VIỆN KIỂM SÁT
NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/HD-VKSTC |
Hà Nội, ngày 27 tháng 6 năm 2024 |
HƯỚNG DẪN
VIỆC XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT KHI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN BỊ HỦY, SỬA VÀ KHÁNG NGHỊ CỦA VIỆN KIỂM SÁT KHÔNG ĐƯỢC TÒA ÁN CHẤP NHẬN TRONG CÔNG TÁC KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC DÂN SỰ
Thực hiện Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 18/12/2023 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024, Kế hoạch số 01/KH-VKSTC ngày 19/12/2023 về thực hiện công tác trọng tâm của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao năm 2024; Để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, VKSND tối cao ban hành “Hướng dẫn việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa và kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự”.
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC
1. Mục đích
1.1. Tăng cường trách nhiệm của Lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức trong quá trình kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi tắt là vụ án hành chính, vụ việc dân sự); nhất là trong việc đề xuất, quyết định quan điểm giải quyết vụ, việc và quyết định kháng nghị.
1.2. Xác định đúng, đầy đủ các tiêu chí, trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa, kháng nghị không được Tòa án chấp nhận có trách nhiệm của Viện kiểm sát để tính đúng các chỉ tiêu công tác có liên quan, đánh giá đúng chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, có giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
2. Yêu cầu
2.1. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát không chỉ dựa vào kết quả xét xử của Tòa án mà phải kết hợp đánh giá tính có căn cứ trong quan điểm giải quyết vụ, việc của Viện kiểm sát và quyết định kháng nghị.
2.2. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát phải chính xác, đầy đủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn công tác, nghiêm túc, công bằng, bảo đảm nhân văn; chủ yếu để rút kinh nghiệm, thống nhất nhận thức, nâng cao năng lực, trách nhiệm của lãnh đạo, Kiểm sát viên, công chức, đáp ứng yêu cầu, chỉ tiêu công tác của Quốc hội và của Ngành.
3. Nguyên tắc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát
3.1. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát được thực hiện bởi Viện kiểm sát có thẩm quyền theo Hướng dẫn này khi đã có bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.
3.2. Các trường hợp loại trừ trách nhiệm của Viện kiểm sát:
a) Bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân khách quan (gồm: đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ mới; đương sự rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu, thay đổi nội dung kháng cáo; đương sự thỏa thuận được về một phần hoặc toàn bộ vụ án; nguyên nhân khác).
b) Bản án, quyết định bị sửa nhưng không làm thay đổi cơ bản quyết định của Tòa án trong bản án, quyết định, không làm thay đổi cơ bản quyền, lợi ích, nghĩa vụ, trách nhiệm của đương sự đã được Tòa án tuyên trong bản án, quyết định đó.
c) Trước khi bản án, quyết định phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm bị Tòa án cấp trên hủy, sửa, Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc phát hiện được sai sót, vi phạm trong công tác kiểm sát và đã báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.
d) Kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận vì lý do khách quan (như có việc rút kháng cáo, rút đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; đương sự tự nguyện hoặc thỏa thuận thi hành án xong hoặc sự việc khác làm cho kháng nghị không còn cần thiết).
đ) Các trường hợp khác không thuộc Phần III của Hướng dẫn này.
II. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Phạm vi điều chỉnh
1.1. Văn bản này chỉ hướng dẫn việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa, kháng nghị không được Tòa án chấp nhận đối với vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Căn cứ Hướng dẫn này, Viện trưởng Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc mà bản án, quyết định bị hủy, sửa hoặc kháng nghị không được chấp nhận xác định trách nhiệm của cá nhân có liên quan.
1.2. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa được thực hiện đối với Viện kiểm sát cấp huyện, cấp tỉnh, cấp cao.
1.3. Việc xác định trách nhiệm khi kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận được thực hiện đối với Viện kiểm sát các cấp.
1.4. “Bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa” nêu trong Hướng dẫn này gồm:
a) Bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm: Bản án sơ thẩm; Quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ việc; Quyết định giải quyết việc dân sự; Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự; Quyết định công nhận kết quả đối thoại thành và đình chỉ việc giải quyết vụ án;
b) Bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm: Bản án phúc thẩm; Quyết định phúc thẩm đối với quyết định đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị; Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; Quyết định phúc thẩm giải quyết việc dân sự;
c) Bản án, quyết định của Tòa án xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm: Quyết định giám đốc thẩm; Quyết định tái thẩm.
1.5. “Kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận” nêu trong Hướng dẫn này gồm: Kháng nghị phúc thẩm, kháng nghị giám đốc thẩm, kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS), Luật Tố tụng hành chính (LTTHC) mà kháng nghị đó không được Tòa án chấp nhận toàn bộ.
2. Đối tượng áp dụng
VKSND cấp huyện, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp cao có bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa; các Viện kiểm sát có kháng nghị không được Tòa án chấp nhận trong công tác kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự.
III. TIÊU CHÍ, TRƯỜNG HỢP XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA VIỆN KIỂM SÁT KHI BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN BỊ HỦY, SỬA VÀ KHÁNG NGHỊ CỦA VIỆN KIỂM SÁT KHÔNG ĐƯỢC TÒA ÁN CHẤP NHẬN
1. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa
1.1. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Tòa án cấp phúc thẩm hủy, sửa
a) Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm được xác định là có trách nhiệm khi có đủ các tiêu chí sau:
a1) Kiểm sát viên đã tham gia phiên tòa, phiên họp và phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm;
a2) Không kháng nghị phúc thẩm, không báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp trên kháng nghị phúc thẩm hoặc có kháng nghị phúc thẩm nhưng đã rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa, phiên họp phúc thẩm.
b) Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm được xác định là có trách nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
b1) Không phát hiện được vi phạm và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
b2) Viện kiểm sát cấp dưới có báo cáo đề nghị kháng nghị phúc thẩm nhưng không kháng nghị và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
b3) Rút kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc cấp mình và tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm giữ nguyên bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm.
1.2. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật hoặc cấp phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy, sửa
a) Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm được xác định là có trách nhiệm nếu tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật.
b) Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục phúc thẩm được xác định là có trách nhiệm nếu tại phiên tòa, phiên họp phúc thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp phúc thẩm.
1.3. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm bị Tòa án cấp giám đốc thẩm hủy để xét xử lại theo thủ tục sơ thẩm
Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm được xác định là cùng có trách nhiệm khi tại phiên tòa, phiên họp sơ thẩm, phúc thẩm phát biểu quan điểm như quyết định tại bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm.
1.4. Xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án bị hủy, sửa
Viện kiểm sát đã kiểm sát việc giải quyết vụ, việc theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm được xác định là có trách nhiệm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm bị hủy, sửa mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm này đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp; được Viện kiểm sát cấp trên đồng ý việc hủy, sửa.
b) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm bị hủy, sửa mà quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm này đã chấp nhận toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án mà tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm đồng ý với toàn bộ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Chánh án Tòa án cùng cấp; được Viện kiểm sát cấp trên đồng ý việc hủy, sửa.
2. Xác định trách nhiệm khi kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận
2.1. Viện kiểm sát cấp dưới đã kháng nghị phúc thẩm và Viện kiểm sát cấp trên đã bảo vệ kháng nghị của Viện kiểm sát cấp dưới; Viện kiểm sát cấp trên đã kháng nghị phúc thẩm được xác định là có trách nhiệm nếu kháng nghị không được Tòa án chấp nhận mà Viện kiểm sát cấp trên không báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm hoặc đã báo cáo, đề nghị Viện kiểm sát có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm nhưng Viện kiểm sát có thẩm quyền ban hành Thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm, trừ trường hợp đã có kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Toà án có thẩm quyền.
2.2. VKSND cấp cao đã kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được xác định là có trách nhiệm nêu kháng nghị không được Tòa án chấp nhận mà không báo cáo, đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc đã báo cáo, đề nghị VKSND tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng VKSND tối cao ban hành Thông báo không kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, trừ trường hợp đã có kháng nghị giám đốc thẩm của Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
2.3. Kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của Viện trưởng VKSND tối cao không được Tòa án chấp nhận thì việc xác định trách nhiệm do Lãnh đạo VKSND tối cao xem xét, quyết định.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa hoặc kháng nghị không được Tòa án chấp nhận thuộc trách nhiệm kiểm sát của Viện kiểm sát nào thì Viện kiểm sát đó phải tự đánh giá, xác định có trách nhiệm của mình hay không; trường hợp có trách nhiệm của Viện kiểm sát thì xem xét trách nhiệm cá nhân. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát và cá nhân do Viện trưởng Viện kiểm sát đó tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về kết quả đánh giá. Khi kiểm sát vụ án hành chính, vụ việc dân sự ở cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát cấp trên phải xác định có trách nhiệm của Viện kiểm sát cấp dưới hay không và thông báo để Viện kiểm sát cấp dưới biết.
Đối với kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận, Viện kiểm sát đánh giá, phân tích nguyên nhân, lý do đối với từng trường hợp; những trường hợp do áp dụng pháp luật thiếu chính xác dẫn đến quyết định kháng nghị không đủ căn cứ hoặc không cần thiết; những trường hợp do nhận thức của Tòa án trong việc áp dụng pháp luật để làm căn cứ xem xét trách nhiệm, đánh giá, xếp loại đối với tập thể, cá nhân trong năm (Nghị quyết số 135-NQ/BCSĐ ngày 03/5/2024 của Ban cán sự đảng VKSND tối cao về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2024). Việc đánh giá thi đua của cá nhân, tập thể không lấy căn cứ việc Tòa án không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát mà căn cứ quan điểm, đề xuất của Kiểm sát viên và chỉ đạo của tập thể lãnh đạo trước khi ban hành kháng nghị (Thông báo số 77/TB-VKSTC ngày 24/4/2024 về Kết luận chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao tại Hội nghị giao ban công tác Quý II năm 2024 của VKSND tối cao).
2. Định kỳ 06 tháng, 01 năm, Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo, Viện kiểm sát cấp trên tổng hợp, kiểm tra kết quả đánh giá của Viện kiểm sát cấp dưới, các trường hợp có trách nhiệm của Viện kiểm sát phải xác định trách nhiệm cá nhân. Trường hợp không đồng ý với kết quả đánh giá của Viện kiểm sát cấp dưới thì yêu cầu Viện kiểm sát cấp dưới báo cáo giải trình để Viện kiểm sát cấp trên xem xét, quyết định.
3. Việc xác định trách nhiệm của Viện kiểm sát khi bản án, quyết định của Tòa án bị hủy, sửa, kháng nghị của Viện kiểm sát không được Tòa án chấp nhận được thực hiện đối với các Viện kiểm sát chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội và của VKSND tối cao để rút kinh nghiệm, bảo đảm đạt chỉ tiêu; đối với Viện kiểm sát đã đạt chỉ tiêu cũng cần xác định trách nhiệm để rút kinh nghiệm và tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
4. Thủ trưởng các đơn vị Vụ 9, Vụ 10 VKSND tối cao, Viện trưởng các VKSND cấp cao, cấp tỉnh, cấp huyện căn cứ nội dung Hướng dẫn này để tính các chỉ tiêu có liên quan của Viện kiểm sát cấp mình, phục vụ xây dựng các báo cáo sơ kết, tổng kết công tác, báo cáo chuyên đề theo yêu cầu của VKSND tối cao.
5. Giao Vụ 9 chủ trì, phối hợp với Vụ 10, Cục 2 giúp Lãnh đạo VKSND tối cao hướng dẫn, kiểm tra, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Hướng dẫn này; báo cáo, tham mưu Lãnh đạo VKSND tối cao sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn này và các quy định khác của Viện trưởng VKSND tối cao có liên quan để bảo đảm thống nhất.
6. Quá trình thực hiện Hướng dẫn này, nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, Viện kiểm sát báo cáo VKSND tối cao (qua Vụ 9, Vụ 10, Cục 2) để được giải đáp, hướng dẫn kịp thời./.
|
KT. VIỆN TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.