UBND TỈNH THANH HÓA | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 845/STC-QLCS | Thanh Hóa, ngày 14 tháng 04 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN
THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 251/2008/QĐ-UBND NGÀY 29/01/2008 CỦA UBND TỈNH QUY ĐỊNH VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP, TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
Ngày 29/01/2008 UBND tỉnh có Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định phân cấp quản lý tài sản Nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Sở Tài chính hướng dẫn một số nội dung cụ thể để thực hiện như sau:
1. Về quản lý tài sản Nhà nước tại Điều 4 quy định ban hành kèm theo Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND được làm rõ như sau:
1.1. Tài sản phân cấp cho từng cấp chính quyền quản lý, là quy định trách nhiệm cho chính quyền cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND huyện) theo dõi chỉ đạo các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước được mua sắm trang bị từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách (không phân biệt cấp quyết định đầu tư mua sắm) và định kỳ quý, năm kiểm kê số lượng, giá trị những tài sản báo cáo theo quy định.
1.2. Tài sản phân cấp UBND cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) quản lý là quy định trách nhiệm cho chính quyền cấp xã đó theo dõi chỉ đạo quản lý, sử dụng có hiệu quả tài sản nhà nước được mua sắm trang bị từ nguồn vốn ngân sách và có nguồn gốc từ ngân sách (không phân biệt cấp quyết định đầu tư mua sắm) và định kỳ quý, năm kiểm kê số lượng, giá trị những tài sản báo cáo theo quy định.
1.3. Những tài sản do cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước và từ nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách trực tiếp sử dụng, thì việc phân cấp quản lý là giao trách nhiệm cho thủ trưởng cơ quan, đơn vị chỉ đạo sử dụng có hiệu quả, lập thẻ tài sản theo chế độ quy định và hàng năm báo cáo cơ quan quản lý cấp trên.
2. Đăng ký quyền quản lý sử dụng tài sản Nhà nước tại Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND trong đó một số điểm được hướng dẫn cụ thể như sau:
2.1. Những loại tài sản phải đăng ký:
Sở Tài chính là cơ quan giúp UBND tỉnh đăng ký tài sản thuộc diện phải đăng ký cho tất cả các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập toàn tỉnh. Vì vậy tại khoản 2 Điều 5 quy định về những tài sản cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp quản lý, sử dụng phải đăng ký sử dụng với Sở Tài chính. Những loại tài sản đăng ký gồm:
- Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp.
- Xe ô tô phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, xe ô tô phục vụ cơ quan đoàn thể; xe ô tô chuyên dùng và phương tiện đường thủy các loại.
- Tài sản khác như: máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị dùng cho công tác chuyên môn, thiết bị truyền dẫn, cổ vật, hiện vật… có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên/ một đơn vị tài sản.
Đối với những loại tài sản cố định không thuộc phạm vi quy định thì không phải đăng ký. Đơn vị sử dụng tài sản lập thẻ theo Mẫu số 05-ĐK/TSNN kèm theo hướng dẫn này để theo dõi, hạch toán theo chế độ kế toán hiện hành.
2.2. Trình tự thủ tục đăng ký tài sản được quy định như sau:
a. Nội dung đăng ký:
Khi đăng ký tài sản cơ quan, đơn vị phải phản ánh đúng và đầy đủ các thông tin về đơn vị sử dụng, thông tin về tình hình tài sản theo các chỉ tiêu trên mẫu tờ khai đăng ký tài sản quy định (kèm theo hướng dẫn này). Những loại tờ khai sau:
- Tờ khai đăng ký Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Mẫu số 01-ĐK/TSNN).
- Tờ khai đăng ký Xe ô tô phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, xe ô tô phục vụ cơ quan đoàn thể; xe ô tô chuyên dùng và phương tiện đường thủy các loại. (Mẫu số 02-ĐK/TSNN).
- Tờ trình đăng ký Tài sản khác như: Máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị dùng cho công tác chuyên môn, thiết bị truyền dẫn, cổ vật, hiện vật… có nguyên giá trên sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/ một đơn vị tài sản. (Mẫu số 03-ĐK/TSNN).
b. Hồ sơ đăng ký lần đầu:
- Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh quản lý lập hồ sơ đăng ký tài sản gửi về Sở Tài chính để đăng ký.
- Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc huyện do UBND huyện lập và gửi hồ sơ đăng ký tài sản về Sở Tài chính để đăng ký.
- Hồ sơ đăng ký tài sản gồm:
+ Tờ trình đề nghị đăng ký tài sản do cơ quan sử dụng tài sản lập.
+ Tờ khai đăng ký Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp (Mẫu số 01-ĐK/TSNN), mỗi trụ sở lập riêng một tờ khai. Trường hợp trụ sở liên Sở (có nhiều đơn vị sử dụng) căn cứ biên bản giao nhận tài sản giữa Ban QLXD cơ bản với các đơn vị để làm cơ sở đăng ký. Nếu không có biên bản thì các đơn vị phải họp bàn và cử một đơn vị đại diện đứng tên kê khai đăng ký.
+ Tờ khai đăng ký Xe ô tô phục vụ nhiệm vụ quản lý nhà nước, xe ô tô phục vụ cơ quan đoàn thể; xe ô tô chuyên dùng và phương tiện đường thủy các loại. (Mẫu số 02-ĐK/TSNN). Mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản lập một tờ khai.
+ Tờ khai đăng ký Tài sản khác như: Máy móc, thiết bị văn phòng, thiết bị dùng cho công tác chuyên môn, thiết bị truyền dẫn, cổ vật, hiện vật… có nguyên giá trên sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/ một đơn vị tài sản. (Mẫu số 03-ĐK/TSNN). Mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng tài sản lập một tờ khai ghi toàn bộ tài sản có nguyên giá theo sổ kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/ một đơn vị tài sản.
c. Đăng ký bổ sung tài sản:
Hàng năm khi có biến động tăng hoặc giảm tài sản do đầu tư mới đưa vào sử dụng, mua sắm mới, tiếp nhận do điều chuyển, thu hồi, thanh lý, thay đổi sở hữu, chia tách hoặc sát nhập… thì cơ quan, đơn vị và huyện đó phải thực hiện đăng ký bổ sung tài sản biến động với Sở Tài chính, chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày có sự cố thay đổi.
2.3. Việc xử lý vi phạm không đăng ký tài sản quy định như sau:
- Những cơ quan, đơn vị thuộc cấp huyện quản lý, nếu không gửi hồ sơ đăng ký tài sản thì phòng tài chính được phép dừng cấp kinh phí hoạt động của những tài sản phải đăng ký nhưng đơn vị không lập hồ sơ để đăng ký đến khi đơn vị thực hiện đăng ký tài sản theo quy định. Đồng thời đơn vị sử dụng tài sản còn bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
- Những cơ quan, đơn vị thuộc cấp tỉnh quản lý, nếu không lập hồ sơ đăng ký tài sản thì Sở Tài chính được phép dừng cấp kinh phí hoạt động của những tài sản phải đăng ký nhưng cơ quan, đơn vị không đăng ký cho đến khi đơn vị thực hiện đăng ký tài sản theo quy định. Đồng thời đơn vị sử dụng tài sản còn bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
- Sở Tài chính gửi thông báo cho Kho bạc tỉnh (đối với cơ quan, đơn vị cấp tỉnh quản lý); Phòng tài chính kế hoạch gửi thông báo cho Kho bạc huyện (đối với cơ quan, đơn vị cấp huyện quản lý) để dừng cấp kinh phí mua sắm, sửa chữa những tài sản đơn vị không đăng ký.
3. Điều 8 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND quy định về thẩm quyền quyết định thu hồi, điều chuyển và thanh lý tài sản cần được chú ý trong quá trình thực hiện như sau:
3.1. Điều kiện thu hồi, điều chuyển:
Những tài sản xử lý thu hồi, điều chuyển trong các trường hợp sau:
- Đầu tư xây dựng, mua sắm mới tài sản vượt tiêu chuẩn định mức quy định, không đúng thẩm quyền do nhà nước quy định.
- Tài sản không cần dùng.
- Tài sản sử dụng sai mục đích, sai chế độ quy định; bán, chuyển nhượng, cho, tặng không đúng thẩm quyền.
3.2. Thẩm quyền thu hồi, điều chuyển tài sản nhà nước.
- Cấp nào quyết định đầu tư, mua sắm tài sản thì có quyền thu hồi, điều chuyển tài sản thuộc thẩm quyền quản lý.
- Đối với các tài sản quy định tại Điểm 3.1 khi thanh tra, kiểm tra phát hiện thì cơ quan thanh tra, kiểm tra kiến nghị với Chủ tịch UBND tỉnh thu hồi, điều chuyển.
- Giám đốc Sở Tài chính được ủy quyền về việc thu hồi điều chuyển thực hiện thu hồi, điều chuyển đối với các tài sản nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh có giá trị dưới 200 triệu đồng, khi đã có chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh.
3.4. Thanh lý tài sản Nhà nước:
a. Điều kiện thanh lý tài sản nhà nước: Tài sản nhà nước đã hết thời gian sử dụng, tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc nếu tiếp tục sử dụng thì không có hiệu quả và phải chi phí sửa chữa quá lớn; nhà, công trình kiến trúc phải phá dỡ để đầu tư mới, để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b. Thẩm quyền quyết định thanh lý tài sản:
- Chủ tịch UBND tỉnh quyết định thanh lý các loại tài sản thuộc cấp tỉnh quản lý có giá trị còn lại trên sổ kế toán từ 100 triệu đồng/ một đơn vị tài sản.
- Giám đốc Sở Tài chính được ủy quyền quyết định thanh lý các loại tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của Chủ tịch UBND tỉnh có giá trị còn lại trên sổ kế toán dưới 100 triệu đồng/ một đơn vị tài sản khi đã có chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thanh lý tài sản.
- Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của cấp huyện.
- Thủ trưởng cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc cấp tỉnh quyết định thanh lý tài sản nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị.
- Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở, thuộc UBND cấp huyện và Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thanh lý tài sản thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị, địa phương.
c. Thực hiện thanh lý tài sản:
- Đơn vị sử dụng tài sản nhà nước có tài sản cần thanh lý, lập tờ trình, trình cấp quản lý tài sản nhà nước quyết định thanh lý tài sản.
- Căn cứ quyết định thanh lý tài sản của cấp quản lý tài sản nhà nước, đơn vị sử dụng tài sản nhà nước thành lập Hội đồng thanh lý tài sản.
- Hội đồng thanh lý tài sản xác định giá sàn của tài sản thanh lý trình cấp quản lý tài sản nhà nước quyết định thanh lý phê duyệt.
- Khi có quyết định phê duyệt mức giá tài sản thanh lý của cấp quản lý tài sản nhà nước, đơn vị tổ chức thanh lý tài sản.
- Hình thức thanh lý:
+ Đối với tài sản thanh lý theo phương thức bán, sau khi có quyết định phê duyệt mức giá sàn tài sản thanh lý. Nếu tài sản thanh lý có giá sàn từ 10 triệu đồng trở lên thì cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh chuyển giao cho tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước tổ chức bán đấu giá. Đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp huyện thì tổ chức bán đấu giá tài sản thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Trường hợp tổ chức có chức năng bán đấu giá tài sản nhà nước từ chối bán, thì Hội đồng thanh lý tài sản của cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh có tài sản thanh lý tổ chức bán đấu giá tài sản thanh lý theo quy định trên.
+ Đối với tài sản thanh lý theo hình thức phá dỡ hoặc tiêu hủy thì Hội đồng thanh lý tài sản, tổ chức thực hiện phá dỡ, tiêu hủy và bán công khai vật liệu thu hồi của tài sản thanh lý. Số tiền thu hồi thanh lý thực hiện theo quy định hiện hành.
4. Tổ chức thực hiện.
- Những quy định ngoài nội dung hướng dẫn tại công văn này, thực hiện theo Quy định tại Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND ngày 29/01/2008 của UBND tỉnh và các quy định hiện hành của Nhà nước. Hướng dẫn này thay thế công văn số 1128/STC-QLCS ngày 08/6/2007 của Giám đốc Sở Tài chính.
- Căn cứ chế độ quy định của nhà nước Chủ tịch UBND huyện, thị, TP; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Thủ trưởng cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quản lý, sử dụng tài sản nhà nước đúng Quy định tại Quyết định số 251/2008/QĐ-UBND ngày 29/01/2008 của UBND tỉnh và Hướng dẫn này.
- Sở Tài chính với chức năng nhiệm vụ được giao sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các huyện, thị, TP; các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh để có cơ sở xử lý hoặc báo cáo UBND tỉnh xử lý những trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước.
- Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị Chủ tịch UBND huyện, thị, TP; Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn; Thủ trưởng cơ quan hành chính và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập phản ánh kịp thời về Sở Tài chính xem xét giải đáp./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.