ỦY BAN DÂN TỘC | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 107/BC-UBDT | Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2013 |
BÁO CÁO
KẾT QUẢ KIỂM TRA CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG HIV/AIDS VÀ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MA TÚY, MẠI DÂM TẠI TỈNH BÌNH PHƯỚC
Thực hiện Công văn số 7007/VPCP-KGVX ngày 21/8/2013 của Văn phòng Chính phủ về việc kiểm tra công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đợt II năm 2013; Kế hoạch hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm năm 2013 và Hợp đồng trách nhiệm với Cục phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế; Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo kết quả kiểm tra, nắm tình hình hoạt động phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại tỉnh Bình Phước như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI CÔNG TÁC KIỂM TRA:
Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của Ủy ban Dân tộc đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành về công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại tỉnh Bình Phước; có Công văn số 1005/UBDT-VP ngày 11/10/2013 nêu rõ nội dung, phương pháp và dự kiến lịch làm việc gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đề nghị chuẩn bị và phối hợp thực hiện, cụ thể:
1. Thành phần Đoàn kiểm tra gồm:
Ủy ban Dân tộc, đại diện Bộ Y tế, đại diện Bộ Công an, đại diện Văn phòng Chính phủ.
2. Nội dung kiểm tra:
2.1. Kiểm tra, nắm tình hình công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; thực trạng tệ nạn ma túy, mại dâm và tình hình lây nhiễm HIV ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bình Phước (có số liệu cụ thể so với các năm trước).
2.2. Kiểm tra, nắm tình hình công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, huyện, xã, phường về phòng, chống ma túy, mại dâm và lây nhiễm HIV tại tỉnh; trách nhiệm quản lý địa bàn, người đứng đầu trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
2.3. Nội dung lồng ghép:
Kiểm tra công tác dân tộc và việc thực hiện chính sách dân tộc của tỉnh; thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015.
3. Phương pháp kiểm tra:
Đoàn kiểm tra nghe UBND và Ban Chỉ đạo của tỉnh, huyện, xã (phường) báo cáo kết quả thực hiện công tác phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm; tình hình thực hiện Quyết định 2472/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và tình hình thực hiện chính sách dân tộc; trực tiếp kiểm tra và làm việc với 01 huyện, 01 xã (hoặc phường) do UBND tỉnh bố trí.
4. Thời gian kiểm tra: Từ ngày 29/10/2013 - 31/10/2013.
Đoàn kiểm tra đã làm việc với Ban Chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh; đi kiểm tra thực tế tại xã Thuận Lợi; làm việc với UBND và Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
II. KẾT QUẢ KIỂM TRA:
1. Công tác tổ chức, chỉ đạo điều hành:
Qua báo cáo của tỉnh Bình Phước cho thấy, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương đã nhận thức đúng tầm quan trọng của phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, trật tự an toàn xã hội với việc giữ gìn đạo đức, lối sống, sức khỏe con người, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Công an tỉnh tham mưu ban hành Quyết định kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ thành 01 Ban Chỉ đạo để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được tốt hơn. Trong năm, công tác chỉ đạo của tỉnh đã ban hành được nhiều văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, qua đó, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc; cụ thể:
- Công văn số 4562/UBND-NC ngày 25/12/2012 huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, tổ chức, đoàn thể trong việc tham gia tấn công trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội đảm bảo ANTT trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý tỵ năm 2013;
- Công văn số 1732/UBND-NC ngày 30/5/2013 chỉ đạo ra quân thực hiện tháng cao điểm phòng chống ma túy (tháng 6/2013);
- Công văn số 2390/UBND-VX ngày 24/7/2013 chỉ đạo tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tệ nạn mại dâm; cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy...
Ủy ban nhân dân tỉnh đã cụ thể hóa các văn bản pháp luật, hướng dẫn chỉ đạo của Trung ương, nhất là Chỉ thị 21 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và các chương trình mục tiêu quốc gia: "Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030", Chương trình Mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012-2015; Chương trình hành động phòng, chống mại dâm giai đoạn 2011-2015 để chỉ đạo, hướng dẫn các cấp tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm trên toàn tỉnh qua đó, các đơn vị, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc.
2. Công tác tuyên truyền, vận động:
Tỉnh Bình Phước đã chú trọng chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm bằng nhiều hình thức như: tờ rơi, pa nô, áp phích, băng rôn, tranh cổ động, các phương tiện thông tin đại chúng, phối hợp với Đài Truyền thanh và Truyền hình các cấp xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình 07/CTrPH-CAT-STTTT-ĐPTTTH-BBP ngày 11/4/2012 về phối hợp tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 48-CT/TW, Nghị quyết 09/NQ-CP , chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc giai đoạn 2012-2015. Củng cố và nhân rộng các điển hình tiên tiến; xây dựng và phát triển các mô hình ấp không có tội phạm hoặc có tội phạm nhưng kịp thời phát hiện xử lý; phát động nhân dân giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng.
3. Công tác phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm:
3.1. Tình hình lây nhiễm HIV/AIDS:
Tính đến hết 30/9/2013, số người nhiễm HIV còn sống là 1.447 người; số bệnh nhân AIDS còn sống là 478 người. 10/10 huyện, thị xã và 107/111 xã, phường, thị trấn có người nhiễm HIV, tập trung chủ yếu trong nhóm tuổi 30-39, tỷ lệ nữ nhiễm HIV có gia tăng trong các năm gần đây. Dịch HIV/AIDS có xu hướng gia tăng tại các huyện, khu vực vùng sâu, vùng xa như Bù Gia Mập, Đồng Phú...
3.2. Tệ nạn ma túy:
Năm 2013, tình hình tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh không phải là trọng điểm, song vẫn diễn biến phức tạp, tính chất hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đã xuất hiện tình trạng phụ nữ đi Campuchia đánh bạc bị thua hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn bị dụ dỗ, lôi kéo tham gia vào đường dây vận chuyển ma túy thuê cho các đối tượng người da đen gốc Châu Phi. Đầu năm 2013, tỉnh đã phối hợp với công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, triệt phá một đường dây mua bán ma túy và thu giữ hơn 1,2 kg hêroin. Toàn tỉnh có 1.178 người nghiện ma túy, trong đó số người nghiện ma túy đang ở ngoài xã hội là 920; ở trung tâm cai nghiện là 200, đang trong trại tạm giam, nhà tạm giữ là 58. Hiện nay tại tỉnh Bình Phước đang phổ biến việc sử dụng cần sa, ma túy tổng hợp, tiêm chích heroin, hàng đá, hút cần sa trong lứa tuổi thanh niên trên địa bàn tỉnh.
Việc tái trồng cây có chứa chất ma túy tại tỉnh không nhiều, chỉ một số ít cá biệt, cụ thể từ đầu năm đến nay đã phát hiện 06 vụ với 06 đối tượng trồng cần sa, thu giữ, tiêu hủy 124,28g cần sa khô; 89,14kg cần sa tươi; 169 cây cần sa; 08 gói cần sa.
Theo thống kê, năm 2013 trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nghiện ma túy (có danh sách và hồ sơ quản lý) là 81 người, chiếm 6,8% (S'tiêng: 04; Tày: 44; Nùng: 23; Dân tộc khác: 10).
3.3. Tình hình mại dâm:
Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Phước có 845 cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh hoạt động mại dâm. Từ đầu năm đến nay lực lượng công an tỉnh triệt phá 13 vụ, bắt 77 đối tượng, đã khởi tố 12 vụ và 14 đối tượng, xử lý hành chính 63 đối tượng. Toàn tỉnh đã xử phạt hành chính 73 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt là 742.350.000đ và thu giữ 22.000 đĩa VCD, 07 bức tranh có nội dung khiêu dâm, rút giấy phép kinh doanh của 01 cơ sở, tước giấy phép kinh doanh không thời hạn 34 cơ sở.
Qua theo dõi chưa phát hiện người bán dâm là người dân tộc thiểu số.
4. Quản lý và sử dụng kinh phí:
Trên cơ sở nguồn kinh phí được giao hàng năm và căn cứ vào đặc điểm tình hình địa bàn, tính chất nhiệm vụ của từng địa phương Ban Chỉ đạo của tỉnh có kế hoạch phân bổ, cấp phát và sử dụng nguồn kinh phí theo đúng quy định của Luật Ngân sách, các Thông tư hướng dẫn chế độ quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS.
Các nguồn kinh phí được sử dụng hiệu quả trực tiếp phục vụ các hoạt động về phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm như: tuyên truyền, tư vấn, can thiệp giảm tác hại, phục hồi sức khỏe, cai nghiện và tái hòa nhập cộng đồng... Do nguồn kinh phí còn hạn chế, trong khi nhu cầu lớn nên chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.
5. Một số khó khăn:
- Đội ngũ cán bộ chủ yếu là kiêm nhiệm nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện để phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm thiếu thốn nhiều, kinh phí bố trí hàng năm hạn chế và phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách Trung ương nên ảnh hưởng đến công tác này.
- Công tác giáo dục, tuyên truyền tuy đã có chuyển biến nhưng còn nặng về hình thức, chưa chú trọng đến nội dung và hiệu quả, chưa được thường xuyên, liên tục. Nhận thức của đồng bào dân tộc trên địa bàn về HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm chưa đồng đều, tính bền vững không cao vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV/AIDS.
- Việc mở rộng điều trị ARV trong trại giam còn chậm. Tỷ lệ bệnh nhân đến điều trị muộn, tỷ lệ phụ nữ mang thai phát hiện nhiễm HIV trong giai đoạn chuyển dạ chiếm khoảng 90% làm giảm hiệu quả điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; chưa triển khai được chương trình bơm kim tiêm sạch và chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng chất thay thế.
- Tội phạm về ma túy có diễn biến phức tạp, công tác giáo dục, quản lý người nghiện ma túy tại các trung tâm của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Công tác phối hợp quản lý sau cai tại cộng đồng và gia đình thiếu cơ chế quản lý, giám sát. Tỷ lệ tái nghiện vẫn còn ở mức cao, công tác dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện, người bán dâm còn lúng túng chưa được quan tâm đúng mức do khó khăn về kinh phí. Theo quy định, người bán dâm không bị áp dụng biện pháp đưa vào Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội chữa bệnh bắt buộc mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính, do đó không có đủ sức răn đe, ngăn chặn, do vậy tình hình mại dâm diễn biến phức tạp, công khai, rộng khắp hơn trước, đặc biệt là các địa bàn giáp ranh. Các đối tượng bán dâm thường ở nơi khác đến, không có nơi cư trú nhất định nên việc giáo dục, quản lý đối tượng này gặp nhiều khó khăn.
6. Đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm của tỉnh Bình Phước:
- Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ tuyên truyền viên, cộng tác viên các cấp, công tác truyền thông được lồng ghép, chú trọng vùng sâu, vùng xa; tuyên truyền bằng các thứ tiếng dân tộc, phù hợp trên địa bàn qua đó đã nâng cao được nhận thức của đồng bào các dân tộc.
- Công tác truyền thông thay đổi hành vi được quan tâm, chỉ đạo và triển khai đồng bộ với sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Hình thức hoạt động khá phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng.
- Xây dựng và phát triển các mô hình điểm có hiệu quả (mô hình tự quản), các điển hình tiên tiến, phát động nhân dân phát hiện, giúp đỡ người sau cai nghiện sớm hòa nhập cộng đồng, các đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn được tổ chức cai nghiện tại trung tâm và cộng đồng; xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa.
- Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, ma túy được triển khai đồng bộ. Thường xuyên kiểm tra, phát hiện, triệt phá các vụ buôn bán ma túy góp phần phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng ngừa và đấu tranh đối với tội phạm và tệ nạn ma túy.
Kết quả cụ thể:
- Về ma túy, mại dâm: Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh hiện nay đang quản lý 319 học viên. Năm 2013 tiếp nhận 156 học viên; đã tổ chức giáo dục cho 10.824 lượt học viên; dạy văn hóa cho 23 học viên; giáo dục nhóm cho 212 học viên; giáo dục cá biệt cho 235 học viên; điều trị cắt cơn cho 156 lượt học viên; tầm soát bệnh lao cho 06 học viên; điều trị ARV cho 52 học viên; xét nghiệm CD4 cho 21 học viên.
- Về HIV/AIDS: Đã truyền thông trực tiếp thay đổi hành vi 83.817 lượt người. Chương trình phát bao cao su miễn phí triển khai trên 10/10 huyện, thị xã và phát 30.445 bao cao su. Tỉnh đang chuẩn bị các điều kiện để triển khai việc điều trị cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone vào năm 2014. Toàn tỉnh có 03 phòng điều trị HIV/AIDS, có 335 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) theo phác đồ bậc 1. Tỉnh không có máy đếm CD4 nên các mẫu bệnh phẩm phải chuyển đi Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh và năm 2013 đã xét nghiệm 322 mẫu. Đã có 05 trường hợp bị phơi nhiễm được tư vấn và điều trị. Với 5 điểm cung cấp dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đã xét nghiệm cho phụ nữ mang thai lồng ghép với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản; đã xét nghiệm sàng lọc HIV cho 10.533 phụ nữ mang thai và phát hiện 12 phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV. Đảm bảo 100% các bà mẹ được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Toàn tỉnh có 2/11 phòng tư vấn xét nghiệm HIV đạt chuẩn của Bộ Y tế.
Tuy nhiên sự phối hợp giữa các ngành và các cấp, giữa chính quyền và các đoàn thể, quần chúng chưa thật sự thường xuyên, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm. Về trách nhiệm quản lý địa bàn, người đứng đầu trong công tác này của các cấp, các ngành chưa nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm mà xem đây là nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, vì thế chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả. Do vậy, tại một số đơn vị, địa phương chưa đạt được kết quả cao, chưa huy động được sức mạnh của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm.
III. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CỦA ĐOÀN KIỂM TRA:
Qua kiểm tra và tổng hợp các báo cáo của địa phương, Đoàn Kiểm tra xin đề xuất một số vấn đề sau:
1. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động thực hiện các chương trình. Kiện toàn Ban chỉ đạo đủ các thành viên đại diện cho các ban, ngành đoàn thể tại địa phương để tham mưu, triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm được tốt hơn. Đặc biệt quan tâm có thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh.
2. Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng tại các địa phương. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức cho đồng bào trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm.
3. Tổ chức đánh giá và nhân rộng các mô hình cai nghiện tại cộng đồng; tạo công ăn việc làm cho đối tượng ma túy, bán dâm và người nhiễm HIV, đồng thời nhân rộng các mô hình điểm, điển hình tiên tiến.
4. Đầu tư kinh phí, nhân lực cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đảm bảo công tác quản lý, kiểm tra, giám sát được hiệu quả hơn.
Trên đây là báo cáo kết quả kiểm tra công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm tại tỉnh Bình Phước của Đoàn kiểm tra liên ngành, Ủy ban Dân tộc trân trọng báo cáo các cơ quan Thường trực Ủy ban Quốc gia để tổng hợp báo cáo chung./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.