BẢO HIỂM XÃ HỘI VIỆT NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số 783/BHXH-HD
| TP. Hồ Chí Minh, ngày 28 tháng 08 năm 2002
|
HƯỚNG DẪN
Chế độ BHXH đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đã được quy định cụ thể tại Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002; Thông tư số 11/2002/TT-LĐTBXH ngày 12/6/2002; Quyết định số 85/2002/BTC ngày 1/7/2002 và công văn số 1526/BHXH-CĐCS ngày 5/7/20002. Để áp dụng thống nhất, Giám đốc BHXH thành phố hướng dẫn một số thủ tục và quy trình giải quyết chế độ BHXH đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại trong các doanh nghiệp Nhà nước đang được quản lý thu chi BHXH ở thành phố Hồ Chí Minh như sau:
I/ ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG:
Chỉ thực hiện chính sách BHXH theo tiêu chuẩn lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đối với các trường hợp có đầy đủ các yêu cầu sau:
- Phải thuộc loại hình doanh nghiệp như quy định tại điều I, Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002;
- Phải là lao động được tuyển dụng trước ngày 21/4/1998 (trừ diện doanh nghiệp bị giải thể, phá sản) dưới hình thức hợp đồng lao động không xác định thời hạn (diện nghỉ hưu trước tuổi; đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 1 năm; tự đóng tiếp) hoặc hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm (diện tự đóng tiếp);
- Phải có tên trong danh sách theo mẫu số 7, hoặc 8 (đính kèm thông tư số 11/2002/TT-LĐTBXH), mẫu số 8A (đính kèm công văn số 1526/BHXH-CĐCS) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể là:
+ Bộ, cơ quan ngang Bộ (nếu doanh nghiệp trực thuộc Trung ương),
+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố (nếu doanh nghiệp trực thuộc Thành phố),
+ Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 91 (nếu doanh nghiệp thuộc Tổng công ty 91).
Riêng các công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước (chưa quá 12 tháng) thì do Hội đồng quản trị công ty lập và có xác nhận của cơ quan Nhà nước quyết định chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần.
Nếu không đủ một trong các yếu tố trên đây thì chưa đủ điều kiện để tiếp nhận giải quyết chế độ BHXH theo diện lao động dôi dư.
II/ TRÁCH NHIỆM VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT:
A. Thu BHXH:
1/ Đối tượng thu và mức thu BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP:
Là người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước thực hiện các biện pháp cơ cấu lại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, quy định tại điều 1, điều 2, Nghị định số 41/2002/NĐ-CP , bao gồm người lao động có tên trong:
-“Danh sách người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa là 1 năm tại thời điểm sắp xếp lại” (mẫu số 8 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH ngày 12/06/2002 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội): được nhà nước đóng một lần số tiền BHXH bằng 15% lương tháng cho những tháng còn thiếu để giải quyết chế độ hưu trí hàng tháng.
- “Danh sách người lao động nghỉ việc tự đóng tiếp BHXH theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP” (mẫu số 8A ban hành kèm theo Công văn số 1526/ BHXH/CĐCS ngày 5/7/2002 của BHXH Việt Nam) được tự đóng tiếp BHXH với mức 15% tiền lương tháng trước khi nghỉ việc cho cơ quan BHXH quận huyện tại nơi cư trú sau khi nghỉ việc cho đến khi đủ tuổi nghỉ hưu để hưởng chế độ hưu trí.
2/ Quy trình tổ chức thu BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP:
a- Xác nhận của cơ quan BHXH đối với danh sách người lao động thuộc diện thu BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP , làm căn cứ cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt:
- Để thực hiện việc xác nhận của cơ quan BHXH đối với danh sách theo mẫu 8 và 8A các doanh nghiệp chú ý một số điểm sau:
+ Ghi đầy đủ số sổ BHXH cho người lao động vào các danh sách theo mẫu 8 và 8A (trong biểu 8, doanh nghiệp bổ sung thêm cột ghi số sổ BHXH)
+ Đem theo sổ BHXH của người lao động kèm theo 2 danh sách trên đây để cơ quan BHXH xác nhận và ghi chốt sổ BHXH. Sổ BHXH phải được doanh nghiệp kiểm tra, đối chiếu và ghi đầy đủ quá trình đã đóng BHXH theo quy định đến thời điểm sắp xếp lại; trường hợp sổ BHXH chưa được thẩm định quá trình công tác trước năm 1995; doanh nghiệp mang theo toàn bộ hồ sơ có liên quan của người lao động để được thẩm định.
+ Mang theo biên bản giám định y khoa của các trường hợp thuộc đối tượng 3 và 4 trong danh sách biểu 8 để đối chiếu.
- Phòng quản lý thu BHXH thành phố, bộ phận quản lý thu BHXH quận huyện (dưới đây gọi chung là bộ phận quản lý thu) có trách nhiệm:
+ Tiếp nhân hồ sơ của các doanh nghiệp
+ Kiểm tra đối chiếu trình Giám đốc BHXH thành phố (hoặc Giám đốc BHXH quận huyện) ký xác nhận vào danh sách; ghi bổ sung số tài khoản tại kho bạc của cơ quan BHXH vào danh sách biểu 8.
+ Thực hiện việc chốt sổ đối với toàn bộ thời gian đã đóng BHXH của người lao động trước khi thực hiện Nghị định 41/2002/NĐ-CP , hoàn trả danh sách và số BHXH cho doanh nghiệp.
Chú ý:
- Chỉ thực hiện xác nhận danh sách và chốt sổ khi doanh nghiệp đã đối chiếu và thu nộp BHXH đầy đủ cho đến thời điểm xác nhận.
- Quá trình kiểm tra, đối chiếu danh sách, cán bộ thu hướng dẫn đơn vị lập biểu C48-BH/NĐ41 cho các đối tượng có tên trong biểu số 8 theo hướng dẫn ở điểm b.1 dưới đây.
b- Tiếp nhận danh sách đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức quản lý thu BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP:
Sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, doanh nghiệp nộp lại cho cơ quan BHXH thành phố, quận huyện (nơi doanh nghiệp đang đóng BHXH):
+ Danh sách theo mẫu số 8, biểu C48-BH/NĐ41, kèm sổ BHXH.
+ Danh sách theo mẫu số 8A, kèm đơn đề nghị đóng tiếp của người lao động.
b.1- Thu BHXH đối với người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 1 năm theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP (theo biểu số 8 ban hành theo Thông tư số 11/TT-LĐTBXH)
- Phòng Kế hoạch - Tài chính BHXH thành phố hoặc bộ phận kế toán BHXH quận huyện (dưới đây gọi chung là bộ phận kế toán) tiếp nhận quyết định cấp kinh phí của Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư; sau khi nhận được kinh phí, ghi rõ số tiền, ngày nhận tiền vào quyết định; in sao 2 bản gửi bộ phận quản lý thu chi và quản lý chế độ chính sách.
- Căn cứ danh sách biểu số 8, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản sao quyết định cấp kinh phí do bộ phận kế toán chuyển đến, bộ phận quản lý thu xác nhận thu và chốt sổ BHXH để trả cho doanh nghiệp về lập thủ tục giải quyết chế độ hưu cho người lao động.
- Danh sách theo biểu số 8, biểu C48-BH/NĐ41 và bản sao quyết định cấp kinh phí trên đây, là những hồ sơ bắt buộc đính kèm bộ hồ sơ đối chiếu thu trong quý của doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp thực hiện giải thể, phá sản thì thực hiện tất toán thu cùng lúc với công tác xác nhận sổ BHXH theo Nghị định số 41/2002/NĐ-CP .
- Hàng quý, nếu có phát sinh, bộ phận quản lý thu lập “Biểu tổng hợp đối tượng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 1 năm được quỹ hỗ trợ lao động dôi dư đóng” có đối chiếu xác nhận của bộ phận kế toán để đính kèm theo biểu báo cáo tổng hợp 7-BCT, 8-BCT.
* Cách ghi biểu C48-BH/NĐ41 để nộp BHXH bổ sung cho số lao động trong danh sách biểu 8:
+ Cột mức lương cũ: không ghi.
+ Cột mức lương mới: ghi lương và phụ cấp BHXH tháng đóng sau cùng của từng người trước khi thực hiện Nghị định 41/2002/NĐ-CP (tương ứng cột 9 biểu số 8).
+ Cột thời gian từ tháng, năm: ghi tháng tiếp theo của tháng đã chốt sổ BHXH thời gian trước khi thực hiện Nghị định 41/2002/NĐ-CP ; cột đến tháng, năm bỏ trống.
+ Cột số tháng bổ sung: ghi số tháng còn thiếu của từng người (tương ứng cột 8 biểu số 8).
+ Cột số tiền nộp bổ sung tăng: (tương ứng cột 10, biểu số 8).
+ Cột ghi chú: ghi rõ lý do nộp bổ sung “Nộp bổ sung từ quỹ HTLĐDD theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP”.
* Cách ghi sổ BHXH đối với thời gian đóng bổ sung:
Doanh nghiệp ghi ở cột 3, ghi tiếp theo dòng chốt sổ BHXH sau cùng đã được cơ quan BHXH xác nhận, theo mẫu sau đây:
Quỹ HTLĐDD nộp bổ sung cho người lao đông theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP:
- Số tháng nộp: ....................... tháng.
- Hệ số lương: .........................; phụ cấp
- Tỷ lệ nộp: .............................
- Tổng số tiền nộp: .................................
Tổng thời gian đóng BHXH làm căn cứ giải quyết chế độ hưu trí là: .................năm..................tháng.
Giám đốc doanh nghiệp ký đóng dấu xác nhận vào cột 9, ngang dòng thời gian đóng BHXH. Trưởng phòng QL Thu, Giám đốc BHXH quận huyện ký đóng dấu xác nhận vào cột 10.
b.2- Thu BHXH đối với người lao động nghỉ việc tự đóng tiếp BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP (biểu 8A):
Căn cứ danh sách theo biểu 8A và đơn đề nghị của người lao động, bộ phận quản lý thu chi BHXH ghi giới thiệu vào đơn của từng người lao động (theo mẫu dưới đây) để người lao động đến liên hệ với cơ quan BHXH quận huyện (nơi người lao động cư trú) đóng tiếp BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP .
Chú ý: Những người lao động chuyển về tỉnh khác, Phòng QL thu và BHXH quận huyện trình Giám đốc BHXH thành phố ký giới thiệu trước khi chuyển trả doanh nghiệp.
Thống nhất ghi giới thiệu vào đơn của người lao động như sau:
Kính chuyển: BHXH .................................................................
Để thu BHXH đối với:
Ông (bà) .....................................................................................
Số sổ BHXH: ..............................................................................
Theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP
Ngày .........................................
Giám đốc BHXH ......................................
* Tổ chức thu BHXH:
- BHXH các quận huyện trực tiếp thu BHXH từ người lao động thuộc diện tự đóng tiếp BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP .
- Khi tiếp nhận đơn và hồ sơ do người lao động chuyển đến, BHXH các quận huyện có trách nhiệm hợp đồng cụ thể với người lao động về thời gian, phương thức đóng BHXH hàng quý cho phù hợp (ghi chi tiết, cơ quan BHXH và người lao động cùng ký vào đơn) nhằm đảm bảo các mặt công tác quản lý, đối chiếu, xác nhận, tổng hợp, báo cao thu BHXH chặt chẽ, kịp thời, đúng quy định.
- Quy trình thu BHXH đối với người lao động tự đóng tiếp BHXH áp dụng như sau: Định kỳ hàng quý, người lao động mang sổ BHXH và nộp BHXH bằng tiền mặt tại cơ quan BHXH quận huyện. Sau khi nộp tiền, người lao động nộp lại phiếu thu cho bộ phận quản lý thu để được xác nhận vào sổ BHXH.
- Bộ phận quản lý thu BHXH quận huyện lập sổ theo dõi thu BHXH theo mẫu số 1-NĐ (ban hành kèm theo Công văn số 1526/BHXH/CĐCS) cập nhật và lưu giữ cùng các phiếu thu tiền mặt vào bộ hồ sơ từng người (theo quy định ở mục III.1 công văn số 1526/BHXH/CĐCS).
- Để phục vụ cho công tác quản lý, tổng hợp báo cáo thu, toàn bộ số lao động thuộc đối tượng tự đóng tiếp theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP ở mỗi quận, huyện đưa vào tổng hợp chung trong 1 đơn vị quy ước có mã số đơn vụ là X41001X trong đó:
X: là mã quận huyện theo quy định hiện hành
41001: là mã chung cho khối lao động tự đóng tiếp BHXH.
- Hàng quý, bộ phận quản lý thu BHXH quận huyện tổng hợp tình hình thu BHXH của những người lao động trên đây, lập các biểu đối chiếu C46-BH, C48-BH theo quy định tại Quyết định 2902/QĐ-BHXH trình lãnh đạo ký duyệt như đối với các doanh nghiệp đang quản lý thu khác.
Trong báo cáo tổng hợp 7-BTC, bổ sung thêm mục I “Lao động tự đóng BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP”
B. Thực hiện chế độ hưu trí:
1/ Hồ sơ:
- Hồ sơ để giải quyết chế độ hưu trí như quy định tại Quyết định số 1584/1999/QĐ-BHXH ngày 24/6/1999 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam. Ngoài ra, yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm:
* Bản Danh sách người lao động nghỉ hưu trước tuổi (biểu số 7 ban hành kèm theo Thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu hồ sơ thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi, đã đủ thời gian đóng BHXH). Phòng quản lý CĐCS lưu giữ danh sách này để phục vụ cho việc thẩm định, đối chiếu, kiểm tra khi cần.
* Bản sao Danh sách người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 1 năm (biểu số 8 ban hành kèm theo thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH) đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (nếu hồ sơ thuộc diện được quỹ hỗ trợ lao động dôi dư đóng BHXH thay).
- Đối với diện tự đóng tiếp BHXH thì hồ sơ như quy định tại mục III-3.2 của công văn số 1526/BHXH/CĐCS ngày 5/7/2002 của BHXH Việt Nam.
2/ Lập quyết định hưu trí:
- Đối với diện nghỉ hưu trước tuổi đã đủ thời gian đóng BHXH theo Nghị định 41/2002/NĐ-CP , khi lập Quyết định cần lưu ý thêm:
+ Căn cứ Nghị định 41/2002/NĐ-CP ngày 11/4/2002 của Chính phủ
+ Cụm từ “Hưu trí-NĐ41” vào góc bên phải.
- Đối với diện tự đóng tiếp BHXH khi đủ điều kiện về tuổi đơì, BHXH quận huyện lập bản xác nhận quá trình tham gia BHXH, chuyển người lao động ký, ký nháy vào cho dành cho thủ trưởng doanh nghiệp (theo mẫu hiện hành) và chuyển cùng toàn bộ hồ sơ để Giám đốc BHXH thành phố ký duyệt.
3/ Lập thông báo kết quả giải quyết chế độ hưu trí đối với người lao động dôi dư:
Trong thời hạn 5 ngày kể từ khi giải quyết xong chế độ hưu trí (diện đủ tuổi đời nhưng còn thiếu thời gian đóng BHXH tối đa 12 tháng) của từng doanh nghiệp, Phòng Quản lý Chế độ chính sách (BHXH quận huyện) dự thảo thông báo kết quả sử dụng kinh phí từ quỹ hỗ trợ lao động dôi dư trình Ban Giám đốc BHXH thành phố ký duyệt.
Căn cứ để lập thông báo:
- Bản sao biểu số 8 (ban hành kèm theo Thông tư số 11/2002/TT-BLĐTBXH)
- Bản sao quyết định duyệt cấp kinh phí của Quỹ hỗ trợ lao động dôi dư đã có xác nhận của Phòng kế hoạch-tài chính (bộ phận kế toán BHXH quận huyện) về ngày nhận và số tiền đã nhận từ quỹ hỗ trợ lao động dôi dư.
III/ TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
Căn cứ các quy định hiện hành về chế độ BHXH đối với lao động dôi dư do sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước và nội dung hướng dẫn này, các phòng nghiệp vụ của BHXH thành phố và Giám đốc BHXH các quận huyện theo chức năng và phân cấp quản lý chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng chế độ chính sách BHXH và thuận tiện cho người lao động. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, phản ánh về Giám đốc BHXH thành phố để được kịp thời giải quyết.
GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI TP.HỒ CHÍ MINH
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.