VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1725/BC-VPCP | Hà Nội, ngày 20 tháng 02 năm 2018 |
BÁO CÁO
TỔNG HỢP TÌNH HÌNH TẾT NGUYÊN ĐÁN MẬU TUẤT 2018
Văn phòng Chính phủ trân trọng báo cáo tình hình nổi bật dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 (từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 05 Tết) như sau:
1. Công tác chỉ đạo
Công tác chuẩn bị phục vụ nhân dân đón Tết được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm. Đồng thời với việc triển khai Chỉ thị của Ban Bí thư1, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 01 Chỉ thị2, 01 Công điện3, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phục vụ nhân dân đón Tết. Trước tình hình tai nạn giao thông diễn biến phức tạp trong 5 ngày nghỉ Tết, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia ban hành Công điện4 chỉ đạo tăng cường các giải pháp bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn trong các ngày cuối kỳ nghỉ Tết và mùa lễ hội Xuân 2018.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tổ chức chăm lo chu đáo, phục vụ nhân dân đón Tết cổ truyền trong không khí đầm ấm, vui tươi, phấn khởi và an toàn.
Trước, trong và sau Tết, các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, mặt trận, đoàn thể đã đi kiểm tra tại một số địa bàn trọng điểm, làm việc với một số địa phương; thăm hỏi, tặng quà, động viên, chúc Tết người có công, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trực Tết.
2. Tình hình tổ chức Tết cho Nhân dân
a) Tình hình hàng hóa, giá cả thị trường
Hàng hóa phục vụ Tết phong phú, chất lượng bảo đảm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, nhất là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão, lũ; không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu hàng hóa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các quy định về quản lý giá, thuế, phí và đăng ký giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết đối với những mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân; tổ chức phân phối lưu thông thông suốt hàng hóa, đẩy mạnh đưa hàng Việt về nông thôn. Giá cả thị trường cơ bản ổn định, không có biến động bất thường, mức độ tăng thấp hơn Tết năm trước, do nguồn cung hàng hóa dồi dào và người dân không có tâm lý mua tích trữ. Sức mua Tết Mậu Tuất 2018 tăng từ 12%-15% so với ngày thường và tăng 10% so với Tết Đinh Dậu 2017.
Trong dịp Tết, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân và doanh nghiệp; hoạt động ATM trong những ngày trước và trong dịp Tết được bảo đảm.
b) Tình hình thực hiện các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội
Trong dịp Tết, các cấp, các ngành, đoàn thể và doanh nghiệp đã tổ chức thăm hỏi, động viên, chúc Tết các bậc lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách, nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo tiêu biểu, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới, biển đảo... bảo đảm Tết đến với mọi người và mọi nhà.
Các địa phương đã tổ chức chuyển quà tặng Tết của Chủ tịch nước cho các đối tượng chính sách với tổng kinh phí hơn 386 tỷ đồng đến gần 1,9 triệu đối tượng người có công; chuyển cấp phát gần 12.000 tấn gạo dịp Tết Nguyên đán theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; bố trí kinh phí địa phương hỗ trợ khoảng trên 2.852 tỷ đồng với 4,7 triệu suất quà cho đối tượng chính sách ưu đãi người có công, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, công nhân viên chức lao động đã nghỉ hưu, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm trên cả nước đã có nhiều hoạt động thiết thực tổ chức Tết cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các đối tượng bảo trợ xã hội, đặc biệt là người nghèo với tổng số tiền khoảng 627,8 tỷ đồng. Trong đó có một số địa phương có nguồn vận động xã hội hóa cao như: Hà Nội, Cần Thơ, Bến Tre, TP. Hồ Chí Minh.
c) Hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch và thông tin, tuyên truyền
Nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, mừng Đảng, mừng Xuân Mậu Tuất 2018 được tổ chức thiết thực, phù hợp với văn hóa truyền thống và phong tục tập quán của dân tộc, tạo không khí vui tươi, phấn khởi và tin tưởng của nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài.
Công tác thông tin, tuyên truyền được tăng cường, thông tin kịp thời, phản ánh không khí vui Xuân, đón Tết của Nhân dân trên mọi vùng miền của đất nước, đặc biệt là không khí đón Tết vui Xuân của đồng bào miền núi, vùng dân tộc thiểu số, chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo và đồng bào ta ở nước ngoài.
Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài kịp thời giải quyết thủ tục, tạo điều kiện để kiều bào và khách du lịch về Việt Nam đón Tết; tổ chức nhiều hoạt động đón Tết với bà con Việt kiều chu đáo, thân tình, góp phần giúp cộng đồng hiểu rõ thêm tình hình trong nước và gắn bó, cùng chung tay xây dựng quê hương đất nước.
Các hoạt động du lịch được triển khai chủ động, chu đáo, đáp ứng nhu cầu du lịch tăng cao của khách du lịch quốc tế và trong nước. Điểm đến Việt Nam ngày càng được nhiều hãng thông tấn, báo chí quốc tế đưa tin. Trên cả nước, trong dịp Tết Nguyên đán 2018 không xảy ra sự cố gây hậu quả nghiêm trọng trong hoạt động du lịch. Các khu vực trọng điểm du lịch, lượng khách du lịch tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm 2017 như: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, thành phố Hồ Chí Minh.
d) Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân
Các cơ sở y tế trên cả nước tổ chức thường trực 04 cấp, chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư, thực hiện khám chữa bệnh phục vụ Nhân dân 24/24. Trong 6 ngày Tết Nguyên đán 2018 đã khám, cấp cứu cho 218.131 trường hợp, nhập viện điều trị nội trú 142.942 trường hợp, chuyển viện 12.190 trường hợp, thực hiện 14.079 ca phẫu thuật; trong đó, có 197 trường hợp đến khám, cấp cứu do pháo nổ, tăng 28,4% so với 141 ca trong 6 ngày Tết Nguyên đán 2017; 4.184 trường hợp khám, cấp cứu do đánh nhau, giảm 19,2% so với 6 ngày Tết 2017, nhưng số ca phải nhập viện điều trị nội trú là 2.773 trường hợp, tăng 14,6 so với 6 ngày Tết 2017, có 559 trường hợp phải chuyển viện tuyến trên. Có 13 trường hợp tử vong, giảm một nửa so với 27 ca trong 6 ngày Tết Nguyên đán 2017.
Trong dịp Tết, trên cả nước không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm và trường hợp tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, các bữa tiệc đông người. Tình hình dịch bệnh không có diễn biến bất thường; không xảy ra bệnh dịch nguy hiểm, không phát sinh ổ dịch.
3. Tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh
Trong dịp nghỉ Tết, nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì, nhất là trên các công trình trọng điểm, các đơn vị sản xuất thuộc lĩnh vực khai khoáng, luyện kim, năng lượng.
Tình hình cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia được bảo đảm, không xảy ra sự cố lớn về nguồn và lưới điện, không phải thực hiện cắt giảm điện. Công tác bảo đảm an toàn, chế độ trực tại các đơn vị sản xuất kinh doanh được thực hiện nghiêm túc. Không có sự cố, tai nạn lao động nghiêm trọng; không xảy ra đình công, khiếu kiện tập thể.
Từ ngày mùng 3 Tết, nhân dân nhiều địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi đã tổ chức sản xuất, canh tác theo thời vụ. Nhiều địa phương tổ chức nghi lễ xuống đồng, mở biển.
4. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội
Trong các ngày Tết, các lực lượng vũ trang tổ chức trực ban, trực chiến và ứng trực nghiêm túc, bảo vệ tuyệt đối an toàn các khu vực, địa bàn và mục tiêu trọng yếu. An ninh biên giới, lãnh thổ được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên cả nước được bảo đảm, không xảy ra khủng bố, phá hoại, không xảy ra các vụ việc mang tính chất nghiêm trọng, các tầng lớp Nhân dân vui Tết và đón Xuân bình yên, an ninh và an toàn.
Đêm Giao thừa có 59 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bắn pháo hoa đón Xuân Mậu Tuất 2018, bảo đảm an toàn tuyệt đối (có 04 tỉnh không bắn pháo hoa, gồm: Tuyên Quang, Nam Định, Khánh Hòa, Nghệ An).
5. Tình hình trật tự an toàn giao thông
Trong 7 ngày nghỉ Tết Mậu Tuất 2018, toàn quốc xảy ra 218 vụ tai nạn giao thông, làm chết 195 người, bị thương 199 người. Giảm: 150 vụ (41%), 08 người chết (04%), 218 người bị thương (52%) so với dịp Tết 2017. Trong đó, xảy ra 01 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại ấp Hà Phúc Ứng, xã Biển Bạch, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, làm chết 03 người, bị thương 01 người; không xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách; ít xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tại các đầu mối giao thông chính.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tổng số khám, cấp cứu do tai nạn giao thông là 37.376 trường hợp, không tăng so với 6 ngày Tết 2017 (chưa loại trừ số liệu trùng lặp do các trường hợp chuyển tuyến 1 trường hợp đến khám tại nhiều bệnh viện). Tuy nhiên, số lượt nhập viện điều trị nội trú là 12.630 trường hợp tăng 12,8% so với 6 ngày Tết 2017, tăng cao trong các ngày mùng 3 và mùng 4 Tết; xử trí và cho về trong ngày là 22.333 trường hợp, chuyển tuyến trên điều trị 2.962 trường hợp. Tổng số trường hợp tử vong do tai nạn giao thông (bao gồm cả tử vong trước khi đến bệnh viện) là 168 trường hợp, giảm nhẹ so với 175 trường hợp trong 6 ngày Tết 2017.
6. Về thực hiện chế độ trực Tết và thông tin báo cáo
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp đã tổ chức trực Tết, trực sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ cơ quan, trụ sở bảo đảm tuyệt đối an toàn, giữ gìn tốt an ninh trật tự; tổ chức theo dõi, nắm tình hình, kịp thời xử lý, giải quyết công việc phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ, thực hiện tốt chế độ thông tin báo cáo. Ghi nhận chế độ trực và báo cáo nghiêm túc của các Bộ, cơ quan, địa phương trong suốt dịp Tết, nhất là các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, Thông tấn xã Việt Nam và UBND các tỉnh, thành phố lớn.
7. Đánh giá và kiến nghị
Công tác tổ chức cho nhân dân vui Xuân, đón Tết Mậu Tuất 2018
Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm. Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, gia đình chính sách, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng bị thiên tai, bão, lũ... được triển khai kịp thời, thiết thực. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân chung tay chia sẻ, giúp đỡ người nghèo, người bệnh, người gặp khó khăn vui Xuân, đón Tết. Thị trường hàng hóa, giá cả tương đối ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Công tác thông tin, tuyên truyền, văn hóa, nghệ thuật, thể thao, du lịch diễn ra sôi nổi, phong phú, tạo khí thế vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân. Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được quan tâm thực hiện tốt. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Các cơ quan, đơn vị, cơ sở y tế, lực lượng vũ trang, công nhân làm việc tại các công trình trọng điểm trên cả nước đã tổ chức trực, giải quyết kịp thời, thông suốt công việc.
Trong những ngày Tết, tai nạn giao thông tuy giảm cả ba tiêu chí so với Tết năm trước nhưng tình trạng vi phạm quy định an toàn giao thông diễn ra còn nhiều, còn xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; tình trạng vi phạm trật tự an toàn xã hội do lạm dụng rượu bia còn xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là ở khu vực ngoại thành và vùng nông thôn; tai nạn cháy nổ tăng so với dịp Tết 2017 (tăng 12 vụ); việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, khu du lịch có nơi còn chưa nghiêm.
Đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết. Đề cao trách nhiệm, nêu cao quyết tâm, phấn đấu ngay từ những ngày đầu năm mới, quán triệt chủ đề hành động năm 2018 của Chính phủ: "Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả", tập trung thực hiện nghiêm túc và có kết quả các nhiệm vụ, công việc theo mục tiêu, chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của Nhân dân. Tuyệt đối không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, không tổ chức liên hoan ảnh hưởng đến thời gian và hiệu quả làm việc.
Văn phòng Chính phủ đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện về đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
1 Chỉ thị số 16-CT/TW ngày 22/12/2017 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2018;
2 Chỉ thị số 48/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, bảo đảm trật tự an toàn xã hội dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018;
3 Công điện số 1882/CĐ-TTg ngày 08/12/2017 về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018.
4 Công điện số 06/CĐ-UBATGTQG.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.