BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG VỀ CHÍNH SÁCH NHÀ Ở & THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 45/BC-ĐCT | Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2010 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ LÀM VIỆC VỚI 4 TỈNH: NAM ĐỊNH, HÀ NAM, HƯNG YÊN VÀ THÁI BÌNH CỦA ĐOÀN CÔNG TÁC BAN CHỈ ĐẠO TW VỀ CHÍNH SÁCH NHÀ Ở VÀ THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN
Thực hiện nhiệm vụ Kế hoạch hoạt động 6 tháng cuối năm 2010 của Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản tại Thông báo số 208/TB-VPCP ngày 22/7/2010, Đoàn công tác liên ngành của Ban Chỉ đạo được thành lập gồm đại diện các Bộ, ngành: Bộ Xây dựng (Cục Quản lý nhà & thị trường bất động sản), Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Chính sách xã hội và Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo do đ/c Trưởng Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo làm Trưởng Đoàn đã về làm việc với các tỉnh (gọi tắt là các địa phương): Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Thái Bình, kết quả như sau:
A. Nội dung chính Đoàn làm việc với 4 tỉnh:
1. Kế hoạch và kết quả hoạt động năm 2010 của Ban Chỉ đạo về nhà ở và thị trường bất động sản của tỉnh;
2. Tình hình triển khai, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
- Quyết định số: 65, 66, 67/2009/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 về nhà ở cho sinh viên, nhà ở cho công nhân các Khu công nghiệp và nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị;
- Quyết định số: 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008về chính sách hỗ trợ cho người nghèo về nhà ở.
3. Tình hình triển khai các dự án phát triển nhà, Quỹ nhà Tái định cư và kinh doanh bất động sản tại địa phương.
B. Kết quả làm việc:
I. Hoạt động của Ban Chỉ đạo về nhà ở và thị trường bất động sản của các tỉnh
Bốn tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương và do một Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng Ban. Việc thành lập Ban Chỉ đạo và có sự phân công phối hợp giữa các Sở, Ban ngành đã tạo điều kiện để cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo (Sở Xây dựng) tham mưu tốt hơn cho Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện chương trình trọng điểm về nhà ở và thị trường bất động sản tại địa phương. Do đó, thông qua Ban Chỉ đạo địa phương Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương đã tiếp nhận được nhiều ý kiến về vướng mắc của từng địa phương và kinh nghiệm thực tiễn triển khai các chương trình nhà ở trên địa bàn do Ban Chỉ đạo của tỉnh và các Sở, Ban, ngành cung cấp.
Tuy nhiên, hoạt động của các Ban Chỉ đạo địa phương chưa đồng đều, cơ quan thường trực của một số Ban Chỉ đạo địa phương chưa xây dựng được Kế hoạch hoạt động năm 2010, nên không có cơ sở để cơ quan thường trực tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh. Sự phân công trách nhiệm đối với các thành viên Ban Chỉ đạo (là các Sở, Ban, ngành) trong từng chương trình công tác chưa cụ thể, do đó khi triển khai thường bị động hoặc thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các Sở, Ban, ngành và giữa các Sở, Ban, ngành với với chính quyền cấp cơ sở . Vì vậy kết quả thực hiện một số chương trình trọng điểm về nhà ở, nhất là chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và nhà ở cho công nhân đạt kết quả chưa cao.
II. Kết quả triển khai thực hiện các Quyết định về nhà ở của Thủ tướng Chính phủ:
1, Hỗ trợ người nghèo về nhà ở theo Quyết định số: 167/2008/QĐ-TTg
1.1 Về tổ chức triển khai thực hiện của các địa phương
Căn cứ qui định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg và hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan, các địa phương đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến chính sách đến các cấp, các ngành. Các địa phương đã tổ chức bình xét, phê duyệt danh sách đối tượng hỗ trợ; đồng thời lập Đề án hỗ trợ người nghèo về nhà ở trên địa bàn theo qui định. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và vốn vay theo qui định, các địa phương đã huy động thêm nguồn vốn hỗ trợ từ cộng đồng và vận động sự tham gia đóng góp của các hộ dân.
1.2 Kết quả thực hiện
a, Về số lượng hỗ trợ:
Tính đến 30/9/2010, kết quả hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn các tỉnh như sau:
- Tỉnh Nam Định đã hỗ trợ được 1.600 hộ, đạt 27% so với tổng số hộ được duyệt theo Đề án là 5.860 hộ;
- Tỉnh Hà Namđã hỗ trợ được 772 hộ, đạt 24% so với tổng số hộ được duyệt theo Đề án là 3.211 hộ;
- Tỉnh Hưng Yên đã hỗ trợ được 91 hộ, đạt 4% so với tổng số hộ được duyệt theo Đề án là 2.169 hộ;
- Tỉnh Thái Bình đã hỗ trợ được 1.312 hộ, đạt 17% so với tổng số hộ được duyệt theo Đề án là 7.891 hộ.
b, Về chất lượng nhà ở:
Hầu hết các căn nhà đã xây dựng đều đảm bảo vượt yêu cầu về diện tích và chất lượng qui định. Nhà ở đảm bảo yêu cầu “3 cứng” là nền cứng, khung cứng và mái cứng; tuổi thọ trung bình từ 10 năm trở lên. Nhà ở có bao che kín đáo (tường xây bằng gạch, mái lợp ngói), tránh được tác động xấu của thời tiết, khí hậu. Giá thành căn nhà đa số trong khoảng từ 20 đến 28 triệu đồng. Một số căn nhà có giá thành tới 30 đến 40 triệu đồng. Kiến trúc, kiểu dáng nhà ở phù hợp với phong tục tập quán của địa phương.
1.3 Một số nhận xét đánh giá
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của địa phương, Đoàn công tác có nhận xét như sau:
Mặc dù các địa phương đã có cố gắng nhất định trong việc triển khai thực hiện chính sách nhưng nhìn chung kết quả thực hiện của các tỉnh rất chậm.
Trong quá trình triển khai thực hiện các địa phương còn gặp một số khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện như: việc bình xét đối tượng chưa chính xác và mất nhiều thời gian, việc huy động thêm nguồn hỗ trợ từ xã hội và cộng đồng còn hạn chế, nhiều người dân không muốn vay để làm nhà, nhiều hộ được bình xét hỗ trợ nhưng do vấn đề tâm linh, tín ngưỡng nên chưa triển khai làm nhà vv...Mặt khác về phía địa phương:
- Trong việc chỉ đạo của các cấp chính quyền chưa thực sự tập trung và quyết liệt;
- Việc phân công, phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc chưa cụ thể và giữa các Sở, Ban, ngành với chính quyền cơ sở (quận, huyện và phường, xã) chưa được chặt chẽ;
- Công tác đôn đốc, kiểm tra chưa liên tục. Việc hướng dẫn thực hiện của các Sở, Ban, ngành đối với các địa phương cơ sở chưa cụ thể nên các các địa phương còn lúng túng trong triển khai thực hiện. Việc xử lý, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện chưa kịp thời.
2, Nhà ở cho sinh viên theo Quyết định số: 65/2009/QĐ-TTg
2.1 Về tổ chức thực hiện:
- Tỉnh Nam định chú trọng phát triển khu ký túc xá sinh viên tập trung, trong đó đã khởi công Dự án cụm nhà ở sinh viên tập trung số 1 tại phường Lộc Vượng – thành phố Nam Định; qui mô 03 khối nhà 5 tầng và 1 khối nhà 12 tầng. Dự án cụm nhà ở sinh viên tập trung số 2 tại xã Mỹ Xá – thành phố Nam Định, gồm 03 khối nhà 8 tầng dự kiến khởi công năm 2011;
Kết quả phân bổ và giải ngân các nguồn vốn: Vốn ngân sách Trung ương đã cấp 88 tỷ đồng, đã giải ngân được 71 tỷ đồng, đạt tỷ lệ giải ngân 80%.
- Tỉnh Hà Nam đăng ký 03 dự án qui mô là các khối nhà 5 tầng, trong đó có 01 dự án nhà ở sinh viên tập trung thuộc khu vực Tây-Nam thành phố Phủ lý và 02 khu riêng lẻ (Ký túc xá của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nam và Ký túc xá của trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình).
Vốn ngân sách Trung ương cấp 87 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân được 86 tỷ đồng, đạt 99%.
- Tỉnh Hưng Yên đăng ký 03 dư án: 01 Dự án cụm nhà ở sinh viên tập trung tại phường Lam Sơn- thành phố Hưng Yên tầng cao trung bình 5 tầng, 01 dự án Ký túc xá trường Cao đẳng công nghiệp Hưng Yên tầng cao trung bình 5 tầng và dự án Ký túc xá trường Cao đẳng sư phạm Hưng Yên tầng cao trung bình 3 tầng; cả 03 dự án đều có các công trình xây xong phần thô, một vài công trình đang hoàn thiện chuẩn bị đưa vào sử dụng .
Vốn Trung ương đã cấp 122 tỷ đồng, tỉnh đã giải ngân được 104,35 tỷ đồng đạt 85,5%.
Tỉnh Thái Bình đăng ký 03 dự án, trong đó 01 Dự án nhà ở sinh viên tập trung tại khu B trường Cao đẳng Thái Bình, 01 Dự án nhà ký túc xá sinh viên Đại học Y Thái Bình và Dự án ký túc xá sinh viên trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chi nhánh phía Bắc. Hiện tại tỉnh chỉ mới triển khai thực hiện Dự án nhà ở sinh viên tập trung, hoàn thành cơ bản phần xây thô hai khối nhà 9 tầng.
Vốn Trung ương đã cấp 82 tỷ đồng, đã giải ngân 71 tỷ đồng đạt 85%; hai dự án còn còn lại đang trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện đầu tư
2.2 Một số nhận xét, đánh giá:
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của địa phương, bước đầu có một số nhận xét đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện của các địa phương như sau:
Chương trình nhà ở cho sinh viên của Chính phủ đã được chính quyền các địa phương, các ngành đón nhận nhiệt tình và triển khai khá tốt; khối lượng giải ngân của các dự án đạt từ 80% đến 99%, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương và một số Sở, ngành, cở sở giáo dục, nơi được giao làm chủ đầu tư dự án.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã bộc lộ một số vấn đề cần hoàn thiện:
- Sự phối hợp giữa các sở chuyên môn với các cơ sở đào tạo chưa chặt chẽ, thể hiện như sau:
+ Hầu hết trong báo cáo của các địa phương chưa có số lượng sinh viên đã được bố trí trong các Ký túc xá và tỷ lệ đáp ứng về chỗ ở so với năng lực thiết kế của các dự án đang triển khai;
+ Ở một vài dự án do các đơn vị đào tạo là chủ đầu tư thủ tục đầu tư triển khai chậm.
- Một số dự án chưa báo cáo về tiến độ chuẩn bị đầu tư các công trình hạ tầng đồng bộ với các khối nhà ở để đảm bảo cho việc vận hành công trình và dịch vụ sinh hoạt hàng ngày của sinh viên khi công trình đưa vào sử dụng.
- Trong quá trình thực hiện đầu tư, một số khó khăn nảy sinh như việc trượt giá vật tư nhân công; qui mô và chiều cao công trình thuộc các dự án không đồng đều nên suất đầu tư của mỗi m2 ở cũng khác nhau; một số dự án đã chuẩn bị xong mặt bằng và phê duyệt dự án nhưng vẫn chưa được cấp vốn.
3, Nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp theo Quyết định số: 66/2009/QĐ-TTg
3.1 kết quả thực hiện:
- Tỉnh Nam Định: Hiện có 01 dự án nhà ở cho công nhân ngành dệt-may của công ty TNHH Youngone (Hàn Quốc) đầu tư khu nhà 03 tầng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2011. Để đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân, tỉnh đã có kế hoạch dành quĩ đất khoảng 66 ha xây dựng khu nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp tập trung và 7,4 ha đất cho các cụm công nghiệp địa phương.
- Tỉnh Hà Nam: hiên nay trên địa bàn tỉnh chưa có dự án nhà ở cho công nhân được khởi công, tỉnh đã qui hoạch 02 khu dành để xây nhà ở cho công nhân: phía Bắc thị trấn Đồng Văn 4,23ha, khu vực Tây - Nam thành phố Phủ lý thuộc phường Lê Hồng Phong diện tích khoảng 2ha.
- Tỉnh Hưng Yên: đang triển khai qui hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 ha khu để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư xây nhà ở cho công nhân:
+ Khu nhà ở công nhân thuộc huyện Kim Động diện tích khoảng 20ha;
+ Khu nhà ở thương mại kết hợp với nhà ở công nhân, diện tích 40ha;
+ Khu nhà ở công nhân (khu CN Thăng Long II) thuộc huyện Mỹ Hào, diện tích 30 ha do tổ chức JICA đang nghiên cứu.
- Tỉnh Thái Bình: tỉnh chưa có chủ trương qui hoạch khu nhà ở công nhân tập trung, hiện có hai đơn vị là Công ty Thức ăn gia súc thuộc Khu công nghiệp thành phố Thái Bình và Công ty Thành An tại Khu công nghiệp huyện Tiền Hải đề xuất qui hoạch địa điểm xây dựng nhà ở cho công nhân.
3.2 Một số nhận xét đánh giá
Chương trình xây dựng nhà ở cho công nhân là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm tạo lập quĩ nhà cho công nhân thuê hoặc thuê mua, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của công nhân đang làm việc trong các khu công nghiệp tập trung, đảm bảo an sinh xã hội. Về chính sách tạo lập quĩ nhà ở công nhân tập trung ưu tiên xây dựng các khu nhà ở tập trung có đầy đủ các công trình hạ tầng, công trình dịch vụ trên cơ sở kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư với sự ưu đãi của nhà nước về thuế, về mặt bằng, tiền sử dụng đất và có thể xem xét hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật trong khuôn viên.
Đến thời điểm 15/10/2010trong bốn tỉnh chỉ có 01 dự án thuộc tỉnh NamĐịnh được triển khai, các địa phương còn lại chỉ dừng ở khâu qui hoạch hoặc chuẩn bị mặt bằng. Nguyên nhân việc chậm triển khai quĩ nhà này tại các tỉnh nêu trên có nhiều, nhưng tập trung chủ yếu vào các yếu tố sau:
- Về việc hiểu nội dung tinh thần của Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg và các văn bản pháp luật khác có liên quan, chế độ ưu đãi của Nhà nước đối với chính sách phát triển nhà ở công nhân tại các địa phương chưa sâu sắc;
- Đa số các tỉnh chưa có báo cáo về nhu cầu chỗ ở của công nhân tại các Khu công nghiệp và số lượng công nhân hiện tại đã có chỗ ở. Vì vậy Đoàn công tác đề nghị các tỉnh cần kết hợp giữa qui hoạch khu công nghiệp với khu nhà ở cho công nhân theo hướng tập trung để tạo lên các khu đô thị công nhân.
- Việc chỉ đạo của chính quyền địa phương đối với các cấp các ngành trong việc khảo sát, thống kê nhu cầu nhà ở của công nhân và tuyên truyền mời gọi các nhà đầu tư tham gia tạo lập quĩ nhà ở cho công nhân cần được quan tâm đúng mức.
4, Nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị theo Quyết định số: 67/2009/QĐ-TTg
4.1 Kết quả thực hiện:
Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của các địa phương, kết quả như sau:
- Ba tỉnh: NamĐịnh, Hưng Yên, Thái Bình đang tổ chức qui hoạch mặt bằng và kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhà ở cho người thu nhập thấp tại các đô thị lớn của địa phương. Riêng tỉnh Hà Nam có 01 dự án, qui mô 18 tầng với 20.867 m2 sàn xây dựng do Công ty trách nhiệm hữu hạn Tiến Lộc là chủ đầu tư tại thành phố Phủ Lý, hiện công trình đã xây dựng xong phần móng.
4.2 Phần đánh giá nhận xét:
- Về yếu tố khách quan: các tỉnh Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình thị trường bất động sản không sôi động, mặt bằng giá đất, giá nhà không cao như ở Hà Nội hoặc các tỉnh giáp ranh xung quanh Hà Nội. Do đó các doanh nghiệp chưa “ mặn mà” đầu tư nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp ở các tỉnh trên;
- Về yếu tố chủ quan:
+ Tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng của loại hình nhà này để phục vụ các vấn đề an sinh xã hội hoặc để di dân phục vụ các mục tiêu kinh tế tại địa phương.
+ Công tác tuyên truyền, quảng cáo và tiếp thị đầu tư chưa được quan tâm đúng mức.
5. Tình hình triển khai các dự án nhà ở thương mại, kinh doanh bất động sản và chuẩn bị Quỹ nhà tái định cư của địa phương
5.1 Tình hình triển khai các dự án nhà thương mại, kinh doanh bất động sản:
a, Kết quả thực hiện:
* Tỉnh Nam Định: thành phố Nam Định có 03 dự án Khu đô thị mới ( khu Hòa Vượng 55,4 ha; khu Mỹ Trung 179,8ha; khu Thống Nhất 63,9 ha ) chủ yếu là nhà liền kề thấp tầng hoặc biệt thự, chưa phát triển nhà chung cư cao tầng. Trong 3 dự án trên chỉ có dự án Hòa Vương đã có nhà để bán, 2 dự án còn lại đang triển khai, nhưng nhìn chung khả năng tiêu thụ các loại hình nhà ở chậm, chưa có sàn giao dịch bất động sản đạt chuẩn được cấp phép theo qui định.
* Tỉnh Hà Nam: hiện đang triển khai 03 dự án:
- Dự án đô thị Đông Sông Đáy, diện tích đất 8,89 ha;
- Dự án khu đô thị Tây Sông Đáy, diện tích đất 9,28 ha;
- Dự án khu đô thị 194, diện tích đất 178 ha;
Nhìn chung tình hình tiêu thụ nhà ở thương mại chậm, do cung cầu không căng thẳng. Hiện Hà Nam cũng chưa có sàn giao dịch bât động sản đạt chuẩn được cấp phép.
* Tỉnh Hưng Yên: Toàn tỉnh có 26 dư án với diện tích đất là 2200,7 ha nằm rải rác ở thành phố Hưng Yên và các huyện phía Bắc và Đông – Bắc thành phố. Đa số các dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư hoặc đang giải phóng mặt bằng;
- Tình hình tiêu thụ nhà ở thương mại hiện nay chưa sôi động, các loại nhà ở được giao dịch nhiều chủ yếu là nhà liền kề thấp tầng hoặc đất đấu giá. Trên địa bàn tỉnh chưa có sàn giao dịch bất động sản đạt chuẩn được cấp phép.
* Tỉnh Thái Bình: có 12 dự án khu đô thị, trong đó 6 dự án tại thành phố Thái Bình với diện tích chiếm đất 39,4 ha, 6 dự án còn lại nằm rải rác ở các thị trấn thuộc các huyện. Tình hình giao dịch trên địa bàn thành phố khá trầm lắng do nhu cung cầu về nhà ở không căng thẳng nên 3 năm trở lại đây chưa có dự án mới nào được phê duyệt. Tỉnh đã cấp phép cho 1 sàn giao dịch bất động sản nhưng chưa hoạt động.
b, Phần đánh giá nhận xét:
Trong thời gian qua chính quyền các tỉnh đã quan tâm, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án phát triển nhà ở thương mại, đấu giá quyền sử dụng đất để tăng thu cho ngân sách địa phương và tạo vốn để xây dựng các công trình hạ tầng, cải thiện bộ mặt đô thị và nâng cao đời sống người dân đô thị.
Trong quá trình triển khai các địa phương còn gặp một số khó khăn về chế độ đền bù giải phóng mặt bằng, về khả năng thu hút các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư do thị trường bất động sản chưa phát triển, loại hình bất động sản chưa phong phú và sức hấp thụ nhà ở thương maị không cao.
5.2 Về phát triển Quỹ nhà tái định cư
a, Kết quả thực hiện:
* Tỉnh Nam Định có 7 khu tái định với tổng diện tích đất 86 ha, trong đó diện tích đất ở là 23 ha được triển khai từ 2005, đến nay các khu đều đã xây dựng xong hệ thống hạ tầng kỹ thuật và bố trí dân vào ở;
* Tỉnh Hà Nam và tỉnh Thái Bình đến thời điểm hiện tại chưa có Quỹ nhà Tái định cư, khu tái định cư chỉ hình thành sau khi có dự án cụ thể cần di dời các hộ dân để giải phóng mặt bằng.
* Tỉnh Hưng Yên hiện cũng chưa có Quỹ nhà đất tái định cư. Tuy nhiên, hiện tỉnh đã qui hoạch một số khu vận dụng chính sách đổi đất lấy hạ tầng để hình thành quĩ đất có hạ tầng phục vụ cho công tác di dân giải phóng mặt bằng.
b, Phần đánh giá nhận xét:
- Ba tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình có 3 thành phố trực thuộc tỉnh (TP Phủ Lý, TP Hưng Yên, TP Thái Bình); các đô thị này đều mới được mở rộng và chỉnh trang lại trong những thập niên gần đây nên khối lượng các khu phố cũ, khu nhà tập thể xuống cấp còn lại không đáng kể nên không bị sức ép về nhà ở tái định cư. Riêng thành phố Nam Định được xây dựng từ thời Pháp thuộc nên nhà cửa và hạ tầng đô thị đã bị xuống cấp, các khu tập thể được xây dựng từ những năm 1975 có hệ thống hạ tầng kỹ thuật vừa lạc hậu vừa hư hỏng nặng. Trong quá trình mở mang, qui hoạch lại các khu dân cư, thành phố Nam Định cần nhiều nhà tái định cư hơn 3 tỉnh còn lại. Do đó chính quyền tỉnh và thành phố đã tập trung chỉ đạo và có được khối lượng nhà, đất nhà tái định cư nhiều hơn 03 tỉnh: Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình;
- Khi thành phố mở rộng, các tỉnh cũng cần tính đến việc thống kê nhu cầu cần di dời và bố trí tái định cư của địa phương; trên cơ sở đó sớm chuẩn bị quĩ đất dành cho nhà tái định cư phục vụ phát triển đô thị, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020.
6. tình hình bán nhà theo Nghị định số 61/CP
Nhìn chung khối lượng nhà cần bán theo Nghị định 61/CP tại 4 tỉnh không còn nhiều. Đa số các tỉnh theo báo cáo sẽ kết thúc việc bán nhà trong năm 2010. Riêng tỉnh Thái Bình có vướng mắc tại một vại khu tập thể cơ quan, trước đây do các cơ quan đã tự tổ chức hóa giá nhà cho cán bộ viên chức không theo qui định của Nghị định số 61/CP. Về việc này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị chuyên ngành rà soát lại qui trình, tổ chức tham vấn các địa phương khác để vận dụng chính sách giải quyết dứt điểm quĩ nhà tồn đọng.
Qua đợt kiểm tra và làm việc tại các địa phương trên, các thành viên trong Đoàn công tác liên ngành cùng Ban Chỉ đạo về nhà ở và thị trường bất động sản các tỉnh đều thống nhất:
- Cơ chế chính sách về nhà ở của chính phủ được ban hành kịp thời, nhận được sự đón nhận nhiệt tình của nhân dân và chính quyền các địa phương, thể hiện sự chăm lo và nâng cao chất lương cuộc sống cho các đối tượng được thụ hưởng chính sách.
- Thông qua đợt kiểm tra, Đoàn công tác nắm bắt thêm về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình nhà ở và thị trường bất động sản tại các địa phương.
- Đoàn công tác đã giúp cho Ban Chỉ đạo các tỉnh hiểu rõ hơn về nội dung các chính sách, phổ biến kinh nghiệm triển khai thực hiện ở các địa phương khác;
- Các tỉnh đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương làm việc thường xuyên để giúp Ban Chỉ đạo địa phương trong việc triển khai, thực hiện các chương trình trọng điểm về nhà ở của Chính phủ.
Trên đây là kết quả của Đoàn công tác liên ngành trong thời gian làm việc với Ban Chỉ đạo về nhà ở và thị trường bất động sản của các tỉnh: NamĐịnh, Hà Nam, Hưng Yên, Thái Bình.
Đoàn công tác tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo và Bộ Xây dựng – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản.
Nơi nhận: | TL. TRƯỞNG BAN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.