BỘ GIAO
THÔNG VẬN TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1612/ĐKVN-VAQ |
Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2014 |
- Căn cứ Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15/08/2007 của Chính phủ quy định về đơn vị đo lường chính thức;
- Căn cứ Quyết định số Quyết định 862/QĐ-BGTVT ngày 05/04/2013 của Bộ Giao thông vận tải quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Đăng kiểm Việt Nam;
- Căn cứ Thông tư số 32/2012/TT-BGTVT ngày 9/8/2012 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng ô tô tải tự đổ, rơ moóc tải tự đổ, sơ mi rơ moóc tải tự đổ, ô tô xi téc, rơ moóc xi téc, sơ mi rơ moóc xi téc tham gia giao thông đường bộ;
- Căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT ngày 21/10/2013 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ;
- Căn cứ văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BGTVT ngày 07/02/2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tải trọng, khổ giới hạn của đường bộ; lưu hành xe quá tải trọng, xe quá khổ giới hạn, xe bánh xích trên đường bộ; vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng; giới hạn xếp hàng hóa trên phương tiện giao thông đường bộ khi tham gia giao thông trên đường bộ;
- Căn cứ các Tiêu chuẩn quốc gia có số hiệu: TCVN 6529, TCVN 6211 và TCVN 7271;
- Căn cứ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có số hiệu: QCVN 09:2011/BGTVT, QCVN 10:2011/BGTVT và QCVN 11:2011/BGTVT;
Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam hướng dẫn thực hiện việc Kiểm tra xác định và ghi nhận khối lượng cho phép tham gia giao thông của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ như sau:
1. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
1.1. Hướng dẫn này hướng dẫn việc kiểm tra, xác định và ghi nhận khối lượng cho phép tham gia giao thông (CPTGGT) của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ thuộc phạm vi điều chỉnh của các Thông tư số 30/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011; 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/4/2011; 32/2012/TT-BGTVT ngày 09/08/2012 , Thông tư số 29/2012/TT-BGTVT ngày 31/07/2012 và Thông tư số 56/2012/TT-BGTVT ngày 27/12/2012 của Bộ Giao thông vận tải.
Hướng dẫn này không bao gồm các loại ô tô chuyên dùng không có hoặc không thể điều chỉnh khối lượng hàng chuyên chở (ví dụ Ô tô bơm bê tông, Ô tô thang, Ô tô cần cẩu … ).
1.2. Hướng dẫn này áp dụng cho các đơn vị, cá nhân có liên quan đến công tác kiểm tra, thử nghiệm, chứng nhận chất lượng và kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
2.1. Khối lượng toàn bộ theo thiết kế (GATK): là giá trị nhỏ nhất của một trong các giá trị sau:
- Giá trị nêu trong tài liệu của Nhà sản xuất;
- Giá trị nêu trong tài liệu giới thiệu tính năng và thông số kỹ thuật của nhà sản xuất;
- Giá trị nêu trong Giấy chứng nhận của Cơ quan có thẩm quyền nước ngoài;
- Giá trị được kiểm tra, thử nghiệm hoặc tính toán:
+ Theo sức chịu tải của lốp xe thực tế theo tài liệu của nhà sản xuất;
+ Đảm bảo thỏa mãn các quy định hiện hành khi tiến hành thử nghiệm. Không bao gồm yêu cầu về tải trọng trục CPTGGT, yêu cầu về công suất riêng của động cơ.
2.2. Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (GACP): là giá trị đã được điều chỉnh của GATK để thỏa mãn quy định hiện hành, cụ thể là thỏa mãn về các nội dung sau:
- Khối lượng toàn bộ của xe;
- Tải trọng trục của xe;
- Công suất riêng của động cơ (đối với xe phải áp dụng).
2.3. Tải trọng trục tính toán: là giá trị nhỏ nhất trong các giá trị sau:
- Tải trọng trục của xe theo quy định hiện hành;
- Sức chịu tải của trục theo công bố của nhà sản xuất;
- Giá trị tính theo sức chịu tải của lốp trên trục xe thực tế theo tài liệu của nhà sản xuất;
- Phân bố của GATK trên trục
2.4. Xác định vị trí trọng tâm hàng hóa:
- Vị trí trọng tâm hàng hóa được xác định theo nguyên tắc xếp hàng hóa dàn đều trên thùng hàng hoặc xi téc.
2.5. Kích thước trọng tâm tính toán (os): Là khoảng cách từ trọng tâm tới tâm trục hoặc cụm trục tính toán phân bố tải trọng.
3. NGUYÊN TẮC TÍNH TOÁN KIỂM TRA XÁC ĐỊNH VÀ GHI NHẬN
Thống nhất cách thức ghi nhận trong các chứng chỉ Đăng kiểm và Báo cáo kết quả thử nghiệm sử dụng đơn vị đo lường là “khối lượng” có tên đơn vị là (kilogam) và ký hiệu là (kg) theo quy định tại Nghị định số 134/2007/NĐ-CP ngày 15 tháng 08 năm 2007 của Chính phủ Quy định về đơn vị đo lường chính thức và TCVN 6529 “Phương tiện giao thông đường bộ - Khối lượng - Thuật ngữ định nghĩa và mã hiệu”.
3.2. Tải trọng trục và Khối lượng toàn bộ CPTGGT không phải xin phép
3.2.1. Tải trọng trục xe:
a) Trục đơn: Tải trọng trục xe ≤ 10 tấn/trục.
b) Cụm trục kép (hai trục xe), phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục:
- Trường hợp d < 1,0 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 11 tấn;
- Trường hợp 1,0 mét ≤ d < 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 16 tấn;
- Trường hợp d ≥ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 18 tấn.
c) Cụm trục ba hoặc lớn hơn, phụ thuộc vào khoảng cách (d) của hai tâm trục liền kề:
- Trường hợp d ≤ 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 21 tấn;
- Trường hợp d > 1,3 mét, tải trọng cụm trục xe ≤ 24 tấn.
3.2.2. Khối lượng toàn bộ cho phép TGGT không phải xin phép:
a) Đối với xe thân liền:
- Có tổng số trục bằng hai, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 16 tấn;
- Có tổng số trục bằng ba, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 24 tấn;
- Có tổng số trục bằng bốn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 30 tấn;
- Có tổng số trục bằng năm hoặc lớn hơn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 34 tấn;
b) Đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ móc:
- Có tổng số trục bằng ba, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 26 tấn;
- Có tổng số trục bằng bốn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 34 tấn;
- Có tổng số trục bằng năm, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 44 tấn;
- Có tổng số trục bằng sáu hoặc lớn hơn, khối lượng toàn bộ của xe ≤ 48 tấn.
c) Đối với tổ hợp xe thân liền kéo rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc:
- Khối lượng toàn bộ của tổ hợp xe gồm khối lượng toàn bộ của xe thân liền (tương ứng với khối lượng toàn bộ của các xe được nêu tại mục 3.2.2a) và tổng các tải trọng trục xe của rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo (tương ứng với các tải trọng trục xe được nêu tại mục 3.2.1), nhưng không được lớn hơn 45 tấn.
3.3.1. Yêu cầu đối với cân
- Cân sử dụng để kiểm tra khối lượng phương tiện phải được kiểm tra kiểm chuẩn định kỳ để đảm bảo sự chính xác của kết quả kiểm tra. Trước khi tiến hành kiểm tra Đăng kiểm viên (ĐKV) phải kiểm tra thời hạn hiệu lực của tem kiểm chuẩn dán trên thiết bị.
- Việc bảo quản cân cần được thực hiện theo đúng quy định của nhà sản xuất.
3.3.2. Yêu cầu về mặt bằng cân xe
- Công đoạn cân để kiểm tra khối lượng xe bắt buộc phải thực hiện trên mặt bằng, bằng phẳng có phủ cứng (có độ cứng và hệ số ma sát tương đương với mặt đường bê tông nhựa hoặc bê tông xi măng).
- Cân phải được đặt chắc chắn không để cân bị cập kênh.
- Khi cân xe phải đảm bảo tất cả các bánh xe cùng nằm trên một mặt phẳng. Không sử dụng kết quả cân của các thiết bị cân từng trục mà vị trí đặt bánh xe của trục được cân thấp hoặc cao hơn vị trí đặt bánh xe của các trục khác, có thể dẫn đến sai lệch kết quả cân, đặc biệt với trường hợp xe nhiều trục.
3.3.3. Các yêu cầu khác
- Trong trường hợp không có vị trí hoặc điều kiện cân phù hợp. Bắt buộc phải di chuyển phương tiện tới trạm cân phù hợp với quy định để thực hiện việc kiểm tra khối lượng. Trường hợp này ĐKV kiểm tra phải trực tiếp giám sát thực hiện và chụp ảnh ghi nhận.
- Trường hợp có nghi ngờ về kết quả kiểm tra khối lượng hoặc có yêu cầu, khiếu nại của chủ phương tiện. ĐKV có thể sử dụng kết quả cân thực tế và kết quả cân của trạm cân để đánh giá.
- Trường hợp không kết luận được kết quả kiểm tra khối lượng phương tiện ví dụ: đối chiếu kết quả cân thực tế với kết quả cân của trạm cân có sai lệch vượt quá quy định cho phép. ĐKV lập báo cáo để trình lãnh đạo xem xét và chỉ đạo biện pháp xử lý.
3.4. Nguyên tắc xếp tải để kiểm tra, thử nghiệm (căn cứ Thông tư số 35/2013/TT-BGTVT).
3.4.1. Nguyên tắc xếp tải đối với xe chở hàng
- Hàng hóa xếp trên xe ô tô phải dàn đều, không xếp lệch về một phía.
3.4.2. Nguyên tắc xếp tải đối với xe chở người
- Xếp tải trọng giả vào đúng vị trí người ngồi trên xe. Đối với hành lý kèm theo (nếu có) xếp trong khoang chứa hành lý phải dàn đều, không xếp lệch về một phía.
3.4.3. Nguyên tắc xếp tải đối với xe xi téc
- Bơm đúng loại hàng chuyên chở (hoặc nước sử dụng để thay thế nếu phù hợp) dàn đều vào tất cả các khoang chứa hàng của xi téc, không được bỏ trống khoang nào.
3.4.4. Nguyên tắc xác định khối lượng toàn bộ CPTGGT và khối lượng hàng chuyên chở CPTGGT bằng cân thực tế
- Xếp tải theo các nguyên tắc nêu trên tới khi kết quả cân đạt tới một trong các giá trị giới hạn CPTGGT quy định tại mục 3.2 hoặc tới giá trị tối đa theo thiết kế (nếu giá trị này thấp hơn). Ghi nhận giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT đạt yêu cầu.
- Giá trị khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông của xe chở hàng và xe xi téc được tính toán xác định trên cơ sở giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT đạt yêu cầu trừ đi khối lượng bản thân phương tiện và khối lượng của số người cho phép chở.
3.5. Nguyên tắc xác định giá trị Khối lượng toàn bộ CPTGGT của sơ mi rơ moóc
Giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT của sơ mi rơ moóc phải thỏa mãn tất cả các điều kiện sau đây:
- Giá trị giới hạn đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ móc
- Giá trị giới hạn Tải trọng trục xe của sơ mi rơ móc
- Giá trị giới hạn khối lượng toàn bộ CPTGGT của đầu kéo mẫu
- Giá trị giới hạn Tải trọng trục xe của đầu kéo mẫu
- Giá trị Khối lượng cho phép kéo theo của đầu kéo mẫu
Trường hợp không có đầu kéo thực tế để tính toán, có thể chọn khối lượng bản thân đầu kéo mẫu (kể cả người lái) để tính toán khối lượng đối với tổ hợp xe đầu kéo với sơ mi rơ móc như sau:
+ Đầu kéo có tổng số trục bằng hai : 7000 kg
+ Đầu kéo có tổng số trục bằng ba : 8500 kg
4. PHƯƠNG PHÁP TÍNH TOÁN KIỂM TRA XÁC ĐỊNH VÀ GHI NHẬN
4.1. Phương pháp tính toán lý thuyết
Tính toán theo phương pháp lập phương trình cân bằng mô men tại một điểm sử dụng giá trị khối lượng và tọa độ trọng tâm (os) các thành phần tham gia để tính toán các giá trị giới hạn.
4.1.1. Sơ đồ tính toán
4.1.2. Công thức tính toán
- Khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế phân bố lên trục sau hoặc cụm trục sau cân bằng được tính theo công thức sau:
G2 = Q * (WB-os) / WB
Trong đó:
- Q Khối lượng hàng chuyên chở theo thiết kế
- WB Chiều dài cơ sở tính toán
- os Khoảng cách từ trọng tâm hàng hóa đến tâm trục sau hoặc cụm trục sau
* Tính toán tương tự cho phân bố khối lượng của số người cho phép chở (gn) trên xe
- Khối lượng hàng chuyên chở (Qcp) theo điều kiện giới hạn tải trọng trục (Ggh) được tính toán lựa chọn giá trị nhỏ nhất của một trong các giá trị (Qcp1) và (Qcp2) sau đây:
+ Tính toán cho trục hoặc cụm trục trước (Qcp1):
Qcp1 = (Ggh-(g1+gn1)) * WB/os
Trong đó:
- WB Chiều dài cơ sở tính toán
- os Khoảng cách từ trọng tâm hàng hóa đến tâm trục sau hoặc cụm trục sau
- Ggh Tải trọng trục xe giới hạn nêu tại mục 3.2.1
- g1 Khối lượng bản thân xe phân bố lên trục hoặc cụm trục trước
- gn1 Khối lượng của số người cho phép chở phân bố lên trục hoặc cụm trục trước
+ Tính toán cho trục hoặc cụm trục sau (Qcp2):
Qcp2 = (Ggh-(g2+gn2)) * WB/(WB-os)
Trong đó:
- Ggh Tải trọng trục xe giới hạn nêu tại mục 3.2.1
- g2 Khối lượng bản thân xe phân bố lên trục hoặc cụm trục sau
- gn2 Khối lượng của số người cho phép chở phân bố lên trục hoặc cụm trục sau
- Khối lượng toàn bộ cho phép tham gia giao thông (GACP) được tính toán lựa chọn giá trị nhỏ nhất của một trong các giá trị sau đây:
+ GACP1 = Qcp + gn + Khối lượng bản thân xe
+ Khối lượng toàn bộ cho phép TGGT không phải xin phép (quy định tại mục 3.2.2)
+ Công suất riêng của động cơ (đối với xe phải áp dụng).
- Khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông (Qcptggt) được tính toán như sau:
Qcptggt = GACP - gn - Khối lượng bản thân xe
4.2. Phương pháp xác định thực tế
Xếp tải trọng giả và cân thực tế để xác định các giá trị giới hạn theo nguyên tắc đã nêu tại mục 3.4
4.3. Áp dụng cho các trường hợp cụ thể
4.3.1. Tính toán cho các trường hợp xe thân liền
Sử dụng phương pháp tính toán lý thuyết nêu tại mục 4.1 để xác định.
Giá trị khối lượng phân bố lên cụm trục trước như mô tả trong các sơ đồ 4, 5, 6 dưới đây được ghi nhận trong các chứng chỉ chất lượng và hồ sơ thiết kế theo giá trị của tổng hai trục (trục 1 + trục 2). Giá trị giới hạn tải trọng trục cũng được xác định theo cụm trục, không sử dụng giá trị giới hạn theo trục đơn.
Thông số tính toán được xác định như hình sau:
4.3.2. Sơ mi rơ moóc
Sử dụng phương pháp tính toán lý thuyết nêu tại mục 4.1 để xác định đồng thời giá trị khối lượng toàn bộ CPTGGT của Sơ mi rơ moóc được xác định theo nguyên tắc nêu tại mục 3.5
Thông số tính toán được xác định như hình sau:
4.3.3. Rơ moóc
Áp dụng như phương pháp tính toán cho các trường hợp xe thân liền đã nêu tại 4.3.1
4.3.4. Các trường hợp khác
- Trường hợp đặc biệt không thể xác định được vị trí trọng tâm hàng hóa ĐKV sử dụng phương pháp xếp tải và cân thực tế phương tiện như hướng dẫn tại mục 4.2 để xác định;
5.1. Hướng dẫn này có hiệu lực từ kể từ ngày ký.
5.2. Trong trường hợp các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn, văn bản kỹ thuật viện dẫn nêu trong hướng dẫn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.
5.3. Phòng Chất lượng xe cơ giới, Phòng Kiểm định xe cơ giới, Trung tâm Thử nghiệm xe cơ giới và các đơn vị kiểm định có trách nhiệm thực hiện theo nội dung của hướng dẫn này.
Nơi nhận: |
CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.