BAN
CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG |
ĐẢNG
CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 08-HD/UBKTTW |
Hà Nội, ngày 14 tháng 02 năm 2020 |
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;
- Căn cứ Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng;
- Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
- Căn cứ Quy định số 59-QĐ/TW, ngày 22/12/2016 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam; Quy định số 192-QĐ/TW, ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân Việt Nam;
- Căn cứ Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự cấp ủy tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
- Căn cứ Công văn số 11535-CV/VPTW, ngày 11/02/2020 của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến của Ban Bí thư về độ tuổi tái cử ủy ban kiểm tra các cấp nhiệm kỳ 2020-2025;
- Căn cứ Công văn số 10259-CV/BTCTW, ngày 03/01/2020 của Ban Tổ chức Trung ương về việc tham gia ý kiến dự thảo Hướng dẫn nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025;
Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng như sau:
I. VỀ SỐ LƯỢNG, CƠ CẤU, TIÊU CHUẨN VÀ ĐỘ TUỔI
1. Cơ cấu và số lượng ủy ban kiểm tra
1.1. Ủy ban kiểm tra tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương
- Số lượng từ 9 đến 11 ủy viên, trong đó có 2 ủy viên kiêm chức; riêng Thành ủy Hà Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh số lượng từ 13 đến 15 ủy viên; Tỉnh ủy Thanh Hóa, Tỉnh ủy Nghệ An số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do tỉnh ủy, thành ủy quyết định).
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 02 đến 03 phó chủ nhiệm và một số ủy viên (riêng Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh không quá 05 phó chủ nhiệm; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Nghệ An không quá 04 phó chủ nhiệm). Trong đó, 01 ủy viên ban thường vụ cấp ủy làm chủ nhiệm và 01 cấp ủy viên cùng cấp làm phó chủ nhiệm thường trực.
- Các ủy viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp ủy là cấp ủy viên cùng cấp và chánh thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1.2. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
- Số lượng từ 09 đến 11 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định).
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 02 đến 03 phó chủ nhiệm và từ 03 đến 05 ủy viên; trong đó, 01 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối làm Chủ nhiệm và 01 cấp ủy viên cùng cấp làm Phó Chủ nhiệm Thường trực.
- Ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, cấp ủy viên phụ trách công tác khác, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối.
1.3. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương
- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Khối quyết định).
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm, từ 02 đến 03 phó chủ nhiệm và từ 04 đến 06 ủy viên; trong đó, 01 ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối làm Chủ nhiệm và 01 cấp ủy viên cùng cấp làm Phó Chủ nhiệm Thường trực.
- Các ủy viên kiêm chức là cấp ủy viên phụ trách công tác tổ chức, bí thư hoặc phó bí thư, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc Đảng ủy Khối.
1.4. Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương
- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Quân ủy Trung ương quyết định), trong đó có 02 cấp ủy viên cùng cấp trở lên.
- Các ủy viên chuyên trách gồm: 01 Phó Chủ nhiệm Thường trực, 03 Phó Chủ nhiệm và 04 Ủy viên.
- Ủy viên kiêm chức từ 03 đến 05 đồng chí gồm: Chủ nhiệm là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Cục trưởng Cục Tổ chức; Cục trưởng Cục Cán bộ; Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng.
1.5. Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương
- Số lượng từ 11 đến 13 ủy viên (do Đảng ủy Công an Trung ương quyết định), trong đó có 02 cấp ủy viên cùng cấp trở lên.
- Các ủy viên chuyên trách gồm: 01 Phó Chủ nhiệm Thường trực là Đảng ủy viên Đảng ủy Công an Trung ương, 03 Phó Chủ nhiệm và 04 đến 06 ủy viên.
- Các ủy viên kiêm chức gồm: Chủ nhiệm là Phó Bí thư hoặc Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an; Cục trưởng Cục Tổ chức - Cán bộ và Chánh Thanh tra Bộ Công an.
1.6. Ủy ban kiểm tra của cấp ủy trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy
- Số lượng từ 07 đến 09 ủy viên (do cấp ủy quyết định).
- Các ủy viên chuyên trách gồm: Chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, từ 01 đến 02 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy viên) và một số ủy viên chuyên trách.
- Ủy viên kiêm chức gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp (nơi không có chánh thanh tra cùng cấp là đồng chí phó bí thư của cấp ủy trực thuộc).
1.7. Ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở
- Số lượng từ 05 đến 07 ủy viên (do cấp ủy cấp trên cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là ủy viên ban thường vụ cấp ủy, có từ 1 đến 2 phó chủ nhiệm (phó chủ nhiệm thường trực là chuyên trách) và một số ủy viên chuyên trách.
- Ủy viên kiêm chức gồm: Trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và chánh thanh tra cùng cấp; phó bí thư hoặc chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy trực thuộc đối với những nơi không có chánh thanh tra cùng cấp.
1.8. Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở
- Số lượng từ 03 đến 05 ủy viên (do đảng ủy cơ sở quyết định), trong đó chủ nhiệm là phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ, thường trực cấp ủy; phó chủ nhiệm là cấp ủy viên hoặc đảng viên. Các ủy viên khác là cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách công tác đoàn thể, bí thư chi bộ, thanh tra nhân dân.
- Ủy ban kiểm tra của đảng ủy cơ sở xã, phường, thị trấn; những tổ chức đảng trong cơ quan và doanh nghiệp có từ 300 đảng viên trở lên thì bố trí ủy viên chuyên trách làm phó chủ nhiệm.
1.9. Đảng ủy bộ phận và chi bộ
- Đảng ủy bộ phận và chi bộ không lập ủy ban kiểm tra; tập thể cấp ủy, chi bộ thực hiện công tác kiểm tra, giám sát và phân công 01 cấp ủy viên phụ trách. Ngoài ra, có thể lựa chọn phân công một số đảng viên giúp cấp ủy viên phụ trách làm công tác kiểm tra, giám sát.
- Đối với ủy ban kiểm tra đảng ủy cấp trên cơ sở và đảng ủy cơ sở thuộc Đảng bộ Quân đội, Đảng bộ Công an Trung ương, Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương có hướng dẫn riêng.
1.10. Đối với những nơi thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh hoặc hợp nhất cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra cấp tỉnh, cấp huyện
- Những nơi thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra thì số lượng của ủy ban kiểm tra giữ nguyên như quy định nêu trên; cơ cấu ủy viên kiêm chức của ủy ban kiểm tra gồm trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức là cấp ủy viên và phó chánh thanh tra cùng cấp.
- Những nơi thực hiện thí điểm hợp nhất hai cơ quan ủy ban kiểm tra và thanh tra thì số lượng của ủy ban kiểm tra giữ nguyên như quy định nêu trên; bố trí chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đồng thời là chánh thanh tra và cơ cấu ủy viên kiêm chức của ủy ban kiểm tra là trưởng ban hoặc phó trưởng ban tổ chức của cấp ủy cùng cấp là cấp ủy viên.
2. Tiêu chuẩn ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp
Tiêu chuẩn đối với ủy viên ủy ban kiểm tra các cấp vận dụng theo tiêu chuẩn cấp ủy viên cùng cấp được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời cần chú ý một số tiêu chuẩn sau:
Có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng, có nghiệp vụ, chuyên môn và hiểu biết về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Không đưa vào ủy ban kiểm tra những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm; quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân; bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Thực hiện như tuổi tham gia cấp ủy cùng cấp; bảo đảm tính kế thừa, có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, người dân tộc thiểu số, căn cứ vào tình hình cụ thể các cấp ủy vận dụng bố trí cho phù hợp. Cụ thể như sau:
(i) Các đồng chí lần đầu tham gia ủy ban kiểm tra: Thực hiện độ tuổi như lần đầu tham gia cấp ủy cùng cấp.
(ii) Những đồng chí được giới thiệu tái cử: Đối với các trường hợp dự kiến giới thiệu tái cử để làm chủ nhiệm, phó chủ nhiệm thường trực là cấp ủy khóa mới thì thực hiện như cấp ủy được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương. Đối với các phó chủ nhiệm (trong đó có cả phó chủ nhiệm là cấp ủy viên, không còn đủ tuổi tham gia cấp ủy khóa mới) và các ủy viên ủy ban kiểm tra nếu còn đủ tuổi công tác từ 24 tháng trở lên (tính tại thời điểm tổ chức đại hội của mỗi cấp đến tháng nghỉ hưu). Thời điểm tính tuổi tham gia ủy ban kiểm tra các cấp là: Cấp cơ sở tháng 4/2020; cấp huyện và tương đương tháng 6/2020; cấp trực thuộc Trung ương tháng 9/2020.
Dừng việc bổ sung ủy viên ủy ban kiểm tra của cấp ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 trước 06 tháng tính đến thời điểm đại hội đảng bộ ở mỗi cấp. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(iii) Về độ tuổi tái cử ủy ban kiểm tra đối với một số trường hợp đặc thù: Phó chủ nhiệm, ủy viên chuyên trách ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị - xã hội, hành chính, đơn vị sự nghiệp; ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ quân đội, công an (tỉnh, huyện) và đảng bộ bộ đội biên phòng tỉnh; ủy ban kiểm tra của cấp ủy trong đảng bộ các tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính và ngân hàng thương mại nhà nước (hoặc nhà nước có cổ phần chi phối) còn tuổi công tác từ 01 năm (12 tháng) trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên và được cấp có thẩm quyền bổ nhiệm đồng ý, thì có thể xem xét tiếp tục tham gia ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2020-2025 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.
(iv) Đối với những thành viên ủy ban kiểm tra không đủ tuổi tái cử nhiệm kỳ mới thì được thực hiện chế độ, chính sách như đối với cấp ủy viên không tái cử cấp ủy khóa mới theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 26-HD/BTCTW, ngày 18/10/2019 của Ban Tổ chức Trung ương.
II. CHUẨN BỊ NHÂN SỰ ỦY BAN KIỂM TRA TRƯỚC ĐẠI HỘI
1. Ủy ban kiểm tra các cấp phối hợp với ban tổ chức cấp ủy cùng cấp chuẩn bị đề án nhân sự ủy ban kiểm tra khóa mới, báo cáo cấp ủy đương nhiệm.
2. Căn cứ đề án do ủy ban kiểm tra và ban tổ chức báo cáo, cấp ủy đương nhiệm thảo luận tập thể, dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự cụ thể ủy ban kiểm tra khóa mới.
3. Cấp ủy đương nhiệm chỉ đạo công tác chuẩn bị và giới thiệu nhân sự ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra với cấp ủy khóa mới. Trong quá trình chuẩn bị nhân sự ủy ban kiểm tra, cấp ủy cần phối hợp với ủy ban kiểm tra cấp trên, sau khi đã có dự kiến số lượng, cơ cấu, nhân sự phải trao đổi và thống nhất với ủy ban kiểm tra cấp trên về nhân sự của ủy ban kiểm tra khóa mới (số lượng, danh sách cụ thể).
4. Về trách nhiệm của ủy ban kiểm tra cấp trên trong công tác nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới.
- Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy trình công tác nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới.
- Cho ý kiến về số lượng, cơ cấu nhân sự ủy ban kiểm tra cấp dưới.
III. VIỆC BẦU CỬ ỦY BAN KIỂM TRA
- Việc bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng, ban hành kèm theo Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương và quy định của Đảng.
- Trong phiên họp đầu tiên của cấp ủy khóa mới, cấp ủy nghe báo cáo về công tác chuẩn bị và đề án nhân sự ủy ban kiểm tra của cấp ủy khóa trước; thảo luận về số lượng, cơ cấu, nhân sự và tiến hành bầu ủy ban kiểm tra theo trình tự sau:
+ Biểu quyết số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra;
+ Bầu ủy ban kiểm tra;
+ Bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra.
+ Ủy ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm và phân công các thành viên trong ủy ban kiểm tra. Sau khi được bầu, chủ nhiệm điều hành công việc của ủy ban kiểm tra khóa mới; nơi chưa bầu được chủ nhiệm thì phân công phó chủ nhiệm là cấp ủy viên phụ trách việc điều hành các công việc của ủy ban kiểm tra cho đến khi cấp ủy bầu được chủ nhiệm.
IV. THỦ TỤC ĐỀ NGHỊ CHUẨN Y ỦY BAN KIỂM TRA
Sau khi cấp ủy bầu ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, ủy ban kiểm tra bầu các phó chủ nhiệm thì cấp ủy có văn bản báo cáo đề nghị cấp ủy cấp trên (gửi qua ủy ban kiểm tra cấp trên) chuẩn y ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, thủ tục gồm:
- Tờ trình của cấp ủy đề nghị chuẩn y ủy ban kiểm tra và các chức danh của ủy ban kiểm tra kèm theo biên bản bầu cử ủy ban và các chức danh trong ủy ban kiểm tra.
- Danh sách trích ngang các thành viên ủy ban kiểm tra.
- Sơ yếu lý lịch của các thành viên ủy ban kiểm tra (có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ).
Trên đây là Hướng dẫn công tác nhân sự ủy ban kiểm tra tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, cấp ủy, ủy ban kiểm tra báo cáo về Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét, quyết định.
|
T/M ỦY BAN KIỂM
TRA |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.