TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 46/KHXX | Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 1997 |
CÔNG VĂN
CỦA TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO SỐ 46/KHXX NGÀY 17 THÁNG 5 NĂM 1997 VỀ VIỆC THẨM QUYỀN XỬ LÝ HỢP ĐỒNG KINH TẾ VÔ HIỆU
Kính gửi: Uỷ ban nhân dân quận Ba Đình - Hà Nội
Sau khi nghiên cứu nội dung Công văn số 305/CV-UB ngày 14-5-1997 của Uỷ ban nhân dân quận Ba Đình. Toà án nhân dân tối cao trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 25-9-1989, thì việc kết luận hợp đồng kinh tế là vô hiệu toàn bộ hoặc từng phần thuộc thẩm quyền của Trọng tài kinh tế. Nhưng theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân được Quốc hội thông qua ngày 28-12-1993 và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 136/TTg ngày 1-4-1994 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Toà án nhân dân, thì từ ngày 1-7-1994 hệ thống cơ quan trọng tài kinh tế Nhà nước chấm dứt hoạt động, đồng thời theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế được Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 16-3-1994 thì các quy định của pháp luật về thẩm quyền giải quyết tranh chấp và xử lý vi phạm pháp luật hợp đồng kinh tế của Trọng tài kinh tế không còn có hiệu lực thi hành và giao thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế cho Toà án nhân dân. Tuy nhiên, Toà án là cơ quan xét xử không có chức năng quản lý nhà nước nên không thể tự mình kiểm tra và tuyên bố hợp đồng vô hiệu như Trọng tài kinh tế trước đây. Theo nội dung hướng dẫn tại điểm b mục 2 Công văn số 11/KHXX ngày 23-1-1996 của Toà án nhân dân tối cao, thì các hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu khi xảy ra tranh chấp Toà án nhân dân thụ lý giải quyết theo thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế và áp dụng quy định về xử lý hợp đồng kinh tế vô hiệu tại Điều 39 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế để giải quyết.
Theo các quy định và hướng dẫn trên đây, Toà án nhân dân xử lý các hợp đồng kinh tế vô hiệu khi nào xảy ra tranh chấp mà các bên khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.
Đối với trường hợp Công ty sản xuất và dịch vụ xuất nhập khẩu Ba Đình ký với Công ty trách nhiệm hữu hạn dịch vụ - xuất khẩu Châu Á (SEPROMEX) hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 25-4-1996 mà vi phạm pháp luật thì hai bên phải gặp nhau để huỷ bỏ hợp đồng, nếu các bên không tự giải quyết được thì làm đơn yêu cầu Toà án nhân dân thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền.
| Trịnh Hồng Dương (Đã ký) |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.