ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 121/KH-UBND | Hà Giang, ngày 01 tháng 07 năm 2013 |
KẾ HOẠCH
PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ NĂM 2013
Căn cứ Quyết định số 2022/QĐ-UBND ngày 22/9/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang về phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2011-2020;
Căn cứ thực trạng nguồn nhân lực và nhu cầu đào tạo nhân lực của các ngành và địa phương trong tỉnh, giai đoạn 2013-2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng Kế hoạch phát triển nhân lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2015 và năm 2013, như sau:
I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC NĂM 2011 VÀ NĂM 2012
1. Thực trạng nhân lực của tỉnh
Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có 375.530 người đang làm việc trong các ngành kinh tế, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 36,3%, tương đương với 136.139 người, trong đó: nhóm ngành nông-lâm-thủy sản có 69.586 người chiếm 25,7% tổng số lao động của ngành nông-lâm-nghiệp; nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có 20.589 người, chiếm 47,7% tổng số lao động ngành công nghiệp - xây dựng; nhóm ngành dịch vụ có 46.144 người, chiếm 75,5% tổng số lao động ngành dịch vụ.
2. Thực trạng công tác đào tạo nhân lực của tỉnh
Trong năm 2011 và năm 2012, trung bình mỗi năm đào tạo khoảng 16.500 lao động; Trong quá trình đào tạo, tỉnh đã xác định ưu tiên phát triển mạnh một số ngành, lĩnh vực cụ thể được coi là thành phần kinh tế chủ đạo có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển chung của toàn tỉnh như: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ; sản xuất và phân phối điện; xây dựng; bán buôn sửa chữa và bán lẻ, sửa chữa xe có động cơ; dịch vụ ăn uống và lưu trú; các hoạt động quản lý nhà nước, giáo dục, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
Về hệ thống đào tạo nhân lực: nhìn chung các cơ sở đào tạo của tỉnh và các, thành phố như Trường Cao đẳng Sư phạm, Trung cấp Y tế, Trung cấp Kinh tế - kỹ thuật, Cao đẳng nghề Hà Giang và các Trung tâm dạy nghề của tỉnh đã được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho việc đào tạo nghề của tỉnh. Tuy vậy, qui mô của các trường, các cơ sở đào tạo như xưởng thực hành, chỗ ở cho học viên, … vẫn còn thiếu, thiết bị giảng dạy chưa hiện đại và đồng bộ; bên cạnh đó đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được tuyển dụng còn thiếu về số lượng, kinh nghiệm giảng dạy thực tế và khả năng hướng dẫn thực hành nghề còn hạn chế, do đó đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh nói chung.
Về tổ chức đào tạo nhân lực: Chủ yếu là đào tạo trình độ sơ cấp nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp (trung cấp y, trung cấp kinh tế kỹ thuật), đào tạo ở trình độ cao như trên đại học chủ yếu liên kết đào tạo với các trường đại học như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Thái Nguyên, các trường Đại học, Cao đẳng …v.v.
Các nhóm ngành nghề chính đào tạo như:
- Nhóm ngành nghề công nhân kỹ thuật: Trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh; quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; quản lý trang trại, hợp tác xã; dịch vụ nông nghiệp; sản xuất và chế biến; y tế; dịch vụ xã hội; nhà hàng khách sạn, du lịch và dịch vụ cá nhân; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực khác, …;
- Nhóm ngành nghề chuyên môn nghiệp vụ; Nữ hộ sinh, y sỹ, điều dưỡng, kế toán, địa chính, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, giáo viên trung học cơ sở, giáo viên trung học phổ thông…;
3. Đánh giá tổng quát
Trong năm 2011 và năm 2012 việc đào tạo nhân lực của tỉnh đã được đặc biệt quan tâm và phát triển theo chiều hướng tích cực, ưu tiên tăng nhanh tỷ lệ lao động của nhóm dịch vụ, nông lâm nghiệp và công nghiệp xây dựng.
Nguồn nhân lực tăng nhanh từng năm về số lượng (tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 31,9% năm 2010 lên 36,3% năm 2012), song chất lượng lao động vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của thực tế phát triển sản xuất, dịch vụ; khả năng tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng không đáng kể, trong khi quy mô nguồn nhân lực tăng nhanh tạo nên áp lực lớn về giải quyết việc làm cho người lao động.
Hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, số lao động tham gia hoạt động trong nền kinh tế và số lao động được giải quyết việc làm mới hàng năm đều tăng; tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn đến năm 2012 đạt 86,3% (năm 2010 là 85,03%); chất lượng lao động từng bước được nâng lên, việc làm và thu nhập của người lao động được cải thiện và nâng lên đáng kể, góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, hạn chế các tiêu cực của xã hội, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang trong giai đoạn tiếp theo.
a) Ưu điểm: Nguồn nhân lực của tỉnh dồi dào, lực lượng lao động ở khu vực thành thị ngày càng tăng; trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động tiếp tục được nâng cao; tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm phù hợp ngày càng tăng; nhu cầu việc làm tăng, do đó tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị giảm; cơ cấu lao động theo ngành tiếp tục chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp và dịch vụ; thu nhập của đại đa số lao động được cải thiện đáng kể, đặc biệt là lao động làm công ăn lương. Nhìn chung, năm 2011, năm 2012, nguồn nhân lực của tỉnh duy trì được tốc độ phát triển hợp lý về số lượng, chất lượng và tình trạng việc làm được cải thiện tương đối rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho các bước phát triển trong những năm tới.
b) Nhược điểm: Lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, trình độ học vấn, chuyên môn kỹ thuật hạn chế, sản xuất nông nghiệp còn chiếm ưu thế; cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất, lưu thông hàng hóa chưa đảm bảo, năng suất lao động chưa cao, đời sống vẫn còn thấp so với các tỉnh trong khu vực.
Thiếu nguồn nhân lực trẻ có trình độ cao, tình trạng này cũng có xu hướng gia tăng đối với số học sinh, sinh viên là người địa phương đã tốt nghiệp tại các trường đại học và một số lao động nhỏ có trình độ chuyên môn cao xin chuyển công tác đi nơi khác.
Công tác quản lý nhà nước về lao động việc làm và dạy nghề còn nhiều bất cập, các doanh nghiệp và người lao động chưa thực hiện nghiêm túc pháp luật lao động; sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong công tác giải quyết việc làm và dạy nghề chưa được phát huy.
Thị trường mất cân đối về cơ cấu lao động, thiếu lao động có chuyên môn kỹ thuật trình độ cao, thừa nhiều lao động trình độ thấp và lao động chưa qua đào tạo.
c) Nguyên nhân hạn chế
- Nhận thức của các cấp ủy Đảng, Chính quyền, Đoàn thể và bản thân người lao động về phát triển nguồn nhân lực chưa được chú trọng.
- Chưa xã hội hóa được vấn đề đào tạo nhân lực chung cho toàn tỉnh, các doanh nghiệp chưa vào cuộc mạnh mẽ để đào tạo và sử dụng nhân lực.
- Đầu tư cho giáo dục đào tạo chưa đồng bộ, còn thiếu các phương tiện, thiết bị thí nghiệm, thực hành cho hệ thống các trường phổ thông, các trường, trung tâm đào tạo, chất lượng đào tạo cho người lao động chưa đáp ứng được với yêu cầu của xã hội.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NHÂN LỰC GIAI ĐOẠN 2013-2015 VÀ NĂM 2013
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu tổng quát
Phát triển nhân lực của tỉnh đến năm 2015 cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên các yếu tố là sức khỏe, kỹ năng nghề nghiệp và đạo đức.
Phát triển nhân lực trong mối quan hệ mật thiết giữa các nhóm ngành kinh tế đảm bảo phát triển hài hòa giữa thành thị và nông thôn, giữa nông nghiệp và các ngành khác tạo ra sự bứt phá mới về phát triển kinh tế - xã hội.
Phát triển nhân lực làm điểm tựa và thúc đẩy thị trường lao động phát triển, góp phần đáp ứng yêu cầu lao động của tỉnh để phát triển kinh tế, đồng thời chủ động hội nhập tích cực vào thị trường lao động trong và ngoại tỉnh.
b) Mục tiêu cụ thể
- Giai đoạn 2013 - 2015: Bình quân mỗi năm đào tạo khoảng 17.000 lao động cho các ngành kinh tế; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36,3% năm 2012 lên 45,1%, năm 2015; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng từ 25,7% lên 34,5%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 47,7% lên 49,2%; dịch vụ tăng từ 75,5% lên 78,7%.
- Năm 2013: Đào tạo 17.000 lao động cho các ngành kinh tế; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 36,3% năm 2012 lên 39,5% năm 2013; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nhóm ngành nông - lâm - thủy sản tăng từ 25,7% lên 28,8%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 47,7% lên 48,5%; dịch vụ tăng từ 75,5% lên 76,1%.
2. Kế hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2013-2015
Giai đoạn 2013-2015 phấn đấu đào tạo 50.000 người cụ thể như sau:
2.1. Nhóm ngành Nông - Lâm - Thủy sản: Đào tạo mới là 26.580 người, trong đó phân theo trình độ đào tạo:
- Đào tạo nghề 25.760 người (dạy nghề dưới 3 tháng 11.903 người, sơ cấp nghề 8.489 người, trung cấp nghề 4.978 người, cao đẳng nghề 390 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 820 người (trung cấp chuyên nghiệp 270 người; cao đẳng 250 người; đại học 205 người và trên đại học 95 người).
2.2. Nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng: Đào tạo mới 5.897 người, trong đó:
a) Phân theo ngành nghề đào tạo:
- Công nghiệp khai khoáng: 772 người,
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: 1.200 người,
- Sản xuất và phân phối điện: 900 người,
- Cung cấp nước và xử lý nước thải: 380 người,
- Xây dựng: 2.645 người.
b) Phân theo trình độ đào tạo:
- Đào tạo nghề 4.176 người (dạy nghề dưới 3 tháng 523 người, sơ cấp nghề 672 người, trung cấp nghề 2.451 người, cao đẳng nghề 530 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 1.721 người (trung cấp chuyên nghiệp 884 người; cao đẳng 279 người; đại học 518 người và trên đại học 40 người).
2.3. Nhóm ngành Dịch vụ: Đào tạo mới 17.522 người, trong đó:
a) Phân theo ngành nghề đào tạo:
- Bán buôn, sửa chữa và bán lẻ; sửa chữa mô tô: 3.150 người,
- Vận tải kho bãi: 1.756 người,
- Dịch vụ ăn uống và lưu trú: 1.667 người,
- Thông tin truyền thông: 608 người,
- Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: 825 người,
- Hoạt động bất động sản: 300 người,
- Hoạt động khoa học, công nghệ: 650 người,
- Hoạt động quản lý nhà nước: 1.226 người,
- Giáo dục và đào tạo: 2.116 người,
- Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội: 1.774 người,
- Nghệ thuật vui chơi, giải trí: 1.255 người,
- Dịch vụ khác: 2.195 người.
b) Phân theo trình độ đào tạo:
- Đào tạo dạy nghề 6.463 người (dạy nghề dưới 3 tháng 1.307 người, sơ cấp nghề 2.183 người, trung cấp nghề 2.046 người, cao đẳng nghề 927 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 11.059 người (trung cấp chuyên nghiệp 3.414 người; cao đẳng 4.502 người; đại học 2.893 người và trên đại học 250 người).
3. Kế hoạch phát triển nhân lực năm 2013
Năm 2013 đào tạo 17.000 người, cụ thể như sau:
3.1. Nhóm ngành Nông - Lâm - Thủy sản: Đào tạo mới 8.780 người, trong đó phân theo hệ đào tạo:
- Đào tạo nghề 8.525 người (dạy nghề dưới 3 tháng 4.015 người, sơ cấp nghề 2.860 người, trung cấp nghề 1.535 người, cao đẳng nghề 115 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 255 người (trung cấp chuyên nghiệp 89 người; cao đẳng 83 người; đại học 68 người và trên đại học 15 người).
3.2. Nhóm ngành Công nghiệp - Xây dựng: Đào tạo mới 2.100 người; trong đó:
a) Phân theo ngành nghề đào tạo:
- Công nghiệp khai khoáng: 300 người,
- Công nghiệp chế biến, chế tạo: 450 người,
- Sản xuất và phân phối điện: 300 người,
- Cung cấp nước và xử lý nước thải: 200 người,
- Xây dựng: 850 người.
b) Phân theo trình độ đào tạo:
- Đào tạo nghề 1.445 người (dạy nghề dưới 3 tháng 114 người, sơ cấp nghề 256 người, trung cấp nghề 877 người, cao đẳng nghề 198 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 655 người (trung cấp chuyên nghiệp 343 người; cao đẳng 108 người; đại học 192 người và trên đại học 12 người).
3.3. Nhóm ngành Dịch vụ: Đào tạo mới 6.120 người, trong đó:
a) Phân theo ngành nghề đào tạo:
- Bán buôn, sửa chữa và bán lẻ; sửa chữa ô tô: 650 người,
- Vận tải kho bãi: 590 người,
- Dịch vụ ăn uống và lưu trú: 680 người,
- Thông tin truyền thông: 310 người,
- Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm: 352 người,
- Hoạt động bất động sản: 188 người,
- Hoạt động khoa học, công nghệ: 233 người,
- Hoạt động quản lý nhà nước: 380 người,
- Giáo dục và đào tạo: 950 người,
- Y tế và hoạt động cứu trợ xã hội: 627 người,
- Nghệ thuật vui chơi, giải trí: 420 người,
- Dịch vụ khác: 740 người.
b) Phân theo trình độ đào tạo:
- Đào tạo nghề 2.715 người (dạy nghề dưới 3 tháng 480 người, sơ cấp nghề 960 người, trung cấp nghề 755 người, cao đẳng nghề 520 người).
- Giáo dục chuyên nghiệp 3.405 người (trung cấp chuyên nghiệp 980 người; cao đẳng 1.370 người; đại học 985 người và trên đại học 70 người).
III. GIẢI PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hướng dẫn các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng quy hoạch phát triển nhân lực phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh giai đoạn 2013-2015; phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực của tỉnh, căn cứ hệ thống tiêu chí của Trung ương để giám sát việc thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2013-2015 và đến năm 2020.
2. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì chỉ đạo, phối hợp cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc tổ chức đào tạo nghề, dạy nghề cho người lao động; kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động; cung cấp thông tin thị trường, tư vấn giải quyết việc làm cho lao động sau khi đào tạo. Quản lý về mặt nhà nước đối với các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh.
3. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết cho các ngành học, bậc học, loại hình và trình độ đào tạo của từng năm đối với công tác giáo dục chuyên nghiệp; tham mưu triển khai thực hiện kế hoạch tuyển sinh từng năm; phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các cơ sở đào tạo trong việc quản lý người học; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của các cơ quan chức năng về tuyển sinh, đào tạo giáo dục chuyên nghiệp theo nhu cầu nguồn nhân lực của tỉnh giai đoạn 2013-2015.
4. Sở Nội vụ phối hợp với ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý người học, theo dõi người học tốt nghiệp về các đơn vị công tác.
5. Sở Tài chính phối hợp với các sở, ngành có liên quan bố trí kinh phí, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí đào tạo, chi trả chế độ cho người học về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức theo các quy định hiện hành. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí đảm bảo đúng mục đích và có hiệu quả.
6. Các sở, ban, ngành liên quan tổ chức triển khai xây dựng và thực hiện Quy hoạch phát triển nhân lực của ngành mình phù hợp với Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2013-2015 và yêu cầu phát triển ngành.
7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch phát triển nhân lực của địa phương giai đoạn 2013-2015 và năm 2013 phù hợp với kế hoạch chung của tỉnh; tổ chức hệ thống thông tin nhu cầu nhân lực trên địa bàn, phối hợp với các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo để nắm bắt nhu cầu, huy động nguồn nhân lực và đào tạo nhân lực kết hợp với giải quyết việc làm.
Trên đây là Kế hoạch phát triển đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Hà Giang giai đoạn 2013-2015 và kế hoạch năm 2013. Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ vào chức năng nhiệm vụ để triển khai thực hiện Kế hoạch.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.