ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 134/KH-UBND | Ninh Bình, ngày 25 tháng 12 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN THOÁI VỐN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ VỐN NHÀ NƯỚC, GIAI ĐOẠN 2017-2020
Căn cứ Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 ngày 26/11/2014 của Quốc hội.
Căn cứ Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Căn cứ Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp.
Căn cứ Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017-2020.
Căn cứ Thông báo số 700-TB/TU ngày 22/5/2017 của Tỉnh ủy Ninh Bình Thông báo ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về thoái vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020.
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Công văn số 2105/STC-TCDN ngày 09/11/2017 về việc đề nghị ban hành Kế hoạch thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020.
UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện thoái vốn (chuyển nhượng vốn) nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước (gọi tắt là doanh nghiệp) giai đoạn 2017-2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nhằm triển khai, thực hiện hiệu quả việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020, đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017.
- Việc thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp phải đảm bảo các nguyên tắc, quy trình theo các quy định hiện hành và tiến độ thời gian đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt.
II. NỘI DUNG
1. Lộ trình thoái vốn (chuyển nhượng vốn) nhà nước tại các doanh nghiệp
1.1. Công ty Cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình:
Thời gian thực hiện trong 4 năm (2017, 2018, 2019, 2020), chia đều mỗi năm chuyển nhượng 23,22% vốn điều lệ. Do năm 2017 chưa kịp triển khai thực hiện được nên trong năm 2018 tiếp tục triển khai thực hiện thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 46,44% để đảm bảo tiến độ của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
1.2. Công ty Cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình: Năm 2018, chuyển nhượng hết 93,02% vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp.
1.3. Công ty Cổ phần Môi trường và dịch vụ đô thị thành phố Ninh Bình: Năm 2019, chuyển nhượng hết 66% vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp.
1.4. Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Tam Điệp: Năm 2019, chuyển nhượng hết 66% vốn nhà nước còn lại tại doanh nghiệp.
2. Nhiệm vụ:
2.1. Xác định giá khởi điểm phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp
2.2. Xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp
2.3. Tổ chức thực hiện phương án chuyển nhượng nhà nước tại doanh nghiệp.
2.4. Quyết toán và thực hiện nộp tiền bán cổ phần nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp theo quy định.
2.5. Tổ chức chuyển giao quyền sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư trúng đấu giá.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp tỉnh và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh về việc chuyển nhượng vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo:
- Thành viên là lãnh đạo Sở Tài Chính (Phó Trưởng ban thường trực):
+ Trình UBND tỉnh lựa chọn tổ chức tư vấn xác định giá khởi điểm phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp;
+ Chủ trì, phối hợp với thành viên có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp phối hợp với tổ chức tư vấn xác định giá khởi điểm, xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước, quyết toán và thực hiện nộp tiền bán cổ phần nhà nước về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo quy định.
+ Hướng dẫn các doanh nghiệp lập báo cáo tài chính để chuyển nhượng vốn nhà nước đảm bảo tiến độ, thời gian theo quy định.
+ Vào ngày 25 hàng tháng tổng hợp, báo cáo cụ thể các kết quả thực hiện việc thoái vốn của các doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đảm bảo thực hiện đúng tiến độ.
- Thành viên là lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh: Tổng hợp nội dung đề xuất của Ban Chỉ đạo cổ phần hóa, phối hợp với Sở Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo việc tổ chức thực hiện.
- Thành viên là lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư: hướng dẫn, chỉnh sửa, bổ sung các nội dung Điều lệ của doanh nghiệp theo quy định; cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp (nếu có). Tham gia thẩm định các nội dung trình UBND tỉnh theo quy định.
- Thành viên là lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình thực hiện xác định giá khởi điểm và xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước tại Công ty Cổ phần Nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Ninh Bình theo quy định.
- Thành viên là lãnh đạo các sở, ngành có liên quan: Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Tài chính đôn đốc, hướng dẫn người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Tham gia thẩm định các nội dung có liên quan theo quy định.
- Thành viên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc các công ty cổ phần có vốn nhà nước tại doanh nghiệp (người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp):
+ Tổ chức tuyên truyền, phổ biến về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến toàn thể người lao động trong đơn vị trong việc thực hiện chuyển nhượng vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đôn đốc, giám sát quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
+ Xây dựng phương án chuyển nhượng vốn nhà nước, báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt.
+ Chủ động phối hợp với tổ chức tư vấn và Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo cổ phần hóa để xác định giá khởi điểm phần vốn nhà nước; tổ chức triển khai thực hiện phương án chuyển nhượng vốn nhà nước đã được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng nội dung, đảm bảo tiến độ quy định; hoàn tất việc quyết toán, bàn giao quyền sở hữu cổ phần nhà nước cho nhà đầu tư trúng đấu giá.
+ Thường xuyên tổng hợp tình hình, báo cáo tiến độ thực hiện, các khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp, báo cáo UBND tỉnh và Ban Chỉ đạo để kịp thời chỉ đạo.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã: tăng cường công tác tuyên truyền và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc tổ chức thực hiện thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước trên địa bàn, đảm bảo đúng tiến độ, đúng quy định, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện không đúng quy định, nhất là lĩnh vực thoái vốn đối với doanh nghiệp cung cấp nước sạch.
3. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Bình: tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về chủ trương đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước gắn với việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Yêu cầu các sở, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo CPHDN 100% vốn nhà nước trực thuộc tỉnh, người đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp tập trung triển khai, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ được giao đạt kết quả, đảm bảo tiến độ thời gian yêu cầu.
Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh về Sở Tài chính (Thường trực Ban Chỉ đạo) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, kịp thời chỉ đạo.
(Kế hoạch này thay thế cho Kế hoạch số 52/KH-UBND ngày 11/5/2017 về việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước giai đoạn 2017-2020)./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.