BẢO HIỂM XÃ HỘI
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4231/HD-BHXH |
Hà Nội, ngày 05 tháng 11 năm 2014 |
Trong thời gian qua, công tác thi đua, khen thưởng trong Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đã có nhiều chuyển biến tích cực; các phong trào thi đua yêu nước trong Ngành được tổ chức thường xuyên, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành; công tác khen thưởng đã cơ bản đi vào nền nếp, kịp thời động viên các tập thể và các cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt được quan tâm và bước đầu tổ chức nhân rộng tại các cụm thi đua, tạo động lực thúc đẩy thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. Tuy nhiên, phong trào thi đua trong toàn Ngành còn chưa đồng đều, có nơi còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao, chưa cụ thể hóa và gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Vẫn còn tình trạng khen thưởng thiếu chính xác, chưa kịp thời; tỷ lệ khen thưởng cho viên chức trực tiếp thực thi nhiệm vụ còn thấp; việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến hiệu quả chưa cao; biện pháp tuyên truyền thiếu đồng bộ... làm hạn chế động lực phấn đấu của các tập thể và công chức, viên chức trong Ngành.
Nguyên nhân chủ yếu của hạn chế là: Sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể ở một số đơn vị, nhất là người đứng đầu còn chưa đầy đủ, toàn diện. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng tại các đơn vị chưa ổn định, năng lực tham mưu của người làm công tác này còn hạn chế.
Thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 07/4/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; Kế hoạch số 19/KH-HĐTĐKT ngày 13/8/2014 của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương về thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng, đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Ngành trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế, BHXH Việt Nam hướng dẫn BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là BHXH tỉnh), các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
a) Cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong Ngành tổ chức nghiên cứu, xây dựng chương trình, kế hoạch và các nội dung biện pháp cụ thể để quán triệt, triển khai đồng bộ, tuyên truyền có hiệu quả các nội dung Chỉ thị 34-CT/TW, Luật Thi đua, Khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thi hành đến toàn thể công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, nâng cao nhận thức trong tư tưởng và hành động, từ đó thống nhất trong tổ chức thực hiện, tạo ra chuyển biến rõ nét trong công tác thi đua, khen thưởng.
b) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước với nội dung và hình thức thiết thực, phù hợp với đặc thù hoạt động của Ngành.
c) Tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện các chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
a) BHXH các tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát động, triển khai phong trào thi đua khi đã xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu, nội dung, biện pháp, đối tượng tham gia và tiêu chí đánh giá thi đua. Phong trào thi đua phải gắn chặt với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cấp bách của Ngành và của đơn vị với những mục tiêu thi đua cụ thể, tiêu chí đánh giá thi đua rõ ràng làm cơ sở cho việc sơ kết, tổng kết phong trào thi đua. Chống mọi biểu hiện hình thức và chạy theo thành tích trong tổ chức phong trào thi đua.
Phong trào thi đua cần được phát động, tổ chức thực hiện với các hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, dễ tuyên truyền, dễ thực hiện. Cùng với việc tổ chức phát động phong trào thi đua hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao, BHXH các tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phát động các phong trào thi đua theo đợt, theo chuyên đề để giải quyết những vấn đề khó khăn, cấp bách, đồng thời đánh giá, rà soát những phong trào thi đua còn hình thức, chưa có tác dụng thiết thực để điều chỉnh cho phù hợp.
b) Phong trào thi đua phải được tổ chức sâu rộng và thực hiện hiệu quả ngay từ cơ sở, tạo nền tảng sức mạnh to lớn của đơn vị và của toàn Ngành. Từ mục tiêu chung của Ngành, đơn vị, mỗi bộ phận trong đơn vị, từng tập thể nhỏ và người lao động cần xác định rõ ràng, cụ thể chỉ tiêu thi đua gắn với nhiệm vụ của tập thể, cá nhân để thực hiện trong mỗi công việc hàng ngày, từ đó, phát huy tính sáng tạo, đề ra giải pháp công tác thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần cùng đơn vị và toàn Ngành phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch công tác trong nhiệm vụ chính trị được giao.
c) Thông qua các phong trào thi đua tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở và thực hiện đồng bộ cả 4 khâu: phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Các đơn vị phải có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và trong từng giai đoạn; phấn đấu mỗi đơn vị, lĩnh vực công tác lựa chọn được các điển hình tiêu biểu, xuất sắc toàn diện để phổ biến, nêu gương và nhân rộng.
Các giải pháp, kinh nghiệm công tác tốt đem lại hiệu quả cao trong thực hiện nhiệm vụ phải được kịp thời phổ biến nhân rộng ngay từ cơ sở; lựa chọn các mô hình điểm xuất sắc trong từng mặt công tác để tổ chức cho các bộ phận cùng thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác đó thuộc các đơn vị trong cụm thi đua hoặc trong Ngành tham quan, học tập để nâng cao hiệu quả việc nhân rộng.
d) Tổ chức đăng ký thi đua cùng các điển hình tiên tiến để các phong trào thi đua thực sự phát huy tác dụng và đi vào chiều sâu. Đây là nội dung trọng tâm trong đổi mới phương thức tổ chức chỉ đạo các phong trào thi đua hiện nay và qua đó đánh giá tính hiệu quả, thiết thực của các phong trào thi đua yêu nước của các đơn vị và của Ngành. Các điển hình tiên tiến phải thực sự tiêu biểu, dẫn đầu trong phong trào thi đua của Ngành.
e) Thường xuyên thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời.
3. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng
a) Công tác khen thưởng phải bảo đảm chính xác theo đúng quy định của pháp luật và của Ngành, khen thưởng phải đảm bảo công khai, minh bạch trong đánh giá thành tích, khen thưởng và đề nghị khen thưởng; khen thưởng phải kịp thời nhằm khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân thực sự tiêu biểu. Đề cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo đơn vị trong việc phát hiện những điển hình tiên tiến để khen thưởng và đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.
b) Theo dõi sát việc thực hiện kế hoạch công tác, phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, đặc biệt xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ để kịp thời khen thưởng và đề nghị khen thưởng. Chú trọng khen thưởng viên chức và người lao động trực tiếp thực hiện nhiệm vụ. Quan tâm khen thưởng tập thể, cá nhân ở cơ sở và ở những lĩnh vực có nhiều khó khăn nhưng đã vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tránh tình trạng chỉ tập trung khen thưởng cho cán bộ lãnh đạo.
c) Bộ phận làm công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong Ngành phối hợp với các bộ phận liên quan xem xét, đề nghị khen thưởng kịp thời cho các tập thể, công chức, viên chức, người lao động của Ngành khi có thành tích đột xuất và khi có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để khen thưởng theo đúng quy định của pháp luật.
d) Chủ động xem xét, khen thưởng và đề nghị cấp trên khen thưởng các tập thể, cá nhân ngoài Ngành hoặc tổ chức và người nước ngoài có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển sự nghiệp BHXH góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển hệ thống an sinh xã hội của đất nước.
đ) Tăng cường kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa các biểu hiện tiêu cực trong công tác khen thưởng.
4. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước
a) Các cấp, các đơn vị trong Ngành xây dựng kế hoạch tuyên truyền các phong trào thi đua yêu nước và các gương điển hình tiên tiến, tạo khí thế thi đua sôi nổi, lấy gương người tốt, việc tốt để hạn chế, đẩy lùi các mặt tiêu cực trong Ngành và trong xã hội. Đổi mới, đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng.
b) Ban Tuyên truyền, Báo, Tạp chí của Ngành và cán bộ làm công tác tuyên truyền tại các đơn vị phải nắm rõ nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu thi đua để tuyên truyền và xác định việc tuyên truyền, phổ biến các phong trào thi đua yêu nước, các điển hình tiên tiến là nhiệm vụ quan trọng trong công tác tuyên truyền. Mở các chuyên trang, chuyên mục, tăng thời lượng tuyên truyền các phong trào thi đua có hiệu quả, các gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực công tác và trong đời sống của đảng viên, công chức, viên chức và người lao động trong Ngành.
c) Kết hợp hài hòa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú như: báo cáo viên, tuyên truyền viên, lồng ghép tuyên truyền qua hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở cơ sở, qua các tác phẩm, tiểu phẩm về thi đua, khen thưởng.
d) Tổ chức các hoạt động biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua, các gương điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
e) Xây dựng kế hoạch phổ biến, nhân rộng các "mô hình điểm" xuất sắc trong từng mặt công tác của Ngành giai đoạn 2014 - 2020.
Các cấp ủy, tổ chức đảng, đặc biệt là người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng; tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất, cụ thể:
a) Tiếp tục kiện toàn, hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng của Ngành và của các đơn vị theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng năm 2013. Nâng cao trách nhiệm các thành viên Hội đồng, đặc biệt là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng.
b) Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm bám sát nhiệm vụ chính trị của Ngành, đơn vị để tham mưu, xây dựng nội dung, chỉ tiêu thi đua cụ thể gắn chặt với nhiệm vụ của Ngành, của đơn vị và tổ chức triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện bảo đảm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đã đề ra.
c) Các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng có trách nhiệm phối hợp theo dõi, chỉ đạo việc thực hiện phong trào thi đua; đối với chỉ tiêu thi đua thuộc lĩnh vực công tác chuyên môn của thành viên hội đồng thi đua nào thì thành viên đó phải theo dõi, đánh giá việc thực hiện và đề xuất các giải pháp để thực hiện chỉ tiêu thi đua đó, đồng thời chủ động tham mưu, đề xuất phát động phong trào thi đua theo đợt nhằm tập trung giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chỉ tiêu thi đua.
d) Thường xuyên củng cố, kiện toàn bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chủ trương, chính sách, pháp luật và chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng. Xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất chính trị tốt, có năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền về công tác thi đua, khen thưởng và có khả năng tổ chức vận động quần chúng tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.
a) Đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng gắn với trách nhiệm của từng cấp trong Ngành phù hợp với chủ trương chung và yêu cầu cụ thể trong từng giai đoạn. Từng bước rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác thi đua, khen thưởng. Công khai các thủ tục hành chính và có cơ chế giám sát việc thực hiện.
b) Tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đơn giản hóa các thủ tục hành chính về công tác thi đua, khen thưởng.
c) Xây dựng, hoàn thiện quy chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về công tác thi đua, khen thưởng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được khen thưởng.
d) Thực hiện cải cách hành chính về hồ sơ, thủ tục khen thưởng; thực hiện hồ sơ theo hình thức rút gọn phù hợp với từng loại hình khen thưởng và quy định rõ về quy trình, tuyến trình khen thưởng, đảm bảo công khai, minh bạch trong công tác khen thưởng.
e) Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính có liên quan đến quy trình, thủ tục, hồ sơ khen thưởng. Tổ chức cập nhật và quản lý dữ liệu thi đua, khen thưởng trong toàn Ngành để phục vụ tốt công tác thẩm định, lập hồ sơ thi đua, khen thưởng và trong quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng.
7. Tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước
a) BHXH các tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế” (2014 - 2020) để thực hiện thắng lợi các mục tiêu tại Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị đã đề ra; đồng thời thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, phát động các phong trào thi đua cụ thể, thiết thực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Ngành, đơn vị trong tình hình mới và hưởng ứng thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Chính phủ, các cấp, các ngành phát động.
b) Tập trung chỉ đạo tổ chức thành công Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến các cấp, tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước Ngành BHXH lần thứ IV; Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; chào mừng Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn của dân tộc trong năm 2014-2015.
a) BHXH tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam căn cứ nội dung hướng dẫn xây dựng kế hoạch cụ thể phù hợp với thực tế đơn vị và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả.
- Trong nội dung sơ kết, tổng kết 6 tháng, hàng năm, BHXH tỉnh, các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam phải có nội dung đánh giá tình hình triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của đơn vị mình, kịp thời rà soát, bổ sung biện pháp phù hợp để thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị 34-CT/TW.
b) Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng BHXH Việt Nam:
- Thường xuyên bám sát sự chỉ đạo của lãnh đạo BHXH Việt Nam, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương và phối hợp chặt chẽ với các thành viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Ngành theo dõi, chỉ đạo các đơn vị trong Ngành thực hiện nội dung Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị và văn bản hướng dẫn của Ngành.
- Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn tổ chức thực hiện việc thi đua cùng các điển hình tiên tiến trong Ngành giai đoạn 2015 - 2020.
c) Ban Tuyên truyền, Báo BHXH, Tạp chí BHXH đẩy mạnh nội dung tuyên truyền về đổi mới phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần, nội dung Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam nghiêm túc triển khai tổ chức thực hiện hướng dẫn này./.
Nơi nhận: |
TỔNG GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.