TỔNG
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 132/HD-TLĐ |
Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2017 |
MỘT SỐ NỘI DUNG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH SỐ 52/KH-TLĐ NGÀY 28/11/2016 VỀ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI CÔNG ĐOÀN CÁC CẤP TIẾN TỚI ĐẠI HỘI XII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
Căn cứ Kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn một số nội dung chuẩn bị và tổ chức đại hội công đoàn các cấp như sau:
I. Hướng dẫn thực hiện Mục III, điểm 2.2 về tiêu chuẩn, điều kiện tham gia ban chấp hành công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước
1. Đối với công đoàn cơ sở doanh nghiệp
- Đoàn viên ứng cử hoặc đề cử tham gia ban chấp hành CĐCS, ngoài việc đáp ứng các tiêu chuẩn chung, phải có trình độ chuyên môn, tay nghề vững vàng, có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp, là đoàn viên đang sinh hoạt tại CĐCS và đóng đoàn phí đầy đủ từ 01 năm trở lên; trường hợp CĐCS mới thành lập phải trong số những người đầu tiên đăng ký tham gia công đoàn và đóng đoàn phí đầy đủ.
- Đối với cán bộ, nhân viên hoạt động chuyên trách tại CĐCS:
+ Người ứng cử hoặc đề cử tham gia ban chấp hành CĐCS lần đầu phải còn tuổi công tác đủ 01 nhiệm kỳ đại hội CĐCS trở lên (tính theo nhiệm kỳ đại hội CĐCS) kể từ tháng diễn ra đại hội CĐCS.
+ Trường hợp là chủ tịch CĐCS đương nhiệm, nếu không đủ tuổi tái cử chức danh chủ tịch CĐCS, do công đoàn cấp trên xin ý kiến cấp ủy đồng cấp (nếu có) quyết định.
2. Đối với các nghiệp đoàn
- Đoàn viên ứng cử hoặc đề cử tham gia ban chấp hành nghiệp đoàn ngoài việc có đủ các tiêu chuẩn chung, phải là người có kinh nghiệm giỏi trong nghề, gắn bó với nghề; có tinh thần giúp đỡ đồng nghiệp; tâm huyết, nhiệt tình, tự nguyện đóng góp công sức trong việc vận động, tập hợp đoàn kết người lao động theo nghề.
- Là đoàn viên đang sinh hoạt tại nghiệp đoàn cơ sở và đóng đoàn phí đầy đủ từ 01 năm trở lên. Trường hợp nghiệp đoàn cơ sở mới thành lập phải trong số những người đầu tiên đăng ký tham gia nghiệp đoàn và đóng đoàn phí đầy đủ.
II. Hướng dẫn thực hiện Mục III, điểm 2.4 về thí điểm tăng số lượng ban chấp hành công đoàn cơ sở
1. Điều kiện tăng số lượng ban chấp hành công đoàn cơ sở
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 10.000 đoàn viên trở lên, hoặc có các chi nhánh, văn phòng đại diện, cơ sở sản xuất kinh doanh, hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố.
- Công đoàn cơ sở có nhu cầu thực sự cần thiết phải tăng thêm số lượng ban chấp hành cao hơn quy định hiện hành của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn (tại Mục 9.2 Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 quy định tối đa 19 ủy viên BCH) để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện nhiệm vụ của CĐCS.
2. Định mức tăng số lượng ban chấp hành công đoàn cơ sở
2.1. Công đoàn cơ sở hoạt động trong địa bàn 01 tỉnh, thành phố
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 10.000 đoàn viên đến dưới 30.000 đoàn viên, ban chấp hành CĐCS không quá 21 ủy viên.
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 30.000 đoàn viên đến dưới 50.000 đoàn viên, ban chấp hành CĐCS không quá 23 ủy viên.
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 50.000 đoàn viên trở lên, ban chấp hành CĐCS không quá 25 ủy viên.
2.2. Công đoàn cơ sở hoạt động trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 10.000 đoàn viên đến dưới 20.000 đoàn viên, ban chấp hành CĐCS không quá 23 ủy viên.
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 20.000 đoàn viên đến dưới 30.000 đoàn viên, ban chấp hành CĐCS không quá 25 ủy viên.
- Công đoàn cơ sở doanh nghiệp có từ 30.000 đoàn viên trở lên, ban chấp hành CĐCS không quá 27 ủy viên.
III. Hướng dẫn thực hiện Mục III, điểm 2.5 về tổ chức bầu cử trực tiếp chủ tịch tại đại hội công đoàn cơ sở khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước
1. Công đoàn cấp trên thí điểm lựa chọn và chỉ định đại hội CĐCS bầu cử trực tiếp chủ tịch CĐCS tại đại hội toàn thể CĐCS, thay cho việc thực hiện theo điểm a, khoản 4, Điều 15 Điều lệ Công đoàn Việt Nam và Mục 11.4 Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn “khi có quá 1/2 đại biểu dự đại hội yêu cầu bầu trực tiếp chủ tịch CĐCS, nghiệp đoàn tại đại hội, thì đoàn chủ tịch đại hội báo cáo xin ý kiến công đoàn cấp trên...”.
2. Mỗi LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (nếu có CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước) thí điểm lựa chọn và chỉ định từ 02 đến 03 CĐCS tổ chức bầu trực tiếp chủ tịch CĐCS tại đại hội.
3. Việc bầu trực tiếp chủ tịch CĐCS áp dụng theo phương pháp mới, do đại biểu dự đại hội trực tiếp lựa chọn nhân sự sau khi có kết quả bầu cử ban chấp hành CĐCS. Đoàn chủ tịch đại hội tổ chức lấy phiếu giới thiệu của các đại biểu dự đại hội về nhân sự chủ tịch CĐCS trong ban chấp hành khóa mới, làm cơ sở để lựa chọn từ 01 đến 02 người có tỷ lệ giới thiệu cao vào danh sách biểu quyết để bầu chủ tịch CĐCS.
4. Kết quả trúng cử là người có số phiếu bầu cao hơn, nhưng phải đạt trên 50% phiếu bầu.
IV. Hướng dẫn thực hiện Mục IV, điểm 3 về tổ chức đại hội điểm:
Để có cơ sở rút kinh nghiệm kịp thời trong quá trình chỉ đạo và hướng dẫn đại hội công đoàn các cấp. Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn hướng dẫn công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội điểm như sau:
1. Thí điểm công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử ban chấp hành CĐCS
Các đơn vị được chọn đại hội điểm tiến hành chỉ đạo từ 02 đến 03 CĐCS tổ chức thí điểm công tác chuẩn bị nhân sự và bầu cử ban chấp hành khóa mới, như sau:
- Công tác chuẩn bị nhân sự ban chấp hành CĐCS được tiến hành công khai từ bước lấy ý kiến giới thiệu của đoàn viên ở các tổ công đoàn trở lên. Là 01 khâu trong các bước xây dựng đề án ban chấp hành CĐCS, làm cơ sở để lựa chọn những đoàn viên được giới thiệu tín nhiệm cao tham gia nhân sự ban chấp hành CĐCS.
- Cơ cấu ban chấp hành CĐCS, ngoài các tiêu chuẩn chung, phải xuất phát từ nhu cầu đại diện đoàn viên và người lao động theo khu vực, đơn vị, bộ phận sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
- Căn cứ cơ cấu số lượng ban chấp hành CĐCS đã được công đoàn cấp trên phê duyệt, ban chấp hành CĐCS khóa đương nhiệm xác định cơ cấu đại diện để dự kiến phân bổ theo khu vực, đơn vị, bộ phận sản xuất, làm căn cứ lấy ý kiến đoàn viên giới thiệu nhân sự tham gia ban chấp hành.
- Sau khi tập hợp danh sách giới thiệu nhân sự, ban chấp hành khóa đương nhiệm lựa chọn những người đạt tỷ lệ giới thiệu cao, làm cơ sở để đoàn chủ tịch đại hội CĐCS trình xin ý kiến đại hội và quyết định việc cho rút hoặc không cho rút khỏi danh sách bầu cử, nhưng phải có số dư ít nhất 10% so với số lượng ban chấp hành được duyệt và được đại hội biểu quyết thông qua.
2. Chỉ định đơn vị tổ chức đại hội điểm
- Việc chỉ định đại hội điểm do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn quyết định, trước hết xem xét, lựa chọn trên cơ sở đăng ký của LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn và xem xét điều kiện, khả năng thực tiễn của đơn vị.
- Số lượng đại hội điểm gồm 03 Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố đại diện 3 miền, 01 công đoàn ngành trung ương (hoặc công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn).
- Đơn vị được chỉ định đại hội điểm phải triển khai tổ chức đại hội công đoàn các cấp sớm hơn 01 quý và kết thúc trước 01 quý so với tiến độ chung theo Kế hoạch số 52/KH-TLĐ ngày 28/11/2016 về tổ chức đại hội công đoàn các cấp tiến tới Đại hội XII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2018-2023.
- Đại hội điểm phải được lựa chọn, tiến hành từ cấp công đoàn cơ sở trở lên, để rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai đến toàn hệ thống Công đoàn Việt Nam.
- Kết thúc đại hội điểm ở từng cấp, liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương, công đoàn tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn được chỉ định tổ chức đại hội điểm phải tiến hành rút kinh nghiệm và báo cáo về Tổng Liên đoàn để nhân rộng toàn quốc.
1. Các đơn vị xét thấy có đủ khả năng và điều kiện tổ chức đại hội điểm công đoàn các cấp, gửi đăng ký về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tổ chức) trước ngày 20/02/2017 để Đoàn Chủ tịch xem xét, quyết định.
2. Việc tổ chức các hoạt động thí điểm trong đại hội và tổ chức đại hội điểm phải được thực hiện công khai và quán triệt nhất quán đến các đơn vị được lựa chọn theo chủ trương chung của Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn; đảm bảo đại hội công đoàn các cấp đạt chất lượng, hiệu quả, tiết kiệm và thiết thực, tránh phô trương, hình thức, lãng phí.
3. Giao cho Ban Tổ chức Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tổng Liên đoàn và các ban có liên quan tham mưu, chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện hướng dẫn này, đồng thời tổng hợp, báo cáo kịp thời kết quả với Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn để rút kinh nghiệm chỉ đạo.
Quá trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tổ chức) để trình Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn xem xét, giải quyết.
|
TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.