ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 325/KH-UBND | Lào Cai, ngày 24 tháng 10 năm 2019 |
ĐẢM BẢO AN TOÀN TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Nghị định số 80/2017/NĐ-CP ngày 17/7/2017 của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 16/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh như sau:
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN TOÀN TRƯỜNG HỌC
Năm học 2018-2019, toàn tỉnh có 617 cơ sở giáo dục, có 211.474 học sinh các cấp, 02 cơ sở đào tạo nghề (Trường Cao đẳng Lào Cai và Phân hiệu Đại học Thái Nguyên), có 5.369 học sinh, sinh viên. Trong số cơ sở giáo dục có 09 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 4.412 học sinh, 127 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với 47.366 học sinh, 104 trường có học sinh ở nội trú nhưng không phải là trường chuyên biệt. Học sinh ở các trường PTDTNT, PTDTBT học tập và ăn, ở, sinh hoạt cả tuần tại trường. Sinh viên các cơ sở đào tạo phải thuê phòng trọ gần khu vực trường để sinh hoạt.
Các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo an toàn trường học được quan tâm đầu tư sửa chữa, xây mới theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, hiện đại hóa. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục đã có nhà lớp học kiên cố tại trường chính; đủ nhà ở công vụ giáo viên, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà vệ sinh, nhà tắm cho trường PTDTBT; hiện vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học, nhà ăn, nhà bếp giai đoạn 2018-2020.
Nhận thức của các ngành, các cấp, cán bộ, giáo viên, học sinh, vinh viên và các lực lượng xã hội, đặc biệt là gia đình học sinh về công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học có sự chuyển biến rõ rệt.
Công tác phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em đã được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp tỉnh Lào Cai chỉ đạo sát sao và có sự vào cuộc tích cực của các sở, ban, ngành, các địa phương trong phát hiện, tố giác và xử lý các vụ việc, các hành vi liên quan tới bạo lực, xâm hại trẻ em dưới mọi hình thức nhằm bảo vệ quyền trẻ em và lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động, tích cực ký kết kế hoạch liên ngành trong triển khai các nhiệm vụ, biện pháp xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện. Chỉ đạo các giải pháp phòng ngừa; rà soát các điều kiện đảm bảo an toàn trong trường học. Thiết lập cơ chế xử lý thông tin, tin báo tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh trật tự, an toàn trường học, bạo lực học đường, xâm hại trẻ em.
Công tác quản lý, quản trị trường học tiếp tục được đổi mới; kỷ cương, nền nếp trong trường học được tăng cường; có nhiều giải pháp quản lý học sinh nội trú, bán trú; xây dựng mô hình “bán trú tự quản”; tổ chức hoạt động “một ngày bán trú” khép kín thời gian học tập, sinh hoạt tại trường của học sinh nội trú; khắc phục những khó khăn, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Huy động sức mạnh của nhân dân tham gia công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và đẩy lùi hành vi ngược đãi, bạo lực, xâm hại trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ em được phát triển bình đẳng.
- Tỷ lệ học sinh là người dân tộc thiểu số trong các đơn vị trường học của tỉnh chiếm trên 70%; một số trường, điểm trường ở xã vùng cao chiếm tỷ lệ 100%; điều kiện kinh tế, xã hội, đời sống còn nhiều khó khăn; một số nơi tập tục còn lạc hậu; HSSV đi học nghề đa số phải thuê phòng trọ bên ngoài, rất khó cho việc kiểm soát công tác bảo đảm an toàn.
- Cơ sở giáo dục trên địa bàn các xã vùng giáp biên có nhiều nguy cơ mất an toàn, như: Tệ nạn xã hội, buôn lậu qua biên giới, bắt cóc trẻ em, mua bán người... Các đặc điểm trên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
- Tình trạng mất an toàn, an ninh đối với HSSV trong và ngoài khu vực nhà trường diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng, ngày càng nghiêm trọng. Tình hình tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên vi phạm pháp luật có dấu hiệu phức tạp.
- Tệ nạn xã hội thâm nhập vào trường học ngày càng có xu hướng gia tăng; đã xuất hiện học sinh Lào Cai đánh nhau hội đồng được quay clip phát tán lên mạng xã hội, tác động xấu đến môi trường giáo dục.
- Công tác y tế học đường đạt hiệu quả chưa cao, đã xảy ra việc học sinh mầm non bị ngộ độc do ăn nhầm thuốc tẩy giun tại huyện Sa Pa; học sinh bị kháng vắc xin tiêm phòng viêm não Nhật Bản tại huyện Bảo Thắng; nghiêm trọng nhất là vụ ngộ độc thực phẩm bếp ăn trường học tại Trường PTDTBT THCS Hầu Thào, huyện Sa Pa năm 2016 khiến 51 học sinh phải nhập viện.
- Hiện tượng mua bán trẻ em gái qua biên giới diễn biến phức tạp, tội phạm nhằm vào đối tượng ở tập thể nội trú, bán trú các trường học; đã xảy ra vụ việc 02 học sinh Trường THPT số 2 huyện Bát Xát bị lừa bán sang bên kia biên giới.
- Hiện tượng học sinh bị bạo hành, xâm hại vẫn còn, điển hình vụ học sinh tiểu học bị nhân viên bảo vệ xâm hại đã xảy ra tại Trường PTDTBT Tiểu học La Pán Tẩn, huyện Mường Khương; Học sinh mầm non, tiểu học bị giáo viên bạo hành, đánh đập đã xảy ra tại huyện Bảo Thắng, Bát Xát; nghiêm trọng hơn là học sinh bị thầy giáo xâm hại tình dục dẫn đến mang thai tại Trường THCS Thượng Hà, huyện Bảo Yên.
- Tình trạng HSSV vi phạm Luật giao thông gây hậu quả nghiêm trọng còn phổ biến, đặc biệt ở vùng nông thôn. Điển hình là vụ học sinh Trường THCS Sa Pả, huyện Sa Pa bị tai nạn dẫn đến tử vong do điều khiển xe máy khi chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện giao thông; sinh viên Phân hiệu Đại học Thái Nguyên tại tỉnh bị tai nạn giao thông dẫn đến tử vong.
- Tình trạng đuối nước xảy ra liên tục trong vài năm gần đây, trong đó có cả học sinh các huyện vùng cao và địa bàn thành phố Lào Cai. Nghiêm trọng nhất là 02 vụ đuối nước ngày 25/5/2019 tại xã Quang Kim, huyện Bát Xát và xã Thào Chư Phìn, huyện Si Ma Cai khiến 05 học sinh nữ lớp 6 tử vong.
3.1. Nguyên nhân khách quan:
- Do tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, thành tựu khoa học công nghệ thông tin, Internet toàn cầu đến những giá trị văn hóa truyền thống, dẫn đến một số HSSV sa đà vào mạng xã hội, sống ảo, nghiện trò chơi trực tuyến, trò chơi bạo lực, không lành mạnh; tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình, nhà trường, ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ em.
- Điều kiện tự nhiên của tỉnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn thương tích, đuối nước, mất an toàn. Mặt khác, công tác tuyên truyền, giáo dục về kỹ năng tự bảo vệ, phòng tránh xâm hại, bạo lực, tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh còn hình thức, chưa đem lại hiệu quả thiết thực cho HSSV.
- Nhận thức của một số gia đình về vấn đề bảo đảm an toàn cho HSSV còn bị xem nhẹ; việc ngược đãi, xâm hại trẻ em chưa được cộng đồng phát hiện sớm và thông tin cho các cơ quan chức năng xử lý, can thiệp và hỗ trợ kịp thời.
3.2. Nguyên nhân chủ quan:
- Nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên, gia đình học sinh về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn trường học chưa đầy đủ, còn chủ quan để nhiều tình huống khó kiểm soát xảy ra trong các nhà trường, gây nguy hại cho người dạy và người học. Điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở vật chất ở một số địa phương, nhà trường, điểm trường vùng cao, vùng khó khăn còn chưa đáp ứng được các điều kiện an ninh, an toàn.
- Còn có giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Đội ngũ nhân viên bảo vệ, y tế trường học còn thiếu, không đủ khả năng kiểm soát, can thiệp, giải quyết các nguy cơ mất an toàn trong nhà trường; chưa giải quyết được những vụ việc gây mất an ninh trật tự, an toàn trong trường học.
- Công tác phối hợp xử lý giữa nhà trường, gia đình học sinh và cơ quan chức năng tại một số địa phương nhất là lực lượng công an ở cơ sở chưa kịp thời.
1.1. Mục đích:
- Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội về xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
- Xây dựng trường học đảm bảo an toàn cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên.
- Phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục kịp thời, hiệu quả nguy cơ mất an toàn đối với nhà trường và cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên.
- Nâng cao tính chủ động của nhà trường trong xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện công tác đảm bảo an toàn trường học.
1.2. Yêu cầu:
- Phát huy vai trò nòng cốt của ngành giáo dục trong công tác tham mưu để huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các lực lượng chức năng các cấp xây dựng trường học đảm bảo an toàn.
- Có giải pháp phù hợp thực tiễn để đạt mục tiêu đề ra.
2. Nhiệm vụ trọng tâm công tác đảm bảo an toàn trường học:
- Phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học.
- Phòng, chống bạo lực học đường.
- Phòng, chống xâm hại, buôn bán trẻ em.
- Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước.
- Phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong trường học.
- 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thành phố có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, quyết liệt về đảm bảo an toàn, an ninh trường học.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo thành lập Ban công tác an toàn trường học.
- 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và HSSV được cung cấp những kiến thức cơ bản về an toàn trường học.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo ký kết kế hoạch phối hợp với cơ quan công an, y tế trên địa bàn trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn trong trường học.
- 100% cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương và cơ sở giáo dục, đào tạo có quy chế phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương về phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc mất an toàn trường học.
- Ít nhất 90% học sinh từ lớp 3 đến lớp 12 được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước, trong đó có 20% được thực hành kỹ năng bơi; 50% được thực hành kỹ năng phòng, tránh đuối nước, kỹ năng sơ cứu đuối nước.
- 100% sinh viên được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước; 50% được thực hành kỹ năng bơi; 100% được thực hành kỹ năng phòng, tránh đuối nước, kỹ năng sơ cứu đuối nước.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo không có HSSV bị tử vong do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường học.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo sử dụng thực phẩm an toàn, không để lây lan và bùng phát dịch bệnh.
- 100% các cơ sở giáo dục, đào tạo tổ chức các hoạt động giáo dục, trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực học đường, xâm hại tình dục, buôn bán người; rèn luyện kỹ năng sống cho người học.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo không có tệ nạn xã hội.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo xây dựng và triển khai thực hiện bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo không có học sinh sinh viên bị xâm hại.
- 100% cơ sở giáo dục, đào tạo không để xảy ra bạo lực học đường.
4.1. Công tác tuyên truyền, giáo dục:
- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương và cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh, sinh viên và toàn xã hội về xây dựng môi trường giáo dục, đào tạo an toàn, lành mạnh, như: Phòng, chống tệ nạn xã hội; bạo lực học đường; xâm hại, buôn bán trẻ em; tai nạn thương tích, đuối nước; dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và sự cần thiết, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng cơ sở giáo dục, đào tạo đảm bảo an toàn.
- Tuyên truyền, giáo dục pháp luật, kỹ năng cho HSSV trong việc phòng, tránh các nguy cơ mất an toàn trong môi trường học đường, khai thác, sử dụng thông tin trên Internet, mạng xã hội và trong sinh hoạt hàng ngày.
4.2. Phòng, chống tệ nạn xã hội trong trường học:
- Tư vấn những kiến thức cơ bản về nhận diện, cách phòng tránh tệ nạn xã hội, mại dâm, ma túy, mua bán người; tuyên truyền tác hại, hệ lụy của các loại tệ nạn xã hội đối với thanh, thiếu niên, học sinh trong các trường học trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực biên giới.
- Đẩy mạnh công tác tập huấn nghiệp vụ cho các báo cáo viên; tổ chức hoạt động ngoại khóa hướng dẫn các kỹ năng về phòng tránh các mối nguy hại, như: Khi bị bắt cóc, nguy cơ bị lôi kéo sử dụng ma túy, cờ bạc trên mạng, game bạo lực, đồi trụy...
- Phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời không để tệ nạn xã hội phát sinh, phát triển, lan rộng trên địa bàn, trong trường học; xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, bảo vệ thuần phong mỹ tục của dân tộc.
- Phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh những hành vi hoạt động tệ nạn xã hội trên địa bàn, không để xâm nhập vào môi trường học đường.
4.3. Phòng, chống bạo lực học đường:
- Xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện trong cơ sở giáo dục; tổ chức ký cam kết phối hợp giữa cơ sở giáo dục với gia đình người học và các tổ chức khác trong việc xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng, chống bạo lực học đường.
- Giáo dục, trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng về phòng, chống bạo lực học đường và phòng, chống bạo hành trẻ em cho người học, cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên của cơ sở giáo dục và gia đình người học. Nâng cao năng lực, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Tích hợp nội dung giáo dục phòng, chống bạo lực học đường vào các hoạt động giáo dục, nội dung chương trình, sách giáo khoa; thực hiện phương pháp kỷ luật tích cực đối với người học.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật trong các cơ sở giáo dục; phát hiện, xử lý những vi phạm liên quan đến bạo lực học đường tại các cơ sở giáo dục. Tăng cường trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác và ngăn ngừa, xử lý hành vi bạo lực học đường.
4.4. Phòng, chống xâm hại, buôn bán trẻ em:
- Thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ trẻ em, đặc biệt là việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em; kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi bị xâm hại, mua bán người.
- Phối hợp thực hiện tốt quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em, buôn bán trẻ em; kịp thời hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị xâm hại, mua bán.
- Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; mua bán trẻ em. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý vụ việc xâm hại, mua bán trẻ em.
4.5. Phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước:
- Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức, phổ biến những kiến thức cơ bản về phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước bằng nhiều hình thức; thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể, hoạt động thực hành, trải nghiệm để học sinh rèn kỹ năng phòng tránh tai nạn, kỹ thuật bơi, kỹ năng phòng tránh đuối nước.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các nhiệm vụ, biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước. Có các giải pháp tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả như tuyên truyền giáo dục, tập huấn, can thiệp, khắc phục... giảm thiểu nguy cơ gây thương tích.
- Khắc phục các nguy cơ dẫn đến mất an toàn, gây tai nạn thương tích, đuối nước để có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ và phương án xử lý tai nạn, thương tích, đuối nước.
- Tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn trường học. Cải tạo môi trường học tập và sinh hoạt đảm bảo an toàn để phòng, chống tai nạn, thương tích, đảm bảo an ninh trật tự.
4.6. Phòng, chống dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm trong trường học:
- Tiếp tục đầu tư ngân sách xây mới, cải tạo, sửa chữa bổ sung cơ sở vật chất nhà ăn, nhà bếp, trang thiết bị bếp nấu cho các trường học đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm nhất là các trường có học sinh ở nội trú nhưng không phải trường chuyên biệt.
- Tập huấn cho đội ngũ nhân viên cấp dưỡng trường học quy định pháp luật và kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm; quy trình bố trí bếp ăn một chiều; kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, khâu chế biến nấu nướng, khâu bảo quản, vận chuyển, lưu mẫu thức ăn.
- Kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Có quy định về phát hiện, quy trình xử lý khi có ngộ độc thực phẩm, có biện pháp kiểm soát ngộ độc thực phẩm.
- Kiểm tra nguồn nước, có giải pháp tham mưu đảm bảo nguồn nước sạch, an toàn cho trường học đặc biệt nước sinh hoạt cho HSSV nội trú, bán trú.
Căn cứ nội dung, nhiệm vụ được giao trong kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai lồng ghép với những hoạt động có liên quan được bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước trong dự toán hàng năm, đồng thời sử dụng các nguồn lực huy động xã hội hóa và các nguồn hỗ trợ hợp pháp khác để triển khai thực hiện.
1. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Là cơ quan chủ trì trong việc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này.
- Tổ chức ký quy chế phối hợp và triển khai thực hiện quy chế phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các sở, ban, ngành, các tổ chức, đoàn thể liên quan về việc phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các vụ việc mất an toàn, an ninh trường học.
- Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tập huấn về đảm bảo an toàn trường học cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên trong cơ sở giáo dục, đào tạo; dạy học tích hợp kiến thức an toàn trong cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Chỉ đạo cơ quan quản lý giáo dục cấp huyện, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thực hiện; tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống, tai nạn thương tích, bạo lực học đường. Chủ động trong việc nắm bắt thông tin, thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ báo cáo.
2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
- Đôn đốc, kiểm tra các địa phương trong thực hiện chính sách, pháp luật của nhà nước về bảo vệ trẻ em, đặc biệt việc phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em và kịp thời can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em khi có nguy cơ mất an toàn.
- Chủ trì, chỉ đạo xây dựng môi trường an toàn trong các cơ sở đào tạo nghề thuộc phạm vi quản lý. Giáo dục lồng ghép kiến thức về đảm bảo an toàn lao động; phòng, chống tai nạn thương tích trong lao động.
- Phối hợp thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo về đảm bảo an ninh, an toàn; tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác nguy cơ, hành vi mất an toàn cho trẻ em; triển khai việc hỗ trợ, can thiệp khi xảy ra mất an toàn trong các cơ sở đào tạo theo thẩm quyền.
3. Công an tỉnh:
- Tổ chức, triển khai thực hiện những nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành được nêu trong kế hoạch này.
- Chỉ đạo ký kết phối hợp với các cơ sở giáo dục trong công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật và triển khai công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong ngành giáo dục. Hướng dẫn cơ sở giáo dục thực hiện tốt các quy định về đảm bảo an ninh trật tự an toàn trường học.
- Chỉ đạo lực lượng công an địa phương kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an ninh trật tự trong cơ sở giáo dục; rà soát hồ sơ, xử lý nghiêm, dứt điểm các vụ việc xảy ra.
4. Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:
Chỉ đạo các đồn biên phòng phối hợp với các cơ sở giáo dục khu vực biên giới hướng dẫn, hỗ trợ các nhà trường nâng cao nhận thức về chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phòng chống buôn bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới. Phối hợp dạy xóa mù chữ, nâng cao dân trí khu vực biên giới.
5. Sở Tư pháp:
- Phối hợp tập huấn nghiệp vụ cho cốt cán tuyên truyền pháp luật đối với cơ quan quản lý giáo dục và các cơ sở giáo dục.
- Hướng dẫn, kiểm tra công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đối với cơ quan quản lý giáo dục và cơ sở giáo dục.
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật cho cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên.
6. Sở Y tế:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục tổ chức thực hiện công tác y tế trường học theo quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT ngày 12/5/2016 của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
- Chỉ đạo các đơn vị y tế cơ sở và bộ phận chức năng thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực ngành y tế được nêu trong kế hoạch này.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức các hoạt động truyền thông y tế học đường; tập huấn nâng cao năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ cho nhân viên y tế trường học; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm cho nhân viên cấp dưỡng trường học.
- Thanh tra, kiểm tra, giám sát các điều kiện vệ sinh trường học, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe và các nội dung công tác y tế trường học theo phân cấp quản lý.
7. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan thông tin, tuyên truyền đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động truyền thông, giáo dục về đảm bảo an toàn trong cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền thông, báo chí tuyên truyền về đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; đảm bảo các điều kiện an toàn trường học. Phổ biến kiến thức, kỹ năng về an toàn trường học.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về thông tin truyền thông, nhất là quản lý các đại lý cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng, mạng xã hội, các xuất bản phẩm cho thanh, thiếu nhi.
8. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Thực hiện những nội dung thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của ngành được nêu trong kế hoạch này; triển khai hiệu quả chương trình phối hợp hằng năm giữa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch với Sở Giáo dục và Đào tạo.
- Tổ chức tập huấn kỹ thuật bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em cho đội ngũ cột cán cơ sở.
- Định hướng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao lành mạnh cho thanh, thiếu niên, nhi đồng thông qua hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở.
- Phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình; hướng dẫn gia đình kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em; trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác hành vi bạo lực, xâm hại, buôn bán trẻ em.
9. Đài Phát thanh - Truyền hình, Báo Lào Cai:
- Tăng cường tuyên truyền các quy định về xây dựng trường học đảm bảo an toàn; xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện.
- Tuyên truyền về mối nguy hiểm và hệ lụy của tệ nạn xã hội; hậu quả của bạo lực học đường, xâm hại trẻ em; trách nhiệm ngăn ngừa, tố giác tội phạm và vi phạm pháp luật trong môi trường giáo dục.
- Phản ánh, nêu gương, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác đảm bản an toàn trường học.
10. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và UBND các huyện, thành phố, các sở ngành liên quan cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch đảm bảo hiệu quả, thiết thực.
11. Sở Tài chính:
Hướng dẫn các đơn vị sử dụng kinh phí thực hiện lồng ghép các nội dung trong kế hoạch đảm bảo quy định và hướng dẫn Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố tham mưu cho UBND cùng cấp bố trí kinh phí triển khai, thực hiện kế hoạch này.
12. Các sở, ban, ngành có liên quan:
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
13. UBND các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo thẩm quyền được nêu trong kế hoạch này.
- Chỉ đạo xây dựng môi trường giáo dục tại địa phương đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng, chống bạo lực, xâm hại, tại tệ nạn, thương tích, buôn bán người; chỉ đạo điều tra, xử lý vụ việc mất an toàn xảy ra trong cơ sở giáo dục trên địa bàn theo phân cấp quản lý.
- Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng, UBND cấp xã triển khai thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dạy, người học trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.
- Tăng cường quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục trong việc thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo phân cấp quản lý.
14. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh:
- Giám sát, phản biện, tham vấn, kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo an toàn trường học.
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên, đoàn viên của tổ chức và toàn xã hội hỗ trợ, tham gia xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện.
- Đề nghị Tỉnh Đoàn Lào Cai: Triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Tỉnh Đoàn với Sở Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2016-2020. Phối hợp tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ học tập, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên; Chủ trì chỉ đạo, tổ chức và kiểm tra hoạt động hè hằng năm cho học sinh đảm bảo an toàn.
Căn cứ nội dung kế hoạch, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương và các tổ chức đoàn thể liên quan triển khai thực hiện./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.