ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1914/KH-UBND | Lâm Đồng, ngày 05 tháng 4 năm 2019 |
Thực hiện Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, cụ thể như sau:
- Triển khai cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về xây dựng, phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng (sau đây gọi tắt là Khu du lịch) theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1771/QĐ-TTg ngày 18/12/2018.
- Huy động các nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh để sớm đưa Khu du lịch trở thành Khu du lịch quốc gia.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về địa bàn, lĩnh vực đối với các hoạt động trong phạm vi quy hoạch; xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ hỗ trợ; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; thu hút và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, đăng ký đầu tư phát triển du lịch trong phạm vi quy hoạch.
- Xây dựng và phát triển Khu du lịch phải bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
- Các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan phải xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương, cơ quan mình có tính khả thi cao, phù hợp với tình hình thực tế để đảm bảo phối hợp đồng bộ, thống nhất, sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Khu du lịch.
- Quá trình triển khai xây dựng, phát triển Khu du lịch không làm ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa địa phương, bảo vệ tài nguyên môi trường, tài nguyên rừng.
1.1. Mục tiêu chung:
Xây dựng và phát triển để đến năm 2030, Khu du lịch được cấp có thẩm quyền công nhận là Khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Tây Nguyên và cả nước với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hình thành được thương hiệu và sản phẩm du lịch đặc trưng, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng.
1.2. Mục tiêu cụ thể:
- Chỉ tiêu về khách du lịch: Đến năm 2025 đón khoảng 3 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 56 nghìn lượt; phấn đấu đến năm 2030 đón khoảng 5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 100 nghìn lượt.
- Tổng thu từ khách du lịch (theo giá hiện hành): Đến năm 2025 đạt trên 1.200 tỷ đồng; đến năm 2030 đạt khoảng 3.500 tỷ đồng.
- Phát triển cơ sở lưu trú: Đến năm 2025 có 3.700 buồng lưu trú, phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 7.000 buồng lưu trú.
- Chỉ tiêu việc làm: Phấn đấu tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 3.700 lao động vào năm 2025 và khoảng 7.000 lao động đến năm 2030.
2.1. Tuyên truyền, quảng bá:
2.1.1 Tuyên truyền, phổ biến quy hoạch:
- Tuyên truyền, phổ biến nội dung quy hoạch được duyệt đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và người dân trong khu vực quy hoạch biết. Công khai nội dung quy hoạch bằng nhiều hình thức, phù hợp với quy định.
- Thông báo đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trong phạm vi Khu du lịch biết nội dung quy hoạch để có kế hoạch, biện pháp khi triển khai quy hoạch.
- Tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật và Quy chế quản lý khu du lịch cho các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư tại khu vực Khu du lịch.
- Tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức trong ứng xử văn minh du lịch, văn hóa, bảo vệ di sản văn hóa, tài nguyên môi trường, tài nguyên rừng góp phần xây dựng hình ảnh thương hiệu, sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động và du khách đến Khu du lịch.
2.1.2. Công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến du lịch:
- Tăng cường tuyên truyền, quảng bá về Khu du lịch với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Xây dựng cổng thông tin điện tử cho Khu du lịch.
- Xây dựng và phát triển bộ nhận diện thương hiệu và hệ thống sản phẩm của Khu du lịch phục vụ cho hoạt động tiếp thị điểm đến, các chương trình tuyên truyền, quảng bá.
- Tổ chức triển khai nghiên cứu thị trường để xây dựng các chiến lược tiếp thị điểm đến, chiến lược xây dựng thương hiệu và ưu tiên nguồn lực thực hiện cho Khu du lịch.
2.2. Cơ chế chính sách:
Nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành về cơ chế chính sách thu hút đầu tư để áp dụng đối với việc thu hút đầu tư vào Khu du lịch (đầu tư hạ tầng như: giao thông, cấp điện, cấp - thoát nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường...; về cơ chế hỗ trợ người dân địa phương trong công tác đào tạo nghề để chuyển đổi nghề nghiệp khi thực hiện giải phóng mặt bằng...).
2.3. Công tác quản lý nhà nước:
- Phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh; đề xuất mô hình và quy chế quản lý Khu du lịch để thống nhất quản lý các hoạt động đầu tư xây dựng, hoạt động khai thác, phát triển và vận hành Khu du lịch theo quy hoạch đã được phê duyệt.
- Tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng trong Khu du lịch; giám sát các dự án được duyệt trong Khu du lịch đảm bảo theo đúng định hướng quy hoạch.
- Tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong công tác quản lý và triển khai thực hiện có hiệu quả quy hoạch, tạo sự thống nhất, phát triển đồng bộ Khu du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, đặc biệt là trong vùng quy hoạch; không để xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất, san gạt mặt bằng trái quy định, xây dựng công trình trái phép.
2.4. Triển khai các chương trình, dự án và thu hút đầu tư:
2.4.1. Nhóm dự án phát triển kết cấu hạ tầng khung Khu du lịch:
- Về hệ thống giao thông: Nâng cấp, cải tạo kết hợp xây dựng mới hệ thống giao thông đối nội và đối ngoại phục vụ nhu cầu phát triển Khu du lịch1.
- Đầu tư xây dựng hệ thống bãi đỗ xe: Bãi đỗ xe được xây dựng theo hình thức phân tán trong các phân khu chức năng của dự án. Bãi đỗ xe được xây dựng tại các vị trí kết nối với đường giao thông, khu nghỉ dưỡng... nhằm thuận tiện cho việc tham quan du lịch.
- Về cấp điện, cấp - thoát nước, xử lý rác thải và vệ sinh môi trường: Tiếp tục thực hiện di chuyển tuyến đường điện trong Khu du lịch theo quy hoạch và thực hiện theo định hướng phát triển chung của ngành, địa phương, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch qua từng thời kỳ.
- Khuyến khích các nhà đầu tư làm giàu rừng thông qua việc trồng rừng, trồng cây phân tán, bảo vệ cảnh quan và đa dạng sinh học.
2.4.2. Nhóm dự án phát triển cơ sở vật chất phục vụ du lịch:
- Thu hút đầu tư phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch2.
- Thu hút đầu tư phát triển hệ thống cơ sở dịch vụ thương mại, ẩm thực3.
- Hệ thống cơ sở vui chơi, giải trí, thể thao: Phát triển các công viên vui chơi giải trí, công viên chuyên đề khai thác các đặc trưng về địa hình, mặt nước, văn hóa và lịch sử địa phương, kết hợp với đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí công nghệ cao. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ thể thao như sân golf, khu thể thao ngoài trời, các khu dã ngoại.
- Huy động vốn đầu tư:
+ Xây dựng cơ chế thu hút đầu tư, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư theo hướng khuyến khích các dự án đầu tư đa năng kết hợp dịch vụ du lịch để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, hỗ trợ các nhà đầu tư trong công tác đảm bảo hiệu quả đầu tư.
+ Đẩy mạnh liên kết, tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến để thu hút nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân trong nước, các nhà đầu tư nước ngoài; các nguồn vốn tài trợ, thúc đẩy phát triển mô hình liên doanh, liên kết đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội.
2.5. Công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch:
- Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm cho Khu du lịch. Triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề, giao tiếp, thuyết minh, ngoại ngữ cho lực lượng lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Các ngành, địa phương phối hợp trong công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Khu du lịch. Có chính sách thu hút nguồn nhân lực có trình độ tay nghề cao.
- Hỗ trợ công tác giáo dục cộng đồng, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, tập huấn bồi dưỡng chuyển đổi nghề từ lao động nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, du lịch, trong đó ưu tiên cho các hộ dân bị thu hồi đất phục vụ giải phóng mặt bằng của dự án.
- Đẩy mạnh xã hội hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch. Tranh thủ sự giúp đỡ của Tổng cục Du lịch và các trường đào tạo nghề du lịch.
2.6. Công tác liên kết, hợp tác phát triển du lịch:
- Tăng cường hợp tác quốc tế, tích cực tham gia các chương trình, sự kiện du lịch trong vùng và quốc tế để giới thiệu thương hiệu Khu du lịch.
- Tiếp tục triển khai chương trình liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Lâm Đồng với các địa phương bạn để tăng cường quảng bá và kết nối các sản phẩm du lịch của Lâm Đồng nói chung và Khu du lịch nói riêng với các địa phương liên kết nhằm tạo thành các tour, tuyến du lịch phong phú. Kết nối Khu du lịch với các khu, điểm du lịch trọng điểm trong tỉnh, đặc biệt là Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm để hình thành các tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn, kéo dài thời gian lưu trú của khách du lịch đến Lâm Đồng.
1. Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh:
- Phân công các thành viên Ban chỉ đạo phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch và lộ trình cụ thể để thực hiện kế hoạch này.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương có liên quan thực hiện quản lý quy hoạch phát triển Khu du lịch theo chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo kế hoạch phát triển Khu du lịch; phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong Quy hoạch tổng thể được duyệt; kiến nghị những nội dung cần bổ sung, sửa đổi trong quá trình thực hiện quy hoạch.
2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
- Tập hợp tài liệu, nội dung, bản đồ liên quan của quy hoạch đã được phê duyệt gửi đến các sở, ngành liên quan, UBND huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt để phối hợp quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh trong phạm vi quy hoạch Khu du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, định hướng phát triển sản phẩm du lịch; phát triển thị trường khách du lịch; liên kết phát triển du lịch giữa Khu du lịch với các khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh.
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực du lịch theo giai đoạn và hàng năm đáp ứng nhu cầu phát triển của Khu du lịch.
- Tùy theo tình hình thực tế, chủ trì tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều chỉnh các nội dung có liên quan để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu quy hoạch đã được duyệt.
- Tham mưu lập hồ sơ đề nghị công nhận Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng khi đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định.
- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện quy hoạch; định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh và Ban chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh.
3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh về mô hình và quy chế quản lý Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quản lý Khu du lịch quốc gia theo quy định của pháp luật.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch, cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, thu hút đầu tư; trong đó ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển Khu du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh đề xuất nguồn vốn đầu tư theo giai đoạn và hàng năm của tỉnh, nguồn kinh phí chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch quốc gia, các nguồn vốn khác để ưu tiên cho các dự án đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch.
- Tham mưu, đề xuất UBND tỉnh hình thức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án tại Khu du lịch theo đúng quy định của pháp luật; thẩm định, đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đăng ký đầu tư vào Khu du lịch đảm bảo đủ điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan.
5. Sở Tài chính:
- Căn cứ vào khả năng ngân sách hằng năm của tỉnh, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng Khu du lịch.
- Tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về giá, phí phát sinh trong quá trình hoạt động của Khu du lịch theo quy định.
6. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND huyện Lạc Dương và thành phố Đà Lạt rà soát, xây dựng kế hoạch sử dụng đất hàng năm trong Khu du lịch để làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai dự án.
- Phối hợp với các ngành chức năng hướng dẫn, tuyên truyền, vận động các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, người dân và khách du lịch nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên trong Khu du lịch theo thẩm quyền; thực hiện các giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
- Kiểm tra, tiếp nhận thông tin, phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường, sử dụng đất; ngăn chặn việc lấn chiếm đất đai, san gạt địa hình trái quy định trong Khu du lịch theo quy định của pháp luật; đảm bảo giữ gìn môi trường cảnh quan khu vực.
7. Sở Xây dựng:
- Nghiên cứu quy định của Luật Xây dựng 2014 và các quy định pháp luật có liên quan để tham mưu, đề xuất việc lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch. Thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu chức năng của Khu du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan thực hiện công tác quản lý về lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan theo các đồ án quy hoạch được phê duyệt; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động xây dựng tại Khu du lịch theo quy định của pháp luật.
8. Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông đối ngoại; rà soát, xây dựng, đề xuất thực hiện danh mục các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, hệ thống đường bộ, bến thuyền trong Khu du lịch theo quy hoạch được duyệt.
9. Sở Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về công tác quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong Khu du lịch.
- Phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng công tác tuyên truyền đối với các cơ quan báo chí, tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử tỉnh về quy hoạch Khu du lịch đã được duyệt và các vấn đề có liên quan.
10. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan chỉ đạo thực hiện công tác quản lý, bảo vệ và sử dụng rừng, đất lâm nghiệp trong phạm vi Khu du lịch theo quy định của pháp luật và nội dung quy hoạch được duyệt.
11. Sở Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh về công tác quy hoạch, quản lý, đầu tư xây dựng hệ thống cấp điện cho Khu du lịch; phương án khai thác nhà máy thủy điện Suối Vàng đảm bảo hài hòa với mục tiêu phát triển Khu du lịch.
- Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển một số nghề thủ công truyền thống, các làng nghề, các điểm du lịch cộng đồng trong khu vực phù hợp với định hướng phát triển của Khu du lịch thuộc chương trình khuyến công của tỉnh.
12. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội:
- Chủ trì, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện các chính sách, chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu cung cấp lao động có tay nghề phục vụ cho các dự án trong Khu du lịch.
- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn rà soát, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo nghề về du lịch đảm bảo đạt được mục tiêu đào tạo các trình độ theo quy định, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, phục vụ cho các dự án trong Khu du lịch.
13. Các sở: Giáo dục và Đào tạo; Y tế: căn cứ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan trong công tác thu hút đầu tư, thẩm định dự án đầu tư và tham mưu UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về chuyên ngành đối với các phân khu thuộc Khu du lịch được quy hoạch mục đích giáo dục, chăm sóc sức khỏe, dược liệu... theo quy định.
14. Công an tỉnh:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường, các vấn đề an ninh phi truyền thống liên quan đến Khu du lịch; thực hiện công tác quản lý khách du lịch nước ngoài đến Khu du lịch theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an huyện Lạc Dương, thành phố Đà Lạt xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ, cứu nạn đảm bảo an toàn cho người dân và du khách trong Khu du lịch; tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trên lĩnh vực du lịch gắn với triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh, quốc phòng.
15. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch:
- Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức các hoạt động xúc tiến kêu gọi đầu tư vào Khu du lịch.
- Tổ chức tuyên truyền, quảng bá thương hiệu Khu du lịch và các sản phẩm, dịch vụ liên quan của Khu du lịch đến các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước theo nội dung và lộ trình quy hoạch đã được duyệt.
16. Điện lực Lâm Đồng, Công ty cổ phần cấp thoát nước Lâm Đồng, Công ty cổ phần cấp nước Sài Gòn Đankia, Viễn thông Lâm Đồng, Bưu điện Lâm Đồng và các doanh nghiệp khác có liên quan:
Chủ động nghiên cứu Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch này để xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển, kinh doanh của doanh nghiệp đảm bảo phù hợp với nội dung quy hoạch Khu du lịch đã được duyệt; đồng thời, đảm bảo việc cung cấp điện, nước sinh hoạt, hạ tầng bưu chính viễn thông... cho Khu du lịch phù hợp với lộ trình phát triển.
17. UBND huyện Lạc Dương, UBND thành phố Đà Lạt:
- Tổ chức tuyên truyền, công bố công khai thông tin Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 dưới nhiều hình thức đến các tổ chức và người dân trên địa bàn.
- Thông báo đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư đang hoạt động trong phạm vi Khu du lịch biết nội dung quy hoạch để có kế hoạch, biện pháp khi triển khai quy hoạch.
- Huy động các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội vận động, tuyên truyền đến nhân dân, đặc biệt là người dân sinh sống trong khu vực quy hoạch nâng cao nhận thức về quyền lợi, trách nhiệm khi triển khai quy hoạch.
- Lồng ghép mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển Khu du lịch theo quy hoạch được duyệt vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch tại địa phương và trong phạm vi Khu du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh về công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông thuộc hệ thống giao thông đối ngoại, đối nội do địa phương quản lý kết nối với Khu du lịch.
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị chức năng trực thuộc có biện pháp ngăn chặn tình trạng lấn chiếm đất đai, phá rừng, san gạt mặt bằng, canh tác nông nghiệp hoặc xây dựng công trình, nhà ở, hàng quán trái phép, tổ chức các hoạt động kinh doanh trái quy định... trong phạm vi quy hoạch Khu du lịch.
- Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng khi triển khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, định canh (nếu có); phối hợp với các sở, ngành tổ chức tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề du lịch cho đội ngũ lao động địa phương bị ảnh hưởng bởi quy hoạch; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn về bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đất lâm nghiệp và khai thác tài nguyên trong Khu du lịch.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa, tài nguyên du lịch trên địa bàn.
Trên đây là kế hoạch triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Đankia - Suối Vàng, tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; đề nghị các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện; trong quá trình thực hiện nếu phát sinh vướng mắc, kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (thông qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) để được xem xét, giải quyết.
(Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ được gửi qua hộp thư điện tử công vụ)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
1 + Hệ thống giao thông đối ngoại: Đường D2 (đường tránh đường tỉnh 722) chạy ven ranh giới phía Tây khu du lịch nối đường Đông Trường Sơn với đường Ankroet: nâng cấp, cải tạo mặt đường hiện trạng với tổng chiều dài tuyến khoảng dài 7,2 km. Đường Đankia - Lạc Dương (đoạn qua khu du lịch) (ĐK): đấu nối vào dự án đường Đông Trường Sơn dài 3,7 km. Đường Đankia - Đà Lạt nối đường tỉnh 722 với đường ĐK chiều dài tuyến khoảng 3km. Tuyến đường cao tốc Dầu Giấy - Liên Khương - Đà Lạt: tổng chiều dài tuyến khoảng 220km, trong đó đoạn chạy qua tỉnh Lâm Đồng khoảng 130km.
+ Hệ thống giao thông đối nội: Hoàn chỉnh các tuyến giao thông nội bộ (đường bộ, đường thủy, cáp treo) kết nối các phân khu chức năng trong Khu du lịch.
2 + Phát triển đa dạng các loại hình lưu trú tại đô thị Lạc Dương và các xã lân cận, bảo đảm mối liên kết chặt chẽ với thành phố Đà Lạt, Khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm, chú trọng phát triển các cơ sở lưu trú cao cấp và các cơ sở lưu trú tại nhà dân.
+ Phát triển các biệt thự du lịch cao cấp, khách sạn 3 - 5 sao tại phân khu Trung tâm du lịch tổng hợp (khu vực tái hiện không gian Đà Lạt xưa - Đà Lạt retro), khu nghỉ dưỡng cao cấp ven hồ, khu sân golf.
+ Phát triển các nhà nghỉ sinh thái, nhà nghỉ cộng đồng và cơ sở lưu trú tại nhà dân tại phân khu Sinh thái nông nghiệp và phân khu Dược liệu.
3 + Phát triển hệ thống các nhà hàng, cơ sở dịch vụ thương mại bán hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ truyền thống và các sản phẩm nông sản sạch, dược liệu của địa phương.
+ Hình thành các khu chuyên kinh doanh dịch vụ ẩm thực, mua sắm tại các phân khu chức năng chính của Khu du lịch, kết hợp với các trung tâm thương mại, chợ truyền thống trong các khu dân cư.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.