QUỐC HỘI KHÓA XIII | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1197/KH-HĐDT13 | Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
KHẢO SÁT TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 116/2010/NĐ-CP NGÀY 24/12/2010 CỦA CHÍNH PHỦ “VỀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI HƯỞNG LƯƠNG TRONG LỰC LƯỢNG VŨ TRANG CÔNG TÁC Ở VÙNG CÓ ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN” TỪ NĂM 2011 ĐẾN NĂM 2016
Thực hiện chương trình hoạt động năm 2016, Thường trực Hội đồng Dân tộc xây dựng kế hoạch khảo sát “Việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” (theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ).
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
Sau 5 năm thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP , bên cạnh những kết quả về thu hút, đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang tại các địa phương vùng dân tộc, miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (KTXHĐBKK), góp phần cải thiện đời sống của đội ngũ cán bộ và giữ vững an ninh quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh những tác động tích cực, chính sách cũng bộc lộ một số hạn chế. Nhằm đánh giá một cách đầy đủ kết quả, hiệu quả thực hiện chính sách trên, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thực hiện khảo sát chuyên đề, nhằm mục đích:
- Đánh giá kết quả thực hiện, chỉ ra những bất cập, tồn tại trong tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
- Kiến nghị, đề xuất với Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan về giải pháp, biện pháp sửa đổi chính sách cho phù hợp để tăng cường hiệu quả chính sách.
II. NỘI DUNG KHẢO SÁT
1. Địa bàn và đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2. Thực trạng, các căn cứ, tiêu chí xác định các xã, thôn bản vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển được thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
3. Đánh giá kết quả thực hiện chính sách, những mặt tích cực, những vấn đề phát sinh, bất cập trong quá thực hiện chính sách.
4. Đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các địa phương các giải pháp tiếp tục thực hiện có kết quả, đúng ý nghĩa, mục tiêu của chính sách 116/2010/NĐ-CP trên địa bàn vùng dân tộc, miền núi, khu vực có điều kiện KTXHĐBKK.
III. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM KHẢO SÁT
1. Phạm vi khảo sát
- Trên địa bàn tất cả các tỉnh triển khai thực hiện các nội dung tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
- Kết quả số liệu báo cáo từ năm 2011 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015.
- Thời gian hoàn thiện báo cáo: gửi về Hội đồng Dân tộc trước ngày 15/8/2016.
2. Phương thức khảo sát
- Hội đồng Dân tộc khảo sát thông qua báo cáo của các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương đã thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ, và tổ chức 03 đoàn đến khảo sát tại 10 tỉnh đại diện cho khu vực biên giới, an toàn khu, bãi ngang ven biển và hải đảo (mỗi tỉnh 2 huyện, mỗi huyện 2 xã).
- Tại các địa phương: Đoàn khảo sát làm việc trực tiếp với UBND tỉnh, UBND huyện và các cơ quan có liên quan.
- Tại trung ương: Đoàn khảo sát làm việc với các Bộ, Ngành liên quan về nội dung chính sách: Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Ủy ban Dân tộc.
3. Thời gian và địa điểm khảo sát
3.1. Tại địa phương (tổ chức 03 Đoàn Khảo sát
- Đoàn 1: Dự kiến từ 18/8/2016 đến 30/8/2016, Đoàn khảo sát tại 03 tỉnh: Thái Nguyên, Lạng Sơn, Quảng Ninh (tập trung các xã ATK, biên giới).
- Đoàn 2: Dự kiến từ 8/8/2016 đến 30/8/2016, Đoàn khảo sát tại 03 tỉnh: Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế (tập hợp các xã thuộc địa bàn xã bãi ngang ven biển, hải đảo) và 02 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ (tập trung các xã ATK, ĐBKK).
- Đoàn 3: Dự kiến từ 8/8/2016 đến 30/8/2016, Đoàn khảo sát tại 02 tỉnh: Sóc Trăng, An Giang (tập hợp các xã thuộc địa bàn xã bãi ngang ven biển, hải đảo và biên giới, ĐBKK).
3.2. Tại trung ương
- Đầu tháng 9, Khảo sát tại các Bộ, Ngành liên quan: Bộ Nội vụ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch - Đầu tư; Ủy ban Dân tộc. Đầu mối chủ trì: Bộ Nội vụ.
- Tổ chức Hội nghị thảo luận về kết quả khảo sát.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc chủ trì chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch khảo sát.
2. Lãnh đạo Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội phân công cán bộ, chuyên viên trực tiếp tham mưu, triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch; phối hợp với các cơ quan, đơn vị hữu quan chuẩn bị các nội dung, điều kiện thực hiện kế hoạch khảo sát.
3. Mời Ủy ban Dân tộc, Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cử cán bộ cùng tham gia hoạt động khảo sát tại các địa phương (mỗi đơn vị cử 01 lãnh đạo cấp vụ tham gia).
4. Đề nghị UBND các tỉnh căn cứ vào nội dung, kế hoạch khảo sát chuẩn bị báo cáo và tạo điều kiện thuận lợi để Đoàn khảo sát của Hội đồng Dân tộc đạt kết quả. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực Hội đồng Nhân dân (Ban Văn hóa - Xã hội, Ban Dân tộc) các tỉnh có Đoàn khảo sát tham gia theo chương trình của đoàn tại địa phương.
Thông tin liên hệ: Hội đồng Dân tộc của Quốc hội - Nhà Quốc hội, số 02 đường Độc Lập, Ba Đình, Hà Nội (qua đ/c Nguyễn Tiến Thành - Vụ Dân tộc, Văn phòng Quốc hội; ĐT: 080 41514/0968954194; Email: tienthanh@qh.gov.vn).
Trên đây là kế hoạch khảo sát việc thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
| TM. HỘI ĐỒNG DÂN TỘC |
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO (Địa phương)
Khảo sát tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị định 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của chính phủ “về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” từ năm 2011 đến năm 2016
(Kèm theo Kế hoạch số 1197/HĐDT, ngày 24 tháng 6 năm 2016 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội)
I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG
1. Khái quát đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội của địa phương (Chú ý các nội dung liên quan đến Nghị định 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ).
2. Đánh giá khái quát tình hình triển khai thực hiện nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 116/2010/NĐ-CP TẠI ĐỊA PHƯƠNG
1. Văn bản liên quan đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP
1.1. Văn bản của Trung ương (gồm Chính phủ, các Bộ, Ngành).
1.2. Văn bản của địa phương (gồm Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân).
2. Kết quả thực hiện
2.1. Các chủ trương, chính sách, giải pháp, biện pháp mà địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2.2. Các tiêu chí, căn cứ, thực trạng và kết quả phê duyệt các xã, thôn, bản vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang ven biển được thụ hưởng chính sách tại Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ.
2.3. Số xã, địa bàn và đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ mà địa phương đã và đang triển khai.
2.4. Số lượng đối tượng được thụ hưởng chính sách theo Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ và số kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2011 - 2015 (Kèm báo cáo thống kê hàng năm/ đối tượng chính sách).
2.5. Công tác phối hợp triển khai, kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 116/2010/NĐ-CP của Chính phủ tại địa phương.
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 116/2010/NĐ-CP
1. Những kết quả đạt được
- Những ưu điểm, thuận lợi trong việc thực hiện triển khai Nghị định số 116/2010/NĐ-CP tại địa phương.
- Hiệu quả của Nghị định trong việc thu hút cán bộ công tác ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Những bất cập, hạn chế, khó khăn
- Về đối tượng, địa bàn thụ hưởng;
- Những bất cập trong các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và công tác tổ chức thực hiện tại địa phương;
- Những khó khăn, bất cập nảy sinh trong việc xác định phạm vi, địa bàn, đối tượng được thụ hưởng chính sách tại địa phương.
- Bất cập trong việc phối hợp triển khai thực hiện giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan.
3. Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
IV. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Quốc hội
2. Đối với Chính phủ, các Bộ, Ngành liên quan
3. Đối với địa phương
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.