát pháp luật về đầu tư, kinh doanh, sàng lọc những điểm bất hợp lý, gây ra chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp, nghiên cứu đề xuất hướng xử lý. Các văn bản ban hành cần có đánh giá tác động chi phí, nhất là chi phí không chính thức, gắn với trách nhiệm của cán bộ, công chức.
- Tăng cường tiếp xúc, tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, xử lý nghiêm minh các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ thi hành pháp luật.
- Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc phản biện chính sách, tham vấn xây dựng thể chế và hoàn thiện môi trường kinh doanh.
- 100% thủ tục hành chính liên quan đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư, quy hoạch của tỉnh và địa phương được niêm yết, công khai bằng nhiều hình thức thiết thực và phù hợp (tại nơi tiếp nhận và giải quyết TTHC; trên cổng thông tin điện tử; cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC...) đảm bảo rõ ràng, dễ tiếp cận, khai thác, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức khi có nhu cầu. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý, giải quyết thủ tục, hồ sơ kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần đơn giản hóa TTHC.
- Tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa các chế độ báo cáo theo yêu cầu tại Quyết định số 559/QĐ-TTg ngày 24/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt "Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước" để cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ của các cán bộ, công chức giải quyết thực hiện các thủ tục liên quan đến doanh nghiệp; trong đó tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công vụ và phòng chống tham nhũng.
2. Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
2.1. Về chi phí tuân thủ pháp luật:
a) Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì, phối hợp các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất các biện pháp cắt giảm đảm bảo đúng quy định của Luật Đầu tư.
- Thực hiện thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp trong tối đa 02 ngày làm việc; giảm 30% thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giảm 30% thời gian lấy ý kiến, thẩm định trình quyết định chủ trương đầu tư so với thời gian quy định của Luật Đầu tư; kết nối các thủ tục thuế, lao động, bảo hiểm, ngân hàng nhằm rút ngắn thời gian khởi sự kinh doanh cho doanh nghiệp.
- Chủ trì, hướng dẫn các đơn vị và doanh nghiệp tổ chức triển khai Kế hoạch số 238/KH-UBND ngày 08/8/2018 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 15/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
b) Sở Giao thông vận tải - Xây dựng:
- Nghiên cứu, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị sửa đổi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Xây dựng, Luật Đầu tư đảm bảo thống nhất tổ chức thực hiện (xác định cụ thể trình tự thực hiện dự án Khu đô thị, dự án Nhà ở thương mại, dự án Nhà ở xã hội theo hướng minh bạch, cụ thể, rút gọn).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện tốt việc phối hợp thẩm định thiết kế xây dựng, cấp phép xây dựng và thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy đối với dự án, công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Trong đó thực hiện đồng thời thủ tục cho ý kiến về giải pháp phòng cháy, chữa cháy với thủ tục thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công.
c) Sở Công thương:
- Phối hợp với Công ty Điện lực Lào Cai triển khai và thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt các thủ tục, thời gian và chi phí tiếp cận để được cấp điện đối với các dự án, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
- Chủ trì, phối hợp với Công ty Điện lực Lào Cai và các đơn vị có liên quan xây dựng Quy định về thực hiện cơ chế “một cửa liên thông” giữa các cơ quan nhà nước với ngành điện lực trong giải quyết các thủ tục cấp điện qua lưới trung áp trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
d) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Xây dựng giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý ngành nông nghiệp và thực hiện cải thiện Chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
- Khẩn trương chỉ đạo các đơn vị chuyên môn xây dựng tài liệu hướng dẫn về kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... theo quy định của pháp luật đảm bảo dễ hiểu, dễ áp dụng.
đ) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết TTHC liên quan đến doanh nghiệp gồm: Thẩm định chương trình huấn luyện chi tiết về an toàn lao động, vệ sinh lao động của cơ sở; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hạng A; Tiếp nhận thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp; cấp giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm cho doanh nghiệp.
- Tham mưu cắt giảm chi phí thẩm định cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn vệ sinh lao động hạng B.
e) Sở Tư pháp:
- Nâng cao chất lượng thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của UBND tỉnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để đảm bảo các quy định mới ban hành không phát sinh thêm thời gian, chi phí của doanh nghiệp.
- Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp theo Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho Doanh nghiệp; Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện và điều chỉnh nội dung các dự án của Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 -2014.
g) Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai:
Giảm ít nhất 30% thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; giảm 30% thời gian lấy ý kiến, thẩm định trình quyết định chủ trương đầu tư so với thời gian quy định của Luật Đầu tư.
h) UBND các huyện, thành phố:
- Tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư đối với các dự án đang phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn; chỉ báo cáo UBND tỉnh xem xét đối với những trường hợp vượt thẩm quyền.
- Tăng cường kiểm tra, đánh giá mức độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; định kỳ hàng năm đề xuất danh mục công trình kết cấu hạ tầng cấp bách, cần thiết phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu trên địa bàn.
i) Văn phòng UBND tỉnh:
- Tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết theo lộ trình của Đề án 1648;
- Tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định.
2.2. Về phí, lệ phí; chi phí sản xuất, kinh doanh:
a) Sở Tài chính:
- Cân đối đủ nguồn lực về vốn để thực hiện các chương trình hỗ trợ đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ theo kế hoạch đã được phê duyệt.
- Tập trung rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành, đề xuất phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo các loại phí tuân thủ đúng nguyên tắc "cơ bản bù đắp chi phí" được quy định trong Luật Phí và Lệ phí năm 2015; giải thích công khai cơ sở tính phí, lệ phí.
b) Sở Khoa học và Công nghệ:
- Tăng cường công tác phối hợp các đơn vị liên quan để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực khoa học công nghệ đối với hàng hóa nhập khẩu, góp phần giảm thời gian thông quan hàng hóa.
- Ứng dụng công nghệ thông tin truy xuất các dữ liệu của Sở, ngành, doanh nghiệp để giảm số lượng hồ sơ khi thực hiện các thủ tục liên quan đến hàng hóa nhập khẩu, chuyển 100% thủ tục hành chính từ chế độ tiền kiểm sang hậu kiểm đáp ứng quy định của pháp luật, đảm bảo điều kiện thông thoáng cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
- Hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, chào bán công nghệ, thiết bị và kết nối giao thương trên sàn trực tuyến, tạo cơ hội trao đổi với các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ được thuận lợi, không hạn chế về không gian và thời gian, góp phần giảm chi phí và thời gian của doanh nghiệp.
c) Sở Giao thông Vận tải - Xây dựng:
- Ban hành danh mục các đối tượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng; các dự án không phải lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500.
- Rà soát để kiến nghị phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến xây dựng, quy hoạch gồm: Thông báo giới thiệu địa điểm; cấp chứng chỉ quy hoạch; thẩm tra thiết kế cơ sở; thẩm tra thiết kế kỹ thuật thi công công trình thuộc phạm vi quản lý.
d) Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát để kiến nghị phương án đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư trong đó tăng cường nhân lực, thiết bị để rút ngắn thời gian thực hiện công tác đo đạc địa chính; thẩm định bản đồ địa chính.
- Chủ động tham mưu cho UBND tỉnh rút ngắn thời gian chờ họp hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; chờ họp xác định giá đất đối với các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
- Giảm thời gian và thủ tục đăng ký tài sản gắn liền với đất vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho doanh nghiệp.
đ) Sở Công thương:
Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đề xuất các giải pháp kích thích, mở rộng xuất khẩu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh.
e) Sở Y tế:
Tiếp tục rà soát để cắt giảm thời gian cấp chứng chỉ hành nghề Y - Dược, giấy phép hoạt động cơ sở khám chữa bệnh; chuyển từ thẩm định cấp phép sang tự công bố đủ điều kiện hoạt động đối với dịch vụ massage, an toàn sinh học cấp 1, cấp 2, an toàn tiêm chủng, khám sức khỏe.
g) Công an tỉnh: Tăng cường xử lý, tập trung trấn áp tội phạm cho vay nặng lãi, bắt giữ người, siết nợ trái pháp luật.
h) Thanh tra tỉnh: Tham mưu cho UBND tỉnh, đồng thời hướng dẫn các đơn vị thực hiện nghiêm Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
i) Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai:
- Tập trung giải quyết ngay vấn đề ô nhiễm môi trường trong các khu công nghiệp; đề xuất biện pháp, nguồn vốn xây dựng cơ sở hạ tầng trong các khu công nghiệp một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư hàng năm đối với các dự án thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
k) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Lào Cai: Triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng nhà nước, nhằm cắt giảm chi phí cho Ngân hàng thương mại, tạo điều kiện thuận lợi giảm lãi suất cho vay.
l) Cục Thuế tỉnh: Nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh lộ trình tăng tiền thuê đất để doanh nghiệp có thể lường trước chi phí tiền thuê đất, hạn chế những tác động tiêu cực, chi phí quá lớn đối với doanh nghiệp về tiền thuê đất (hiện nay giá cho thuê đất sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ trên địa bàn đang ở mức tương đối cao).
m) Cục Hải quan tỉnh: Công khai tiêu chí đánh giá, có hệ thống cảnh báo công khai lý do doanh nghiệp bị phân luồng. Thực hiện giảm tờ khai xuất nhập khẩu luồng đỏ, luồng vàng; triển khai áp dụng quản lý rủi ro toàn diện, nâng cao hiệu quả, chất lượng áp dụng quản lý rủi ro trong tất cả các nghiệp vụ hải quan.
n) Bảo hiểm xã hội tỉnh: Phối hợp với cơ quan thuế để tiếp nhận và sử dụng thông tin về doanh nghiệp và người lao động từ cơ quan thuế, hoàn thành việc cấp mã số BHXH cho cá nhân, tổ chức theo quy định và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
2.3. Về chi phí không chính thức:
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm như sau:
a) Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những đơn vị, cá nhân có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.
b) Xây dựng các tài liệu hướng dẫn tuân thủ các quy định pháp luật về kinh doanh trong phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của mình; đảm bảo quy định pháp luật về kinh doanh dễ hiểu, dễ tuân thủ, không hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau.
c) Công khai các tài liệu hướng dẫn, giải thích các điểm chưa rõ, khó hiểu trong quy định về thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh trên Cổng thông tin điện tử; trường hợp pháp luật không rõ, không giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp; thống nhất áp dụng pháp luật cho các trường hợp tương tự, không phân biệt đối xử.
d) Xây dựng quy tắc đạo đức công vụ của cán bộ, công chức khi phục vụ công dân, doanh nghiệp; tổ chức tập huấn cho cán bộ, công chức về các quy định pháp luật về phòng chống tham nhũng, khiếu nại, tố cáo và chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi hành công vụ.
đ) Đẩy mạnh cải cách TTHC, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, công khai, minh bạch hoạt động quản lý nhà nước; 100% các cơ quan, đơn vị triển khai việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC trên phần mềm dịch vụ hành chính công. Đổi mới phương thức cung ứng dịch vụ hành chính công theo hướng đơn giản, liên thông, liên kết, hiện đại và trực tuyến.
e) Đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích bảo đảm tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết TTHC.
g) Giải quyết các kiến nghị, phản ảnh, khiếu nại, tố cáo của doanh nghiệp, của công dân kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Người đứng đầu UBND các huyện, thành phố phải dành thời gian thích đáng tiếp công dân theo quy định, giải quyết hiệu quả các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này.
2. Sở Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng của tỉnh xây dựng chuyên mục tuyên truyền về nội dung Kế hoạch này.
3. Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Tổ chức quán triệt nội dung Kế hoạch này gắn liền với việc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; khắc phục những khuyết điểm, yếu kém; phát huy những thành quả đạt được nhằm đề ra các giải pháp thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch.
- Tăng cường tiếp xúc, tham vấn doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả tiếp nhận và xử lý phản ảnh của doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật.
- Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố định kỳ hàng năm, tổng hợp báo cáo đầy đủ, nghiêm túc đánh giá tình hình triển khai và kết quả thực hiện, đối với các cơ quan có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19 thì có thể kết hợp báo cáo thực hiện các nội dung theo Kế hoạch này và báo cáo thực hiện Nghị quyết 19, gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về triển khai thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lào Cai./.
| CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.