ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 328/KH-UBND | Hà Tĩnh, ngày 11 tháng 10 năm 2018 |
Thực hiện Luật Thủy sản ngày 21/11/2017 (hiệu lực thi hành ngày 01/01/2019), Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản, quy định có liên quan của Trung ương và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018 của UBND tỉnh về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1883/SNN-TS ngày 03/10/2018; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và tăng cường công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản như sau:
- Lập lại trật tự, kỷ cương trong các hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh đối với cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động khai thác (đánh bắt) thủy sản và công tác bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân trong hoạt động khai thác thuỷ sản; nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn bảo vệ nguồn lợi thủy sản; góp phần phát triển, bền vững ngành Thủy sản của Hà Tĩnh.
- Chủ động đấu tranh, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả và xử lý nghiêm các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ cấm để khai thác thủy sản; các hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên phạm vi toàn tỉnh đối với các hoạt động khai thác thủy sản; quá trình thực hiện không gây tác động, ảnh hưởng, cản trở đến hoạt động khai thác thủy sản bình thường, đúng pháp luật của các tổ chức, cá nhân.
- Việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018 của UBND tỉnh phải kịp thời, sâu rộng đến các địa phương, cơ quan, tổ chức, đoàn thể và người dân đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
- Các sở, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các nội dung tại Mục II của Kế hoạch này.
1.1. Yêu cầu về tuyên truyền
Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, đến các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, thôn xóm; phương thức tuyên truyền phải đa dạng, linh hoạt, sử dụng tối đa các kênh tuyên truyền sẵn có để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ để người dân tự giác, tự nâng cao ý thức chấp hành và cùng đấu tranh với các hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp.
1.2. Nội dung tuyên truyền
- Tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản như: Luật Thủy sản ngày 21/11/2017; Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998, Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017, Quyết định số 188/QĐ-TTg ngày 13/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 17/11/2017, Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018 của UBND tỉnh; các quy định của pháp luật về xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại: Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013, Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 của Chính phủ và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan một cách sâu rộng cho toàn thể cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan nhà nước các cấp và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động người dân không sử dụng các hình thức khai thác (đánh bắt) thủy sản mang tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản; vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, đấu tranh, tố giác các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật thủy sản.
- Tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao nộp các vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản, vận động người dân nghiêm túc thực hiện và tích cực tham gia phát hiện và tố giác các đối tượng không chấp hành.
1.3. Hình thức tuyên truyền
- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng: Xây dựng các phóng sự, bản tin, bài viết đăng tải trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, các Báo Trung ương và tỉnh bạn hoạt động trên địa bàn có liên quan và các trang mạng xã hội.
- Tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở: Xây dựng các chuyên đề phát thanh phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở.
- Tuyên truyền trên Cổng/Trang thông tin điện tử của các sở ban ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, UBND các xã, phường, thị trấn.
- Lắp đặt các pano, áp pich tuyên truyền tại các địa điểm công cộng như: Cảng cá, bến cá, hội trường thôn xóm...
- Phát tờ rơi, tài liệu tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản.
- Tổ chức các lớp tuyên truyền, hội nghị, hội thảo.
1.4. Tổ chức thực hiện
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và các địa phương xây dựng nội dung, biên soạn, in ấn tài liệu tuyên truyền. Lắp các pano, áp phích tại các cảng cá, bến cá.
+ Tổ chức phổ biến pháp luật thủy sản và pháp luật liên quan nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản dưới các hình thức hội nghị, tập huấn, các lớp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân.
- Sở Thông tin và Truyền thông: Tổ chức tuyên truyền pháp luật thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, xây dựng các nội dung tuyên truyền dưới dạng bản tin, phóng sự phát trên đài truyền thanh, truyền hình, báo.
- Các sở, ngành liên quan: Thực hiện công tác tuyên truyền pháp luật thủy sản trong lĩnh vực được giao, nâng cao nhận thức cộng đồng, ý thức chấp hành về pháp luật thủy sản.
- UBND các huyện, thành phố, thị xã: Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện công tác tuyên truyền đến tận các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động khai thác thủy sản, lắp các pano áp phích tại các hội trường xã, thôn xóm, tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh tại các thôn, xóm; phổ biến các quy định của pháp luật thủy sản và các chế tài xử phạt tại các cuộc họp thôn, xóm cho người dân biết và nghiêm túc chấp hành.
1.5. Thời gian thực hiện
Công tác tuyên truyền phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ, đảm bảo hiệu quả. Thời gian tuyên truyền cao điểm là từ ngày ban hành Kế hoạch này đến ngày 31/5/2019; sau thời gian nêu trên, tùy vào điều kiện thực tế và việc chấp hành của người dân, tiếp tục tuyên truyền hợp lý, nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định về khai thác thủy sản.
2.1. Đối tượng, nội dung ký cam kết
- Tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác (đánh bắt) thủy sản trên địa bàn tỉnh gồm: Chủ phương tiện (tàu cá) hoạt động khai thác trên biển, hệ thống sông ngòi, hồ đập; người dân khai thác, đánh bắt vùng kênh mương, vùng nội đồng, ao hồ; người dân đánh bắt các nghề cố định (đăng, đáy, rớ, vó, lờ dây) tại các sông, cửa biển, hồ đập; các đối tượng có hành vi sử dụng kích điện, điện lưới, chất nổ, ngư cụ cấm (hoạt động khai thác, đánh bắt không thường xuyên) trên địa bàn: Ký cam kết không tàng trữ, sử dụng vật liệu nổ, các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm để hoạt động khai thác thủy sản; đồng thời giao nộp vật liệu nổ, các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm hiện còn lưu giữ.
- Các tổ chức kinh doanh, buôn bán ngư lưới cụ: Ký cam kết không kinh doanh, buôn bán các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm để hoạt động khai thác thủy sản; đồng thời giao nộp các các ngư cụ, công cụ, dụng cụ bị cấm hiện còn lưu giữ.
2.2. Tổ chức thực hiện
- UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm rà soát, lập danh sách và tổ chức thực hiện ký cam kết cho các đối tượng trên địa bàn quản lý thuộc mục 2.1.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nội dung ký cam kết gửi các địa phương chậm nhất là 15 ngày sau khi kế hoạch được ban hành.
- Các địa phương tổ chức thực hiện việc ký cam kết hoàn thành trước ngày 31/11/2018. Báo cáo kết quả thực hiện nội dung này về UBND tỉnh qua Sở Nông nghiệp và PTNT trước ngày 10/12/2018.
3.1. Tuyên truyền, vận động người dân giao nộp ngư cụ, dụng cụ bị cấm trong khai thác thủy sản
Chính quyền địa phương các cấp: Thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về các loại vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản, giải thích cho người dân hiểu việc tàng trữ, sử dụng các công cụ, ngư cụ nêu trên là trái quy định; tuyên truyền, vận động người dân thực hiện giao nộp các vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản và tích cực đấu tranh, phát hiện, tố giác các đối tượng không chấp hành.
3.2. Tổ chức thực hiện
- UBND các xã, phường, thị trấn thành lập Hội đồng thu giữ, quản lý vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm do các tổ chức, người dân giao nộp và tổ chức thu giữ, quản lý theo quy định.
- UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo các lực lượng công an, dân phòng, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng các thôn tổ chức rà soát lại các đối tượng trên địa bàn có tàng trữ, sử dụng vật liệu, công cụ, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản nhưng chưa giao nộp (lập danh sách theo dõi); đến tận nơi tuyên truyền, vận động giao nộp.
- Công an tỉnh chủ trì, chỉ đạo lực lượng công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương lập danh sách theo dõi, xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý vật liệu nổ, công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm.
3.3. Tổ chức tiêu hủy
Chính quyền địa phương chủ trì, phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tiêu hủy công khai (mời các cơ quan thông tin, báo chí đưa tin, tuyên truyền) các công cụ, dụng cụ, ngư cụ bị cấm trong khai thác thủy sản và thu giữ các vật liệu nổ để quản lý theo quy định.
4. Tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm
4.1. Nội dung, thời gian thực hiện
- Tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát toàn diện các hoạt động khai thác (đánh bắt) thủy sản trên địa bàn toàn tỉnh; tập trung ngăn chặn các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản và các hành vi vi phạm khác ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản; thực hiện kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác thủy sản tại các vùng nước nội địa và các vùng biển. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12/9/2013 (Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05/4/2017 sửa đổi, bổ sung) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
- Công tác tuần tra, kiểm tra phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, đồng bộ và có sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng liên quan, đảm bảo hiệu quả, phải ngăn chặn, giảm thiểu được các hành vi vi phạm pháp luật. Thời gian thực hiện cao điểm là từ ngày ban hành Kế hoạch này đến ngày 31/12/2019. Sau thời gian nêu trên, tùy vào tình hình thực tế và việc chấp hành của người dân, tiếp tục có các giải pháp hợp lý tổ chức tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định.
4.2. Tổ chức thực hiện
- Cấp tỉnh:
+ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Thực hiện công tác quản lý, thanh tra kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, trên biển và tại các cảng cá, bến cá; phối hợp với các ngành liên quan trong công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật thủy sản trên địa bàn.
+ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh: Chịu trách nhiệm chính trong việc tuần tra, kiểm soát trên biển, nhất là những vùng trọng điểm, phức tạp, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi sử dụng chất nổ, xung điện để khai thác thủy sản; các tàu cá làm nghề giã cào vi phạm hoạt động ở vùng ven bờ, vùng lộng.
+ Công an tỉnh: Chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản tại vùng nước nội địa (ao, hồ đập, ruộng nước, bãi bồi, kênh mương, sông, suối); kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật thủy sản, đặc biệt là các hành vi sử dụng chất nổ, xung điện và các hành vi bị cấm để khai thác thủy sản tại vùng sông ngòi.
+ Thành lập các đoàn liên ngành (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh và các địa phương) tổ chức ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khai thác thủy sản trên sông, trên biển; tập trung kiểm soát hoạt động khai thác tại vùng biển ven bờ, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định.
- UBND cấp huyện:
Chịu trách nhiệm chính trong thực hiện công tác quản lý, tuần tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trong vùng sông ngòi, hồ đập, kênh mương, vùng nội đồng trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật. Tiến tới ngăn chặn tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn quản lý. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng người dân trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
- UBND cấp xã:
Chỉ đạo đồng loạt ra quân truy quét, xử lý dứt điểm tình trạng người dân sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác (đánh bắt) thủy sản trên địa bàn. Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND cấp huyện nếu để xảy ra tình trạng người dân trên địa bàn quản lý vi phạm các quy định pháp luật về sử dụng chất nổ, xung điện chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
- Đường dây nóng cấp tỉnh:
Sở Nông nghiệp và PTNT trên cơ sở đường dây nóng về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản Hà Tĩnh tổ chức kiện toàn lại đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Giao Chi cục Thủy sản là cơ quan thường trực Đường dây nóng cấp tỉnh.
- UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương thành lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin, tình hình khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; nắm bắt kịp thời thông tin vi phạm khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tổ chức, cá nhân trên địa bàn để chỉ đạo xử lý.
6. Phát triển, tái tạo nguồn lợi
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
+ Tuyên truyền về các biện pháp tái tạo nguồn lợi thủy sản: Hướng dẫn nhân dân thả cá, phóng sinh các đối tượng thủy sản đúng quy định, tuyên truyền, vận động người dân không khai thác thủy sản vào mùa sinh sản; sử dụng dụng cụ, ngư cụ có kích thước mắt lưới theo quy định, khai thác các loài đủ kích cỡ cho phép. Kêu gọi các tổ chức, cá nhân chung tay đóng góp cho công tác phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản.
+ Hàng năm xây dựng kế hoạch thực hiện thả, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các hồ, đập, sông ngòi và vùng biển ven bờ nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
- UBND các huyện:
Hàng năm xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí thực hiện thả, bổ sung nguồn lợi thủy sản tại các hồ, đập, sông ngòi và vùng biển ven bờ thuộc địa bàn quản lý nhằm bổ sung nguồn lợi thủy sản và nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
III. NHIỆM VỤ CÁC SỞ, NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Là cơ quan thường trực chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018 và Kế hoạch này theo định kỳ và đột xuất.
- Định kỳ hoặc đột xuất tham mưu tổ chức họp Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, các ngư cụ bị cấm để khai thác thủy sản để tăng cường chỉ đạo, công tác tổ chức thực hiện; kịp thời khen thưởng các địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, chấn chỉnh các đơn vị chưa thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND tỉnh còn để xảy ra tình trạng vi phạm trên địa bàn, lĩnh vực quản lý.
2. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Chỉ đạo các đồn, trạm ven biển kiểm tra, kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá ra vào cửa lạch. Kiểm soát việc tàng trữ, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản và phối hợp kiểm tra việc chấp hành của chủ tàu về hồ sơ tàu cá, các điều kiện đảm bảo an toàn khi phương tiện ra vào cửa lạch.
- Phối hợp với Sở Ngoại vụ, Công an tỉnh trong việc xử lý tàu cá Hà Tĩnh bị nước ngoài bắt giữ.
3. Công an tỉnh
Chỉ đạo các phòng chức năng, Công an các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm tình hình, thu thập thông tin, phát hiện, xác minh, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về sản xuất, kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
4. Sở Công thương
Phối hợp với Công an tỉnh, các cơ quan, địa phương liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vật liệu nổ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, không để xảy ra tình trạng thất thoát vật liệu nổ công nghiệp.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan, đơn vị có liên quan, tổ chức tuyên truyền, phổ biến Luật Thủy sản, các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thủy sản, các quy định của Chính phủ, của UBND tỉnh về việc cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc và các nghề cấm để khai thác thủy sản trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và mạng xã hội nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn dân trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
6. Sở Tài chính
Trên cơ sở kế hoạch, và đề xuất kinh phí hàng năm của các đơn vị; thẩm định, tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí triển khai thực hiện kế hoạch.
7. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Thực hiện các nhiệm vụ được phân công tại Mục II Kế hoạch này và chủ động bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ thuộc địa phương.
- Triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/7/2018 của UBND tỉnh; khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp huyện, ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện.
- Triển khai thực hiện nghiêm Quyết định số 51/2017/QĐ-UBND ngày 17/11/2017 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy định quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại vùng biển ven bờ tỉnh Hà Tĩnh đối với các địa phương liên quan.
- Giao quyền và khuyến khích các Tổ chức cộng đồng ngư dân tham gia bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng biển được phân cấp quản lý.
8. Các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, hội ngành nghề liên quan
- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh và các đoàn thể vận động phong trào nhân dân tích cực tham gia công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm quy định cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc, ngư cụ cấm để khai thác thủy sản.
- Hội Nông dân tỉnh phối hợp các sở, ngành, địa phương, cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động hội viên, người dân tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động khai thác thủy sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân trong hoạt động đánh bắt.
1. Kinh phí tổ chức thực hiện: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan thường trực Ban chỉ đạo cấp tỉnh) tổng hợp dự toán kinh phí tổ chức thực hiện kế hoạch này (nhiệm vụ cấp tỉnh), gửi Sở Tài chính soát xét, tham mưu UBND tỉnh bố trí để phục vụ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo có hiệu quả thiết thực.
2. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã, các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, tình hình thực tế của địa phương và nội dung Kế hoạch này xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí và tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, bất cập, các đơn vị báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo đề xuất UBND tỉnh xem xét quyết định./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.