UBND TỈNH TIỀN
GIANG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1466/HD-STNMT |
Mỹ Tho, ngày 27 tháng 07 năm 2009 |
Ngày 19 tháng 5 năm 2009 Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ký Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ban hành Quy định về quản lý hoạt động chăn nuôi, giết mổ, mua bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, ấp trứng gia cầm và sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Nhằm đảm bảo thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ môi trường theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thực hiện hồ sơ và trình tự thủ tục môi trường liên quan tới các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND như sau:
1. Đối tượng phải lập báo cáo ĐTM:
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, tại Phụ lục Danh mục các dự án phải lập báo cáo ĐTM, các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND sau đây phải lập báo cáo ĐTM:
- Dự án chăn nuôi gia súc tập trung có quy mô từ 1.000 đầu gia súc trở lên.
- Dự án chăn nuôi gia cầm tập trung có quy mô từ 20.000 đầu gia cầm trở lên; đối với đà điểu từ 200 con trở lên; đối với chim cút từ 100.000 con trở lên.
- Dự án giết mổ gia súc có quy mô công suất thiết kế từ 1.000 gia súc/ngày trở lên; dự án giết mổ gai cầm có quy mô từ 10.000 gia cầm/ngày trở lên.
- Dự án nuôi trồng thủy sản (thâm canh/bán thâm canh) có quy mô diện tích mặt nước từ 10 ha trở lên.
- Dự án nuôi trồng thủy sản quảng canh có quy mô diện tích mặt nước từ 50 ha trở lên.
- Dự án nuôi trồng thủy sản trên cát: tất cả quy mô.
- Các dự án khác, cải tạo, nâng cấp, mở rộng có tính chất, quy mô, công suất tương đương với các dự án nêu trên.
2. Đối tượng phải đăng ký bản cam kết BVMT:
Các dự án thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND nhưng không thuộc đối tượng có tính chất và quy mô tương ứng với đối tượng phải lập báo cáo ĐTM (quy mô công suất nhỏ hơn mức quy định phải lập báo cáo ĐTM và các đối tượng không nằm trong danh mục phải lập báo cáo ĐTM) thì phải lập bản cam kết BVMT theo quy định tại Điều 24 của Luật Bảo vệ môi trường.
3. Đối tượng phải thực hiện đề án bảo vệ môi trường (ĐABVMT):
- Các cơ sở có quy mô tương đương với các dự án phải lập báo cáo ĐTM đã hoạt động trước ngày 01/7/2006 mà chưa có Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM thì phải lập đề án BVMT trình cơ quan có thẩm quyền cấp tỉnh phê duyệt.
- Các cơ sở có quy mô tương đương với các dự án phải đăng ký bản cam kết BVMT đã hoạt động trước ngày 01/7/2006 mà chưa có Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết BVMT thì phải lập đề án BVMT trình cơ quan có thẩm quyền cấp huyện xác nhận.
II. Trình tự thủ tục và hồ sơ môi trường:
1. Đối với các dự án phải lập báo cáo ĐTM:
a. Hồ sơ:
Căn cứ mục 3 phần III Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường; căn cứ Quyết định số 391/QĐ-STNMT ngày 03 tháng 3 năm 2009 ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa tại Sở Tài nguyên và Môi trường, hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM gồm:
- 02 (hai) văn bản của chủ dự án gửi Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM theo mẫu quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư 05/2008/TT-BTNMT;
- 09 (chín) bản báo cáo ĐTM của dự án được đóng thành quyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 và Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư 05/2008/TT-BTNMT, có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.
- 01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.
b. Trình tự thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ:
- Nộp hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo ĐTM tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (số 11 đường Lê Lợi, Phường 1, thành phố Mỹ Tho).
- Xem xét tính hợp lệ của hồ sơ: trong thời hạnn 05 (năm) ngày làm việc. Nếu hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm thông báo để chủ dự án bổ sung hoàn chỉnh (khoản 6 Điều 9 NĐ 80/2006/NĐ-CP).
- Tổ chức thẩm định: trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ (khoản 2 Điều 12 NĐ 80/2006/NĐ-CP).
- Thông báo kết quả thẩm định: sau cuộc họp thẩm định, Hội đồng thẩm định sẽ thông báo thông qua hoặc không thông qua báo cáo ĐTM. Trường hợp báo cáo ĐTM được thông qua nhưng cần phải tiếp tục hoàn chỉnh theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả của Hội đồng thẩm định, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản thông báo cho chủ dự án biết về kết quả đánh giá của Hội đồng thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo ĐTM (mục 4 phần III Thông tư 05/2008/TT-BTNMT).
- Hoàn chỉnh báo cáo: sau khi nhận được thông báo về hoàn chỉnh báo cáo ĐTM theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định, chủ dự án tiến hành chỉnh sửa bổ sung báo cáo và nộp tại Sở Tài nguyên và Môi trường. Chủ dự án phải ký vào góc trái phía dưới của từng trang của một (01) bản báo cáo đã được hoàn chỉnh, nhân bản và đóng thành quyển gáy cứng với số lượng ba (03) bản và 01 bản được ghi trên đĩa CD kèm theo 02 (hai) văn bản giải trình cụ thể về việc hoàn chỉnh này (khoản 6 mục III Thông tư 05/2008/TT-BTNMT). Đối với các dự án đầu tư vào Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao thì nộp bốn (04) bản báo cáo đã được hoàn chỉnh.
- Xem xét và phê duyệt báo cáo: trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo ĐTM đã chỉnh sửa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét và ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM; nếu không phê duyệt thì sẽ trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do cho chủ dự án biết (khoản 3 Điều 22 Luật Bảo vệ môi trường).
2. Đối với các dự án phải đăng ký bản cam kết BVMT:
a. Hồ sơ:
Căn cứ mục 2 phần IV Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08/12/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường, hồ sơ đăng ký xác nhận bản cam kết BVMT gồm:
- 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết BVMT theo mẫu quy định tại Phụ lục 25 ban hành kèm theo Thông tư 05/2008/TT-BTNMT.
- 05 (năm) bản cam kết BVMT theo mẫu quy định tại Phụ lục 24 và Phụ lục 26 ban hành kèm theo Thông tư 05/2008/TT-BTNMT có chữ ký, họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa của từng bản (trường hợp dự án nằm trên địa bàn của hai (02) huyện trở lên thì phải bổ sung số lượng bản cam kết BVMT bằng số lượng các huyện tăng thêm).
- 01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc phương án sản xuất kinh doanh hoặc tài liệu tương đương của dự án (trường hợp dự án nằm trên địa bàn của hai (02) huyện trở lên thì phải bổ sung số lượng tài liệu này bằng số lượng các huyện tăng thêm).
b. Trình tự thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ:
- Nộp hồ sơ đăng ký bản cam kết BVMT tại phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện, thị xã hoặc thành phố nơi triển khai dự án.
- Xem xét và cấp giấy xác nhận đăng ký bản cam kết BVMT: trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản cam kết BVMT hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền có trách nhiệm cấp giấy xác nhận cho các đối tượng thuộc diện đăng ký cam kết BVMT (khoản 2 Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 1 Điều 17 Nghị định 80/2006/NĐ-CP). Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đủ điều kiện xác nhận, cơ quan có thẩm quyền xem xét hồ sơ phải có văn bản chỉ rõ lý do yêu cầu chủ dự án tiếp tục hoàn thiện hồ sơ. Thời gian hoàn thiện hồ sơ của chủ dự án không tính vào thời hạn xác nhận đăng ký bản cam kết BVMT.
3. Đối với các cơ sở phải lập đề án BVMT trình cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh (Sở Tài nguyên và Môi trường) phê duyệt (là cơ sở đang hoạt động có quy mô tương đương với các dự án phải lập báo cáo ĐTM):
a. Hồ sơ:
Căn cứ điểm 2.1 mục 2 phần II Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18/9/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án BVMT và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án BVMT, hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án BVMT gồm:
- 01 (một) văn bản của tổ chức, cá nhân đề nghị phê duyệt đề án BVMT theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 04/2008/TT-BTNMT.
- 07 (bảy) bản đề án BVMT theo quy định tại Phụ lục 1 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 04/2008/TT-BTNMT (trường hợp dự án nằm trên địa bàn từ hai (02) tỉnh trở lên thì phải bổ sung thêm số lượng đề án BVMT theo số lượng tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải).
- 01 (một) bản sao của một trong các loại giấy: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép hoạt động khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- 01 (một) bản sao báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
b. Trình tự thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ:
- Nộp hồ sơ đề nghị phê duyệt đề án BVMT tại Sở Tài nguyên và Môi trường (số 11 đường Lê Lợi, Phường 1, thành phố Mỹ Tho).
- Xem xét hồ sơ: trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc cần bổ sung thì trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở biết để điều chỉnh hoặc bổ sung hồ sơ (điểm 3.2.a mục 3 phần II).
- Kiểm tra thực tế: sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đến kiểm tra hoạt động thực tế của cơ sở; thời điểm kiểm tra cơ sở nằm trong thời hạn phê duyệt đề án BVMT. Kết quả kiểm tra là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án BVMT. Trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung để hoàn chỉnh đề án BVMT, căn cứ kết quả kiểm tra. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản chính thức gửi chủ cơ sở yêu cầu hoàn chỉnh đề án BVMT.
- Nộp hồ sơ đã hoàn chỉnh: sau khi hoàn chỉnh đề án BVMT chủ cơ sở nộp hồ sơ lại tại Sở Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: ba (03) bản đối với các cơ sở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và bốn (04) bản đối với các cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; kèm theo một (01) bản được ghi trên đĩa CD. Thời gian hoàn chỉnh đề án BVMT không tính vào thời hạn phê duyệt dự án BVMT.
- Phê duyệt đề án BVMT: thời hạn phê duyệt đề án BVMT của tổ chức, cá nhân tối đa là 20 (hai mươi) ngày làm việc, trường hợp phải lấy mẫu phân tích kiểm chứng thì thời hạn tối đa không quá 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc; trường hợp đề án bảo vệ môi trường phải lấy ý kiến theo quy định tại điểm 2 khoản 9 Điều 1 của NĐ số 21/2008/NĐ-CP (đối với trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên), thì thời hạn được cộng thêm 07 (bảy) ngày làm việc (điểm 3.2.c mục 3 phần II). Trường hợp lấy ý kiến của tỉnh bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải của cơ sở, Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh bị ảnh hưởng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan phê duyệt.
4. Đối với các cơ sở phải lập Đề án BVMT trình cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp huyện (Phòng Tài nguyên và Môi trường) xác nhận (là cơ sở đang hoạt động có quy mô tương đương với các dự án phải đăng ký bản cam kết BVMT):
a. Hồ sơ:
Căn cứ điểm 2.2 mục 2 phần II Thông tư số 04/2008/TT-BTNMT ngày 18/9/2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn lập, phê duyệt hoặc xác nhận đề án BVMT và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đề án BVMT, hồ sơ đề nghị xác nhận đề án BVMT gồm:
- 01 (một) văn bản của tổ chức, cá nhân đề nghị xác nhận đề án BVMT theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư 04/2008/TT-BTNMT.
- 03 (ba) bản đề án BVMT được đóng thành quyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 và Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 04/2008/TT-BTNMT (trường hợp dự án nằm trên địa bàn từ hai (02) huyện trở lên thì phải bổ sung thêm số lượng đề án BVMT theo số lượng huyện bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải).
- 01 (một) bản sao của một trong các loại: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy phép đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép hoạt động khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
- 01 (một) bản sao báo cáo kinh tế kỹ thuật hoặc báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
b. Trình tự thủ tục và thời gian giải quyết hồ sơ:
- Nộp hồ sơ đề nghị xác nhận đề án BVMT tại Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện.
- Xem xét hồ sơ: trường hợp hồ sơ không hợp lệ hoặc cần bổ sung thì trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Phòng Tài nguyên và Môi trường phải thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở biết để điều chỉnh hoặc bổ sung hồ sơ (điểm 3.3.a mục 3 phần II).
- Kiểm tra thực tế: sau khi nhận hồ sơ hợp lệ, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức đoàn kiểm tra đến kiểm tra hoạt động thực tế của cơ sở; thời điểm kiểm tra cơ sở nằm trong thời hạn xác nhận đề án BVMT. Kết quả kiểm tra là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xác nhận đề án BVMT. Trường hợp có yêu cầu chỉnh sửa, bổ sung để hoàn chỉnh đề án BVMT, căn cứ kết quả kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ có văn bản chính thức gửi chủ cơ sở yêu cầu hoàn chỉnh đề án BVMT.
- Nộp hồ sơ đã hoàn chỉnh: sau khi hoàn chỉnh đề án BVMT chủ cơ sở nộp hồ sơ lại tại Phòng Tài nguyên và Môi trường, bao gồm: ba (03) bản đối với các cơ sở ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế và bốn (04) bản đối với các cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế; kèm theo một (01) bản được ghi trên đĩa CD.
- Xác nhận đề án BVMT: thời hạn xác nhận đề án BVMT của tổ chức, cá nhân tối đa là 15 (mười lăm) ngày làm việc; trường hợp phải lấy mẫu phân tích kiểm chứng thì thời hạn tối đa không quá 20 (hai mươi) ngày làm việc; trường hợp đề án bảo vệ môi trường phải lấy ý kiến theo quy định tại điểm 2 khoản 9 Điều 1 của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP (đối với trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung và cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nằm trên địa bàn từ 02 huyện trở lên), thì thời hạn được cộng thêm 05 (năm) ngày làm việc (điểm 3.3.c mục 3 phần II). Trường hợp lấy ý kiến của huyện bị ảnh hưởng trực tiếp do chất thải của cơ sở, Phòng Tài nguyên và Môi trường của huyện bị ảnh hưởng phải có ý kiến trả lời bằng văn bản trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan xác nhận.
Trên đây là hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc thực hiện hồ sơ và trình tự thủ tục môi trường liên quan tới các đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ảnh đến Sở Tài nguyên và Môi trường để được xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: |
GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.