UBND TỈNH NAM ĐỊNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 769/HDLN-SGDĐT-BHXH | Nam Định, ngày 09 tháng 06 năm 2015 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN BẢO HIỂM Y TẾ HỌC SINH, SINH VIÊN NĂM HỌC 2015-2016
Kính gửi: | - Các trường: Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề đóng trên địa bàn tỉnh Nam Định; |
Thực hiện Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) số 25/2008/QH12 ngày 14/11/2008; Luật BHYT số 46/2014/QH13 ngày 13/6/2014 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật BHYT; Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số Điều của Luật BHYT; Thông tư Liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 của Liên Bộ Tài chính - Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT;
Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020;
Thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TU ngày 18/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định về tăng cường lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2013-2020 và Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 18/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định “Kế hoạch thực hiện đề án thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 của tỉnh Nam Định”.
Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh Nam Định hướng dẫn thực hiện BHYT học sinh, sinh viên (HSSV) năm học 2015 - 2016 trên địa bàn tỉnh như sau:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA
- BHYT HSSV phối hợp hoạt động cùng chương trình y tế trường học nhằm nâng cao chất lượng hoạt động và chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ) cho HSSV ngay trong trường học, góp phần giáo dục thể chất và kiến thức phòng chống dịch bệnh, các tệ nạn xã hội cho các em HSSV.
- BHYT là chính sách xã hội của Đảng và Nhà nước, mang tính nhân đạo và cộng đồng sâu sắc, BHYT không vì mục đích kinh doanh. HSSV tham gia BHYT để tạo nguồn kinh phí chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho các em trong quá trình học tập, phòng chống các bệnh học đường, chi trả viện phí khi các em không may bị ốm đau phải khám và điều trị bệnh.
II. ĐỐI TƯỢNG, MỨC ĐÓNG, PHƯƠNG THỨC ĐÓNG, MỨC HỖ TRỢ ĐẠI LÝ THU BHYT, ĐĂNG KÝ KHÁM CHỮA BỆNH BAN ĐẦU, KINH PHÍ CSSKBĐ
1. Đối tượng tham gia
HSSV (trừ những em đã tham gia BHYT theo các nhóm đối tượng khác theo quy định của Luật BHYT) đang theo học tại các cơ sở giáo dục đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Nam Định là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT.
2. Mức đóng
Theo quy định của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT quy định mức đóng hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, trong đó ngân sách nhà nước hỗ trợ tối thiểu bằng 70% mức đóng cho các đối tượng HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo, bằng 30% mức đóng cho đối tượng HSSV không thuộc hộ gia đình cận nghèo.
* Lưu ý:
+ HSSV thuộc hộ gia đình cận nghèo tham gia BHYT theo hộ gia đình cận nghèo vì được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% mức đóng BHYT theo Quyết định số 182/QĐ-UBND ngày 28/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
+ HSSV có thẻ BHYT theo nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan quân đội, công an, cơ yếu, thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo...) đã được cấp thẻ BHYT, nhà trường lập Danh sách HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác (mẫu số 03/BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam) kèm theo bản photocopy thẻ BHYT còn giá trị sử dụng gửi cơ quan BHXH cùng cấp để xác định tỷ lệ HSSV tham gia BHYT và cấp kinh phí CSSKBĐ.
+ HSSV có thẻ BHYT thuộc nhóm đối tượng khác (thân nhân sĩ quan quân đội, công an, cơ yếu; thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo;...) nếu hết hạn sử dụng và không tiếp tục tham gia theo nhóm đối tượng khác nữa thì tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm HSSV ngay từ tháng tiếp theo đến hết thời hạn tham gia chung của nhà trường thuộc năm tài chính hoặc ngày cuối của tháng kết thúc khóa học thuộc năm học đó.
3. Phương thức đóng và thời hạn sử dụng thẻ BHYT
- Kể từ năm học 2015 - 2016, HSSV tham gia BHYT theo năm tài chính, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm.
- Nhà trường tổ chức thu tiền đóng BHYT HSSV theo Khoản 2, Mục II của Hướng dẫn này, chuyển nộp cho cơ quan BHXH kèm theo danh sách HSSV tham gia BHYT.
- HSSV tham gia BHYT lần đầu (trừ học sinh lớp 1) hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
* Lưu ý:
+ Đối với HSSV, thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/01 đến ngày 31/12 của năm đó; đối với học sinh vào lớp một và sinh viên năm thứ nhất thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày nhập học hoặc ngày hết hạn của thẻ BHYT được cấp lần trước đến 31/12 năm sau; đối với học sinh lớp 12 và sinh viên năm cuối thời hạn sử dụng ghi trên thẻ BHYT từ ngày 01/01 đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó;
+ Đối với những trường tham gia BHYT cho HSSV theo năm học của năm học trước (năm học 2014-2015) thì năm học 2015-2016 sẽ thực hiện thu tiền, cấp thẻ BHYT từ khi hết hạn sử dụng thẻ BHYT cũ đến hết 31/12/2016 hoặc đến ngày cuối của tháng kết thúc năm học đó.
4. Mức hỗ trợ đại lý thu BHYT
Hỗ trợ đại lý thu BHYT (Nhà trường là đại lý thu BHYT) bằng 4% tổng số tiền thực thu của HSSV (không tính số tiền hỗ trợ của ngân sách nhà nước). Căn cứ danh sách và số tiền BHYT của HSSV đóng, nhà trường gửi Bảo hiểm xã hội huyện, thành phố (BHXH huyện) để thanh toán chi hỗ trợ theo quy định.
5. Đăng ký khám chữa bệnh ban đầu (KCBBĐ)
Nơi đăng ký KCBBĐ: HSSV cư trú (thường trú hay tạm trú) tại huyện nào được đăng ký tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã, tuyến huyện và tương đương trên địa bàn huyện đó. Riêng HSSV học tại các trường trên địa bàn thành phố Nam Định được lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh gần trường để đăng ký KCBBĐ.
6. Kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu (CSSKBĐ)
6.1. Xác định tổng thu quỹ BHYT:
- Tổng thu quỹ BHYT HSSV được xác định dựa trên tổng số HSSV của trường tham gia BHYT (kể cả số HSSV tham gia BHYT theo đối tượng khác).
- Nhà trường lập danh sách HSSV gửi BHXH huyện để thanh toán kinh phí CSSKBĐ. Kinh phí CSSKBĐ xác định bằng 7% tổng thu quỹ BHYT HSSV.
6.2. Điều kiện; quy mô tổ chức được cấp kinh phí CSSKBĐ:
Nhà trường (trừ những trường có tổ chức y tế cơ quan có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT) được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT để CSSKBĐ cho HSSV do nhà trường quản lý khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Có ít nhất một người chuyên trách hoặc kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên, trình độ tối thiểu là trung cấp y;
- Có phòng y tế hoặc phòng làm việc riêng để thực hiện việc sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV do cơ sở giáo dục quản lý khi bị tai nạn thương tích, các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường.
6.3. Nội dung chi kinh phí CSSKBĐ:
- Chi mua thuốc, vật tư y tế phục vụ sơ cấp cứu, xử trí ban đầu cho HSSV khi bị tai nạn thương tích và các bệnh thông thường trong thời gian học tập tại trường;
- Chi mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế thông thường phục vụ CSSKBĐ tại trường;
- Chi mua văn phòng phẩm, tủ tài liệu phục vụ việc quản lý hồ sơ sức khỏe HSSV;
- Chi mua sách, tài liệu, dụng cụ phục vụ hoạt động tuyên truyền, giảng dạy, giáo dục ngoại khóa về chăm sóc, tư vấn sức khỏe, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình cho HSSV tại trường;
- Các khoản chi khác để thực hiện công tác CSSKBĐ tại trường.
6.4. Quản lý và thanh quyết toán chi kinh phí CSSKBĐ:
a) Nhà trường được cấp kinh phí từ quỹ khám bệnh, chữa bệnh BHYT có trách nhiệm sử dụng cho công tác CSSKBĐ cho HSSV do nhà trường quản lý, không được sử dụng vào các mục đích khác.
b) Các khoản chi CSSKBĐ quy định tại Tiết 6.3, Khoản 6 Công văn này được hạch toán, quyết toán như sau:
- Đối với trường công lập thực hiện hạch toán các khoản chi CSSKBĐ vào chi phí thực hiện công tác y tế tại cơ sở và quyết toán với đơn vị quản lý cấp trên theo quy định hiện hành;
- Đối với trường ngoài công lập thực hiện hạch toán các khoản chi CSSKBĐ vào chi phí của trường ngoài công lập và quyết toán với đơn vị cấp trên (nếu có).
c) Nhà trường được cấp kinh phí CSSKBĐ theo quy định tại Điều 18 Thông tư Liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC ngày 24/11/2014 không phải quyết toán với tổ chức BHXH nhưng có trách nhiệm báo cáo về việc sử dụng kinh phí khi tổ chức BHXH, cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
d) Số kinh phí CSSKBĐ được cấp đến cuối năm chưa sử dụng hết, được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
6.5. Thủ tục đề nghị cấp kinh phí CSSKBĐ:
Căn cứ vào số HSSV tham gia BHYT của năm học, khóa học, nhà trường lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH cùng cấp đề nghị được cấp kinh phí CSSKBĐ. Hồ sơ gồm:
- Bản đề nghị trích chuyển kinh phí CSSKBĐ (theo mẫu số 01/BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam);
- Danh sách tham gia BHYT của HSSV (mẫu D03-TS ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam);
- Danh sách HSSV tham gia BHYT theo nhóm đối tượng khác (mẫu số 03/BHYT ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2014 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam)
III. MỨC HƯỞNG BHYT
- Chi phí khám, chữa bệnh (KCB) tại tuyến xã hưởng 100%;
- Chi phí KCB trong trường hợp tổng chi phí của 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở hưởng 100%;
- Quỹ khám chữa bệnh thanh toán 80% chi phí KCB, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB;
- Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở;
- Người tham gia BHYT khi đi KCB sử dụng dịch vụ kỹ thuật cao, chi phí lớn thì được thanh toán 80% chi phí nhưng không quá 40 tháng lương cơ sở cho một lần sử dụng dịch vụ kỹ thuật đó, phần còn lại do người bệnh tự thanh toán với cơ sở KCB;
- Trường hợp tự chọn thầy thuốc, tự chọn buồng bệnh, thẻ BHYT chỉ được thanh toán chi phí KCB theo giá dịch vụ hiện hành của nhà nước áp dụng cho cơ sở KCB đó;
- Trường hợp đi KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng cơ sở KCB ban đầu) và xuất trình được đủ thủ tục KCB thì được hưởng quyền lợi KCB theo tỷ lệ như sau:
+ Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú;
+ Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
* Lưu ý:
- Kể từ 01/01/2016 đến 31/12/2020, mức thanh toán trong trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng cơ sở KCB ban đầu) và xuất trình được đủ thủ tục KCB thì được hưởng quyền lợi KCB theo tỷ lệ như sau:
+ Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú;
+ Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Kể từ 01/01/2021, mức thanh toán trong trường hợp KCB vượt tuyến, trái tuyến (không đúng cơ sở KCB ban đầu) và xuất trình được đủ thủ tục KCB thì được hưởng quyền lợi KCB theo tỷ lệ như sau:
+ Tại bệnh viện tuyến huyện là 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh;
+ Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú;
+ Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
IV. PHẠM VI, QUYỀN LỢI CỦA HSSV KHI THAM GIA BHYT
1. Quyền lợi:
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ, sinh con;
- Khám bệnh để sàng lọc, chẩn đoán sớm một số bệnh.
2. Các trường hợp không được hưởng quyền lợi BHYT:
- Chi phí trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật BHYT đã được ngân sách nhà nước chi trả;
- Điều dưỡng, an dưỡng tại cơ sở điều dưỡng, an dưỡng;
- Khám sức khỏe;
- Xét nghiệm, chẩn đoán thai không nhằm mục đích điều trị;
- Sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, nạo hút thai, phá thai, trừ trường hợp phải đình chỉ thai nghén do nguyên nhân bệnh lý của thai nhi hay của sản phụ;
- Sử dụng dịch vụ thẩm mỹ;
- Điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt, trừ trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi;
- Sử dụng vật tư y tế thay thế bao gồm chân tay giả, mắt giả, răng giả, kính mắt, máy trợ thính, phương tiện trợ giúp vận động trong khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng;
- Khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng đối với trường hợp thảm họa;
- Khám bệnh, chữa bệnh nghiện ma túy, nghiện rượu hoặc chất gây nghiện khác;
- Giám định y khoa, giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần;
- Tham gia thử nghiệm lâm sàng, nghiên cứu khoa học.
V. THỦ TỤC KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH BHYT
- HSSV tham gia BHYT khi đi KCB phải xuất trình thẻ BHYT còn thời hạn sử dụng, chứng minh nhân dân hoặc thẻ HSSV có đóng dấu giáp lai của nhà trường;
- Trường hợp cấp cứu, HSSV tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào, có hợp đồng KCB BHYT và phải xuất trình giấy tờ quy định trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT;
- Trường hợp cấp cứu tại cơ sở y tế không ký hợp đồng KCB BHYT thì phải xuất trình đầy đủ giấy tờ xác nhận tình trạng bệnh lý và các chứng từ hợp lệ về chi phí KCB với cơ quan BHXH để được thanh toán.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. BHXH tỉnh Nam Định
- Định kỳ trước ngày 15 hằng tháng, BHXH tỉnh cung cấp số liệu tổng hợp (theo huyện, thành phố) và số liệu chi tiết (theo trường) về HSSV tham gia BHYT của tháng trước trên địa bàn toàn tỉnh gửi Sở Giáo dục và Đào tạo;
- Chỉ đạo BHXH huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; các trường học trực thuộc Sở giáo dục và Đào tạo; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề đóng trên địa bàn huyện, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nghiệp vụ, cung cấp mẫu biểu về công tác BHYT HSSV theo quy định;
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện pháp luật về BHYT. Chủ trì tổng kết công tác BHYT HSSV hằng năm; tuyên dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức triển khai thực hiện BHYT HSSV và công tác y tế trường học;
- Phối hợp với Sở Y tế trong công tác chỉ đạo các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt công tác KCB cho HSSV.
2. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định:
- Căn cứ số liệu thống kê hằng tháng, theo năm tài chính, theo khóa học của các đơn vị tham gia BHYT HSSV do BHXH tỉnh gửi, đôn đốc nhà trường thực hiện hiệu quả và làm cơ sở đánh giá các đơn vị theo quy định;
- Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố; các trường trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động HSSV tham gia BHYT theo quy định. Đưa chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT thành chỉ tiêu thi đua để đánh giá kết quả thực nhiệm vụ năm học của nhà trường; đảm bảo các trường đạt chuẩn quốc gia hoặc đang xây dựng chuẩn quốc gia phải đạt tỷ lệ HSSV tham gia BHYT 100%; các trường đề nghị khen thưởng đều phải đạt 100% HSSV tham gia BHYT; các trường còn lại ít nhất đạt trên 95%;
- Phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện pháp luật về BHYT; phối hợp với BHXH tỉnh tổ chức tổng kết và khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện BHYT HSSV.
3. Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thành phố Nam Định:
- Phối hợp với cơ quan BHXH huyện, thành phố phổ biến văn bản này và chỉ đạo thực hiện BHYT HSSV đến các trường học thuộc phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố quản lý;
- Giao chỉ tiêu HSSV tham gia BHYT cho các nhà trường, đồng thời có các biện pháp xử lý trách nhiệm đối với các trường học có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT thấp hơn so với mặt bằng chung;
- Phối hợp tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện pháp luật về BHYT tại các nhà trường thuộc thẩm quyền quản lý;
- Kết thúc năm học, phối hợp với BHXH huyện tham mưu với UBND huyện, thành phố tổ chức tổng kết công tác BHYT HSSV của năm học, triển khai nhiệm vụ công tác BHYT HSSV năm học mới. Đồng thời, khen thưởng các cá nhân, tập thể có nhiều thành tích trong việc tổ chức thực hiện BHYT HSSV.
- Căn cứ số liệu thống kê hằng tháng theo năm tài chính và theo khóa học của các trường tham gia BHYT HSSV do cơ quan BHXH gửi chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện hiệu quả làm cơ sở đánh giá các đơn vị theo quy định.
4. BHXH các huyện, thành phố Nam Định:
- Phối hợp với phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện, thành phố phổ biến văn bản này và chỉ đạo các trường học trực thuộc phòng quản lý nghiêm túc thực hiện BHYT HSSV theo đúng quy định;
- Phối hợp với nhà trường tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện công tác BHYT HSSV; tiếp nhận danh sách, thu tiền và phát hành thẻ BHYT kịp thời, chính xác;
- Phối hợp với ngành y tế trên địa bàn đảm bảo quyền lợi cho HSSV khi đi KCB;
- Lập Hợp đồng đóng BHYT và Biên bản thanh lý hợp đồng đóng BHYT (theo mẫu C04-TS và mẫu C04a-TS ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam);
- Cấp, thanh quyết toán kinh phí CSSKBĐ; chi hỗ trợ đại lý thu BHYT và các khoản kinh phí khác (nếu có) kịp thời, đúng quy định.
5. Các trường học:
- Phối hợp với BHXH huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền để HSSV và phụ huynh HSSV hiểu rõ các quy định về Luật BHYT;
- Thực hiện đăng ký, kê khai, thu tiền và lập danh sách HSSV tham gia BHYT theo quy định;
- Chuyển tiền đóng BHYT, hồ sơ, dữ liệu cho BHXH huyện để phát hành thẻ BHYT cho HSSV.
6. Đối tượng, phạm vi áp dụng thực hiện Hướng dẫn này:
- Học sinh, sinh viên là những người đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân trên địa bàn tỉnh Nam Định (theo Điểm b, Khoản 4, Điều 1, Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC)
- Đối với trẻ em dưới 6 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh Nam Định, BHXH tỉnh Nam Định có văn bản hướng dẫn riêng.
Liên ngành Sở Giáo dục và Đào tạo và BHXH tỉnh Nam Định yêu cầu các đơn vị nghiêm túc triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Giáo dục và Đào tạo và BHXH tỉnh Nam Định để thống nhất, giải quyết./.
KT. GIÁM ĐỐC | KT. GIÁM ĐỐC |
Nơi nhận: |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.