ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2726/KH-UBND | Bến Tre, ngày 04 tháng 6 năm 2019 |
PHỐI HỢP ỨNG PHÓ TAI NẠN TÀU, THUYỀN TRÊN BIỂN
1. Đặc điểm tình hình địa lý, thủy văn của tỉnh
Bến Tre là tỉnh đồng bằng ven biển nằm cuối nguồn sông Cửu Long, có diện tích tự nhiên 2321,6 km2, phía Đông giáp biển Đông, phía Bắc giáp tỉnh Tiền Giang có ranh giới chung là sông Cửa Đại, phía Tây và Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh có ranh giới là sông Cổ Chiên, có 4 con sông lớn (Cửa Đại, Ba Lai, Hàm luông và Cổ Chiên). Bờ biển của tỉnh có chiều dài 65 km, trong đó Bình Đại là 27 km, Ba Tri 13 km và Thạnh Phú là 25 km, diện tích vùng biển của tỉnh quản lý rộng 7326 km2 tiếp giáp với vùng biển của 02 tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh.
Tình hình kinh tế - xã hội những năm qua được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đã và đang làm thay đổi bộ mặt của tỉnh, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, ổn định, trong đó lĩnh vực khai thác thủy sản trên biển giữ một vai trò quan trọng với xu hướng giảm dần số lượng phương tiện khai thác ven bờ, tăng số lượng phương tiện khai thác xa bờ, đầu tư trang bị phương tiện khai thác mới.
Tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn của tỉnh Bến Tre chịu ảnh hưởng chung của dãi khí hậu nhiệt đới gió mùa, hằng năm có 02 mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, trong đó các cơn mưa bão thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 12 (âm lịch) hằng năm.
Công tác đầu tư cho hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh cũng thường xuyên được quan tâm thông qua việc tu sửa, nâng cấp, mua mới nhiều trang thiết bị, phương tiện hiện đại, chuyên dụng để trang bị cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên biển.
2. Đặc điểm tình hình có liên quan đến tai nạn trên biển
Trên biển thường xuyên có hàng ngàn tàu thuyền khai thác thủy, hải sản, vận tải, với hàng vạn ngư dân và các lực lượng làm công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự. Toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 3.996 tàu cá đang hoạt động khai thác thủy sản, trong đó phương tiện đánh bắt xa bờ là 2.092 phương tiện; đã thành lập được 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản, với 948 hộ/1.850 phương tiện/14.918 ngư dân tham gia. Hoạt động khai thác thủy sản chủ yếu tập trung vào nghề lưới kéo, chiếm 72,6% phương tiện đánh bắt thủy sản, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế tỉnh nhà. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 03 khu neo đậu tàu thuyền ở 03 huyện Bình Đại, Ba Tri, Thạnh Phú với sức chứa lần lượt là cửa sông Cửa Đại 1.200 chiếc/600 CV; Cửa sông Cổ Chiên: 1.000 chiếc/600 CV; Cửa Hàm Luông: 1.000 chiếc/600 CV và còn có các điểm neo đậu được tận dụng ở các kênh rạch trên địa bàn. Với việc có nhiều phương tiện hoạt động trên biển là một điều kiện thuận lợi cho việc huy động nguồn nhân vật lực tham gia hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra nhưng đồng thời cũng là những đối tượng dễ bị tác động do ảnh hưởng của thời tiết mưa, bão và áp thấp nhiệt đới diễn ra ngày càng thường xuyên và diễn biến thất thường.
a) Đối với vùng ven bờ
- Có khoảng 900 phương tiện các loại thường xuyên hoạt động ở vừng ven bờ, chủ yếu hành nghề lưới rê, đóng đáy, thả rập,... Khu vực hoạt động chủ yếu ở khu vực trên các tuyến sông, gần cửa sông trên địa bàn của tỉnh.
- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Quá trình đánh bắt khai thác thủy hải sản, tàu cá ngư dân không cẩn thận, bị mắc vào các bãi cạn bị phá nước; do ảnh hưởng của khí hậu, thời tiết khi có ATNĐ, bão, thời tiết mưa gió bất thường, nhận thức của ngư dân còn chủ quan, phương tiện gần bờ chủ yếu là loại phương tiện nhỏ nên khả năng tàu bị ảnh hưởng của sóng gió lật, chìm, mất an toàn cho ngư dân.
- Khu vực có thể xảy ra tai nạn: Khu vực hàng đáy, bãi cồn Sâm Banh, cửa sông Cửa Đại/Bình Đại; Cửa sông Hàm Luông, Cửa sông Ba Lai/Ba Tri; khu vực Cồn Vượt/Thạnh Phú.
b) Vùng lộng
- Có khoảng 1.000 phương tiện của tỉnh thường xuyên hoạt động ở khu vực vùng lộng, trong đó chủ yếu hành nghề lưới kéo. Vùng hoạt động chủ yếu ở khu vực Nam mũi Vũng Tàu tới khu vực vùng biển Trà Vinh.
- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Quá trình khai thác thủy sản, hoặc do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn, ngư dân bất cẩn rơi xuống biển mất tích. Quá trình hoạt động trong đêm tối, khả năng quan sát bị hạn chế, các phương tiện bị đâm va, dẫn đến hư hỏng hoặc chìm phương tiện.
c) Vùng khơi
- Khu vực hoạt động chủ yếu của các tàu cá trên địa bàn tỉnh Bến Tre với 2.081 phương tiện, trong đó hoạt động lưới kéo chủ yếu. Các tàu thuyền hoạt động đã thành lập được 160 tổ hợp tác khai thác thủy sản, với 1.850 phương tiện/14.918 thuyền viên. Ngư trường hoạt động chủ yếu là khu vực Tây Nam quần đảo Trường Sa, khu vực gần Côn Đảo và khu vực mũi Cà Mau.
- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Do ảnh hưởng của thời tiết, giông lốc, gió bão hoặc do sự bất cẩn của ngư dân đi trên phương tiện trong quá trình lao động khai thác thủy sản, để xảy ra tai nạn (rơi xuống biển, chim, cháy phương tiện...).
d) Vùng nước cảng biển
- Khu vực có thể xảy ra tai nạn: Cảng cá Bình Đại, Cảng cá Ba Tri, Cảng cá Thạnh Phú; các khu vực tổ chức ụ neo đậu tàu tránh trú bão trên địa bàn 03 huyện biển.
- Dự kiến nguyên nhân xảy ra tai nạn: Quá trình neo đậu, do ảnh hưởng của sóng to, gió lớn, thời tiết, bão làm các phương tiện va chạm vào nhau, dẫn đến phương tiện bị hư hỏng, nguy cơ chìm phương tiện. Quá trình sử dụng điện trên phương tiện do bất cẩn để xảy ra chập điện, hư hỏng vật dụng, dẫn đến bắt lửa, cháy phương tiện.
3. Lực lượng ứng phó với tai nạn tàu, thuyền trên biển
- Huy động tàu thuyền gần vị trí phương tiện bị nạn hoặc các tàu thuyền trong tổ đội đánh bắt hải sản khu vực nơi xảy ra tai nạn hoặc gần nơi xảy ra tai nạn.
- Lực lượng tàu thuyền của Bộ đội Biên phòng tỉnh, Kiểm ngư tỉnh,... trong phạm vi khả năng hoạt động của phương tiện.
1. Công tác phòng ngừa tai nạn tàu, thuyền trên biển
- Công tác tuyên truyền: thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân trên địa bàn không ngừng nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống, ứng phó sự cố tai nạn trên biển, hỗ trợ, giúp đỡ tìm kiếm cứu nạn.
- Công tác huấn luyện, diễn tập: Tiếp tục quán triệt các văn bản của Chính phủ, Bộ ngành có liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn hàng hải; hướng dẫn cho địa phương và lực lượng chuyên trách phối hợp tổ chức diễn tập tìm kiếm cứu nạn trên biển, có đánh giá, rút kinh nghiệm đầy đủ.
- Công tác đăng ký, đăng kiểm phương tiện quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản hướng dẫn chỉ thị các cấp; quy định của trên về công tác đăng ký, đăng kiểm các phương tiện, chỉ cấp giấy phép cho các phương tiện đảm bảo an toàn về kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc các quy định, hướng dẫn của trên về công tác kiểm chứng đối với tàu thuyền phương tiện ra, vào bến tại các Trạm kiểm soát Biên phòng, đảm bảo tuân thủ pháp luật, có đầy đủ trang bị cứu hộ trên tàu mới cho hoạt động.
- Công tác đầu tư trang thiết bị ứng phó: Hằng năm, tổ chức nhận và cấp bổ sung trang thiết bị phục vụ cho tìm kiếm cứu nạn trên biển (phao, áo phao, các phương tiện tàu cano...) cho các lực lượng thường xuyên thực hiện nhiệm vụ liên quan đến tìm kiếm cứu nạn trên biển.
2. Khi xảy ra tai nạn tàu, thuyền trên biển
- Công tác tiếp nhận, xử lý xác minh thông tin: Tổ chức trực 24/24 giờ tại cơ quan của lực lượng chuyên trách để kịp thời tiếp nhận thông tin các vụ việc tai nạn trên biển từ các nguồn tin của lực lượng phối hợp hoặc trình báo của nhân dân địa phương. Khi tiếp nhận tin báo, xác minh rõ thông tin vụ việc (phương tiện gì? Bị gì? Bao nhiêu thuyền viên? Vị trí bị nạn? Cách thức liên lạc với phương tiện?...). Sau khi đã xác minh vụ việc cụ thể, rõ ràng, xác định vị trí bị nạn thuộc khu vực quản lý của đơn vị nào, nhanh chóng thông báo cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN tỉnh) hoặc Cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh để kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tổ chức tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời thông báo cho các đơn vị hiệp đồng biết để phối hợp tìm kiếm cứu nạn.
- Công tác triển khai lực lượng, phương tiện: Lực lượng Bộ đội Biên phòng và các lực lượng khác có liên quan duy trì kíp trực sẵn sàng tham gia hỗ trợ, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn cho tàu thuyền, ngư dân bị nạn trong vùng biển của tỉnh. Khi có đầy đủ thông tin về vụ việc, vị trí phương tiện, ngư dân bị nạn, nhanh chóng tổ chức lực lượng, phương tiện cơ động ra hỗ trợ, ứng cứu.
- Công tác phối hợp, hiệp đồng: Bộ đội Biên phòng tỉnh là cơ quan chủ trì, chủ động trong phối hợp với các lực lượng có liên quan trong thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn phương tiện, ngư dân bị nạn trên biển; thường xuyên nắm tình hình, thông báo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh để chỉ đạo.
- Công tác khắc phục hậu quả, tổng kết, báo cáo: Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ cho chủ phương tiện, người bị nạn giải quyết những hậu quả do tai nạn trên biển gây ra. Mọi hoạt động tổng hợp, báo cáo giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổng hợp, thanh quyết toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ, báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh theo quy định.
III. Ý ĐỊNH ỨNG PHÓ TAI NẠN TÀU, THUYỀN TRÊN BIỂN
1. Tư tưởng chỉ đạo và phương châm
a) Tư tưởng chỉ đạo: “Lấy phòng ngừa là chính, tích cực, chủ động, ứng cứu nhanh có hiệu quả”.
b) Phương châm
- Vận dụng linh hoạt phương châm 4 tại chỗ, huy động tổng lực người phương tiện, cơ sở vật chất, ứng cứu kịp thời, cứu người trước cứu tài sản sau, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất về người và tài sản của nhân dân, nhà nước, đơn vị. Khi xảy ra tai nạn trên biển, các đơn vị được quyền sử dụng lực lượng, phương tiện hoạt động thường xuyên thuộc quyền đi ứng cứu sau đó kịp thời báo cáo theo quy định.
- Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia ứng phó tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn tàu thuyền, ngư dân trên biển.
2. Khu vực, đối tượng tìm kiếm cứu nạn trên biển và trong vùng nước cảng biển
a) Khu vực: Toàn bộ khu vực vùng biển của tỉnh Bến Tre và vùng tiếp giáp với tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh.
b) Đối tượng tìm kiếm cứu nạn: Các tàu thuyền, phương tiện, ngư dân trong tỉnh, ngoài tỉnh và tàu nước ngoài gặp nạn trên vùng biển của tỉnh quản lý; các tàu thuyền, phương tiện của ngư dân tỉnh Bến Tre và của các tỉnh khác hoạt động khai thác thủy sản vùng biển khác.
3. Tổ chức sử dụng lực lượng
- Lực lượng tìm kiếm: Đối với các vụ việc xảy ra ở khu vực ven bờ và vùng lộng, sử dụng phương tiện thông tin kêu gọi các phương tiện đang khai thác thủy sản gần khu vực có phương tiện bị nạn hỗ trợ tìm kiếm. Đối với các vụ việc xảy ra ở vùng khơi, kêu gọi các tổ hợp tác đánh bắt hải sản tại khu vực, gần khu vực xảy ra tai nạn phối hợp tổ chức tìm kiếm, nhanh chóng cung cấp thông tin cho Trung tâm tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III và Đài thông tin duyên hải để phát thông báo cho các phương tiện khác đề nghị hỗ trợ.
- Lực lượng cứu hộ và cứu nạn: Huy động các phương tiện tàu cá gần khu vực có phương tiện, ngư dân bị nạn hỗ trợ, giúp đỡ. Nếu vụ việc xảy ra trong phạm vi khả năng hoạt động của phương tiện có sẵn từ lực lượng Bộ đội Biên phòng hoặc kiểm ngư, nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện tổ chức cứu hộ, cứu nạn đối tượng bị nạn. Nếu vụ việc nằm ngoài khả năng của đơn vị, giao cho Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cùng lực lượng Bộ đội biên phòng tỉnh liên hệ các đơn vị có khả năng hỗ trợ giúp đỡ.
- Lực lượng cứu thương: Tận dụng quân y của 03 đồn Biên phòng và lực lượng từ trạm y tế địa phương tổ chức sơ cứu cho người bị nạn. Nếu trường hợp bệnh nặng, nhanh chóng vận chuyển nạn nhân lên bệnh viện gần nhất để điều trị.
- Lực lượng chữa cháy: Sử dụng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - Công an tỉnh phối hợp với người dân địa phương dập các đám cháy trên các phương tiện tàu thuyền đang neo đậu tại bến, cảng cá.
- Lực lượng bảo đảm: Sử dụng lực lượng từ các ban, ngành, đoàn thể địa phương gần khu vực bị nạn và sự hỗ trợ từ quần chúng nhân dân.
IV. NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ; NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG
1. Công tác phòng ngừa
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Kiểm tra việc thực hiện các quy định về lắp đặt trang thiết bị đảm bảo an toàn cho các tàu cá hoạt động xa bờ, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật đối với các tàu thực hiện kiểm định định kỳ.
- Tổ chức kíp trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn.
- Phối hợp với địa phương đảm bảo an toàn và thuận lợi cho việc di chuyển của lực lượng tham gia cứu hộ các phương tiện khi có tình huống xảy ra tại các khu neo đậu tránh trú bão.
b) Sở Giao thông vận tải
- Làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn duy trì nghiêm túc công tác kiểm định tàu thuyền, quản lý phương tiện hoạt động trên biển.
- Thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức kiểm tra, quản lý luồng, tuyến hàng hải trên khu vực cửa sông.
c) Sở Tài nguyên và Môi trường: Cung cấp kịp thời các thông tin về thời tiết, khí tượng thủy văn, phát thông tin cảnh báo cho các tổ chức, cá nhân sở hữu và điều hành phương tiện hoạt động trên biển.
d) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Làm tốt công tác tuyên truyền về an toàn lao động, thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các tiêu chí về thực hiện an toàn lao động trong khai thác thủy sản trên biển. Giải quyết tốt công tác chính sách cho các đối tượng theo quy định của Nhà nước.
- Chủ trì, phối hợp với Nghiệp đoàn nghề cá tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về công tác tuyên truyền, lập và hình thành các tổ đội đánh bắt cá.
e) Sở Thông tin và Truyền thông
- Hướng dẫn cho các chủ phương tiện đăng ký sử dụng và tần số liên lạc.
- Chỉ đạo và hỗ trợ nội dung các đơn vị thông tin đại chúng (Đài phát thanh, truyền hình, báo địa phương,...), các sở, ban ngành, chính quyền địa phương để tuyên truyền pháp luật và các nội dung liên quan đến công tác bảo đảm an toàn đối với người, phương tiện khi hoạt động trên biển.
f) Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh xây dựng các kế hoạch ứng phó tai nạn tàu thuyền trên biển.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
- Kiểm tra và chỉ cấp phép cho các phương tiện, chủ phương tiện ra khơi, xuất bến nếu đảm bảo giấy tờ, thủ tục và đầy đủ các trang thiết bị đảm bảo an toàn cho người lao động trên biển theo quy định.
- Tổ chức kíp trực 24/24 giờ để tiếp nhận, xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn. Thường xuyên giữ thông tin, liên lạc với các tổ hợp tác khai thác thủy sản, chủ phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển.
g) Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh
Tổ chức duy trì kíp trực thường xuyên, chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, tham gia ứng cứu chữa cháy khi có sự chỉ đạo của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN hoặc đề nghị hỗ trợ từ chính quyền địa phương.
h) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các nghiệp đoàn nghề cá trên địa bàn toàn tỉnh
Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến các tổ chức, cá nhân và chủ phương tiện hoạt động trên biển và trong vùng nước cảng biển về những quy định pháp luật liên quan đến công tác an toàn hàng hải và tìm kiếm cứu nạn.
2. Khi xảy ra tai nạn tàu, thuyền trên biển
a) Đối với tai nạn xảy ra trên biển
a.1) Các tổ đội hợp tác khai thác thủy sản
- Kịp thời thông tin, báo cáo về việc tàu thuyền bị nạn với lực lượng Biên phòng, cung cấp đầy đủ các nội dung theo quy định như: tên phương tiện bị nạn, hô hiệu, mã nhận dạng hàng hải, thời gian bị nạn, yêu cầu trợ giúp gì; tên, địa chỉ và các phương thức liên lạc với chủ phương tiện; số lượng, tình trạng sức khỏe thuyền viên đi trên phương tiện, tình trạng phương tiện; tình hình thời tiết, khí hậu, thủy văn khu vực phương tiện bị nạn; tần số thông tin, thiết bị thông tin với tàu bị nạn; khả năng ứng cứu.
- Chủ động liên hệ các tàu cùng tổ đến tham gia cứu hộ, cứu nạn; duy trì thông tin liên lạc với tàu bị nạn, với lực lượng Bộ đội biên phòng và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
a.2) Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh
- Tiếp nhận thông tin vụ việc phương tiện tàu cá, ngư dân gặp nạn trên biển do ngư dân trình báo hoặc được cung cấp từ các đơn vị phối hợp. Nhanh chóng xác minh vụ việc, xác định rõ vị trí phương tiện bị nạn, xem xét điều động, chỉ huy lực lượng phương tiện trong biên chế phối hợp với các lực lượng chức năng, cơ động tìm kiếm, hỗ trợ, ứng cứu người, phương tiện bị nạn.
- Thường xuyên giữ liên lạc với tàu bị nạn, người báo tin; trường hợp có người bị bệnh trên phương tiện tàu cá, cử lực lượng quân y hướng dẫn cho người đi cùng trên phương tiện các biện pháp sơ cứu tạm thời, cần thiết.
- Chỉ huy đội tàu ứng cứu và các tàu ngư dân đang hoạt động tại vị trí tàu bị nạn ứng cứu người, phương tiện. Trường hợp nếu không có đủ khả năng thì nhanh chóng thông báo cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nắm, chỉ đạo; đồng thời kêu gọi, huy động các phương tiện đánh bắt gần vị trí tàu, thuyền bị nạn tổ chức ứng cứu.
- Sau khi hoàn thành công tác cứu hộ, cứu nạn, báo cáo cụ thể, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả theo Khoản 2, 3 Điều 2 và Điều 7, Thông tư 92/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính.
a.3) Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan
- Sở Giao thông vận tải: Tham mưu cho Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh kịp thời tổ chức lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn; phối hợp kiểm định, lập biên bản xác định hư hỏng, hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả theo quy định.
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm định, lập biên bản xác định hư hỏng; phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Tài chính hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả theo quy định.
- Sở Tài chính: Phối hợp kiểm định, lập biên bản xác định hư hỏng; Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả cho tập thể, cá nhân có liên quan theo quy định.
- Các sở, ban, ngành khác (Sở Y Tế, Thông tin & Truyền thông, Tài nguyên & Môi trường,... Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, nghiệp đoàn nghề các địa phương): Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tham mưu và chịu sự điều động, sử dụng lực lượng của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
b) Đối với tai nạn trên vùng nước cảng biển
b.1) Bộ đội Biên phòng
- Sau khi tiếp nhận thông tin hoặc đề nghị hỗ trợ của Ban Giám đốc cảng cá, chủ phương tiện về việc tai nạn trên vùng nước cảng cá hoặc khu vực neo đậu tàu thuyền, nhanh chóng điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu.
- Chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng trên khu vực xảy ra tai nạn triển khai phương án, kế hoạch tìm kiếm, cứu nạn. Thường xuyên, kịp thời báo cáo tình hình quá trình tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn về trên để nắm, chỉ đạo.
b.2) Các sở, ban, ngành tỉnh có liên quan
- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Tổ chức kiểm định, lập biên bản, xác định hư hỏng; phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thành thủ tục thanh toán, chi trả theo quy định.
- Sở Tài chính: Phối hợp kiểm định, lập biên bản hư hỏng; chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành hoàn thành các thủ tục thanh toán, chi trả cho tập thể, cá nhân có liên quan.
- Các sở, ban, ngành khác có liên quan: Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ kịp thời tham mưu và chịu sự điều động, sử dụng lực lượng của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
1. Bảo đảm thông tin liên lạc
- Số điện thoại của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh: 02753.825619.
- Số điện thoại của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh (Tác chiến) 02753.561143.
- Quá trình hoạt động tìm kiếm cứu nạn, lực lượng Bộ đội biên phòng sử dụng hệ thống vô tuyến điện đặt tại các đồn Biên phòng để liên lạc thường xuyên với tàu, thuyền bị nạn và các tàu thuyền xung quanh để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
2. Bảo đảm trực canh: Duy trì 02 kíp trực thường xuyên 24/24 tại Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh để kịp thời nắm tình hình, chỉ đạo hoạt động tìm kiếm cứu nạn.
3. Bảo đảm cơ động: Duy trì thường xuyên 02 xe (01 xe của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, 01 xe của Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh), 01 kíp tàu của Bộ đội biên phòng tỉnh.
4. Bảo đảm ngân sách
- Nguồn ngân sách: sử dụng nguồn ngân sách địa phương.
- Đối tượng, trách nhiệm, định mức, thủ tục thanh toán: căn cứ theo Thông tư 92/2009/TT-BTC ngày 12/5/2009 của Bộ Tài Chính về việc hướng dẫn thanh toán kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó thiên tai, thảm họa.
1. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh
Trực tiếp chỉ đạo là đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, phụ trách kinh tế - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
2. Cơ quan thường trực
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
1. Thời gian giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành, cấp huyện, thành phố trong tháng 6/2019.
2. Thời gian thông qua và phê duyệt Kế hoạch của sở, ban, ngành, cấp huyện đầu tháng 7/2019.
3. Thời gian triển khai thực hiện từ sau khi thông qua, các sở, ban, ngành triển khai cho các đơn vị thuộc quyền.
Căn cứ vào kế hoạch này, các sở, ban, ngành và các huyện ven biển theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện; xây dựng kế hoạch ứng phó tai nạn tàu, thuyền trên biển và vùng nước cảng biển thuộc trách nhiệm được phân công. Thời gian hoàn thành trong tháng 7 năm 2019; định kỳ hoặc đột xuất tổng hợp tình hình tai nạn tàu thuyền trên biển, vùng nước cảng biển báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi, chỉ đạo./.
| KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.