BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1098/KH-BGTVT | Hà Nội, ngày 26 tháng 01 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
TỔ CHỨC PHONG TRÀO THI ĐUA BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông;
Căn cứ Quyết định số 539/QĐ-UBATGTQG ngày 07 tháng 12 năm 2015 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia về việc ban hành Kế hoạch phát động phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020;
Bộ Giao thông vận tải xây dựng Kế hoạch tổ chức Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
- Tạo động lực mạnh mẽ trong hoạt động bảo đảm trật tự an toàn giao thông ở tất cả các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy, hàng hải và hàng không, đạt hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, góp phần kéo giảm từ 5%-10% số vụ, số người chết, số người bị thương do tai nạn giao thông hàng năm; giảm tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tiếp tục kéo giảm ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; tiếp tục thực hiện năm An toàn giao thông hàng năm với từng chủ đề phù hợp với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”;
- Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của các tập thể, cá nhân, thông qua Phong trào thi đua, tạo động lực cho toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đơn vị, quyết tâm phấn đấu, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần trách nhiệm và chuyên môn nghiệp vụ;
- Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua; phê bình những tập thể, cá nhân không đạt được mục tiêu đề ra.
2. Yêu cầu
- Phong trào thi đua được phát động và triển khai sâu rộng, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng, thực hiện thường xuyên, hiệu quả;
- Nội dung, hình thức, phương thức, biện pháp phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua phải thực chất, hiệu quả, phù hợp với mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và điều kiện cụ thể của đơn vị; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện “Phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2016 - 2020” với các phong trào thi đua của Ngành, địa phương phát động;
- Phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương cũng như các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị nhằm thúc đẩy mạnh mẽ, hiệu quả phong trào thi đua, tạo sự đồng thuận và ý chí quyết tâm cao vượt qua khó khăn; gắn kết công tác bảo đảm TTATGT với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của từng địa phương;
- Công tác thi đua khen thưởng cuộc vận động phải gắn với kết quả thực hiện phong trào thi đua; khen thưởng phải dựa trên kết quả thành tích thi đua, bảo đảm kịp thời, chính xác, công khai, công bằng, nhằm động viên tinh thần cùng với khuyến khích bằng lợi ích vật chất, tạo động lực để tập thể, cá nhân phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
3. Đối tượng thực hiện: các tập thể, cá nhân thuộc các cơ quan, đơn vị trong ngành Giao thông vận tải.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể:
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04 tháng 9 năm 2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các Nghị quyết của Quốc hội; Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và Nghị quyết của Liên hiệp quốc về “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2011 đến 2020...
2. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác: đầu tư, xây dựng, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; đăng kiểm phương tiện; đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, lái tàu, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải; thanh tra xử lý vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
3. Hoàn thành 100% đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, đề án về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
4. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành hoạt động vận tải, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, khai thác hạ tầng giao thông và kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; nâng cao hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế tai nạn giao thông, đẩy mạnh xã hội hóa công tác cứu hộ giao thông.
5. Đẩy mạnh công tác thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Tập trung xử lý các vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, tải trọng phương tiện vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông của kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi phạm về an toàn, an ninh hàng không, hàng hải; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông.
6. Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông tới mọi thành phần trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó chú trọng vào tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho người thực thi công vụ; phổ biến quy định pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông đối với chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải, chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng công trình giao thông và người điều khiển phương tiện cá nhân, đặc biệt là nhóm những người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đẩy mạnh công tác giáo dục, phổ biến quy định pháp luật về TTATGT cho đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo; xây dựng và triển khai thực hiện tuyên truyền vận động bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa.
7. Tăng cường thực hiện các giải pháp đồng bộ phòng, chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn, đặc biệt là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành giao thông đô thị; khuyến khích sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Phong trào thi đua được triển khai, thực hiện đến hết ngày 31/12/2020.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, các Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm:
- Trên cơ sở Kế hoạch chung của Bộ, xây dựng Kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện “Phong trào thi đua bảo đảm trật tự an toàn giao thông giai đoạn 2016 - 2020” và gửi Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông); nội dung của Kế hoạch phải xác định cụ thể những nhiệm vụ, chỉ tiêu, biện pháp thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và điều kiện thực tế của mỗi cơ quan, đơn vị.
- Phổ biến, quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện phong trào thi đua đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với các cấp ủy, tổ chức Đảng, các đoàn thể tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện phong trào thi đua đến tận cơ sở; coi phong trào thi đua, công tác khen thưởng là động lực mạnh mẽ để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trực thuộc xây dựng, xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ và những biện pháp tổ chức thực hiện phong trào thi đua này phù hợp với yêu cầu, điều kiện thực tế, gắn với thực hiện các nhiệm vụ được giao.
- Thường xuyên bám sát cơ sở để phát hiện, xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến; tuyên truyền, tạo sự lan tỏa của các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt, làm nòng cốt cho phong trào thi đua.
- Tổ chức tổng kết thực hiện phong trào và bình xét khen thưởng; tổng hợp kết quả, gửi báo cáo tổng kết phong trào và hồ sơ đề nghị khen thưởng về Bộ Giao thông vận tải (qua Vụ An toàn giao thông) trước ngày 01/12/2020.
3. Vụ An toàn giao thông Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch này; tiếp nhận, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào trình Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia khen thưởng./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.