BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 572/BC-BYT | Hà Nội, ngày 11 tháng 07 năm 2006 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A(H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH TỪ NGÀY 01/7/2006 ĐẾN NGÀY 10/7/2006
Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong tuần như sau:
I. TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI:
Tình hình trên Thế giới:
Tại Indonesia: Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 05/7/2006, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận trường hợp thứ 52 tại nước này mắc cúm A(H5N1). Bệnh nhân nam 5 tuổi, sống ở huyện Tulungagung, phía Đông Java. Khởi bệnh ngày 08/6/2006, nhập viện ngày 14/6/2006 và tử vong ngày 16/6/2006.
Có hiện tượng gà chết tại nhà bệnh nhân trước khi bệnh nhân khởi bệnh 2 tuần. Kết quả xét nghiệm đã khẳng định gia cầm tại huyện này có mắc cúm A(H5N1).
Đến nay Indonesia đã ghi nhận 52 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó 40 trường hợp tử vong.
Tháng vừa qua Indonesia là điểm nóng trên thế giới về dịch cúm A(H5N1) khi ghi nhận chùm ca bệnh lớn nhất 7/8 thành viên trong một gia đình đã chết do mắc cúm A(H5N1) tại Bắc Sumatra. Mặc dù đến ngày 12/6/2006, là 3 tuần không có ca bệnh mới được ghi nhận tại khu vực này, nhưng từ đầu năm 2006 Indonesia đã ghi nhận 33 trường hợp mắc và 27 trường hợp tử vong do hậu quả của sự nhiễm vi rút cúm rộng rãi trong gia cầm ở nước này. Đến nay Tổ chức Y tế thế giới vẫn chưa loại trừ nguy cơ lây nhiễm từ người sang người.
2. Tại Việt Nam:
Trong tuần từ ngày 01/7/2006 đến 10/7/2006 không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).
Kể từ ngày 14/11/2005 đến nay đã gần 8 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người.
Tính từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 229 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 131 trường hợp tử vong tại 10 quốc gia: Azerbaijan (mắc 8, chết 5), Campuchia (mắc 6, chết 6), Trung Quốc (mắc 19, chết 12), Djibouti (mắc 1, chết 0), Ai Cập (mắc 14, chết 06), Indonesia (mắc 52, chết 40), Iraq (mắc 02, chết 02), Thái Lan (mắc 22, chết 14), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Việt Nam (mắc 93, chết 42).
II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI:
1.Tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để đăng tải thông tin hàng tuần trên trang Web của Bộ Y tế.
2.Thành lập nhóm công tác gồm đại diện các Tiểu ban trực thuộc Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người để xây dựng Dự án phòng chống dịch cúm A(H5N1) tại Việt Nam, dự án do Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ thông qua Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC).
3.Tiếp tục phát triển Tài liệu tập huấn về hướng dẫn thực hiện cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh, khống chế ổ dịch cúm và phòng ngừa đại dịch cúm ở người tại các địa phương trong tháng 8 - 9/2006.
4.Triển khai các hoạt động thu thập số liệu, thử nghiệm, mẫu báo cáo giám sát đối tượng sau tiêm vắc xin phòng chống cúm gia cầm đợt I và II tại các khu vực Bắc, Trung, Nam.
5.Tiếp tục tổng hợp các ý kiến góp ý để trình Lãnh đạo Bộ Dự thảo Quyết định thành lập Ban tư vấn an toàn sinh học và Quy định về an toàn sinh học cho phòng xét nghiệm cấp I, II, III.
6.Tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch xây dựng phòng xét nghiệm an toàn sinh học cấp III tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh.
7.Báo cáo tình hình dịch cúm A(H5N1) và các hoạt động phòng chống dịch đã triển khai 6 tháng đầu năm 2006 trình bày tại Hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch cúm gia cầm 6 tháng đầu năm 2006 và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
8.Hoàn thiện việc mua sắm và bàn giao trang thiết bị, thuốc, hóa chất đợt I cho các địa phương, tiếp tục triển khai kế hoạch mua sắm đợt II.
9.Chuẩn bị tổ chức các lớp tập huấn sử dụng máy móc, trang thiết bị cho các đơn vị tiếp nhận tại các địa phương.
10.Phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới triển khai mua sắm trang thiết bị cho hệ thống cảnh báo sớm và đáp ứng nhanh tại các Viện VSDT/Pasteur và các tỉnh/thành phố thuộc Dự án WHO/FAO/UNDP.
11.Tổ chức họp Ban soạn thảo Dự án Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm để xin ý kiến đóng góp (ngày 07/7/2006) và tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Dự thảo Luật để Ban soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7/2006.
12.Chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu có các đối tượng nhập cảnh từ vùng có dịch vào Việt Nam, chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A(H5N1).
Bộ Y tế báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ để tiếp tục thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.