BỘ Y TẾ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 482/BC-BYT | Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2006 |
BÁO CÁO
TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A(H5N1) VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH TỪ NGÀY 24/5/2006 ĐẾN NGÀY 31/5/2006
Bộ Y tế xin báo cáo tình hình bệnh cúm A(H5N1) và một số biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai trong tuần như sau:
I.TÌNH HÌNH BỆNH CÚM A (H5N1) Ở NGƯỜI:
1.Tình hình trên Thế giới:
Tại Indonesia: Theo Thông báo của Tổ chức Y tế thế giới ngày 23/5 và 29/5/2006, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 7 trường hợp mắc mới cúm A(H5N1), trong đó 4 trường hợp tử vong.
- Trường hợp thứ nhất: Bệnh nhân nam 32 tuổi, khởi bệnh ngày 15/5/2006 và tử vong ngày 22/5/2006. Đây là trường hợp mắc bệnh thứ 7 trong gia đình đã có 6 thành viên mắc cúm A(H5N1) một làng phía Bắc Sumatra Cậu con trai của bệnh nhân cũng mắc cúm A(H5N1) và tử vong ngày 13/5/2006.
- Trường hợp thứ hai: Bệnh nhân nam 18 tuổi, phía Đông tỉnh Java, khởi bệnh ngày 06/5/2006, nhập viện ngày 17/5/2006, hiện đã bình phục. Có hiện tượng gà chết tại nhà bệnh nhân trước đó 1 tuần.
- Trường hợp thứ ba và thứ tư: Bệnh nhân nữ 10 tuổi và anh trai 18 tuổi, sống ở Tây tỉnh Java. Cả hai trường hợp đều khởi bệnh ngày 16/5/2006, nhập viện ngày 22/5/2006, tử vong 23/5/2006 và đều có tiếp xúc với gà bệnh và chết tại nhà bệnh nhân trước khi khởi bệnh.
- Trường hợp thứ năm: Bệnh nhân nam 39 tuổi, sống ở phía Tây Jakarta. Khởi bệnh 09/5/2006, nhập viện ngày 16/5/2006 và tử vong ngày 19/5/2006. Trước khi khởi bệnh ít ngày bệnh nhân có dọn phân chim bồ câu trên mái nhà. Hiện chưa rõ nguồn lây nhiễm bệnh.
- Trường hợp thứ sáu: Bệnh nhân nam 43 tuổi, sống ở phía Nam Jakarta, khởi bệnh ngày 06/5/2006, hiện đã bình phục và xuất viện.
- Trường hợp thứ bảy: Bệnh nhân nữ 15 tuổi, sống ở phía tây Sumatra, khởi bệnh 17/5/2006, hiện đang điều trị tại bệnh viện.
Hiện nay Tổ chức Y tế thế giới đang phối hợp với Bộ Y tế Indonesia đang tiến hành điều tra, chưa có bằng chứng về việc lây truyền bệnh từ người sang người.
Đến nay tại Indonesia đã ghi nhận 48 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trong đó 36 trường hợp tử vong.
2.Tại Việt Nam:
Trong tuần từ ngày 24/5/2006 đến 31/5/2006 không ghi nhận trường hợp nào dương tính với cúm A(H5N1).
Kể từ ngày 14/11/2005 đến nay đã hơn 6 tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới cúm A (H5N1) ở người.
Tính từ trường hợp mắc cúm A(H5N1) đầu tiên tại Việt Nam (26/12/2003) đến nay đã ghi nhận 93 trường hợp mắc tại 32 tỉnh/thành phố, trong đó có 42 trường hợp tử vong.
Kể từ tháng 12/2003 đến nay, trên thế giới đã ghi nhận 224 trường hợp mắc cúm A(H5N1), trong đó có 127 trường hợp tử vong tại 10 quốc gia: Azerbaijan (mắc 8, chết 5), Campuchia (mắc 6, chết 6), Trung Quốc (mắc 18, chết 12), Djibouti (mắc 1, chết 0), Ai Cập (mắc 14, chết 06), Indonesia (mắc 48, chết 36), Iraq (mắc 02, chết 02), Thái Lan (mắc 22, chết 14), Thổ Nhĩ Kỳ (mắc 12, chết 04), Việt Nam (mắc 93, chết 42).
II. CÁC HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHỐNG DỊCH ĐÃ TRIỂN KHAI:
1. Tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên thế giới và trong nước để đăng tải thông tin trên trang Web của Bộ Y tế. Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị kiểm dịch y tế biên giới giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu có các đối tượng nhập cảnh từ vùng có dịch SARS cũ vào Việt Nam, hiện chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm cúm A.
2. Phối hợp Sở Y tế tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức diễn tập phòng chống đại dịch cúm ở người (ngày 27/5/2006).
3. Phối hợp với Uỷ ban quốc gia APEC 2006 chuẩn bị về nội dung, thành phần tham dự và cử các chuyên gia y tế tham gia diễn tập mô phỏng trong khuôn khổ APEC .
4. Tiếp tục phân phối và hướng dẫn các địa phương tiếp nhận các trang thiết bị, hoá chất, trang bị phòng chống dịch đợt I. Tổng hợp tình hình sử dụng kinh phí mua sắm trang thiết bị, thuốc, hoá chất phòng chống dịch của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho các địa phương và các Bộ, ngành và địa phương.
5. Hoàn chỉnh kế hoạch và chuẩn bị tổ chức 23 lớp tập huấn cho cán bộ trực tiếp sử dụng máy móc, trang thiết bị phòng chống dịch tại các đơn vị được cung cấp tại các tỉnh/thành phố.
6. Tiếp tục xin ý kiến góp ý Quyết định thành lập Ban Tư vấn an toàn sinh học và hoàn chỉnh Quy định về an toàn sinh học trong phòng xét nghiệm cấp độ I,II,III.
7. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động phòng chống đại dịch cúm giai đoạn 2006 - 2010 tại Việt Nam.
8. Xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động giai đoạn II của Dự án “Tăng cường quản lý các tình huống khẩn cấp về y tế tại Việt nam - tập trung vào việc phòng chống các bệnh dịch tiềm ẩn, bao gồm cúm gia cầm độc lực cao (HPAI)” trong dự án hợp tác WHO/FAO/UNDP.
9. Triển khai xây dựng Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2006 và Dự thảo hợp đồng trách nhiệm với các tỉnh/thành phố hưởng thụ Dự án “Phòng chống bệnh truyền nhiễm khu vực tiểu vùng sông Mê Kông giai đoạn 2006- 2009’’ doADB viện trợ không hoàn lại.
10. Xây dựng Dự thảo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm để trình Thủ tướng Chính phủ vào tháng 7/2006.
11. Tiếp tục phối hợp tham gia triển lãm công tác phòng chống cúm gia cầm tại TP. Hồ Chí Minh và TP. Hà Nội từ ngày 23/5/2006 đến ngày 28/5/2006.
Bộ Y tế báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ để tiếp tục thực hiện.
Xin trân trọng cảm ơn.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.