ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 26/KH-UBND | Sóc Trăng, ngày 17 tháng 07 năm 2012 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH SÓC TRĂNG
Triển khai thực hiện Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng như sau:
I. MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Mục đích
- Chủ động huy động mọi nguồn lực nhằm tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
- Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên, phát triển nền kinh tế các-bon thấp nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống, đảm bảo an ninh và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu; phòng tránh và giảm thiểu những hiểm họa của biến đổi khí hậu.
2. Yêu cầu
- Đảm bảo an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sức khỏe cộng đồng, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
- Xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển bền vững; giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và tăng khả năng hấp thụ khí nhà kính dần trở thành chỉ tiêu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội.
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm tham gia của cộng đồng và phát triển nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện thể chế, chính sách, phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và vị thế đặc thù của tỉnh Sóc Trăng; tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế - xã hội.
- Góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Chủ động ứng phó với thiên tai và giám sát khí hậu
a) Cảnh báo sớm
Đề xuất xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo biến đổi khí hậu và nước biển dâng đáp ứng yêu cầu xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ rủi ro thiên tai; đề xuất nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống quan trắc và công nghệ dự báo khí tượng thủy văn bảo đảm cảnh báo, dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan trên địa bàn tỉnh.
b) Giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai
- Rà soát, bổ sung các quy hoạch phù hợp với điều kiện gia tăng thiên tai do biến đổi khí hậu; củng cố, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai trọng điểm, trước mắt và lâu dài.
- Phát huy phương châm “4 tại chỗ” và củng cố, tăng cường năng lực cho lực lượng tìm kiếm cứu nạn của tỉnh làm nòng cốt cho Ban Chỉ đạo thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011 - 2015 (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) để chủ động ứng phó khi có tình huống cấp bách xảy ra.
- Nghiên cứu và triển khai các giải pháp thích ứng để phòng chống hiệu quả thiên tai tại những vùng ven biển, các cù lao trên sông Hậu và phòng chống ngập úng tại các khu vực vùng trũng.
- Nâng cao chất lượng rừng trồng, trồng rừng để duy trì và tăng khả năng phòng - chống - chịu thiên tai, xâm thực; tăng cường bảo vệ, quản lý và phát triển rừng ngập mặn, các hệ sinh thái đất ngập nước; phấn đấu đến năm 2020 rừng phòng hộ ven biển đạt diện tích trên 18.000ha.
2. Đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước
a) An ninh lương thực
- Duy trì hợp lý và bền vững quỹ đất cho nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng các chương trình, dự án trọng điểm, nhất là các giải pháp ngăn chặn suy thoái đất, ô nhiễm môi trường, khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất theo hướng phát triển bền vững.
- Nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đặc điểm sinh thái các vùng, địa phương trong tỉnh, tận dụng các cơ hội để phát triển nông nghiệp bền vững.
- Nghiên cứu, phát triển và áp dụng công nghệ sinh học, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu.
- Đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kiểm soát, phòng chống dịch bệnh cây trồng và vật nuôi trong điều kiện biến đổi khí hậu; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện trong các giai đoạn tiếp theo.
- Xây dựng các cơ chế, chính sách tăng cường hệ thống bảo hiểm, chia sẻ rủi ro trong nông nghiệp.
b) An ninh tài nguyên nước
- Xây dựng cơ sở dữ liệu về biến động và sử dụng tài nguyên nước liên quan tới biến đổi khí hậu; tăng cường công tác điều tra, nghiên cứu, đánh giá, dự báo, quan trắc chất lượng nước, số lượng nước trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước; xây dựng quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước lưu vực sông trên địa bàn tỉnh trong điều kiện ứng phó biến đổi khí hậu.
- Khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, tổng hợp và đa mục tiêu tài nguyên nước thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
- Cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây mới các công trình thủy lợi, hệ thống đê sông, đê biển bảo đảm ứng phó hiệu quả với lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu.
- Hoàn chỉnh các quy trình quản lý tổng hợp và các công trình khai thác, bảo vệ và sử dụng tài nguyên nước một cách khoa học trong điều kiện biến đổi khí hậu vào năm 2050.
- Nâng cao năng lực quản lý tài nguyên nước; tăng cường thực hiện quy hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp phát triển bền vững tài nguyên nước của tỉnh trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cơ bản hoàn thành vào năm 2020 và hoàn thiện trong giai đoạn tiếp theo.
3. Ứng phó tích cực với nước biển dâng phù hợp với các vùng dễ bị tổn thương
- Nghiên cứu, đánh giá, dự báo mức độ, tác động và tính dễ bị tổn thương do nước biển dâng tới các lĩnh vực, khu vực và cộng đồng.
- Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với biến đổi khí hậu; đặc biệt quan tâm tới tình trạng gia tăng bão, lũ lụt, xâm nhập mặn, hạn hán, mất đất, suy thoái môi trường đối với các vùng nhạy cảm, bao gồm vùng ven biển, các cù lao trên sông Hậu và khu vực vùng trũng.
- Phát triển kết cấu hạ tầng và quy hoạch các khu dân cư ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông xung yếu đảm bảo chống chịu được các cơn bão mạnh và mức thủy triều dâng cao; chống xâm nhập mặn tại các vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất; chống ngập các khu đô thị, các khu công nghiệp, các khu dân cư lớn; chú trọng phát triển các công trình quy mô lớn, đa mục tiêu, khu chứa nước, vùng đệm, vành đai xanh.
- Rà soát, điều chỉnh và phát triển sinh kế và quá trình sản xuất phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
4. Bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính và bảo tồn đa dạng sinh học
- Xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ, quản lý bền vững diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất hiện có; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào trồng rừng kinh tế; thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; quản lý bền vững và có hiệu quả rừng phòng hộ ven biển.
- Bảo tồn đa dạng sinh học, chú trọng bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen và các giống loài có khả năng bị tuyệt chủng do tác động của biến đổi khí hậu.
- Xây dựng, thực hiện các chương trình về giảm phát thải khí nhà kính thông qua những nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, kết hợp với duy trì và đa dạng hóa sinh kế dân cư các vùng, địa phương, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng và triển khai các chương trình bảo vệ, quản lý bền vững diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất hiện có.
- Xây dựng và triển khai các mô hình khu đô thị xanh, khu dân cư xanh.
- Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên nhằm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.
- Tăng cường năng lực, hiệu quả của hệ thống đánh giá, dự báo, phòng chống, theo dõi, giám sát và ứng phó khẩn cấp với cháy rừng.
5. Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất
a) Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Đẩy mạnh nghiên cứu và triển khai các công nghệ sản xuất năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo và năng lượng mới; trong đó, chú trọng năng lượng gió, năng lượng mặt trời,... Xây dựng và triển khai rộng rãi các chính sách nhằm huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong ứng dụng và nhân rộng việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.
b) Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng
- Xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, tạo động lực sử dụng hiệu quả năng lượng trong các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt trong giao thông vận tải, phát triển đô thị, công nghiệp, nông nghiệp; rà soát và loại dần các công nghệ kém hiệu quả, tiêu hao nhiều năng lượng, gây phát thải khí nhà kính. Đến năm 2015, hoàn thành việc rà soát và loại dần các công nghệ kém hiệu quả.
- Nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ, thiết bị, sản phẩm tiêu dùng sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng phát thải thấp, đặc biệt trong các ngành giao thông, đô thị, công nghiệp, nông nghiệp.
- Triển khai ứng dụng hệ thống phát điện cỡ nhỏ dùng khí mê-tan thu hồi từ các bãi chôn lấp rác thải và các nguồn khác; thu hồi khí đốt, tận dụng nhiệt thừa của các nhà máy sản xuất công nghiệp để phát điện và đốt chất thải rắn phát điện.
- Nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm và bảo tồn năng lượng; giám sát và theo dõi tình trạng sử dụng năng lượng của các ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng; áp dụng các tiêu chuẩn về hiệu quả năng lượng đối với các sản phẩm, hệ thống nhãn tiết kiệm năng lượng.
- Trong sản xuất công nghiệp và xây dựng:
+ Nghiên cứu, triển khai ứng dụng công nghệ mới ít phát thải khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp; ứng dụng sâu rộng sản xuất sạch hơn. Phấn đấu đến năm 2020, 90% các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng công nghệ sản xuất sạch hơn và tăng cường tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu.
+ Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong các ngành công nghiệp trọng điểm nhằm nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp; tăng cường đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao.
+ Xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, thiết bị sử dụng hiệu quả năng lượng trong sản xuất vật liệu và các công trình xây dựng.
- Trong lĩnh vực giao thông vận tải:
+ Quy hoạch và nâng cao chất lượng hệ thống giao thông vận tải; phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng.
+ Xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng các phương tiện giao thông tiết kiệm năng lượng, loại dần các phương tiện tiêu tốn nhiều nhiên liệu.
- Trong lĩnh vực nông nghiệp: Thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp; thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp xanh, ít phát thải, đảm bảo phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và góp phần xóa đói giảm nghèo.
c) Quản lý chất thải: Quy hoạch quản lý chất thải; nghiên cứu và triển khai các công nghệ xử lý chất thải tiên tiến; ứng dụng công nghệ xử lý rác thải hiện đại; quản lý, xử lý và tái sử dụng nước thải công nghiệp và sinh hoạt.
6. Tăng cường vai trò chủ đạo của Nhà nước trong ứng phó với biến đổi khí hậu
a) Điều chỉnh, lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
- Rà soát, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên cơ sở khoa học, hiệu quả kinh tế và tính đến các yếu tố rủi ro, bất định của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Đến năm 2015, ban hành các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các các huyện, thị xã, thành phố đã được rà soát, điều chỉnh.
- Lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thiết kế công trình, cơ sở hạ tầng dựa trên các kịch bản biến đổi khí hậu.
b) Hoàn thiện và tăng cường thể chế
- Tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị trong tổ chức chỉ đạo, phối hợp liên ngành về ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý các vấn đề biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
- Nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức và nguồn nhân lực để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
- Xây dựng đồng bộ các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học vào các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
7. Xây dựng cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
a) Cộng đồng ứng phó với biến đổi khí hậu
- Tăng cường năng lực và sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng các kinh nghiệm ứng phó tại chỗ và vai trò của chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng ở cơ sở.
- Phát triển và đa dạng hóa sinh kế ở các vùng, địa phương nhằm hỗ trợ công tác thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với các mức độ dễ bị tổn thương.
- Xây dựng thí điểm và nhân rộng mô hình cộng đồng với sinh kế theo hướng các-bon thấp; thay đổi hành vi, lối sống theo hướng thân thiện với khí hậu nhằm giảm phát thải khí nhà kính.
- Đẩy mạnh sử dụng kiến thức bản địa trong ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong xây dựng các sinh kế mới theo hướng các-bon thấp.
b) Nâng cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu
- Cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở hạ tầng, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ ngành y tế ở địa phương; tăng cường công tác phòng chống các dịch bệnh và các bệnh mới, bệnh lạ để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Đảm bảo hầu hết người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản đến năm 2020 và được chăm sóc sức khỏe đầy đủ đến năm 2030.
- Xây dựng và triển khai hệ thống chính sách chăm sóc sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh biến đổi khí hậu; đảm bảo quyền lợi được chăm sóc sức khỏe đối với các nhóm xã hội dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người già, người nghèo, dân tộc thiểu số,...
c) Nâng cao nhận thức, giáo dục và đào tạo
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các thành phần xã hội về các vấn đề biến đổi khí hậu.
- Sử dụng các phương pháp, hình thức phổ biến, tuyên truyền phù hợp để các thành phần xã hội được tiếp cận và sử dụng thông tin về biến đổi khí hậu.
- Đưa kiến thức cơ bản về biến đổi khí hậu vào các chương trình, bậc giáo dục, đào tạo; có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về các vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
- Tăng cường ý thức, trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm cộng đồng trong phòng, tránh và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng lối sống, mẫu hình tiêu thụ thân thiện với khí hậu cho mọi thành viên của cộng đồng.
8. Phát triển khoa học và công nghệ tiên tiến trong ứng phó với biến đổi khí hậu
- Đào tạo các chuyên ngành khoa học về quản lý, đánh giá, giám sát và dự báo tác động của biến đổi khí hậu đối với phát triển kinh tế - xã hội, chăm sóc sức khỏe, sản xuất, tiêu dùng.
- Tăng cường các hoạt động điều tra, nghiên cứu khoa học cơ bản và ứng dụng công nghệ thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
- Đẩy mạnh nghiên cứu, khuyến khích chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, nhiên liệu, vật liệu mới trong giảm phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường sức cạnh tranh của các ngành kinh tế, sản xuất trọng điểm tiến tới phát triển nền kinh tế các- bon thấp và tăng trưởng xanh.
9. Tăng cường hợp tác và hội nhập quốc tế trong các vấn đề về biến đổi khí hậu
- Rà soát, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với luật pháp và các thỏa thuận, hiệp định quốc tế về biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.
- Hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự tài trợ về tài chính và hỗ trợ về khoa học kỹ thuật tiến bộ để thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; tăng cường hợp tác khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tham gia tích cực vào Ủy ban sông Mêkông nhằm góp phần thực hiện tốt ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong cảnh báo thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trong khu vực.
10. Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính và tập trung đầu tư có hiệu quả
- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương và địa phương) trong ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; đảm bảo sử dụng hiệu quả kinh phí vào đầu tư các dự án cấp bách và khắc phục tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Tăng cường thu hút nguồn vốn tài trợ nước ngoài; ưu tiên sử dụng các nguồn vốn ODA không hoàn lại trong việc nâng cao năng lực, chuyển giao tri thức khoa học, công nghệ và kinh nghiệm quản lý.
- Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia tài trợ về tài chính cho ứng phó với biến đổi khí hậu; chú trọng lồng ghép các vấn đề biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án đầu tư, phát triển thành phần kinh tế để gia tăng nguồn đầu tư vào ứng phó với biến đổi khí hậu.
11. An ninh quốc phòng với biến đổi khí hậu
Tăng cường năng lực, trang thiết bị ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các vùng ven biển, vùng có nguy cơ ngập lụt.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các giai đoạn thực hiện Kế hoạch
- Trong năm 2012: Chú trọng thực hiện các hoạt động tuyên truyền nâng cao năng lực, tăng cường khoa học - công nghệ và rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện của địa phương.
- Giai đoạn 2013 - 2025: Chú trọng vấn đề giảm phát thải khí nhà kính; các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính được đồng thời tiến hành gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Giai đoạn 2026 - 2050: Vấn đề giảm phát thải khí nhà kính trở thành tiêu chí trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; rà soát, điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch với định hướng phát triển mới nhằm xây dựng và củng cố nền kinh tế các-bon thấp có khả năng chống chịu và thích ứng cao với các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
2. Các nhiệm vụ, dự án thực hiện trong giai đoạn 2011-2015
Triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án ưu tiên được quy định tại Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 22/7/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2011-2015.
3. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
a) Ban Chỉ đạo:
- Tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động có liên quan theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.
- Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu theo quy định.
b) Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và cơ quan cấp huyện thực hiện tốt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh; phối hợp các sở, ngành lập bản đồ thể hiện những vùng bị tác động bởi biến đổi khí hậu và nước biển dâng (trung bình, cực đại, cực tiểu, ranh giới mặn), dự báo sớm các hiện tượng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt theo từng giai đoạn.
- Tổng hợp, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát và định kỳ sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất các chủ trương, giải pháp thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu vào các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
- Hướng dẫn các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Tổng hợp kế hoạch vốn đối ứng của tỉnh, kế hoạch thu hút tài trợ kinh phí; phân bổ chỉ tiêu kinh phí hợp lý trong việc thực hiện chương trình, dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu hàng năm của tỉnh.
d) Sở Tài chính
- Kịp thời cấp phát dự toán và hướng dẫn thanh quyết toán theo đúng định mức và chế độ kế toán hiện hành đối với các cơ quan, đơn vị có sử dụng kinh phí ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Cân đối ngân sách địa phương, bố trí vốn đối ứng theo đúng tỷ lệ quy định; đồng thời, phối hợp sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thu hút nguồn vốn tài trợ quốc tế, các thành phần kinh tế tư nhân tham gia thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu.
đ) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong lĩnh vực của ngành trên địa bàn tỉnh.
- Lồng ghép thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
e) Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; ứng dụng các thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ nhằm thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trên địa bàn tỉnh.
g) Sở Y tế: Tăng cường công tác y tế; nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ y tế các huyện, xã nhằm phục vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng; tăng cường phòng, chống các dịch bệnh do sự thay đổi thời tiết, thiên tai gây ra.
h) Các sở, ban, ngành liên quan
- Xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho ngành, lĩnh vực mình; xây dựng chiến lược truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu; xây dựng phương án cứu hộ, cứu nạn và phòng chống cháy rừng,...
- Chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo.
i) Ủy ban nhân dân cấp huyện: Hoàn thiện cơ chế, tổ chức ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện; chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch ứng phó cấp huyện đồng bộ với kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu cấp tỉnh; tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.
Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh những nội dung không phù hợp so với tình hình thực tế, các sở, ngành, địa phương phản ảnh về Ban Chỉ đạo (Sở Tài nguyên và Môi trường) để tổng hợp, nghiên cứu và có ý kiến đề xuất UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.