ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 590/HD-UBND |
Hải Dương, ngày 14 tháng 02 năm 2025 |
HƯỚNG DẪN
SẮP XẾP, BỐ TRÍ ĐỐI VỚI CHỨC DANH LÃNH ĐẠO QUẢN LÝ LÀ TRƯỞNG, PHÓ CÁC PHÒNG, BAN, CHI CỤC THUỘC DIỆN UBND TỈNH, SỞ, NGÀNH, UBND CẤP HUYỆN QUẢN LÝ KHI THỰC HIỆN SẮP XẾP TỔ CHỨC BỘ MÁY
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức;
Căn cứ Kế hoạch số 141/KH-BCĐTKNQ18, ngày 06/12/2024 của Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ;
Căn cứ Công văn số 7968/BNV-CCVC ngày 08/12/2024 của Bộ Nội vụ về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp CBCCVC và người làm việc theo chế độ HĐLĐ khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính; Công văn số 24/CV-BCĐTKNQ ngày 18/12/2024 của Ban Chỉ đạo Chính phủ tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW định hướng, gợi ý một số nội dung về sắp xếp tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; Công văn số 31/CV-BCĐTKNQ18 ngày 04/01/2025 của Ban chỉ đạo về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Chính phủ về việc thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP của Chính phủ;
Căn cứ Phương án số 5053/PA-UBND ngày 26/12/2024 của UBND tỉnh Hải Dương về sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII số 45-NQ/TU, ngày 07/02/2025 về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Hải Dương và quán triệt một số văn bản mới của Trung ương;
Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn sắp xếp, bố trí đối với chức danh lãnh đạo quản lý là Trưởng, phó các phòng, ban, chi cục thuộc diện UBND tỉnh, sở, ngành, UBND cấp huyện quản lý (gọi chung là công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng) khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Mục đích
- Lựa chọn, bố trí công chức có năng lực nổi trội phù hợp với năng lực, sở trường, trình độ đào tạo, kinh nghiệm thực tiễn đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng nhiệm vụ cơ quan, đơn vị sau sắp xếp, hợp nhất.
- Tạo sự đồng thuận, thống nhất để công chức sẵn sàng nhận nhiệm vụ theo sự phân công, điều động của tổ chức.
2. Yêu cầu
- Việc sắp xếp, bố trí phải tuân thủ các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, hướng dẫn của Trung ương và của tỉnh, bảo đảm xây dựng đội ngũ công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị trong thời kỳ mới.
- Quá trình tổ chức thực hiện sắp xếp, bố trí phải đảm bảo khách quan, dân chủ công tâm, không làm ảnh hưởng đến hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị.
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để công chức lãnh đạo quản lý cấp phòng hiểu rõ trách nhiệm và tự nguyện chấp hành phương án phân công, sắp xếp. Đồng thời, làm tốt công tác chính trị, tư tưởng trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
II. Nguyên tắc sắp xếp
- Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính trong việc nhận xét, đánh giá công chức thuộc phạm vi quản lý. Việc sắp xếp, bố trí công chức phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công tâm, khách quan, có tiêu chí cụ thể, phải xem xét cả quá trình công tác, cống hiến của công chức; vì yêu cầu công tác để bố trí công chức đảm nhiệm cho phù hợp nhằm phát huy tối đa năng lực, sở trường công tác của công chức.
- Việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí công chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào trình độ chuyên môn, năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, có sản phẩm được ghi nhận bằng thành tích nổi trội và kết quả đánh giá công chức hàng năm và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới có đảm bảo tính kế thừa và phát triển.
- Công chức phải chấp hành thực hiện quyết định theo phương án sắp xếp của cấp ủy và lãnh đạo cơ quan, đơn vị.
III. Tiêu chí định hướng bố trí, sắp xếp
1. Đối với cấp trưởng
a) Tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật
Trung thành với Đảng, Nhà nước; Có đạo đức tốt, lối sống lành mạnh, không vi phạm kỷ luật, pháp luật. Có tinh thần thái độ, ý thức trách nhiệm với công việc. Bản thân cùng người thân, gia đình chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của địa phương nơi cư trú.
b) Tiêu chí về năng lực chuyên môn và kinh nghiệm công tác
- Về trình độ chuyên môn: có chuyên môn, chuyên ngành đào tạo phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cấp phòng; phát huy được năng lực, sở trường nổi trội ở vị trí công tác đang đảm nhiệm.
- Giữ ngạch công chức phù hợp theo yêu cầu của vị trí việc làm.
- Có quá trình công tác, kinh nghiệm làm việc thực tế liên quan đến lĩnh vực phụ trách, ưu tiên người có nhiều năm giữ chức vụ lãnh đạo quản lý cấp phòng và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trở lên.
- Có kỹ năng lãnh đạo, quản lý, điều hành hiệu quả.
c) Tiêu chí về kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao (xác định rõ nội dung công việc thực hiện; tỷ lệ hoàn thành, chất lượng, tiến độ công việc) trong thời gian 3 năm gần nhất.
- Thành tích kết quả, mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao được thể hiện bằng các sản phẩm khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả công việc đối với từng vị trí, thời gian, tinh thần, trách nhiệm trong công tác tham mưu cho sở, ngành, UBND cấp huyện và có thành tích được các cấp có thẩm quyền ghi nhận.
- Có đề tài, sáng kiến, giải pháp hoặc đóng góp nổi bật cho tổ chức, cơ quan, đơn vị được công nhận.
- Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trong 3 năm liền kề (năm 2022, 2023, 2024).
d) Tiêu chí về uy tín năng lực lãnh đạo, điều hành
- Có năng lực tổ chức, tính dân chủ trong nội bộ, khả năng quy tụ, đoàn kết truyền cảm hứng, định hướng và đào tạo quản lý đội ngũ cấp dưới hiệu quả;
- Khả năng ra quyết định đúng đắn, kịp thời; tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
- Khả năng nắm bắt dự báo những vấn đề mới phát sinh trong lĩnh vực công tác được giao; năng lực sơ kết tổng kết các chuyên đề công tác, đề xuất kế hoạch, biện pháp giải quyết những vấn đề mới; khả năng xử lý xung đột hoặc các vấn đề khó khăn, vướng mắc.
- Có uy tín trong công việc và đời sống xã hội.
đ) Tiêu chí gắn với tiêu chuẩn cơ cấu, quy hoạch cấp ủy phục vụ công tác nhân sự Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2025-2030
Ưu tiên xem xét lựa chọn đồng chí hiện đang là cấp ủy để bố trí người đứng đầu cấp phòng; trong trường hợp cùng là cấp ủy hoặc cùng quy hoạch cấp ủy, chính quyền thì ưu tiên người được quy hoạch ở vị trí cao hơn; có triển vọng và chiều hướng phát triển.
2. Đối với cấp phó
- Thực hiện theo nội dung tiêu chí tại mục 1 phần III Hướng dẫn này.
- Trước mắt, số lượng cấp phó sau sắp xếp, hợp nhất có thể cao hơn quy định nhưng không được vượt quá số lượng cấp phó hiện có của các phòng, đơn vị khi hợp nhất. Trong 05 năm, số lượng cấp phó sẽ giảm về đúng số lượng theo quy định chung.
* Lưu ý: Yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương không bố trí người có quan hệ gia đình vào một số vị trí công tác theo đúng Quy định 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị quy định về việc kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
Trong trường hợp không có phương án nhân sự đáp ứng yêu cầu mà nhân sự là người có quan hệ gia đình được tín nhiệm cao phải báo cáo và được sự đồng ý của cấp ủy cấp trên trực tiếp trước khi bố trí.
IV. Quy trình bổ nhiệm
Quy trình bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại Điều 47 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ), cụ thể như sau:
1. Bổ nhiệm trong trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia tách, tổ chức lại, chuyển đổi mô hình tổ chức
a) Trường hợp chức vụ công chức ở cơ quan, đơn vị cũ đang giữ chức vụ tương đương hoặc cao hơn chức vụ dự kiến đảm nhiệm ở cơ quan, đơn vị mới thì cấp có thẩm quyền căn cứ phẩm chất, năng lực, uy tín của công chức để xem xét, quyết định bổ nhiệm mà không phải thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thời gian giữ chức vụ tính theo quyết định bổ nhiệm mới.
b) Trường hợp đổi tên cơ quan, đơn vị mà không thay đổi mô hình tổ chức thì cấp có thẩm quyền quyết định thay đổi chức vụ theo vị trí việc làm mới tương ứng; thời gian giữ chức vụ tính theo quyết định bổ nhiệm cũ.
c) Trường hợp chức vụ công chức ở cơ quan, đơn vị cũ đang giữ chức vụ thấp hơn chức vụ dự kiến đảm nhiệm ở cơ quan, đơn vị mới thì việc bổ nhiệm được thực hiện theo quy trình bổ nhiệm đối với nguồn nhân sự từ nơi khác.
d) Trường hợp cơ quan, đơn vị mới chưa có tập thể lãnh đạo hoặc không còn tập thể lãnh đạo nơi công chức đang công tác thì cấp có thẩm quyền bổ nhiệm căn cứ Đề án đã được phê duyệt, tờ trình của cơ quan, bộ phận tham mưu về tổ chức, cán bộ để thống nhất trong Ban thường vụ cấp ủy cùng cấp đối với tổ chức đảng cấp trên cơ sở hoặc cấp ủy cùng cấp (đối với tổ chức đảng cấp cơ sở) trước khi ra quyết định bổ nhiệm.
2. Đại diện lãnh đạo cơ quan cấp trên trực tiếp chủ trì thực hiện quy trình bổ nhiệm đối với các trường hợp sau
a) Bổ nhiệm người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu phòng mới được thành lập.
b) Bổ nhiệm mà thời điểm đó cơ quan, đơn vị chỉ có 01 lãnh đạo là người đứng đầu hoặc là cấp phó của người đứng đầu.
c) Bổ nhiệm mà thời điểm đó nội bộ lãnh đạo phòng mất đoàn kết, nhiều người vi phạm kỷ luật, nếu thực hiện quy trình bổ nhiệm sẽ thiếu khách quan.
d) Trường hợp vì thiên tai, tai nạn hoặc vì các lý do bất khả kháng khác mà phòng không còn người lãnh đạo, quản lý: Trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định tại Điều 46 Nghị định 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020, được sửa đổi bổ sung tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ.
3. Trường hợp phòng chưa kiện toàn người đứng đầu hoặc vắng mặt người đứng đầu trong một thời gian dài, để đảm bảo thực hiện đầy đủ trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu và hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị, cấp có thẩm quyền bổ nhiệm xem xét, quyết định giao quyền cấp trưởng cho cấp phó của người đứng đầu phòng đó, trừ trường hợp theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Thời gian giao quyền không tính vào thời gian giữ chức vụ khi được bổ nhiệm.
V. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nội vụ có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện sắp xếp, bố trí đối với chức lãnh đạo quản lý là Trưởng, phó các phòng, ban, chi cục thuộc diện UBND tỉnh, sở, ngành, UBND cấp huyện quản lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
2. Các sở, ngành và UBND cấp huyện có trách nhiệm xây dựng phương án sắp xếp, bố trí đối với chức lãnh đạo quản lý là Trưởng, phó các phòng, ban, chi cục thuộc diện UBND tỉnh, sở, ngành, UBND cấp huyện quản lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo theo quy định; lập danh sách công chức lãnh đạo quản lý dự kiến bổ nhiệm mới gửi Công an tỉnh để xác minh, thẩm tra về tiêu chuẩn chính trị theo quy định.
Về quy trình sắp xếp bố trí công chức lãnh đạo quản lý, cụ thể như sau:
Căn cứ Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 116/2024/NĐ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ); Cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị (các sở, ban, ngành) có trách nhiệm căn cứ tiêu chí đánh giá rà soát dự kiến nhân sự tổ chức thực hiện đảm bảo sự thống nhất theo các bước:
Bước 1: Cá nhân các đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương trước khi hợp nhất tự kiểm điểm, nhận xét đánh giá theo các tiêu chí đánh giá, đề xuất nguyện vọng của bản thân (bằng văn bản), gửi cấp ủy và lãnh đạo cơ quan. Thời gian xong trước ngày 25/02/2025.
Bước 2: Cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị (hoặc cấp ủy, lãnh đạo hai sở hợp nhất) tổ chức họp đánh giá, nhận xét đối với đồng chí đang đảm nhiệm chức vụ Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương. Thời gian xong trước ngày 28/02/2025.
Bước 3: Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý cấp phòng ngay sau khi quyết định về sắp xếp tổ chức bộ máy có hiệu lực.
3. Công an tỉnh có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị có liên quan tiến hành xác minh, thẩm tra về tiêu chuẩn chính trị đối với công chức được bổ nhiệm chức lãnh đạo quản lý là Trưởng, phó các phòng, ban, chi cục thuộc diện UBND tỉnh, sở, ngành, UBND cấp huyện quản lý khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy đảm bảo tiến độ theo quy định.
Thủ trưởng các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm các nội dung trên. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để xem xét, giải quyết theo quy định./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.