NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 34/CV-NHNN1 | Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2000 |
CÔNG VĂN
CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 34/CV-NHNN1 NGÀY 7 THÁNG 1 NĂM 2000 VỀ VIỆC CHO VAY KHÔNG CÓ BẢO ĐẢM BẰNG TÀI SẢN ĐỐI VỚI CBCNV VÀ THU NỢ TỪ TIỀN LƯƠNG, TRỢ CẤP VÀ CÁC KHOẢN THU NHẬP KHÁC
Kính gửi: Các tổ chức tín dụng
Trước tháng 12/1999, một số tổ chức tín dụng có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép thực hiện việc cho vay đối với cán bộ công nhân viên và thu nợ vay từ tiền lương, trợ cấp và các khoản thu nhập thường xuyên khác. Đây là một hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản theo Điều 52 của Luật Các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên cho đến thời điểm nói trên, Chính phủ chưa có quy định cụ thể về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản nên việc bảo đảm tiền vay vẫn thực hiện theo Quy chế cầm cố, thế chấp, bảo lãnh vay vốn ngân hàng ban hành theo Quyết định số 217/QĐ-NH1 ngày 17/8/1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vì vậy việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện. Xét thấy nhu cầu vay vốn này là hợp lý và phù hợp với chủ trường kích cầu mở rộng cho vay tiêu dùng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã trao đổi ý kiến với một số cơ quan quản lý Nhà nước và tổ chức đại diện quyền lợi của người lao động, nhằm tạo sự nhất trí trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thực hiện.
Tuy nhiên do ý kiến các cơ quan trên chưa đồng tình với chủ trương này nên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có công văn số 938/CV-CSTT3 ngày 3/12/1999, đề nghị các tổ chức tín dụng trước mắt chưa thực hiện cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với cán bộ công nhân viên (CBCNV) và thu nợ từ tiền lương, trợ cấp và các khoản thu nhập thường xuyên khác.
Ngày 29/12/1999, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 178/1999/NĐ-CP về bảo đảm tiền vay của các tổ chức tín dụng có hiệu lực từ ngày 13/01/2000, trong đó có các quy định về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản. Trên cơ sở Nghị định này và nhu cầu thực tế cho vay CBCNV hiện nay, để việc triển khai thực hiện được thuận lợi, góp phần mở rộng tín dụng và đáp ứng nhu cầu vốn cho CBCNV, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với CBCNV và thu nợ từ nguồn thu nhập thường xuyên (sau đây gọi tắt là thu nhập) như sau:
1. Các tổ chức tín dụng chủ động xem xét quyết định việc cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với CBCNV phù hợp với Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và quy định của Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về cho vay không có bảo đảm bằng tài sản trên nguyên tắc đảm bảo thu hồi nợ vay và tự chịu trách nhiệm.
2. Điều kiện cho vay đối với CBCNV:
a) Có năng lực pháp luật và năng lực hàng vi dân sự, có tín nhiệm đối với tổ chức tín dụng cho vay trong việc sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn cả gốc và lãi. Đối với CBCNV vay lần đầu cần có ý kiến đồng ý của cơ quan quản lý lao động hoặc cơ quan quản lý và chi trả thu nhập.
b) Có dự án đầu tư hoặc phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khả thi và có khả năng hoàn trả nợ; hoặc có dự án, phương án phục vụ đời sống khả thi phù hợp với quy định của pháp luật.
c) Mục đích sử dụng vốn vay hợp pháp. Người vay vốn chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc sử dụng vốn vay đúng cam kết.
d) Có thu nhập về tiền lương, trợ cấp hoặc các hình thức khác do một cơ quan, tổ chức trả thường xuyên, ổn định trong một thời hạn nhất định theo yêu cầu của tổ chức tín dụng để đảm bảo khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ.
đ) Cam kết thực hiện biện pháp đảm bảo bằng tài sản theo yêu cầu của tổ chức tín dụng nếu CBCNV sử dụng vốn vay không cam kết trong hợp đồng tín dụng; cam kết trả nợ trước hạn nếu không thực hiện được các biện pháp bảo đảm bằng tài sản quy định tại điểm này.
3. Tổ chức tín dụng quy định mức dư nợ tối đa cho vay một CBCNV không có bảo đảm bằng tài sản trên cơ sở nguồn vốn của mình, mức độ tín nhiệm, mức độ thu nhập thường xuyên của người vay so với giá trị khoản vay và các khả năng tài chính khác mà người vay có thể và cam kết dùng để trả nợ.
4. Tổ chức tín dụng không được cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với CBCNV là: Thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (giám đốc), Phó tổng giám đốc (phó giám đốc) của tổ chức tín dụng cho vay; Người thẩm định, xét duyệt cho vay; Bố, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (giám đốc) tổ chức tín dụng cho vay.
5. Mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với CBCNV của một tổ chức tín dụng không được vượt quá mức quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tổng mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản.
6. Tổ chức tín dụng có thể thoả thuận với người vay vốn và cơ quan, tổ chức quản lý CBCNV hoặc quản lý chi trả thu nhập về việc CBCNV uỷ quyền cho các cơ quan nói trên trả nợ theo cam kết cho tổ chức tín dụng từ nguồn thu nhập của mình.
7. Khi cho vay không có bảo đảm bằng tài sản đối với CBCNV, các tổ chức tín dụng cần đảm bảo sự bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên theo quy định của Luật các Tổ chức tín dụng, đồng thời thực hiện công bố công khai các điều kiện thủ tục vay vốn, có sự giải thích tuyên truyền thích đáng để tạo sự đồng thuận của cơ quan quản lý lao động, quản lý và chi trả thu nhập và tổ chức công đoàn tại nơi người vay đang lao động hoặc cư trú.
Công văn này có hiệu lực kể từ ngày 14/1/2000 và thay thế công văn số 938/CV-CSTT3 ngày 3/12/1999 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Căn cứ nội dung công văn này các tổ chức tín dụng có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện trong hệ thống. Các vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện cần phản ánh kịp thời về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để xem xét xử lý.
| Trần Minh Tuấn (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.