UBND TỈNH LÂM ĐỒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 953/NN-TC-DT | Đà Lạt, ngày 17 tháng 05 năm 2007 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHĂN NUÔI BÒ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 134 NĂM 2007 TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ quyết định 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn.
Thực hiện quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của UBND Tỉnh Lâm Đồng về phân bổ kinh phí thực hiện quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh trong năm 2007.
Liên ngành: Sở Nông nghiệp & PTNT – Sở Tài chính – Ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng hướng dẫn thực hiện chính sách khai hoang hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiếu đất bằng hình thức chăn nuôi thuộc chương trình 134 năm 2007 tỉnh Lâm Đồng như sau:
I. CHỦ ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP, CƠ QUAN THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT ĐẦU TƯ:
- UBND cấp Huyện căn cứ quyết định số 1030/QĐ-UB của UBND Tỉnh về phân bổ kinh phí, có quyết định giao nhiệm vụ cho đơn vị làm chủ đầu tư trực tiếp thực hiện và quyết định đầu tư cụ thể cho các xã đồng bào dân tộc; Ưu tiên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn đã được thống kê đưa vào phương án cấp đất sản xuất bằng hình thức chăn nuôi; Căn cứ vào đó, chủ đầu tư trực tiếp có trách nhiệm lập báo cáo kinh tế kỹ thuật và tổ chức thực hiện đầu tư.
- Cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật: thực hiện văn bản số 799/NN&PTNT ngày 03/4/2006 của Sở Nông nghiệp & PTNT về việc ủy quyền thẩm định và hướng dẫn một số nội dung về lập, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công trong báo cáo kinh tế - kỹ thuật (Phòng NN&PTNT cấp huyện thẩm định, UBND cấp Huyện phê duyệt).
II. MỘT SỐ HƯỚNG DẪN CỤ THỂ TRONG QUÁ TRÌNH LẬP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN BÁO CÁO KINH TẾ - KỸ THUẬT THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHĂN NUÔI BÒ THUỘC CHƯƠNG TRÌNH 134 NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG:
1. Đối tượng hộ chăn nuôi:
- Đối tượng hộ được đầu tư là hộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, định cư thường trú tại địa phương (Đối tượng hộ được đầu tư thực hiện đúng quy định tại quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ), ưu tiên những hộ chăn nuôi có điều kiện lao động sản xuất và có khả năng tiếp thu áp dụng quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò và có trong phương án đã được tổng hợp và trình duyệt.
- Hộ được chọn đầu tư chăn nuôi bò phải thực hiện hợp đồng chăn nuôi với chủ đầu tư; Thực hiện cam kết về trách nhiệm quản lý chăm sóc nuôi dưỡng của chủ hộ nhằm phát triển chăn nuôi.
2. Một số chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật:
2.1. Giống, kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng và công tác thú y – phòng chống dịch bệnh:
a. Tiêu chuẩn giống bò được đầu tư: Là giống bò cái lai sind sinh sản, bò cái tơ có khả năng sinh sản.
- Ngoại hình: Mang đặc điểm chung của bò cái lai sind như tầm vóc tương đối lớn, màu đỏ cánh dán hoặc vàng xẩm, yếm lớn kéo dài đến bụng, âm hộ có nhiều nếp nhăn.
- Bò khỏe mạnh, đầu thanh nhẹ, thế đứng vững vàng, ngực sâu rộng mông phẳng và lớn, vú đồng đều.
- Trọng lượng bò cái tơ được đầu tư phải đạt từ 180 kg/con trở lên, từ 16 đến 24 tháng tuổi.
b. Kỹ thuật nuôi dưỡng và quản lý bò cái lai sind được đầu tư:
- Chủ đầu tư vận dụng kỹ thuật chăm sóc – nuôi dưỡng và quản lý bò cái lai sind tại văn bản số 1743/HD-SNN ngày 09 tháng 08 năm 2006 của Sở NN&PTNT, và các tài liệu kỹ thuật có liên quan để tập huấn, hướng dẫn và thể hiện trách nhiệm quản lý chăm sóc – nuôi dưỡng của chủ hộ chăn nuôi trong biên bản bàn giao của chủ đầu tư.
c. Yêu cầu công tác thú y, phòng chống dịch bệnh:
- Bò cái giống cung ứng cho hộ chăn nuôi phải được mua từ các địa phương không có dịch bệnh LMLM & các bệnh truyền nhiễm khác. Phải có giấy chứng nhận tiêm phòng các bệnh bắt buộc, được cơ quan thú y kiểm dịch. Nuôi tân đáo đúng quy định. Trước khi bàn giao bò giống cho hộ chăn nuôi phải thực hiện tiêm phòng bổ sung vacxin LMLM, và các bệnh truyền nhiễm khác có xác nhận của cơ quan thú y địa phương.
- Trường hợp bò mua ở các địa phương ngoài Tỉnh phải được Chi cục Thú y Tỉnh kiểm tra thẩm định, trường hợp bò có triệu chứng bệnh lấy mẫu xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm trong thời gian nuôi tân đáo. Thực hiện tiêm phòng bổ sung các loại vacxin đúng quy định.
3. Trách nhiệm của chủ đầu tư trực tiếp:
- Chủ đầu tư trực tiếp chịu trách nhiệm tham mưu cho UBND Huyện quyết định hình thức chỉ định thầu, xét chọn thầu hoặc đấu thầu cạnh tranh đối với đơn vị cung cấp con giống. Nguồn cung ứng con giống đối với chương trình này không nhất thiết phải nhập từ ngoài Tỉnh, có thể tuyển chọn những con giống tốt, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là từ nguồn bò giống các trang trại, các hộ chăn nuôi có kinh nghiệm và uy tín trong tỉnh để cung ứng.
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương xã, thôn chọn hộ chăn nuôi được đầu tư, đảm bảo thực hiện đúng đối tượng hộ được đầu tư, đủ điều kiện về chăn nuôi.
- Chủ đầu tư chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc-nuôi dưỡng, công tác phòng chống dịch bệnh, công tác quản lý giống theo quy định (bấm số tai, các chỉ tiêu kỹ thuật được thể hiện trong biên bản bàn giao giữa chủ đầu tư và hộ chăn nuôi).
- Thực hiện ký hợp đồng với các đơn vị, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm cung ứng con giống đảm bảo các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật nêu trên, thực hiện nghiệm thu, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư theo quy định tài chính hiện hành.
- Khi bàn giao bò giống cho hộ chăn nuôi phải có biên bản bàn giao cụ thể giữa chủ đầu tư, chủ hộ chăn nuôi và sự giám sát của chính quyền địa phương cấp xã, thôn.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện chủ đầu tư trực tiếp thực hiện đầu tư, có trách nhiệm phân công cán bộ trực tiếp tập huấn – hướng dẫn kỹ thuật, thực hiện công tác quản lý, kiểm tra giám sát, bàn giao nghiệm thu đúng số lượng, chất lượng con giống đầu tư cho hộ chăn nuôi theo quy định.
- Báo cáo tiến độ thực hiện theo quy định.
4. Trách nhiệm của đơn vị cung ứng giống:
- Đơn vị được chủ đầu tư được lựa chọn cung ứng bò giống phải có tư cách pháp nhân, có chức năng nhiệm vụ cung ứng giống vật nuôi, chịu trách nhiệm bảo hành trực tiếp với hộ chăn nuôi trong thời gian 6 tháng kể từ ngày giao bò cho hộ chăn nuôi (đền bù cho hộ chăn nuôi về con giống chết do rủi ro, dịch bệnh).
- Thực hiện nuôi tân đáo, tiêm phòng bổ sung các loại vacxin đúng quy định.
- Phối hợp với chủ đầu tư và chính quyền địa phương tổ chức bàn giao bò giống tại chuồng cho hộ chăn nuôi.
5. Kinh phí thực hiện:
- Tổng kinh phí thực hiện: Chủ đầu tư trực tiếp thực hiện đầu tư, căn cứ vào phân bổ kinh phí tại quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng để lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật và tổ chức thực hiện.
- Mức hỗ trợ đầu tư: Mức hỗ trợ về con bò giống là 100%; 01 con bò cái lai sind sinh sản/01 hộ đồng bào còn thiếu đất sản xuất.
- Giá bò giống lai sind sinh sản theo thời điểm thị trường năm 2007: 01kg bò giống tối đa không quá 37.500 đồng/kg (bình quân bảy triệu năm trăm ngàn đồng/01 con bao gồm cả chi phí vận chuyển đến chuồng của hộ chăn nuôi).
- Các chi phí trực tiếp khác bao gồm: Hỗ trợ thuốc thú y chữa bệnh, thức ăn khoáng, đá liếm chăn nuôi, tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, bấm tai đeo số,…(Theo chi phí thực tế thực hiện trong thời gian 6 tháng – không vượt quá năm trăm ngàn đồng/con).
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ vào quyết định số 1030/QĐ-UBND ngày 30/3/2007 của UBND Tỉnh Lâm Đồng về phân bổ kinh phí thực hiện quyết định số 134/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn Tỉnh trong năm 2007 và văn bản hướng dẫn Liên ngành: Sở Nông nghiệp & PTNT, Sở Tài chính, Ban dân tộc tỉnh Lâm Đồng. Đề nghị UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc chỉ đạo chủ đầu tư trực tiếp lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật, trình UBND cấp Huyện phê duyệt làm cơ sở thực hiện.
- Trong quá trình tổ chức thực hiện đầu tư nếu có gì vướng mắc phản ánh kịp thời về các ngành có liên quan để điều chỉnh, bổ sung nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
BAN DÂN TỘC | SỞ TÀI CHÍNH | SỞ NÔNG NGHIỆP & PTNT |
Nơi nhận:
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.