ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1453/KH-UBND | Gia Lai, ngày 28 tháng 6 năm 2019 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THEO THÔNG TƯ SỐ 32/2018/TT-BGDĐT NGÀY 26/12/2018 CỦA BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Chỉ thị số 16/CT-TTg , ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện Công văn số 344/BGDĐT-GDTrH ngày 24/01/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, UBND tỉnh Gia Lai xây dựng Kế hoạch thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
1.1. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành Chương trình giáo dục phổ thông.
1.2. Thực hiện nghiêm việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông đảm bảo tính khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tiễn theo tinh thần của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, phù hợp với đặc thù của giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
1.3. Đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình tại Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
1.4. Bảo đảm tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh được tập huấn, bồi dưỡng trước khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình:
- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1;
- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;
- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;
- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;
- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
2. Yêu cầu
2.1. Các sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện; phát huy sự chủ động, sáng tạo, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh.
2.2. Xác định được các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, xây dựng lộ trình cụ thể, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
II. NỘI DUNG
1. Tiếp tục quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỹ nội dung chương trình giáo dục phổ thông trước năm học 2019-2020.
2. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
3. Tổ chức thực hiện việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; Chương trình số 64-CTr/TU ngày 05/6/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
4. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên; xây dựng kế hoạch và phối hợp với các cơ sở đào tạo giáo viên để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông.
5. Xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm của địa phương bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đủ điều kiện tổ chức dạy học theo lộ trình của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
6. Tổ chức biên soạn Tài liệu giáo dục địa phương về những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về Văn hóa, Lịch sử, Địa lí, Kinh tế - xã hội, Môi trường, Hướng nghiệp, Giáo dục quốc phòng - An ninh... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
7. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông tại địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện các nội dung của Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của tỉnh;
- Chủ trì, phối hợp với sở, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch ngân sách hàng năm cho việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện; huy động các nguồn lực hợp pháp khác để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18/6/2018;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc sắp xếp lại các cơ sở giáo dục phổ thông theo Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và Chương trình số 64-CTr/TU ngày 05/6/2018 của Tỉnh ủy Gia Lai.
- Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên ở từng môn học, lớp học, cấp học để xây dựng kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông; chọn đội ngũ giáo viên cốt cán đảm bảo số lượng và chất lượng để thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, đảm bảo thực hiện đúng lộ trình theo Chương trình giáo dục phổ thông;
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch tổng thể và từng năm của địa phương bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo lộ trình thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông;
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông báo đảm thiết thực, hiệu quả;
- Chỉ đạo các phòng giáo dục - đào tạo tham mưu, đề xuất với UBND các huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của huyện phù hợp với địa phương và kế hoạch của tỉnh; đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học theo quy định.
- Chỉ đạo các trường phổ thông xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới của đơn vị theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo và phù hợp với điều kiện của nhà trường;
- Chỉ đạo Trường Cao đẳng Sư phạm xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông;
- Quán triệt các văn bản của Trung ương, của tỉnh về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông đến cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh trong các cơ sở giáo dục; tổ chức kịp thời cho cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, thảo luận kỳ nội dung Chương trình giáo dục phổ thông.
2. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong quản lý biên chế ngành giáo dục - đào tạo trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đủ biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông theo lộ trình.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổng hợp, cân đối, phân bổ các nguồn vốn đầu tư phát triển để triển khai Kế hoạch theo quy định của pháp luật; tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực để phát triển các cơ sở giáo dục, đào tạo ngoài công lập.
4. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND các huyện, thị xã, thành phố tham mưu UBND tỉnh cân đối, bố trí ngân sách địa phương hàng năm, lồng ghép có hiệu quả và sử dụng đúng mục đích nguồn vốn từ các chương trình, đề án, dự án đảm bảo triển khai thực hiện kế hoạch đúng lộ trình.
5. Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh
Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
6. UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và Kế hoạch của tỉnh; đặc biệt chú trọng đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc tiểu học theo quy định; tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch; định kỳ sơ kết, tổng kết;
- Thực hiện các quy định về sử dụng ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo, bảo đảm các điều kiện tổ chức, nhân sự cho các cơ sở giáo dục; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ cho giáo dục phổ thông;
- Chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có; trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, bảo đảm thiết thực, hiệu quả;
- Chỉ đạo các phòng, ban chức năng, UBND cấp xã phối hợp với ngành giáo dục đào tạo cùng cấp thực hiện tốt chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
Trên đây là Kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Gia Lai. UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.