UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1033/BC-SCT | Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2009 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ HỘI NGHỊ GIAO BAN, THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO CÁC DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Thực hiện Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ và triển khai Kế hoạch số 25/KH-UBND ngày 09/03/2009 của UBND thành phố về những giải pháp cấp bách ngăn chặn suy giảm, duy trì tăng trưởng kinh tế và Chương trình công tác số 04/Ctr-UBND của UBND Thành phố năm 2009.
Thực hiện kế hoạch 776/KH-SCT ngày 17/3/2009 của Sở Công Thương về việc tổ chức hội nghị Giao ban tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn năm 2009 để nắm bắt tình hình khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh, ngày 31/3/2009 Hội nghị đã được tổ chức tại hội trường của Sở Công Thương báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kết quả như sau:
I. THÀNH PHẦN THAM DỰ:
1.1. Các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp thuộc các ngành SXCN chủ yếu trên địa bàn: 57 DN với 82 đại biểu.
1.2. Đại diện các cơ quan, Sở, Ban ngành Trung ương và Hà Nội.
- Bộ Công Thương: đ/c Huỳnh Đắc Thắng, vụ phó Vụ kế hoạch
- 60 đại biểu đại diện cho Lãnh đạo các Sở, Ban, Ngành, Thành phố: Cục Thuế Hà Nội, chi cục Hải quan, Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông vận tải, Ngân hàng phát triển Việt Nam (Sở giao dịch I), Ban quản lý Các khu Công nghiệp và Khu Chế xuất Hà Nội, Công ty Điện lực Hà Nội, các báo – đài truyền hình TW và Hà Nội.
1.3. Chủ trì Hội nghị đ/c Lưu Tiến Long – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Công Thương. Tham dự có các đ/c trong ban giám đốc và các phòng, đơn vị trực thuộc Sở:
II. NỘI DUNG:
Hội nghị đã nghe bài phát biểu khai mạc của đồng chí Phạm Đức Tiến, Phó giám đốc Sở và triển khai kế hoạch 25/KH-UBND ngày 9/3/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, trên có sở đó Sở Công Thương ban hành Chương trình hành động của ngành với các giải pháp nhằm góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế đảm bảo an sinh xã hội; đại diện sở Lao động Thương binh xã hội thành phố đã phổ biến thông tư 06/2009/TT-BLĐTBXH ngày 27/02/2009 về việc hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế.
Hội nghị đã nghe báo cáo của các doanh nghiệp và đại diện các Sở ngành liên quan đã giải đáp một số kiến nghị của DN trực tiếp tại diễn đàn. Những vấn đề còn lại tập trung vào các lĩnh vực sau:
1. Về chính sách hỗ trợ vay vốn:
- Chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất 4% về cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu đã được hưởng thụ chính sách này. DN rất phấn khởi có điều kiện về vốn để phục vụ sản xuất xuất khẩu như: Công ty Dệt 10/10, Công ty May 10, Công ty Giầy Thượng Đình … Tuy nhiên, về chính sách này, một số doanh nghiệp có kiến nghị như sau:
- Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí chu kỳ sản xuất tiêu thụ dài cần có sự hỗ trợ của Nhà nước vì sức cạnh tranh sản phẩm thấp. Công ty cổ phần Nồi hơi Việt Nam kiến nghị Nhà nước kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất đến năm 2010.
- Khoản hỗ trợ lãi suất tiền vay của Nhà nước theo quy định chỉ áp dụng đối với các khoản vay bằng VNĐ. Để nhận nợ tiền vay là rất khó cho các doanh nghiệp nhập khẩu hạch toán bằng ngoại tệ. Vì vậy, đề nghị Nhà nước xem xét việc hỗ trợ lãi suất tiền vay áp dụng đối với cả các khoản vay bằng ngoại tệ.
- Hạn chế của chính sách này thủ tục còn rườm rà khiến doanh nghiệp mất nhiều thời gian, Chính phủ cần xem lại thời gian cho vay nên kéo dài thêm 6 tháng để doanh nghiệp có điều kiện hoạt động có hiệu quả hơn nếu không việc hỗ trợ chưa mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp đã phải chuẩn bị trả nợ.
2. Về thị trường:
- Nhà nước cần đầu tư kinh phí thích đáng để tăng cường chương trình xúc tiến thương mại đặc biệt tại các thị trường mới như Châu Mỹ, Trung Đông, các nước Đông Âu cũ để giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển thị trường mới.
3. Về lao động: Do tình hình tài chính khó khăn nên một số Công ty nợ bảo hiểm xã hội và tiền lương của người lao động từ trước thời điểm 1/1/2009. Đề nghị Chính phủ, Thành phố có chính sách cho vay vốn hỗ trợ lãi suất được tính từ tháng 10/2008 để khắc phục khó khăn cho doanh nghiệp, vì nếu tính từ năm 2009 thì thời gian doanh nghiệp tính để hưởng thụ hỗ trợ là rất ngắn trong khi thủ tục để vay là rất phức tạp.
4. Về thủ tục thuế:
- Doanh nghiệp đã được hưởng thụ các chính sách ưu đãi về thuế của Nhà nước giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong thời kỳ khủng hoảng hiện nay nhưng thời gian hoàn thuế cho doanh nghiệp cần được rút ngắn thời gian hơn nữa.
- Nhà nước cho doanh nghiệp hoàn thuế VAT đầu vào bằng hồ sơ thu mua sữa thay cho hóa đơn thuế VAT do đặc thù của ngành sữa, thu mua nông sản … phải thu mua của người nông dân không có hóa đơn.
- Đối với những thiết bị yêu cầu an toàn đặc thù nghiêm ngặt mà trong nước sản xuất được thì đề nghị Nhà nước nâng thuế nhập khẩu lên để tạo điều kiện cho phát triển sản xuất trong nước.
5. Về chi phí xuất khẩu tại cảng
- Đề nghị Nhà nước can thiệp với các tổ chức nước ngoài tại các cảng xuất nhập khẩu về phí nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu phải chịu rất nhiều loại chi phí khi nhập khẩu nguyên vật liệu về sản xuất, đặc biệt là các loại phí tại cảng như: phí DO, phí chứng từ, phí vật đơn, phí đại lý, phí bốc vác, phí kho bãi, phí nâng hạ vỏ, phí hàng lẻ, phí giao nhận…đã gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp.
6. Thủ tục hải quan: Thủ tục thanh toán thuế xuất nhập khẩu nếu chậm đề nghị Hải quan có thể chấp nhận bản fax xác nhận của Ngân hàng là doanh nghiệp đã nộp không nhất thiết phải mang bản gốc vì như vậy doanh nghiệp phải quay về lấy và mang đi mất nhiều thời gian.
7. Về giao thông:
- Đường vào của 1 số đơn vị như: (Công ty CP cơ điện Trần Phú, công ty Đá ốp lát VINACONEX ở Quốc Oai) … hiện chưa có nên gây khó khăn cho doanh nghiệp.
- Biển cấm xe ô tô trọng tải trên 5 tấn vào ngõ 320 đường Khương đình đã gây khó khăn rất lớn trong việc sử dụng xe ô tô vận chuyển hàng hóa, Thành phố nên cấp phép cho doanh nghiệp trong khu vực này để thuận tiện về giao thông giảm chi phí cho doanh nghiệp.
- Kiến nghị với Tổng cục đường sắt về việc tăng phí đường ngang qua Công ty Liên doanh TNHH Crown (Thường Tín) quá cao. Năm 2009 tăng trên 60% so với năm 2008. Đơn vị mà Công ty ký hợp đồng trực tiếp là Công ty quản lý đường sắt Hà Minh.
- Một số công trình xây dựng và hạ tầng giao thông của thành phố còn quá chậm nên ảnh hưởng đến giao thông của các doanh nghiệp như cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy …
8. Về thủ tục đất đai, giải phóng mặt bằng:
- Việc di chuyển các doanh nghiệp ô nhiễm ra khỏi nội đô, thành phố quan tâm giải quyết sớm và có chính sách hỗ trợ thỏa đáng để doanh nghiệp đầu tư sản xuất tại địa điểm mới được tốt hơn hoặc bằng nơi cũ để doanh nghiệp ổn định sản xuất.
- Có doanh nghiệp từ năm 2004 đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) cho phép mở rộng sản xuất nhưng mới giải phóng mặt bằng được 50%, phần còn lại chưa giải phóng được dù công ty đã làm thủ tục (Cty CP Bia Kim Bài – Hà Nội).
- Công ty Cổ phần Dây và Cáp điện Thượng Đình đang phải thuê 267 m2 của hợp tác xã. Công ty đang thực hiện các thủ tục để thuê 267m2 đất này trực tiếp với UBND thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, thủ tục hành chính của Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất, quyền sử dụng đất rất khó khăn, phải đi lại nhiều lần nhưng không có kết quả.
9. Về tình hình cung cấp điện và giá điện
- Cách tính giá điện mới chia giá điện giờ cao điểm là 2h buổi sáng (từ 9g30-11g30) đẫn đến rất khó khăn cho DN, vì DN không thể cho công nhân ngừng sản xuất vào thời điểm đó được (Công ty CP xi măng Sài Sơn, Công ty May Xuất khẩu DHA, Công ty TNHNNMTV Mai Động, Công ty TNHH NN 1 TV dệt 19/5 …)
- Cần thông báo cụ thể thời gian cắt điện để doanh nghiệp chủ động trong sản xuất kinh doanh.
- Năm 2008, Công ty Liên doanh TNHH Crown có 8 lần cắt điện không báo trước và 72 lần nháy điện.
III. NHỮNG KIẾN NGHỊ VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP:
- Chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho doanh nghiệp vay hỗ trợ lãi suất 4% về cơ bản các doanh nghiệp xuất khẩu đã được hưởng thụ chính sách này. Đề nghị Nhà nước kéo dài thời gian hỗ trợ đến hết 6/2010.
- Chính phủ xem xét kiến nghị của doanh nghiệp về giá điện giờ cao điểm để tránh tăng giá thành sản phẩm của doanh nghiệp trong khi nền kinh tế đang khủng hoảng.
- Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay lãi suất bằng không theo thông tư 06/2009/TT-BLĐTBXH ngày 27/02/2009 về việc hỗ trợ đối với lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế được tính từ thời điểm tháng 10/2008.
- Xem xét các điều kiện vay bảo lãnh tín dụng các điều kiện này quá chặt chẽ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn vay.
- Đối với Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cơ khí, kiến nghị Nhà nước kéo dài chính sách hỗ trợ lãi suất đến năm 2010.
Trên đây là một số kiến nghị của các doanh nghiệp. Sở Công Thương báo cáo UBND Thành phố Hà Nội để giải quyết những khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp./.
Nơi nhận: | KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.