ỦY BAN DÂN TỘC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 67/BC-UBDT | Hà Nội, ngày 17 tháng 08 năm 2010 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TẠI TỈNH CAO BẰNG
Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2010 của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, Công văn số 4500/VPCP-KGVX, ngày 29/6/2010 của Văn phòng Chính phủ về phân công kiểm tra công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm năm 2010; Đồng chí Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Ủy ban Dân tộc tổ chức Đoàn đi kiểm tra tại tỉnh Cao Bằng. Đoàn đã đi kiểm tra từ ngày 27/7 đến ngày 29/7/2010 tại các địa bàn theo sự bố trí của tỉnh Cao Bằng. Kết quả kiểm tra như sau:
I. VỀ CÔNG TÁC TỔ CHỨC, CHỈ ĐẠO ĐIỀU HÀNH:
Từ năm 2007 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã thường xuyên, quan tâm kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm cấp tỉnh, 13/13 Ban Chỉ đạo cấp huyện, thành lập 45/199 Ban Chỉ đạo tại các xã, phường trọng điểm; ban hành và triển khai Kế hoạch 326/KH-UBND ngày 04/3/2010 về phòng, chống tệ nạn mại dâm năm 2010; Kế hoạch số 903/KH-UBND, ngày 20/4/2010 về điều tra, thống kê, đánh giá tình hình người nghiện ma túy năm 2010 và cai nghiện phục hồi từ năm 2008 đến tháng 6/2010.
Các cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ như sau:
- Công an tỉnh: đã triển khai Kế hoạch tổ chức đợt cao điểm phòng, chống ma túy trên địa bàn tỉnh nhân Tháng hành động phòng, chống ma túy do Ủy ban Quốc gia phát động; triển khai thực hiện Đề án Xây dựng phường, xã, thị trấn không tệ nạn ma túy; đã tổng kết, đánh giá 5 năm thực hiện Kế hoạch tổng thể phòng, chống ma túy đến năm 2010; chỉ đạo Công an các huyện, thị phối hợp với các ngành chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cơ sở rà soát tình hình tái trồng cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh.
- Sở Y tế đã triển khai Kế hoạch số 903/KH-SYT, ngày 05/4/2010 về phòng, chống HIV/AIDS trong năm 2010.
- Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo, đôn đốc các huyện, thị xã xây dựng và triển khai kế hoạch đăng ký xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội năm 2010; Kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh, triệt phá ổ nhóm, tệ nạn mại dâm; đưa đối tượng nghiện vào cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội năm 2010.
Đánh giá chung:
Các cơ quan Thường trực đã tích cực, thường xuyên tham mưu cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, các Chỉ thị, Nghị quyết của Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh, kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp phù hợp; thường xuyên kiểm tra, sơ tổng kết, đánh giá việc triển khai thực hiện của các đơn vị.
II. CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC, VẬN ĐỘNG
Ban Chỉ đạo tỉnh thường xuyên, chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, pa nô, băng rôn, áp phích, tranh cổ động, tờ rơi, bản tin phòng, chống tệ nạn xã hội, tổ chức truyền thông, giáo dục trực tiếp tại xã, phường, thị trấn, trường học và các khu du lịch; củng cố và nhân rộng các điển hình tiên tiến; vận động nhân dân giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
Công an tỉnh và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã chủ động phối hợp với các ngành, đoàn thể tăng cường công tác tuyên truyền Luật Phòng, chống ma túy, Pháp lệnh phòng chống mại dâm, từng bước nâng cao hiểu biết pháp luật cho nhân dân, đặc biệt là đối với những gia đình có người nghiện và người nghiện sau cai tái hòa nhập cộng đồng.
Sở Y tế đã tích cực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong công tác thông tin, giáo dục, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS được 239 buổi với 11.425 lượt người tham dự. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tổ chức nhiều đợt ra quân tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS; ký kết giao ước thi đua thực hiện Chi đoàn, Chi hội, Chi đội không có thanh, thiếu niên mắc tệ nạn ma túy; nổi bật là các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động phòng chống ma túy, Ngày toàn dân phòng, chống ma túy 26/6. Nhân dịp này, các huyện, thị tổ chức diễu hành, cổ động, giao lưu văn hóa, thể thao với sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn, tạo được phong trào phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm rộng khắp, thu hút sự quan tâm chú ý và sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân.
III. KẾT QUẢ CÁC MẶT CÔNG TÁC:
1. Công tác phòng chống tệ nạn ma túy:
Theo báo cáo của cơ quan Thường trực phòng, chống ma túy của tỉnh Cao Bằng: tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, hoạt động tinh vi, xảo quyệt, tính chất ngày càng nguy hiểm, đối tượng manh động, quyết liệt từ việc buôn bán nhỏ lẻ đến các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy lớn, hoạt động liên tỉnh, xuyên quốc gia.
- Các tuyến trọng điểm được xác định là tuyến quốc lộ 3 Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng, tuyến quốc lộ 4 Lạng Sơn - Cao Bằng, 4 tuyến nội tỉnh từ trung tâm thị xã Cao bằng đi các huyện biên giới Trà Lĩnh, Phục Hòa, Hà Quảng, Trùng Khánh và ngược lại; địa bàn trọng điểm là: Nguyên Bình, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Bảo Lâm.
- Đấu tranh, triệt phá điểm phức tạp về ma túy: phát hiện, bắt giữ 57 vụ, 72 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các chất ma túy. Tang vật thu giữ 13 bánh, 9,22 gram, 146 liều hêroin, 61 viên ma túy tổng hợp. Khởi tố 52 vụ, 69 bị can; đề nghị truy tố 48 vụ, 61 bị can tội mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các chất ma túy.
- Việc tái trồng cây thuốc phiện vẫn còn xảy ra ở một vài nơi vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng giáp ranh. Lực lượng chức năng đã phát hiện, tiến hành phá nhổ 104m2 và 1.395 cây thuốc phiện tại 4 huyện: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng.
- Qua rà soát, thống kê toàn tỉnh hiện có 1.026 người nghiện ma túy, lập hồ sơ quản lý 991 đối tượng, giảm 10 đối tượng so với cùng kỳ năm 2009, lập hồ sơ đưa 135 đối tượng nghiện ma túy vào Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh để chữa trị. Tỷ lệ tái nghiện còn cao (trên, dưới 90%), tuy nhiên cũng đã có những trường hợp cai nghiện rất thành công như anh Tuấn ở huyện Quảng Uyên, sau 03 năm cai nghiện đã chăm chỉ lao động sản xuất, xây được nhà 3 tầng; cá biệt có trường hợp ở xã Kim Đồng, huyện Hà Quảng sau khi cai nghiện thành công, được sự quan tâm, giúp đỡ của địa phương nay đã tham gia công an xã…
2. Công tác phòng chống HIV/AIDS:
- Phát hiện mới 79 trường hợp nhiễm HIV, giảm 14 trường hợp so với cùng kỳ. Tử vong do AIDS 22 trường hợp, giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ.
- Hiện nay 13/13 huyện, thị; 113/199 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV. Nhóm đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất là người nghiện chích ma túy (58,7%), độ tuổi từ 21 - 39 chiếm 86,31%; tỷ lệ nhiễm ở nam 87,18%. Số người nhiễm HIV được quản lý và chăm sóc tại xã, phường, thị trấn là 727 người (đạt 71% kế hoạch năm).
- Toàn Tỉnh hiện còn 1.672 trường hợp nhiễm HIV, tỷ lệ nhiễm HIV khoảng 321/100.000 dân. Tỉnh đã ra khỏi 10 tỉnh, thành trong toàn quốc có tỷ lệ người nhiễm cao trên tỷ lệ 100.000 dân.
- Phát 142.479 bơm kim tiêm sạch cho 30.693 lượt người nghiện chích ma túy. Phát 81.605 bao cao su cho 602 lượt tiếp viên khách sạn, nhà hàng và người nghiện chích ma túy. Có thêm 90 bệnh nhân được điều trị ARV, tăng 40 bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2009, nâng tổng số bệnh nhân được điều trị ARV lên 409 trường hợp (trong đó có 12 trẻ em).
3. Công tác phòng chống tệ nạn mại dâm:
- Qua theo dõi nắm tình hình, trên địa bàn Tỉnh có một số khu vực, địa bàn tập trung dân cư, nơi có công trình xây dựng hoặc khu khai thác mỏ, khu vực biên giới nghi ngờ có dấu hiệu hoạt động mại dâm (với 55 đối tượng), chủ yếu tại địa bàn Thị xã Cao Bằng, huyện Hòa An và Phục Hòa. Đã tổ chức triệt xóa 01 vụ, đưa 03 gái mại dâm vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội tỉnh giáo dục, chữa bệnh, phục hồi nhân phẩm.
- Việc xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học không có tội phạm ma túy và người nghiện ma túy được gắn với cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và các phong trào văn hóa khác. Hiện có 126/199 xã (63%) đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn ma túy, mại dâm.
IV. TÌNH HÌNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ:
Ban Chỉ đạo của tỉnh đã giao cho 3 cơ quan thường trực (Sở Y tế, Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) tham mưu phân bổ kinh phí cho các cơ quan, địa phương trình UBND tỉnh phê duyệt. Việc phân bổ kinh phí này ở địa phương đã khắc phục tình trạng trùng lắp về kinh phí và nhiệm vụ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các cơ quan thường trực 3 lĩnh vực tại địa phương.
Cao Bằng là tỉnh nghèo, ngân sách địa phương có nhiều khó khăn nên chủ yếu sử dụng ngân sách Trung ương. Kinh phí được quản lý sử dụng đúng chế độ, đúng các nhiệm vụ trọng tâm, có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng nên đã đạt được hiệu quả rất đáng khích lệ.
V. NHỮNG KHÓ KHĂN, TỒN TẠI:
Cao Bằng là tỉnh miền núi, giáp biên, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tiềm ẩn những diễn biến phức tạp; công tác quản lý địa bàn dân cư rất khó khăn. Ngoài nguồn kinh phí của Trung ương, cấp địa phương không có khả năng bổ sung kinh phí cho công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Hiện nay, kinh phí chủ yếu sử dụng vào công tác tuyên truyền giáo dục, công tác kiểm tra và hoạt động của Ban Chỉ đạo nên kinh phí dành cho công tác điều tra, triệt phá, hỗ trợ cai nghiện và điều trị HIV ở cả 03 cấp đều còn hạn chế.
Hoạt động thông tin giáo dục truyền thông thay đổi hành vi chưa phủ khắp tới các vùng sâu, vùng xa. Nhận thức của nhân dân về HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm tuy đã có rất nhiều chuyển biến, nhưng thay đổi hành vi chưa bền vững; vẫn còn tình trạng chủ quan đối với bản thân, gia đình và kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS tuy có giảm nhưng vẫn còn. Ngoài ra, người nhiễm HIV/AIDS chủ yếu là người nghèo, tập trung ở đối tượng nghiện chích ma túy, tỷ lệ tái nghiện cao gây nhiều khó khăn cho công tác tư vấn, điều trị và chăm sóc y tế, đối tượng nghiện chích ma túy chiếm đa số là tội phạm hình sự về ma túy. Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện đi cai còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí và sự bất hợp tác của người nghiện và gia đình. Người nhiễm HIV thường dấu và khai địa chỉ không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác quản lý. Phong trào phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, mại dâm chưa đồng đều. Sự phối hợp giữa các ngành chưa mang tính đồng bộ cả ở 03 cấp.
Hoạt động của tội phạm ma túy và tệ nạn ma túy đã được kiềm chế và có chiều hướng giảm nhưng vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đối tượng phạm tội về ma túy rất manh động, liều lĩnh. Bên cạnh đó, các quy định về tội danh buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy vẫn chưa thật sự có phân biệt cụ thể, việc xử phạt vi phạm chính đối với người sử dụng chất ma túy bằng hình thức phạt tiền; hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện tuy đã giảm đáng kể nhưng vẫn xảy ra với hình thức tinh vi hơn… là những khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động phòng, chống tệ nạn ma túy.
Đội ngũ cán bộ còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ, kinh nghiệm và không ổn định, nhiều cán bộ kiêm nhiệm, nhất là ở cấp xã, phường, đơn vị, nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ triển khai các hoạt động phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm phải đối mặt với nhiều nguy cơ và rủi ro nhưng lại thiếu công cụ bảo hộ, chế độ phụ cấp thấp, nên chưa thu hút được cán bộ.
Trung tâm y tế dự phòng huyện thiếu cơ sở vật chất, nên chưa được phép khẳng định các trường hợp HIV dương tính. Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh đang được đầu tư dở dang, chưa hoàn thiện.
VI. ĐÁNH GIÁ VÀ KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC
Ủy ban nhân dân tỉnh đã bố trí, tạo điều kiện cho Đoàn công tác tiếp xúc, làm việc trực tiếp với những địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm và nhiễm HIV/AIDS như: Nguyên Bình, Phục Hòa, Hạ Lang, Trà Lĩnh, Bảo Lâm; Ban Chỉ đạo các địa phương nơi đoàn đến làm việc đều có trách nhiệm, nghiêm túc với công việc, nắm khá chắc tình hình, có nhiều chủ trương, biện pháp chủ động trong phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm như tổ chức và triển khai các câu lạc bộ đồng đẳng; giáo dục, tuyên truyền, vận động về chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, người nghiện chích ma túy… Qua đợt kiểm tra, Đoàn kiểm tra đã có dịp tiếp xúc, làm việc, trao đổi, phổ biến một số vấn đề liên quan và động viên cán bộ, nhân dân địa phương trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Tuy nhiên, Cao Bằng là tỉnh miền núi, giáp biên giới, có đông đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 95% dân số), còn rất nhiều khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế… Tỷ lệ nhiễm HIV và nghiện chích ma túy trong dân số vẫn cao hơn khoảng 1,5 lần so với bình quân chung của cả nước.
Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra xin đề nghị Chính phủ và Ủy ban Quốc gia:
- Cho phép triển khai điều trị cai nghiện bằng Methadone tại tỉnh Cao Bằng.
- Đầu tư kinh phí cải tạo và hoàn thiện cơ sở vật chất cho Trung tâm giáo dục lao động xã hội tỉnh để sớm đưa vào sử dụng.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm.
Đoàn kiểm tra xin báo cáo Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.
Nơi nhận: | TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO PC AIDS, MA TÚY, MẠI DÂM CỦA ỦY BAN DÂN TỘC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.