BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3805-TC/TCT | Hà Nội, ngày 25 tháng 10 năm 1996 |
CÔNG VĂN
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 3805 TC/TCT NGÀY 25 THÁNG 10 NĂM 1996 VỀ VIỆC KIỂM TRA THU HỌC PHÍ ĐÀO TẠO LUẬT GIAO THÔNG VÀ LỆ PHÍ THI, CẤP BẰNG LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
Kính gửi: Cục thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Thực hiện Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1996 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị, các cơ sở của Cục đường bộ Việt Nam và Sở giao thông vận tải (hoặc Sở giao thông công chính) các tỉnh, thành phố đã tổ chức thi và cấp bằng lái xe cho những người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ. Trong quá trình thực hiện công việc quản lý Nhà nước được giao, ngoài việc thu lệ phí thi (lý thuyết về Luật giao thông và thực hành tay lái) và lệ phí cấp bằng lái xe quy định tại Thông tư số 28 TT/LB ngày 30/3/1993 của Liên Bộ Tài chính - Nội vụ, các đơn vị còn thu thêm khoản phí bắt buộc về đào tạo Luật giao thông với mức 40.000 - 50.000 đồng/người dự thi ngoài quy định.
Căn cứ vào Điều 1, Điều 2, Quyết định số 276/CT ngày 28/7/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) về việc thống nhất quản lý các loại phí và lệ phí quy định: "Số tiền phí, lệ phí thu được phải nộp vào Ngân sách Nhà nước theo hướng dẫn của Bộ Tài chính" và "Các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức phải đình chỉ ngay việc thu và tự quy định các khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của Hội đồng bộ trưởng".
Sau khi trao đổi với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính yêu cầu Cục thuế các tỉnh, thành phố thực hiện kiểm tra, xác định và báo cáo về Bộ (Tổng cục thuế) số tiền thu, nộp ngân sách và sử dụng các khoản thu học phí đào tạo Luật giao thông, lệ phí thi và cấp bằng lái xe cơ giới đường bộ do các cơ sở thuộc Cục đường bộ Việt Nam và Sở giao thông vận tải (Sở Giao thông công chính) tổ chức thu từ ngày 01/8/1995 đến ngày 31/5/1996 theo mẫu biểu đính kèm công văn này. Việc xác định các chỉ tiêu cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
1- Về số thu, cần tổng hợp đầy đủ và phân biệt riêng số thu phí đào tạo Luật giao thông (A1, A2), số thu lệ phí và cấp bằng lái xe cơ giới đường bộ trên cơ sở tổng số lượt người dự thi, mức thu và biên lai thu tiền;
2- Tổng số tiền thu phí, lệ phí đơn vị đã chi (sử dụng), trong đó phân biệt rõ số chi hợp lý, hợp lệ và có chứng từ chứng minh (số chi không hợp lệ, không có chứng từ thì phải tập hợp riêng và xuất toán theo chế độ quy định), theo nội dung chi sau đây:
a) Số tiền đã chi cho việc đào tạo Luật giao thông (tài liệu, giấy bút, giáo viên, kể cả tiền thuê hội trường trong trường hợp phải đi thuê), trừ (-) các khoản chi cho việc đào tạo tay nghề lái xe và các khoản chi khác không phục vụ trực tiếp cho việc đào tạo Luật giao thông (nếu hạch toán riêng được).
b) Các khoản chi thường xuyên cho việc thi (bao gồm thi về Luật giao thông đường bộ thi thực hành tay lái) và cấp bằng hoặc chứng chỉ lái xe cơ giới đường bộ và các khoản chi thường xuyên khác để thực hiện việc tổ chức thu lệ phí.
3- Xác định số tiền phải nộp ngân sách Nhà nước từ ngày 1/8/1995 - 31/5/1996 đối với từng khoản thu như sau:
a) Số tiền thu phí học Luật giao thông phải nộp ngân sách bằng (=) tổng số tiền thu phí học Luật giao thông, trừ (-) tổng số tiền đã chi thường xuyên cho việc đào tạo Luật giao thông hợp lý, hợp lệ (tiết a, điểm 2 nêu trên).
Trường hợp không hạch toán riêng được khoản chi phí cho việc đào tạo Luật giao thông nêu tại tiết a, điểm 2 hoặc đã chi bằng nguồn tiền thu lệ phí thi và cấp bằng lái xe thì toàn bộ số tiền thu phí đào tạo Luật giao thông phải nộp hết vào ngân sách Nhà nước.
b) Số tiền thu lệ phí thi và cấp bằng lái xe cơ giới phải nộp ngân sách (=) tổng số tiền thu lệ phí thi và cấp bằng lái xe, nhân (x) tỷ lệ (40%) nộp ngân sách quy định tại Thông tư số 28 TT/LB ngày 30/3/1993 của Liên Bộ Tài chính - Nội vụ.
Số tiền thu lệ phí thi và cấp bằng lái xe, sau khi trừ (-) số nộp ngân sách theo tỷ lệ trên, số còn lại (60%), đơn vị được sử dụng để trang trải các chi phí thường xuyên nêu tại tiết b, điểm 2 Công văn này và trích thưởng cho công nhân viên chức trực tiếp thực hiện việc tổ chức thi, cấp bằng lái xe và việc thu lệ phí đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, với mức thưởng tối đa bình quân 3 tháng lương cơ bản cấp bậc hoặc chức vụ theo chế độ Nhà nước quy định, nếu còn thừa thì phải nộp tiếp vào ngân sách Nhà nước.
Yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố kiểm tra, xác định đúng số tiền phải nộp, số đã nộp, số còn phải nộp và đôn đốc các đơn vị nộp ngân sách theo hướng dẫn trên đây. Kết quả cụ thể báo cáo về Bộ tài chính (Tổng cục thuế) chậm nhất ngày 15/11/1996.
| Nguyễn Sinh Hùng (Đã ký) |
BIỂU MẪU:
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THU, NỘP VÀ SỬ DỤNG LỆ PHÍ THI VÀ CẤP BẰNG LÁI XE CƠ GIỚI ĐƯỜNG BỘ
TT | Chỉ tiêu | Đơn vị tính | Phí đào tạo Luật giao thông | Lệ phí thi và cấp bằng lái xe |
1 | Tổng số người dự thi |
|
|
|
- | Từ 1/8/1995-31/5/1996 |
|
|
|
- | Từ 1/6/1996-30/9/1996 |
|
|
|
2 | Tổng số thu |
|
|
|
- | Từ 1/8/1995-31/5/1996 |
|
|
|
- | Từ 1/6/1996-30/9/1996 |
|
|
|
3 | Tổng số chi thường xuyên (tiết a,b điểm 2 công văn hướng dẫn) |
|
|
|
- | Từ 1/8/1995-31/5/1996 |
|
|
|
- | Từ 1/6/1996-30/9/1996 |
|
|
|
4 | Tình hình nộp ngân sách đến 31/5/1996 |
|
|
|
- | - Số phải nộp |
|
|
|
- | - Số đã nộp |
|
|
|
- | - Số chưa nộp |
|
|
|
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.