ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 125/KH-UBND | Cần Thơ, ngày 18 tháng 8 năm 2017 |
KẾ HOẠCH
TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÁC VĂN BẢN LUẬT ĐƯỢC QUỐC HỘI KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 3 THÔNG QUA
Thực hiện Công văn số 2247/BTP-PBGDPL ngày 30 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tư pháp hướng dẫn tuyên truyền, phổ biến các Luật, Nghị quyết được thông qua tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Phổ biến, quán triệt nội dung các văn bản luật mới đến cơ quan, ban ngành, các cấp; đồng thời, xác định nhiệm vụ của các ngành, các cấp trong việc tổ chức triển khai 12 văn bản luật đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua.
2. Yêu cầu
a) Việc triển khai, phổ biến các văn bản luật phải đảm bảo nội dung cơ bản, nhấn mạnh những điểm mới, sửa đổi, bổ sung của các quy định pháp luật; cần vận dụng, liên hệ thực tiễn ở ngành, lĩnh vực, địa phương để nội dung phổ biến được phù hợp, sinh động và thiết thực;
b) Công tác triển khai, phổ biến các văn bản luật phải được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất, hiệu quả và tiết kiệm; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến đa dạng và phù hợp với từng đối tượng, tập trung lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả ra Nhân dân.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015
a) Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 gồm 3 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến:
- Những quy định tại Điều 1 về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13;
- Những quy định tại Điều 2 về bổ sung, thay thế, bỏ một số từ, cụm từ, dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm phẩy tại một số điều, khoản, điểm của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
2. Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
a) Luật Quản lý, sử dụng tài sản công gồm 10 chương, 134 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về quản lý Nhà nước đối với tài sản công; chế độ quản lý, sử dụng tài sản công; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Luật Trợ giúp pháp lý
a) Luật Trợ giúp pháp lý gồm 8 chương, 48 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về người được trợ giúp pháp lý; tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý; người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
4. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
a) Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 4 chương, 35 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Luật Quản lý ngoại thương
a) Luật Quản lý ngoại thương gồm 8 chương, 113 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương.
6. Luật Du lịch
a) Luật Du lịch gồm 9 chương, 78 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm du lịch và hoạt động du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến du lịch; quản lý Nhà nước về du lịch.
7. Luật Cảnh vệ
a) Luật Cảnh vệ gồm 6 chương, 33 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về đối tượng cảnh vệ, nguyên tắc, công tác cảnh vệ; biện pháp, chế độ cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của lực lượng cảnh vệ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với công tác cảnh vệ; chế độ, chính sách đối với lực lượng cảnh vệ và cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác cảnh vệ.
8. Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
a) Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước gồm 9 chương, 78 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với cá nhân, tổ chức bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án; thiệt hại được bồi thường; quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức bị thiệt hại; cơ quan giải quyết bồi thường; thủ tục giải quyết yêu cầu bồi thường; phục hồi danh dự; kinh phí bồi thường; trách nhiệm hoàn trả; trách nhiệm của cơ quan Nhà nước trong công tác bồi thường.
9. Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ
a) Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ gồm 8 chương, 76 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
10. Luật Đường sắt
a) Luật Đường sắt gồm 10 chương, 87 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về quy hoạch, đầu tư, xây dựng, bảo vệ, quản lý, bảo trì và phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt; công nghiệp đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt; tín hiệu, quy tắc giao thông và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; kinh doanh đường sắt; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đường sắt; quản lý Nhà nước về hoạt động đường sắt.
11. Luật Chuyển giao công nghệ
a) Luật Chuyển giao công nghệ gồm 6 chương, 60 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về hoạt động chuyển giao công nghệ tại Việt Nam, từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam ra nước ngoài; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động chuyển giao công nghệ; thẩm định công nghệ dự án đầu tư; hợp đồng chuyển giao công nghệ; biện pháp khuyến khích chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ; quản lý Nhà nước về chuyển giao công nghệ.
12. Luật Thủy lợi
a) Luật Thủy lợi gồm 10 chương, 60 điều; có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018;
b) Nội dung cần tập trung phổ biến: Những quy định về điều tra cơ bản, chiến lược, quy hoạch thủy lợi; đầu tư xây dựng công trình thủy lợi; quản lý, khai thác công trình thủy lợi và vận hành hồ chứa thủy điện phục vụ thủy lợi; dịch vụ thủy lợi; bảo vệ và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi; thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng; quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động thủy lợi; trách nhiệm quản lý Nhà nước về thủy lợi.
III. PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phân công trách nhiệm
a) Sở Tư pháp
- Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức Hội nghị triển khai, phổ biến 12 văn bản luật nêu trên; chuẩn bị đề cương, tài liệu và phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan phân công Báo cáo viên chịu trách nhiệm triển khai, phổ biến các văn bản luật nêu trên. Đối tượng tham dự Hội nghị gồm:
+ Cấp thành phố: Đại diện lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, các Ban Xây dựng Đảng thuộc Thành ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, các Ban thuộc Hội đồng nhân dân, sở, ban ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức pháp chế các sở, ban ngành, doanh nghiệp Nhà nước, các cơ quan đại diện doanh nghiệp, thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật, Báo cáo viên pháp luật;
+ Cấp quận, huyện: Đại diện lãnh đạo Quận ủy, Huyện ủy; Hội đồng nhân dân; Ủy ban nhân dân; Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật; Phòng Tư pháp và các phòng, ban có liên quan;
+ Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017 (giao Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tham mưu tổ chức thực hiện và chủ động phát hành Giấy mời).
- Hướng dẫn, phối hợp với sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật quận, huyện, xã, phường, thị trấn tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên bằng nhiều hình thức phù hợp. Ngoài ra, thường xuyên hướng dẫn các địa phương nội dung tuyên truyền các văn bản luật mới, phục vụ hoạt động sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý… và tuyên truyền, phổ biến ra Nhân dân. Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017;
- Xây dựng tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật (tờ gấp, sổ tay...), phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của luật. Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong năm 2018.
b) Sở, ban ngành thành phố:
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị với hình thức, nội dung phù hợp; phối hợp với Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, các ban ngành, đoàn thể phổ biến nội dung pháp luật thuộc lĩnh vực mình phụ trách;
- Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong 06 tháng đầu năm 2018.
c) Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn:
- Căn cứ Kế hoạch này, xây dựng Kế hoạch, tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật nêu trên tại địa phương và tuyên truyền ra Nhân dân bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp (tổ chức các Hội nghị, sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý…);
+ Đối tượng dự triển khai, phổ biến: Đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã; thành viên Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật quận, huyện, xã, phường, thị trấn; lãnh đạo các phòng, ban; Báo cáo viên pháp luật cấp huyện, tuyên truyền viên pháp luật cấp xã và người dân trên địa bàn;
+ Thời gian thực hiện: Quý IV năm 2017 và tiếp tục thực hiện trong năm 2018.
- Xây dựng tài liệu phổ biến pháp luật (Tờ gấp, sổ tay…) hoặc nhân rộng tài liệu phổ biến pháp luật do Sở Tư pháp cung cấp, phù hợp với nhu cầu và đối tượng trên địa bàn;
- Tăng cường tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của luật qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; lồng ghép tuyên truyền qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, qua hoạt động hòa giải ở cơ sở…;
- Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhà trường và đối tượng thanh thiếu niên tại địa phương.
d) Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố:
Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, nhằm phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng nội dung các văn bản luật nêu trên; trong đó, chú trọng tuyên truyền, phổ biến sâu rộng những quy định của pháp luật có liên quan trực tiếp đời sống nhân dân.
2. Tổ chức thực hiện
a) Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, thực hiện Kế hoạch này;
b) Kinh phí thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này được bảo đảm theo phân cấp Nhà nước và theo quy định pháp luật;
c) Cơ quan tài chính cùng cấp chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh quyết toán việc chi ngân sách cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật kịp thời, đúng quy định;
d) Sở, ban ngành thành phố, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp tiếp tục đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua truyên truyền miệng (hội nghị, tập huấn,...), sinh hoạt Câu lạc bộ pháp luật, Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, hoạt động hòa giải cơ sở, hội thi tìm hiểu pháp luật, các phương tiện thông tin đại chúng (báo chí, truyền thanh, truyền hình) và xây dựng tài liệu phổ biến các quy định của pháp luật, đảm bảo mọi đối tượng tiếp cận pháp luật; đồng thời, báo cáo kết quả công tác triển khai, tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật cùng với báo cáo chung về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2017, gửi về Sở Tư pháp tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo quy định.
Trên đây là Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến các văn bản luật được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua của Ủy ban nhân dân thành phố. Trong quá trình tổ chức thực hiện, phát sinh khó khăn, vướng mắc, cơ quan, đơn vị báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Sở Tư pháp) để kịp thời chỉ đạo./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.