BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4318/BTTTT-HD | Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008 |
HƯỚNG DẪN
CÔNG TÁC QUY HOẠCH, SẮP XẾP LẠI MẠNG LƯỚI BÁO CHÍ IN TOÀN QUỐC
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI QUI HOẠCH, SẮP XẾP LẠI MẠNG LƯỚI BÁO CHÍ IN TOÀN QUỐC
1. Từ năm 2000, thực hiện Chỉ thị 22-CT/TW ngày 17 tháng 7 năm 1997 của Bộ Chính trị về "Qui hoạch tổng thể báo chí đến năm 2000 và những năm tiếp theo", ngày 16 tháng 6 năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 583/CP-VX phê duyệt quy hoạch mạng lưới báo chí in toàn quốc giai đoạn 2000 - 2005, đồng thời giao "Bộ Văn hóa - Thông tin phối hợp với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương khẩn trương hoàn thành quy hoạch".
Thực hiện chỉ đạo nêu trên, Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp với Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) tiến hành rà soát và quy hoạch mạng lưới báo chí in trong cả nước giai đoạn 2000- 2005. Theo đó, trước qui hoạch, Báo chí in ở Trung ương có 200 cơ quan (gồm 35 báo, 165 tạp chí), sau qui hoạch có 191 cơ quan (35 báo, 156 tạp chí); Báo chí in ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (61 tỉnh, thành phố) trước qui hoạch có 181 (95 báo, 86 tạp chí) và 29 phụ san, chuyên đề, sau qui hoạch có 187 (96 báo, 91 tạp chí) và 26 phụ san, chuyên đề.
2. Sau 7 năm thực hiện, Qui hoạch báo chí toàn quốc giai đoạn 2000-2005 đã tạo điều kiện cho báo chí phát triển, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tư tưởng - văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Tính đến tháng 12 năm 2007, cả nước có 633 cơ quan báo chí in với 813 ấn phẩm, gồm có 174 báo (Trung ương 73, địa phương 101) và 459 tạp chí (Trung ương 353, địa phương 106), với một hãng Thông tấn quốc gia và hơn 1000 bản tin của các các cơ quan, tổ chức ở trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Nhìn chung, đại đa số các cơ quan báo chí hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, thực hiện đúng định hướng chính trị, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Biểu dương phong trào thi đua yêu nước, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tệ nạn xã hội... góp phần tích cực vào thành tựu của đất nước.
Tuy vậy, bên cạnh mặt ưu điểm, tiến bộ là chủ yếu, thì trong những năm gần đây báo chí cũng bộc lộ một số yếu kém, khuyết điểm cần phải có biện pháp khắc phục. Những yếu kém, khuyết điểm của báo chí đã được đề cập cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác báo chí, đó là:
- Một số cơ quan báo chí có xu hướng xa rời tôn chỉ, mục đích, thiếu nhạy bén chính trị, thông tin không trung thực, thiếu chính xác.
- Nội dung thông tin trên một số ấn phẩm báo chí trùng lắp, hiệu quả thông tin thấp, gây lãng phí cho xã hội; một số cơ quan, bộ, ngành, đoàn thể có nhiều cơ quan báo chí quá mức cần thiết; công tác quản lý của cơ quan chủ quản chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Một số ấn phẩm báo chí chất lượng nội dung thấp, có những cơ quan báo chí do khó khăn về tài chính hoặc cán bộ nên việc xuất bản và phát hành ấn phẩm không đúng theo qui định của giấy phép; hiện tượng tư nhân "núp bóng" trong hoạt động báo chí có chiều hướng gia tăng.
3. Thực hiện sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về công tác báo chí tại các văn bản: Thông báo số 41-TB-TW ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, cùng phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành rà soát tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí để thực hiện việc quy hoạch lại mạng lưới báo chí in trong cả nước.
II. CĂN CỨ ĐỂ THỰC HIỆN VIỆC QUY HOẠCH
1. Việc quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí in toàn quốc dựa trên tinh thần, nội dung các quan điểm chính trị, tư tưởng và nguyên tắc chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại các văn bản:
- Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí;
- Nghị quyết Hội nghị Trung ương V (khóa X) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trong tình hình mới;
- Chiến lược phát triển thông tin Việt Nam đến năm 2010;
2. Quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống báo chí in toàn quốc trên cơ sở những nguyên tắc, quan điểm của Chỉ thị 22-CT/TW ngày 17 tháng 7 năm 1997 của Bộ Chính trị (khoá VIII), Thông báo 162-TB/TW ngày 01 tháng 12 năm 2004 của Bộ Chính trị (khoá IX), Thông báo 41-TB/TW ngày 11 tháng 10 năm 2006 của Bộ Chính trị (khoá X), Thông báo số 68-TB/TW ngày 30 tháng 3 năm 2007 của Bộ Chính trị (khoá X) về một số biện pháp tăng cường báo chí trong tình hình hiện nay, Quyết định 388/QĐ-TTg ngày 13 tháng 5 năm 2005 và Chỉ thị số 37/2006/CT-TTg ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về một số biện pháp tăng cường quản lý báo chí.
III. NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH
- Quy hoạch để thực hiện tốt hơn quan điểm chỉ đạo phát triển báo chí phải đi đôi với quản lý tốt.
- Khắc phục sự chồng chéo, lãng phí, mất cân đối, bảo đảm sự nghiệp báo chí phát triển đúng định hướng, đáp ứng nhu cầu và quyền được thông tin ngày càng cao của nhân dân; khắc phục sự trùng lặp về tôn chỉ, mục đích, nội dung thông tin.
- Rà soát, cắt giảm những cơ quan báo, tạp chí không đủ các điều kiện để hoạt động theo quy định của Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí; đối với các cơ quan báo, tạp chí có số lượng phát hành thấp, phạm vi thông tin hẹp, hiệu quả tuyên truyền không cao thì xem xét chuyển thành đặc san xuất bản không định kỳ hoặc bản tin.
- Phát triển báo chí kinh tế, khoa học - công nghệ; báo chí phục vụ tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; thông tin đối ngoại; có chính sách hỗ trợ các ấn phẩm báo chí phục vụ các đối tượng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo...
- Xem xét rút giấy phép hoạt động đối với những ấn phẩm báo chí có sai phạm kéo dài, bị phê bình, nhắc nhở nhiều lần nhưng chậm hoặc không khắc phục.
- Các tạp chí không ra ấn phẩm khác. Khi có nhu cầu đặc biệt cần thông tin có thể tăng trang, tăng kỳ hoặc xuất bản một số đặc san. Trường hợp đặc biệt, do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định.
- Đối với các cơ quan, tổ chức đã có báo hoặc tạp chí, khi có quyết định sáp nhập cơ quan, tổ chức thì cần thực hiện việc sắp xếp lại các cơ quan báo chí theo tiêu chí chung. Không phát triển thêm các cơ quan báo chí mới khi chưa có Quy hoạch được phê duyệt.
- Hạn chế tối đa việc xuất bản báo chí sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước; xây dựng cơ chế phù hợp để hệ thống báo chí của các tổ chức Đảng các cấp từng bước xóa bỏ bao cấp, tự chủ về tài chính.
IV. ĐỐI TƯỢNG QUY HOẠCH
Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Quy hoạch là:
1. Khối báo chí của các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội:
2. Khối báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao.
3. Khối báo chí của các tổ chức hội, hiệp hội, bao gồm:
- Báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội.
- Báo chí của các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
- Báo chí của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
- Báo chí của các hội nghề nghiệp.
4. Khối báo chí của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn của Nhà nước.
5. Khối báo chí của các tổ chức tôn giáo.
6. Khối báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
V. MỘT SỐ ĐỊNH HƯỚNG QUY HOẠCH
1. Đối với các cơ quan Trung ương:
1.1. Báo chí của các ban của Đảng ở Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội:
- Các ban của Đảng, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, qui mô tổ chức, phạm vi hoạt động, nếu đủ điều kiện và khả năng về tổ chức, nhân sự, có thể được xuất bản một tạp chí làm chức năng thông tin chỉ đạo, thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ.
- Các đơn vị trực thuộc các ban của Đảng không thành lập cơ quan báo chí, không xuất bản báo, tạp chí; nếu thực sự có nhu cầu thì có thể xem xét, cấp phép xuất bản bản tin để thông tin nội bộ.
- Giữ nguyên số lượng báo chí hiện có của Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu thực tế có thể xem xét cấp phép xuất bản đặc san hoặc bản tin để thông tin nội bộ.
1.2. Báo chí của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao:
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Toà án nhân dân Tối cao, tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, qui mô tổ chức, phạm vi hoạt động và nhu cầu cần thiết: có thể xem xét giữ lại một cơ quan báo và một cơ quan tạp chí; giảm bớt hoặc sáp nhập một số cơ quan báo chí chồng chéo, trùng lặp về nội dung, tôn chỉ, mục đích hoặc số lượng phát hành thấp, chất lượng hạn chế, hoạt động kém hiệu quả.
Không xuất bản thêm báo, tạp chí ở các đơn vị thuộc Bộ, ngành kể cả các tổng cục, cục, vụ, trung tâm...
Đối với các bộ quản lý đa ngành, trước khi sáp nhập đã có báo, tạp chí thì có thể giữ nguyên số ấn phẩm nhưng sáp nhập về tổ chức của cơ quan báo chí, thực hiện mô hình một cơ quan báo chí có một số ấn phẩm.
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an không mở rộng việc xuất bản báo, tạp chí đến các quân, binh chủng, tổng cục, cục, vụ, trung tâm ...
- Các học viện, viện, đại học quốc gia, đại học khu vực, các trường đại học, bệnh viện lớn không xuất bản thêm tạp chí; tuỳ theo qui mô tổ chức, phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ, nội dung nghiên cứu, giảng dạy... và nếu có nhu cầu thực sự cần thiết thì có thể xem xét cho xuất bản một bản tin hoặc đặc san xuất bản không định kỳ phục vụ công tác thông tin lý luận, khoa học và nghiệp vụ.
- Không tăng thêm số lượng báo, tạp chí của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam. Các đài phát thanh - truyền hình khu vực và các địa phương ... không xuất bản báo, nhưng nếu có nhu cầu thực sự cần thiết thì có thể xem xét cho ra bản tin, đặc san xuất bản định kỳ hoặc tạp chí để thông tin về lịch phát sóng, phát hình các chương trình phát thanh, truyền hình.
1.3. Báo chí của các tổ chức hội, hiệp hội:
- Không nhất thiết hội nào cũng xuất bản báo hoặc tạp chí.
- Tuỳ theo chức năng, nhiệm vụ, qui mô tổ chức, phạm vi hoạt động, đối tượng phục vụ và nhu cầu thông tin, tuyên truyền, có thể xem xét cho giữ lại các báo và tạp chí hiện có.
- Xem xét, rút giấy phép hoặc sáp nhập một số cơ quan báo chí chồng chéo, trùng lặp về tôn chỉ, mục đích, số lượng thấp, chất lượng hạn chế.
- Không ra thêm báo, tạp chí, nếu không thực sự có nhu cầu cần thiết.
- Các hội chưa có báo, tạp chí; hội mới thành lập nếu thực sự có nhu cầu thì có thể ra bản tin về công tác hội. Trường hợp cần thiết do Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quyết định.
1.4. Báo chí của các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn của Nhà nước:
- Các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty lớn của Nhà nước, nếu tiến hành cổ phần hoá thì cần thực hiện việc giải thể các cơ quan báo chí trực thuộc hoặc chuyển cơ quan báo chí về trực thuộc các cơ quan làm chức năng quản lý Nhà nước.
- Giữ nguyên hiện trạng, không xem xét cấp mới giấy phép hoạt động báo chí cho các tập đoàn, các tổng công ty và các đơn vị kinh tế. Nếu có nhu cầu, thì xem xét cấp giấy phép xuất bản đặc san hoặc bản tin để thông tin về các hoạt động của doanh nghiệp.
1.5. Báo chí của các tổ chức tôn giáo:
Giữ nguyên số lượng báo, tạp chí hiện có. Việc cấp phép xuất bản báo, tạp chí phải phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tôn giáo.
2. Báo chí của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
- Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ tỉnh; Tỉnh, thành phố nào có nhiều khu công nghiệp, đông công nhân thì có thể cho phép các ban quản lý khu công nghiệp được xuất bản một đặc san hoặc bản tin nhằm phản ánh hoạt động của người lao động; Các tỉnh, thành phố có đông hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì có thể xem xét cho xuất bản một đặc san hoặc tạp chí về văn học, nghệ thuật.
- Sắp xếp lại hệ thống báo chí của các tỉnh, thành phố theo hướng giảm bớt; sáp nhập các cơ quan báo chí trên cùng địa bàn có sự chồng chéo, trùng lặp về nội dung, đối tượng phục vụ hoặc số lượng phát hành thấp, chất lượng hạn chế.
- Các sở, ban, ngành, các hội nghề nghiệp ở địa phương không xuất bản báo, tạp chí; nếu thực sự có nhu cầu, có thể xem xét cho xuất bản bản tin để phục vụ công tác thông tin nội bộ.
- Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh là 2 thành phố lớn, 2 trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học và công nghệ, có vị trí quan trọng trong vùng, miền và khu vực. Do vậy, ngoài các cơ quan báo, tạp chí như mặt bằng chung của các tỉnh, thành phố khác, có thể xem xét cho giữ nguyên số cơ quan báo và tạp chí hiện có; xem xét cắt giảm hoặc sáp nhập các cơ quan báo chí có chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, trùng lặp: số lượng phát hành thấp, chất lượng hạn chế.
VI. KẾ HOẠCH CỤ THỂ
1. Thành lập Ban chỉ đạo xét duyệt quy hoạch báo chí và Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo.
1.1. Thành phần Ban chỉ đạo:
- Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Trưởng ban;
- Lãnh Đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Trưởng ban;
- Lãnh đạo hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng ban;
- Đại diện Văn phòng Chính phủ, thành viên;
- Đại diện Bộ Ngoại giao, thành viên;
- Đại diện Bộ Nội vụ, thành viên;
- Đại diện Bộ Tư pháp, thành viên;
- Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), thành viên;
- Vụ báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), thành viên;
- Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông), thành viên.
1.2. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo:
Quát triệt tinh thần và nội dung các văn bản chỉ đạo của Đảng, Chính phủ để xây dựng khung tiêu chí quy hoạch chung đối với mạng lưới báo chí của các Ban của Đảng, các bộ, ngành ở Trung ương, các địa phương, đồng thời chỉ đạo, hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương thực hiện việc quy hoạch báo chí thuộc quyền.
Căn cứ vào quy hoạch của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức xem xét, quyết định quy hoạch báo chí thuộc bộ, ngành, địa phương trình Chính phủ phê duyệt.
1.3. Thành lập Tổ thư ký giúp việc Ban chỉ đạo xét duyệt quy hoạch báo chí do một đại diện Lãnh đạo Cục Báo chí (Bộ thông tin và Truyền thông) làm Tổ trưởng và các thành viên là đại diện các cơ quan:
- Vụ Báo chí - Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương);
- Vụ Văn xã - Văn Phòng chính phủ;
- Hội Nhà báo Việt Nam;
- Vụ Pháp chế (Bộ Thông tin và Truyền thông);
- Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ Thông tin và Truyền thông);
- Một số cán bộ, chuyên viên Cục Báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông.
2. Thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch lại mạng lưới báo chí ở từng Bộ, ngành, đoàn thể trung ương và ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo việc rà soát, đánh giá sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới báo chí trực thuộc
2.1. Ban chỉ đạo quy hoạch báo chí ở các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương do một đại diện lãnh đạo làm Trưởng ban. Các thành viên gồm: Đại diện Đảng ủy cơ quan, Ban Tuyên giáo hoặc Ban Tư tưởng Văn hóa (nếu có), Tổ chức - Cán bộ, Tài chính - Kế hoạch (trong đó Tổ chức - Cán bộ hoặc Ban Tuyên giáo, Ban Tư tưởng - Văn hóa là thành viên thường trực).
2.2. Ban chỉ đạo quy hoạch báo chí các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do một đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, thành phố làm Trưởng ban; các thành viên gồm: Ban Tuyên giáo, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo (trong đó Sở Thông tin và Truyền thông là thành viên thường trực).
3. Thời gian thực hiện:
3.1. Đến trước ngày 31 tháng 3 năm 2009:
Ban chỉ đạo quy hoạch báo chí của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành việc rà soát, đánh giá, sắp xếp lại quy hoạch báo chí của Bộ, ngành, đoàn thể địa phương mình và gửi báo cáo về Ban chỉ đạo quy hoạch báo chí Trung ương (Bộ Thông tin và Truyền thông).
3.2. Đến trước ngày 31 tháng 5 năm 2009:
Ban chỉ đạo quy hoạch báo chí Trung ương xét duyệt và thông qua quy hoạch báo chí của các Bộ, ngành, tổ chức, đoàn thể chính trị, xã hội ở Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; hoàn chỉnh Đề án quy hoạch báo chí in toàn quốc và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.