ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2934/KH-UBND | Ninh Thuận, ngày 22 tháng 07 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “CƠ SỞ DỮ LIỆU HỘ TỊCH ĐIỆN TỬ TOÀN QUỐC” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
Thực hiện Quyết định số 2173/QĐ-BTP ngày 11/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc”; Công văn số 345/CNTT-HTTT&CSDL ngày 27/6/2016 của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp về việc triển khai phần mềm hộ tịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
Để triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” bảo đảm phù hợp theo quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc” trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
a) Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành; bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp về cải cách thủ tục hành chính nói chung, cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch nói riêng.
b) Hiện đại hóa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch; thiết lập hệ thống thông tin hộ tịch đồng bộ, thông suốt giữa các cơ quan đăng ký hộ tịch ở địa phương; bảo đảm việc kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin hộ tịch cho Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, bảo đảm tối đa lợi ích cho người dân.
2. Yêu cầu: Dữ liệu hộ tịch điện tử, phần mềm đăng ký hộ tịch phù hợp với yêu cầu đăng ký và quản lý hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch, tránh lãng phí; huy động nguồn lực xã hội hóa, bảo đảm triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, thiết thực.
II. NỘI DUNG THỰC HIỆN
1. Giai đoạn 1: Từ năm 2016 đến năm 2017
a) Triển khai thực hiện tốt Luật Hộ tịch, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch, Thông tư số 15/2015/TT-BTP ngày 16/11/2015 của Bộ Tư pháp quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ.
- Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan.
b) Khảo sát, đánh giá về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, hạ tầng để triển khai đồng bộ việc ứng dụng công nghệ thông tin về đăng ký, quản lý hộ tịch tại UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn (số lượng, chất lượng máy tính, hạ tầng mạng, phần mềm đang sử dụng, trình độ của đội ngũ công chức làm công tác hộ tịch...) để có cơ sở đầu tư, hoàn thiện nhằm đáp ứng tốt các yêu cầu của công tác đăng ký, quản lý hộ tịch.
- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính; Sở Nội vụ; Sở Thông tin và truyền thông; UBND các huyện, thành phố.
c) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để chuẩn bị kết nối phần mềm trong đăng ký, quản lý hộ tịch theo Công văn số 345/CNTT-HTTT&CSDL ngày 27/6/2016 của Cục Công nghệ thông tin - Bộ Tư pháp về việc triển khai phần mềm hộ tịch tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại các cơ quan quản lý, đăng ký hộ tịch cần được trang bị đầy đủ trang thiết bị (máy vi tính, máy in...); hệ thống máy tính phải có cấu hình cao, dung lượng lớn để đảm bảo tích hợp được phần mềm.
- Cơ quan chủ trì: UBND các huyện, thành phố;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tài chính; Sở Tư pháp; Sở Thông tin và Truyền thông; UBND các xã, phường, thị trấn.
2. Giai đoạn 2: từ năm 2017 đến năm 2019
a) Cài đặt, kết nối, vận hành phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung; thực hiện kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan đăng ký và quản lý hộ tịch, giữa Cơ sở dữ liệu điện tử hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định của Luật Hộ tịch, Luật Căn cước công dân.
b) Hướng dẫn nhân lực sử dụng, cập nhật, khai thác phần mềm, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu quản lý.
3. Giai đoạn 3: từ năm 01/01/2020 trở đi
Thực hiện việc duy trì vận hành Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử thống nhất trên toàn tỉnh nhằm đảm bảo đăng ký, quản lý hộ tịch theo hướng hiện đại theo quy định của Luật Hộ tịch và triển khai quản lý, khai thác sử dụng an toàn, hiệu quả.
Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp; UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tư pháp
a) Xây dựng và thực hiện chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức làm công tác hộ tịch; đề xuất đầu tư trang thiết bị cho công chức làm công tác hộ tịch theo Quyết định số 2901/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về phê duyệt Đề cương và Dự toán chi tiết “ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2635/UBND-NC ngày 05/7/2016 về việc dừng triển khai đấu thầu gói thầu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí nguồn kinh phí để triển khai các nội dung của Kế hoạch này.
c) Chủ, trì, phối hợp với Sở Nội vụ rà soát, bố trí công chức hộ tịch đáp ứng tiêu chuẩn theo Điều 72 Luật Hộ tịch năm 2014.
d) Đào tạo nguồn nhân lực để sử dụng, cập nhật, khai thác phần mềm cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử theo yêu cầu quản lý.
2. Sở Nội vụ
a) Phối hợp với Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố trong việc rà soát, bố trí công chức hộ tịch theo Điều 72 Luật Hộ tịch năm 2014.
b) Phối hợp Sở Tư pháp đề xuất mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức tư pháp làm công tác hộ tịch.
3. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh đã được phê duyệt tại Quyết định 2901/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh và chỉ đạo tại Công văn số 2635/UBND-NC ngày 05/7/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Công an tỉnh: Phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn UBND các xã, phường, thị trấn trong việc cung cấp số định danh cá nhân cho người đi đăng ký khai sinh theo quy định của Luật Hộ tịch và Luật Căn cước công dân.
5. UBND các huyện, thành phố
a) Xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch tại địa phương;
b) Bố trí công chức đáp ứng tiêu chuẩn, đủ năng lực làm công tác hộ tịch tại Phòng Tư pháp, UBND cấp xã theo quy định của Luật Hộ tịch.
c) Bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị để thực hiện ứng dụng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử trên địa bàn.
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Kế hoạch được đảm bảo theo Quyết định số 2901/QĐ-UBND ngày 16/12/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề cương và Dự toán chi tiết “Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác đăng ký và quản lý hộ tịch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận” và quy định pháp luật hiện hành.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để xem xét, giải quyết theo quy định./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.