ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 8921/SLĐTBXH-LĐ | Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 16 tháng 11 năm 2009 |
HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH
THỰC HIỆN CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP
Thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp; Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ngày 22/1/2009 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ; Thông tư số 34/2009/TT-BLĐTBXH ngày 16/10/2009 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH ; Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/6/2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam hướng dẫn thực hiện thu – chi bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở trao đổi thống nhất với Bảo hiểm xã hội Thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn quy trình thực hiện các chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG THAM GIA BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP:
1. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm:
1.1. Người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp là công dân Việt Nam giao kết các loại hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc sau đây với người sử dụng lao động:
a) Hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng;
b) Hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
c) Hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ đủ mười hai tháng đến ba mươi sáu tháng;
d) Hợp đồng làm việc không xác định thời hạn, kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của nhà nước trước ngày Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước.
Đối với trường hợp người lao động là viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn Thành phố chưa thực hiện việc giao kết hợp đồng làm việc theo quy định của Nghị định 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 thì cũng phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
1.2. Người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã hưởng tiền lương, tiền công.
2. Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động là người sử dụng lao động có sử dụng từ mười (10) người lao động trở lên tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp sau đây:
a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân.
b) Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị, đơn vị sự nghiệp thuộc tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội khác.
c) Doanh nghiệp thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư.
d) Hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã.
e) Hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động.
f) Cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.
II. ĐIỀU KIỆN HƯỞNG BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP:
Người lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau:
1. Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức.
2. Khi bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, địa chỉ 153 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 17, Q. Bình Thạnh.
3. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố.
III. THỦ TỤC HƯỞNG TRỢ CẤP THẤT NGHIỆP:
1. Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, gồm:
- Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
- Bản sao hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc đúng pháp luật.
- Sổ bảo hiểm xã hội. Để đảm bảo thực hiện đúng thời gian quy định đối với các chế độ bảo hiểm thất nghiệp, chậm nhất trong vòng 5 ngày kể từ ngày người lao động nghỉ việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm cho người lao động để xác nhận thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ xác nhận thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp đến thời điểm mà người sử dụng lao động đóng đầy đủ số tiền tham gia bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo quy định.
- Trường hợp người hưởng trợ cấp thất nghiệp có nhu cầu nhận trợ cấp qua tài khoản thì thông báo số tài khoản để cơ quan Bảo hiểm xã hội chuyển tiền vào tài khoản theo đề nghị.
2. Hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp một lần, gồm:
- Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp một phần của người lao động.
- Giấy xác nhận đã có việc làm do đơn vị tiếp nhận lao động cung cấp hoặc quyết định thi hành nghĩa vụ quân sự do Bộ chỉ huy quân sự quận, huyện cung cấp.
IV. QUY TRÌNH THỰC HIỆN BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP:
1. Trợ cấp thất nghiệp hàng tháng:
- Trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày bị mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động phải đến Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố để đăng ký thất nghiệp.
- Trong thời hạn 15 ngày tính theo ngày làm việc, kể từ ngày đăng ký thất nghiệp và không tìm được việc làm, người lao động nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng tại Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố.
- Trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ đăng ký thất nghiệp theo quy định của người lao động, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố lập hồ sơ giải quyết trợ cấp thất nghiệp gửi đến Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công) theo mẫu 1 kèm theo văn bản này.
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố căn cứ thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định để cấp cho người lao động phiếu hẹn thời hạn đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện để nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
- Trong thời gian 7 ngày tính theo ngày làm việc, Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công thẩm định hồ sơ, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đối với người thất nghiệp và gửi quyết định đến:
+ Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố gồm 02 bản, trong đó 01 bản để Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố tư vấn, giới thiệu việc làm và đào tạo nghề người thất nghiệp và 01 bản gửi cho người thất nghiệp để liên hệ cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng.
+ Bảo hiểm xã hội Thành phố 01 bản (phòng Chế độ bảo hiểm xã hội) để thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp tại quận, huyện.
2. Trợ cấp thất nghiệp một lần:
- Người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng mà có việc làm hoặc thực hiện nghĩa vụ quân sự sẽ được hưởng khoản trợ cấp một lần bằng giá trị của tổng trợ cấp thất nghiệp trừ giá trị cấp thất nghiệp đã hưởng.
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố tiếp nhận hồ sơ của người thất nghiệp gửi đến Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công Sở Lao động – Thương binh và Xã hội theo mẫu 4 ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn này.
- Quy trình chi trả trợ cấp thất nghiệp một lần được thực hiện theo điểm 1 nêu trên.
3. Tạm dừng, tiếp tục chi trả hoặc chấm dứt trợ cấp thất nghiệp hàng tháng:
- Người thất nghiệp không đến đăng ký vào ngày 15 hàng tháng về tình trạng tìm kiếm việc làm, bị tạm giam hoặc thuộc các trường hợp chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố báo cáo và đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định tạm dừng chi trả hoặc chấm dứt trợ cấp thất nghiệp hàng tháng theo mẫu 2 ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn này. Trường hợp ngày 15 hàng tháng trùng vào ngày nghỉ hàng tuần, ngày lễ, tết thì người thất nghiệp đến đăng ký vào ngày làm việc liền kề tiếp theo sau đó.
- Trường hợp bị tạm giam, khi hết thời hạn tạm giam mà người thất nghiệp vẫn trong khoảng thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc tiếp tục thực hiện thông báo về tìm kiếm việc làm, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố báo cáo và đề nghị Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định tiếp tục chi trả trợ cấp theo mẫu 3 ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn này.
- Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công thẩm định hồ sơ, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định tạm dừng, chấm dứt hoặc tiếp tục chi trả trợ cấp thất nghiệp hàng tháng đối với người thất nghiệp và gửi quyết định đến Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố gồm 03 bản, trong đó 01 bản để Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố theo dõi, 01 bản gửi cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi thực hiện chi trả trợ cấp hàng tháng cho người thất nghiệp, 01 bản gửi người thất nghiệp để thực hiện theo quy định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.
4. Chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp:
- Trường hợp người lao động khi thất nghiệp có nhu cầu chuyển đến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác để hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp do di chuyển nơi cư trú của gia đình hoặc về nơi ở của gia đình thì phải làm đơn đề nghị theo mẫu số 9 Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH gửi Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố để Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố thực hiện thủ tục chuyển nơi hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo mẫu số 10 Thông tư số 04/2009/TT-BLĐTBXH nêu trên, đồng thời thông báo đến cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện nơi đang trả trợ cấp biết để dừng trả trợ cấp thất nghiệp.
- Trung tâm giới thiệu việc làm thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội của Tỉnh nơi chuyển đến tiếp nhận hồ sơ và hướng dẫn người thất nghiệp làm thủ tục hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp theo quy định.
5. Tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề:
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố là đầu mối thực hiện tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí, tổ chức đào tạo nghề cho người lao động trong suốt thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh nhu cầu cần mở rộng hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho người thất nghiệp, trên cơ sở đề nghị của Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét bổ sung thêm một số chi nhánh tại các quận, huyện để tiếp nhận hồ sơ đăng ký thất nghiệp ở một số quận, huyện xa trung tâm Thành phố.
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố có trách nhiệm lập danh sách người thất nghiệp đề nghị chi trả hỗ trợ tìm việc làm theo mẫu quy định tại Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/06/2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển đến Bảo hiểm xã hội Thành phố để chi trả.
- Người thất nghiệp đến trung tâm để được tư vấn, giới thiệu việc làm cần xuất trình Chứng minh nhân dân để đối chiếu.
6. Hỗ trợ học nghề:
- Trường hợp người thất nghiệp có nhu cầu học nghề đăng ký học nghề tại Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố.
- Trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị hỗ trợ học nghề của người thất nghiệp, Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố xác định nghề, mức hỗ trợ học nghề và nơi học nghề gửi hồ sơ đến Phòng Dạy nghề thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định theo mẫu số 5 ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn này (đính kèm danh sách các cơ sở tham gia dạy nghề cho người thất nghiệp).
– Trong thời hạn 7 ngày tính theo ngày làm việc, Phòng Dạy nghề thẩm định hồ sơ, trình Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hỗ trợ học nghề đối với người thất nghiệp và gửi quyết định đến:
+ Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố;
+ Cơ sở dạy nghề;
+ Bảo hiểm xã hội Thành phố để chi trả chi phí dạy nghề cho cơ sở dạy nghề.
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố và các cơ sở dạy nghề có trách nhiệm tiếp nhận người thất nghiệp học nghề theo quyết định của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và lập hồ sơ quyết toán chi phí đã đào tạo nghề cho người thất nghiệp theo mẫu quy định tại Công văn số 1615/BHXH-CSXH ngày 02/06/2009 của Bảo hiểm xã hội Việt Nam chuyển đến Bảo hiểm xã hội Thành phố để được chi trả.
7. Chế độ bảo hiểm y tế
- Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, người thất nghiệp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định. Người thất nghiệp khi đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận, huyện nhận trợ cấp thất nghiệp hàng tháng, được cơ quan bảo hiểm xã hội cấp thẻ bảo hiểm y tế có giá trị tương ứng với thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
- Trường hợp thuộc đối tượng hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần, người lao động phải có trách nhiệm trả lại thẻ Bảo hiểm y tế cho cơ quan Bảo hiểm xã hội quận, huyện trước khi nhận khoản trợ cấp thất nghiệp 1 lần.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng dự toán kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Trung tâm giới thiệu việc làm xây dựng dự toán kinh phí thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp gửi về Sở tổng hợp chậm nhất trước ngày 30/11 hàng năm.
- Trước ngày 25 hàng tháng, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp danh sách người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp, người tạm dừng hưởng, người được hưởng lại sau thời gian bị tạm dừng, người được hưởng trợ cấp thất nghiệp 1 lần theo quyết định của Giám đốc Sở (kèm file dữ liệu) chuyển đến Bảo hiểm xã hội Thành phố để theo dõi.
- Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố tổ chức tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ của Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố và Bảo hiểm xã hội quận, huyện để việc triển khai thực hiện bảo hiểm thất nghiệp được thống nhất trên địa bàn thành phố.
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chế độ bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức để việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp tại các đơn vị đúng quy định.
- Trung tâm giới thiệu việc làm Thành phố có trách nhiệm thông tin, hướng dẫn và cung cấp các mẫu đăng ký cho người lao động đến đăng ký thất nghiệp, các chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng, cũng như nghĩa vụ của người thất nghiệp phải thực hiện trong suốt thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Báo cáo về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hàng tháng, sáu tháng và hàng năm về tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội về việc thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn Thành phố. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phản ánh bằng văn bản về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Phòng Lao động – Tiền lương – Tiền công), điện thoại 38.205.149 – 38.209.638 – 38.222.409, để được hướng dẫn.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.