BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM |
Số: 148-HD/BTGTW |
Hà Nội, ngày 22 tháng 3 năm 2024 |
BÁO CHÍ TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (07/5/1954 - 07/5/2024)
Căn cứ Hướng dẫn số 126-HD/BTGTW, ngày 19/12/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024; Hướng dẫn số 135-HD/BTGTW, ngày 08/01/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn báo chí tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ như sau:
I. Mục đích, yêu cầu
1. Tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm vóc, vai trò, giá trị lịch sử vĩ đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc; khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; tiếp tục củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
2. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm nhằm khơi dậy mạnh mẽ và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân ra sức phấn đấu, nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị trong năm 2024, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của dân tộc, quyết tâm thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
3. Công tác tuyên truyền cần bảo đảm đúng định hướng chính trị, tư tưởng; tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm tính thường xuyên, liên tục, đề cao tính thuyết phục, chất lượng, hiệu quả, tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng và trong xã hội.
II. Nội dung thông tin tuyên truyền
1. Bối cảnh lịch sử, âm mưu của thực dân Pháp trong kế hoạch Nava; chủ trương của Đảng ta về mở Chiến dịch Điện Biên Phủ; diễn biến, kết quả của Chiến dịch; những chiến thắng và chiến công của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
2. Tầm vóc, giá trị lịch sử vĩ đại và ý nghĩa to lớn, sâu sắc của Chiến thắng Điện Biên Phủ đối với dân tộc và thời đại; khẳng định tinh thần anh dũng, mưu trí, sáng tạo của quân và dân ta, nhất là đường lối chính trị, quân sự và ngoại giao đúng đắn, sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
3. Tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, ý chí quyết chiến, quyết thắng và sức mạnh của Quân đội nhân dân, Lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
4. Tinh thần đoàn kết chiến đấu thủy chung, son sắt của quân và dân ba nước Đông Dương; sự giúp đỡ quý báu của bạn bè quốc tế đối với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của Nhân dân ta.
5. Công lao, đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và các tầng lớp Nhân dân trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
6. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Chú trọng tuyên truyền, hưởng ứng các phong trào “đền ơn, đáp nghĩa”, hoạt động về nguồn; biểu dương, khích lệ các hoạt động chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
7. Những bài học kinh nghiệm quý báu của Chiến thắng Điện Biên Phủ cần tiếp tục được phát huy, lan tỏa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
8. Những thành tựu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của đất nước, của đồng bào các dân tộc Tây Bắc và của tỉnh Điện Biên 70 năm qua; những nghị quyết, chiến lược, chương trình, dự án, định hướng phát triển vùng Tây Bắc và tỉnh Điện Biên trong thời gian tới, nhất là Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
9. Tuyên truyền đầy đủ những hoạt động kỷ niệm diễn ra ở các cấp, các ngành, đoàn thể từ Trung ương tới cơ sở, trong đó, tập trung tuyên truyền sâu rộng những sự kiện, hoạt động trọng điểm sau:
9.1. Lễ dâng hương, dâng hoa; Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và thăm các di tích lịch sử
- Lễ dâng hương, dâng hoa, vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm tại Hà Nội do Văn phòng Chính phủ chủ trì, dự kiến sáng ngày 06/5/2024; Lễ dâng hương, dâng hoa tại Đền thờ liệt sĩ Chiến trường Điện Biên Phủ do Tỉnh Điện Biên chủ trì, dự kiến 7h00, ngày 07/5/2024.
- Lễ viếng các Anh hùng liệt sĩ và thăm các di tích lịch sử tại Nghĩa trang A1, thăm Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi Him Lam, Đồi A1 do Tỉnh Điện Biên chủ trì, dự kiến 14h00, ngày 06/5/2024.
9.2. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia tại tỉnh Điện Biên dự kiến 7h30, ngày 07/5/2024.
9.3. Hội thảo khoa học cấp quốc gia do Bộ Quốc phòng chủ trì.
9.4. Cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với đại diện cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Hà Nội do Hội Cựu chiến binh Việt Nam chủ trì.
9.5. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao
- Chương trình cầu truyền hình trực tiếp tại các điểm cầu (dự kiến Hà Nội, Điện Biên, Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh Hóa, Kon Tum) do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, chỉ đạo Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện.
- Chương trình nghệ thuật đặc biệt và bắn pháo hoa nổ tầm cao chào mừng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì.
- Lễ hội hoa Ban, Năm du lịch quốc gia Điện Biên 2024 do Tỉnh Điện Biên chủ trì.
10. Đấu tranh, phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc lịch sử, chống phá Đảng, Nhà nước và chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc
III. Tổ chức thực hiện
1. Cơ quan chỉ đạo, quản lý, Hội Nhà báo, chủ quản cơ quan báo chí
- Căn cứ tình hình thực tế và các giai đoạn, trước, trong, sau của sự kiện, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam hướng dẫn, chỉ đạo, định hướng công tác thông tin, tuyên truyền trên hệ thống truyền thông cả nước; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động, tăng cường cung cấp, định hướng các thông tin qua giao ban báo chí và các hình thức khác; yêu cầu các cơ quan chủ quản đôn đốc, giám sát, kiểm tra các cơ quan báo chí trực thuộc triển khai công tác thông tin, tuyên truyền.
- Tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm về việc triển khai thông tin, tuyên truyền sự kiện; khen thưởng, biểu dương các tập thể và cá nhân trong cơ quan báo chí thực hiện xuất sắc công tác thông tin tuyên truyền.
2. Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội
- Tham mưu cho cấp ủy, lãnh đạo đơn vị, địa phương, ngành chỉ đạo các cơ quan báo chí thuộc đơn vị, địa phương quản lý triển khai, tổ chức thực hiện theo các nội dung nêu trong Hướng dẫn.
- Có trách nhiệm cung cấp, phổ biến các tài liệu, tư liệu lịch sử của sự kiện; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan báo chí tác nghiệp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền.
3. Các cơ quan báo chí
Công tác tuyên truyền chia ra làm ba giai đoạn. Cụ thể như sau:
3.1. Giai đoạn trước sự kiện (từ nay đến cuối tháng 4/2024)
- Căn cứ tôn chỉ mục đích và định hướng của các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí, các cơ quan báo chí khẩn trương xây dựng kế hoạch và triển khai các tuyến tin, bài, chương trình tuyên truyền kỷ niệm.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam; các kênh truyền hình Nhân Dân, Thông tấn, Quốc hội, Công an Nhân dân, Quốc phòng Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình các tỉnh: Điện Biên, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái... xây dựng chương trình, phim tài liệu, phóng sự, sự kiện, tọa đàm... có sức thuyết phục, lay động, lan tỏa sâu, rộng trong xã hội; yêu cầu mở chuyên mục riêng về sự kiện (có logo, hình hiệu, nhạc hiệu riêng biệt, phù hợp), phát sóng vào khung giờ có đông khán, thính giả theo dõi.
- Báo Nhân Dân, Thông tấn xã Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, các báo: điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, điện tử Chính phủ, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Đại biểu nhân dân, Đại đoàn kết, Lao động, Tiền phong, Vietnamnet, Thanh niên, Dân trí, Hà Nội mới, Sài Gòn giải phóng; các báo trực thuộc các quân khu, quân chủng; Báo Điện Biên Phủ, Báo Hòa Bình, Báo Sơn La, Báo Lai Châu, Báo Lào Cai, Báo Yên Bái và các báo đảng, đài phát thanh - truyền hình địa phương... tổ chức các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề đăng, phát thường xuyên, liên tục, bảo đảm chất lượng, thu hút sự quan tâm, theo dõi của công chúng và dư luận xã hội.
- Các cơ quan báo chí của Trung ương, ban, bộ, ngành, đoàn thể, các tổ chức hội; đài phát thanh - truyền hình địa phương; báo đảng bộ địa phương... căn cứ đặc điểm, nhu cầu, đối tượng phục vụ, khả năng cụ thể... để thực hiện. Yêu cầu báo hình, báo nói xây dựng chuyên mục riêng và phát sóng định kỳ; báo in, báo điện tử mở chuyên mục đặt ở vị trí trang trọng trên trang nhất (báo in) và trang chủ (báo điện tử) với tin, bài thường xuyên.
3.2. Giai đoạn cao điểm của sự kiện (từ đầu tháng 5/2024 đến hết ngày 10/5/2024)
- Đề nghị tất cả các cơ quan báo chí tập trung mở đợt tuyên truyền cao điểm, sâu, đậm trong thời gian này bằng việc tăng cường tối đa các tuyến tin, bài, chương trình về sự kiện; khuyến khích tổ chức các chương trình văn hóa, văn nghệ, kỷ niệm, tọa đàm, giao lưu, tuyên dương, gặp mặt... thiết thực, hiệu quả với nội dung và hình thức mới mẻ, sinh động, sáng tạo, có sức lan tỏa sâu rộng, giúp Nhân dân dễ nắm bắt, tiếp nhận thông tin.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo, đài lồng ghép tuyên truyền về bối cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng Điện Biên Phủ trong các chương trình, chuyên mục, chuyên trang có đông khán giả, thính giả và độc giả theo dõi.
- Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành; Chương trình nghệ thuật đặc biệt; Cầu truyền hình trực tiếp.
Đài phát thanh - truyền hình các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các kênh truyền hình thiết yếu tổ chức tiếp sóng trực tiếp từ Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam.
- Các cơ quan báo chí có ấn phẩm tiếng nước ngoài tăng cường thời lượng, chất lượng thông tin, tuyên truyền về sự kiện bằng nhiều hình thức, nhiều thứ tiếng nhằm lan tỏa những thông điệp ý nghĩa về Chiến thắng Điện Biên Phủ; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đến bạn bè thế giới.
- Đề nghị Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam: Nếu có kế hoạch tổ chức các chương trình văn hóa - nghệ thuật; cầu truyền hình trực tiếp; các chương trình phát thanh, truyền hình lớn, có sự tham gia của nhiều địa phương, đơn vị, cần trao đổi ý kiến với Ban Tuyên giáo Trung ương để thống nhất trong tổng thể các chương trình hoạt động, tránh trùng lặp với các hoạt động tuyên truyền, kỷ niệm ở cấp Trung ương.
3.3. Giai đoạn sau sự kiện
Các cơ quan báo chí tiếp tục giữ vững nhịp tuyên truyền nhằm tạo không khí thuận lợi, khích lệ, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Việc triển khai tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024) là nhiệm vụ chính trị quan trọng của mỗi cơ quan báo chí. Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các cơ quan báo chí nghiêm túc thực hiện, bảo đảm hiệu quả, chất lượng; có báo cáo kết quả tuyên truyền về Ban Tuyên giáo Trung ương (qua Vụ Báo chí - Xuất bản) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền./.
|
K/T TRƯỞNG BAN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.