UBND TỈNH QUẢNG NAM | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 450/HD/STC-HCSN | Quảng Nam, ngày 11 tháng 03 năm 2016 |
HƯỚNG DẪN
VIỆC LẬP DỰ TOÁN, QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2016-2021 TẠI TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Thông tư số 06/2016/TT-BTC ngày 14/01/2016 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 (Thông tư số 06/2011/TT-BTC).
Căn cứ Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND tỉnh Quy định mức chi phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Quảng Nam
Nay, Sở Tài chính hướng dẫn một số nội dung trong việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại tỉnh Quảng Nam, cụ thể:
I. Nguyên tắc chung:
1. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 do ngân sách Trung ương đảm bảo.
2. Cùng với số kinh phí phục vụ bầu cử do ngân sách Trung ương đảm bảo, căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, yêu cầu công việc và khả năng ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, quyết định sử dụng từ nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện, xã) để đảm bảo phục vụ cho công tác bầu cử tại địa phương.
3. Kinh phí phục vụ cho công tác bầu cử phải được các cơ quan, đơn vị quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng chế độ, đúng mục đích, có hiệu quả; sử dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây hiện còn sử dụng được, huy động các phương tiện đang được trang bị ở các cơ quan, đơn vị để phục vụ cho nhiệm vụ bầu cử đảm bảo tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước.
II. Nội dung chi:
Kinh phí phục vụ cho bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tùy theo nhiệm vụ được phân công cho Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp; Tổ bầu cử; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp và các cơ quan, đơn vị (gọi chung là các Tổ chức phục vụ bầu cử) được sử dụng chi cho các nội dung cụ thể sau đây:
1. Chi xây dựng các văn bản hướng dẫn phục vụ, công tác bầu cử; các báo cáo, văn bản liên quan đến công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử tỉnh.
2. Chi in ấn tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử;
a) Chi in ấn các tài liệu phục vụ cho cuộc bầu cử như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; các ấn phẩm, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn phục vụ cho cuộc bầu cử;
b) Chi in ấn: Thẻ cử tri, thẻ đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, phiếu bầu cử, nội quy phòng/khu vực bỏ phiếu, các biểu mẫu phục vụ công tác bầu cử, phù hiệu cho nhân viên tổ chức bầu cử; các hồ sơ ứng cử, tiểu sử các loại danh sách phục vụ công tác bầu cử (danh sách các đơn vị bầu cử, danh sách cử tri, danh sách người ứng cử, người tự ứng cử, người trúng cử); các biên bản liên quan đến bầu cử, giấy chứng nhận đại biểu trúng cử và các loại tài liệu, giấy tờ khác có liên quan phục vụ cho công tác bầu cử.
3. Chi xây dựng, cập nhật, vận hành trang thông tin điện tử tỉnh về công tác bầu cử của Ủy ban bầu cử tỉnh.
4. Chi cho công tác bảo đảm an ninh, trật tự, thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn và vận động bầu cử,
5. Chi tổ chức các hội nghị: Hội nghị triển khai công tác bầu cử, hội nghị trực tuyến, hội nghị hiệp thương, hội nghị cử tri, hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử; hội nghị tập huấn, hội nghị giao ban, hội nghị tổng kết, khen thưởng.
6. Chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử:
a) Chi phương tiện đi lại, công tác phí;
b) Chi kiểm phiếu và vận chuyển phiếu bầu;
c) Chi khác liên quan đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử.
7. Chi công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; giám sát hoạt động khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử.
8. Chi phí hành chính cho công tác bầu cử:
a) Chi văn phòng phẩm, chi phí hành chính trong đợt bầu cử;
b) Chi thông tin liên lạc phục vụ bầu cử:
c) Chi thuê hội trường và địa điểm bỏ phiếu;
d) Chi trang trí, loa đài, an ninh, bảo vệ tại các tổ bầu cử;
đ) Chi làm hòm phiếu bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử;
e) Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử;
g) Chi khác phục vụ trực tiếp cho công tác bầu cử.
Trong phạm vi kinh phí phục vụ bầu cử được cơ quan có thẩm quyền phân bổ và tình hình thực tế, các cơ quan, đơn vị được giao sử dụng kinh phí thực hiện bố trí kinh phí chi tiêu theo các nội dung trên đây cho phù hợp và đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.
II. Thời gian và mức chi:
1. Chi cho công tác chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác bầu cử; Phương tiện đi lại, công tác phí thực hiện theo quy định tại Quyết định số 14/2011/QĐ-UBND ngày 28/6/2011 của UBND tỉnh.
2. Mức chi đặc thù: Thực hiện theo quy định tại Quyết định số 843/QĐ- UBND ngày 08/3/2016 của UBND tỉnh Quy định mức chi phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, để thực hiện đảm bảo đúng quy định, Sở Tài chính hướng dẫn rõ thêm đối với một số nội dung, mức chi cụ thể như sau:
a) Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp căn cứ múc chi bồi dưỡng đối với thành viên Ủy ban bầu cử và thành viên Tổ giúp việc Ủy ban bầu cử cùng cấp được quy định tại Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 của UBND tỉnh Quảng Nam để chi bồi dưỡng thực hiện nhiệm vụ được giao.
b) Nhiệm vụ lập danh sách cử tri, viết thẻ cử tri, kiểm tra, đối chiếu danh sách, … là nhiệm vụ của UBND cấp xã thực hiện thì mức chi bồi dưỡng được thực hiện cụ thể như sau:
- Người thực hiện là thành viên của Ủy ban bầu cử, các Tiểu ban bầu cử, các Ban bầu cử cấp xã và Tổ bầu cử thực hiện thì chỉ hưởng một mức: chi bồi dưỡng tại khoản a, điểm 7 Phụ lục kèm theo Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 (không chi bồi dưỡng thêm cho việc lập danh sách cử tri, viết thẻ cử tri, kiểm tra, đối chiếu danh sách, …).
- Người thực hiện không phải là thành viên của Ủy ban bầu cử, các Tiểu ban bầu cử, các Ban bầu cử cấp xã và Tổ bầu cử thì mức chi bồi dưỡng được áp dụng tại khoản b, điểm 7 Phụ lục kèm theo Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016.
c) Đối với lực lượng làm nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ an ninh, trật tự tại khu vực bỏ phiếu, thì thời gian và mức chi bồi dưỡng áp dụng theo quy định tại khoản c, điểm 7 Phụ lục kèm theo Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016. Trường hợp cần thiết phải bảo vệ sớm hơn thời gian quy định thì mức bồi dưỡng áp dụng tại khoản b, điểm 7 Phụ lục kèm theo Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 nhưng thời gian được hưởng bồi dưỡng thêm tối đa không quá hai ngày.
đ) Trường hợp một người kiêm nhiệm nhiều công việc thì chỉ được hưởng một mức bồi dưỡng cao nhất.
3. Thời gian hưởng bồi dưỡng quy định tại Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 08/3/2016 là thời gian tối đa, do vậy đề nghị Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp và Tổ bầu cử căn cứ khối lượng công việc và trong phạm vi nguồn kinh phí được phân bổ tính toán, quyết định cụ thể mức chi bồi dưỡng và thời gian được hưởng cho phù hợp.
III. Lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ bầu cử:
Việc lập dự toán, quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí bầu cử thực hiện theo các quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán, các văn bản hướng dẫn thi hành, Văn bản này hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể như sau:
1. Trách nhiệm và quy trình lập dự toán kinh phí:
a) Ủy ban bầu cử cấp xã: Căn cứ nội dung, mức chi theo quy định (Mục I, II nêu trên); căn cứ chế độ, định mức tài chính hiện hành và căn cứ nhiệm vụ do Ủy ban bầu cử cấp huyện giao (bao gồm cả nhiệm vụ của Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp xã và các Tổ bầu cử) để lập dự toán; dự toán kinh phí phải được lập chi tiết, có cơ sở tính toán cụ thể cho từng nội dung, nhiệm vụ chi (Nội dung, đơn vị tính, số lượng/khối lượng, mức chi/đơn giá dự toán, thành tiền) gửi Ủy ban bầu cử cấp huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch.
Thời gian Ủy ban bầu cử cấp xã gửi dự toán do Ủy ban bầu cử cấp huyện quy định nhưng phải đảm bảo thời gian để tổng hợp dự toán gửi cho Ủy ban bầu cử tỉnh và Sở Tài chính (dưới đây).
b) Ủy ban bầu cử cấp huyện: Căn cứ nội dung, mức chi theo quy định và nhiệm vụ do Ủy ban bầu cử tỉnh giao (bao gồm cả nhiệm vụ của Ban bầu cử đại biểu HĐND cấp huyện) để lập dự toán; dự toán kinh phí phải được lập chi tiết, có cơ sở tính toán cụ thể cho từng nội dung, nhiệm vụ chi (Nội dung, đơn vị tính, số lượng/khối lượng, mức chi/đơn giá dự toán, thành tiền).
Ủy ban bầu cử cấp huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch thực hiện việc thẩm định dự toán của các cơ quan, đơn vị thuộc huyện và Ủy ban bầu cử cấp xã; đồng thời, tổng hợp dự toán kinh phí phục vụ bầu cử trên địa bàn huyện (gồm dự toán của các Ủy ban bầu cử cấp xã và dự toán chi của cấp mình) gửi Ủy ban bầu cử tỉnh (Sở Nội vụ là cơ quan thường trực) và Sở Tài chính trước ngày 25/3/2016.
c) Ủy ban bầu cử tỉnh:
- Sở Nội vụ: Có trách nhiệm lập dự toán kinh phí phục vụ các nhiệm vụ theo quy định do Ủy ban bầu cử tỉnh thực hiện (bao gồm cả nhiệm vụ của Ban bầu cử đại biểu Quốc hội và Ban bầu cử đại biểu HĐND tỉnh).
- Các cơ quan, đơn vị, các Tổ chức phục vụ bầu cử thuộc tỉnh: Căn cứ nội dung, mức chi theo quy định và nhiệm vụ do Ủy ban bầu cử tỉnh giao để lập dự toán; dự toán kinh phí phải được lập chi tiết, có cơ sở tính toán cụ thể cho từng nội dung, nhiệm vụ chi (Nội dung, đơn vị tính, số lượng/khối lượng, mức chi/đơn giá dự toán, thành tiền) gửi Sở Nội vụ và Sở Tài chính trước ngày 25/3/2016.
- Sau khi nhận được dự toán của các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh và các Ủy ban bầu cử cấp huyện, Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính thẩm định, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Về quy trình phân bổ và giao dự toán:
a) Đối với nội dung, nhiệm vụ phục vụ bầu cử do Ủy ban bầu cử tỉnh giao cho các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh thực hiện thì ngân sách tỉnh phân bổ qua cơ quan, đơn vị. Đối với nhiệm vụ chi của Ủy ban bầu cử tỉnh, ngân sách phân bổ qua Sở Nội vụ.
b) Đối với nội dung, nhiệm vụ phục vụ bầu cử do Ủy ban bầu cử cấp huyện và Ủy ban bầu cử cấp xã thực hiện, ngân sách tỉnh phân bổ về ngân sách huyện, thị xã, thành phố.
c) Ủy ban bầu cử/UBND cấp huyện quyết định phân bổ dự toán kinh phí cho các cơ quan trực thuộc và phân bổ dự toán cho Ủy ban bầu cử cấp xã (qua ngân sách xã, phường, thị trấn).
3. Về hạch toán, quyết toán kinh phí: Kinh phí bầu cử được hạch toán vào chi quản lý hành chính nhà nước và các Tiểu mục tương ứng của Mục 7900 theo Mục lục ngân sách Nhà nước hiện hành. Các cơ quan, đơn vị, địa phương được phân bổ kinh phí phục vụ bầu cử có trách nhiệm thực hiện:
a) Các cơ quan, đơn vị thuộc UBND huyện, thị xã, thành phố và Ủy ban bầu cử/UBND cấp xã, phường, thị trấn:
- Kết thúc hoạt động bầu cử, trong vòng 15 ngày gửi báo cáo tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử về Ủy ban bầu cử cấp huyện và Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố.
- Tổng hợp số kinh phí phục vụ bầu cử đã được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố xét duyệt, thông báo tổng hợp vào quyết toán ngân sách năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Trường hợp Tổ bầu cử, Ban bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Ủy ban bầu cử các cấp công bố kết quả bầu cử mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì Tổ trưởng Tổ bầu cử, Trưởng Ban bầu cử giao trách nhiệm và ủy quyền cho Ủy viên Tổ bầu cử, Ủy viên Ban bầu cử là đại diện Ủy ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí với cơ quan tài chính cùng cấp.
b) Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thị xã, thành phố:
- Kết thúc hoạt động bầu cử, trong vòng 45 ngày tổng hợp, tham mưu Ủy ban bầu cử cấp huyện gửi báo cáo tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử về Sở Nội vụ và Sở Tài chính.
- Thực hiện kiểm tra, xét duyệt quyết toán kinh phí phục vụ bầu cử tại các cơ quan, đơn vị theo quy định và tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
d) Các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh:
- Kết thúc hoạt động bầu cử, trong vòng 45 ngày gửi báo cáo tình hình sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử về Sở Nội vụ và Sở Tài chính.
- Tổng hợp số kinh phí phục vụ bầu cử đã được Sở Tài chính xét duyệt, thông báo vào báo cáo quyết toán ngân sách năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
c) Sở Tài chính:
- Kết thúc hoạt động bầu cử, trong vòng 90 ngày phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp, tham mưu Ủy ban bầu cử tỉnh báo cáo Hội đồng bầu cử quốc gia, Bộ Tài chính.
- Thực hiện kiểm tra/thẩm tra quyết toán kinh phí phục vụ bầu cử tại các cơ quan, đơn vị và địa phương theo quy định; tổng hợp vào báo cáo quyết toán ngân sách năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Vậy, Sở Tài chính kính đề nghị: Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử các cấp; các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, huyện, thị xã, thành phố được giao nhiệm vụ phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại tỉnh Quảng Nam căn cứ nội dung tại văn bản này và các quy định liên quan hiện hành của Nhà nước để thực hiện. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc các cơ quan, đơn vị, các Tổ chức phục vụ bầu cử phản ánh kịp thời (bằng văn bản) về Sở Tài chính và Sở Nội vụ để nghiên cứu hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.
Nơi nhận: | GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.